banner
 25/09/2018 04:02:17 PM

Gặp những nông dân tiêu biểu

Danh hiệu "Nông dân Việt Nam xuất sắc" là một trong những phần thưởng cao quý do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam trao tặng hằng năm, nhằm vinh danh những nông dân tiêu biểu, xuất sắc trên toàn quốc. Họ là những người đầy ý chí, nghị lực vượt khó, không chỉ để làm giàu cho bản thân mà họ còn là những người có đóng góp to lớn cho quê hương, đất nước trong công cuộc đổi mới, phát triển và hội nhập.
Ông Ngô Hữu Chánh đang chăm sóc vườn cây ăn quả của gia đình

Ở Quảng Ngãi có một số nông dân tiêu biểu xuất sắc, đại diện cho gần 170.000 hội viên nông dân của cả tỉnh được nhận phần thưởng cao quý, đầy vinh dự và tự hào này. Trong số đó, tôi đã được gặp một vài người và được lắng nghe, trao đổi cùng họ về kinh nghiệm sống cũng như thấy được những cái hay trong cuộc sống thường ngày của họ.

Người đầu tiên tôi muốn nhắc đến đó là anh nông dân Trương Minh (54 tuổi) ở thôn Châu Me, xã Đức Phong, huyện Mộ Đức. Anh là người đầu tiên cho ra đời cái "nhà máy xử lý rác thải" tư nhân có một không hai ở tỉnh Quảng Ngãi. Với ý nguyện góp sức nhỏ của mình vào công tác bảo vệ môi trường, đem lại bầu không khí xanh - sạch – đẹp cho diện mạo nông thôn ở địa phương nên anh nông dân Trương Minh đã cho ra đời một "nhà máy" xử lý rác thải ở tại địa phương từ năm 2011. Điều đáng nói là khi trong tay không có 1 tấm bằng cấp, cũng không có 1 đồng vốn "lận lưng" nào mà anh nông dân này dám đầu tư hơn nửa tỷ đồng – một con số không nhỏ so với những người nông dân như anh.

Anh Minh cho biết: Đức Phong là một xã ven biển, đông dân cư, trước đây, nguồn rác thải sinh hoạt ngổn ngang từ đầu làng đến cuối xóm, mùi hôi thối bốc lên nồng nặc quanh năm. Trước cảnh tượng đó, tôi đã tự mày mò, nghiên cứu và "thiết kế" nhà máy xử lý rác tại quê nhà. Nói là cái "nhà máy" cho oai thế thôi chứ thật ra là khu phân loại, tái chế và tiêu hủy rác thải, gồm: sân phơi, lò đốt có hệ thống sấy, kho chứa phế liệu, hầm ủ và hệ thống dẫn nước thải".

Rác sau khi phân loại, chất thải hữu cơ được đưa vào hầm ủ kỹ đến khi phân hủy hoàn toàn. Trước khi sử dụng, thì trộn với tro được lấy từ lò đốt để bón cho mía hay các loại cây hoa màu, đỡ tốn chi phí. Đối với nước thải, cho dẫn vào hầm chứa để phục vụ việc sản xuất phân, còn số bao ni lông sẽ được rửa sạch và bán phế liệu cho các khu tái chế. Cái "nhà máy rác" của lão nông Trương Minh đi vào hoạt động tính đến nay đã hơn 7 năm, được nhân dân trong xã đồng tình hưởng ứng. Hiện tại, mỗi ngày "nhà máy" này hoạt động liên tục hơn 10 giờ và tiêu hủy khoảng 4 tấn rác thải của nhân dân trong toàn xã. Anh đã trở thành "người hùng" đầu tiên ở địa phương trong việc "cứu" dân làng ra khỏi núi rác trước đây. Và, anh đại diện cho nông dân Quảng Ngãi được vinh danh "Nông dân Việt Nam xuất sắc" năm 2014 tại thủ đô Hà Nội.

Còn anh Phạm Hết ở xã Nghĩa An, TP Quảng Ngãi cũng là một trong 63 nông dân tiêu biểu của cả nước được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam vinh danh "Nông dân xuất sắc năm" 2016. Anh Hết là gương nông dân điển hình về lòng dũng cảm, sự gan dạ trước tình hình bị tàu lạ tấn công trên ngư trường, anh quyết bám biển, bám ngư trường Hoàng Sa để đánh bắt, mang lại nguồn thu nhập để nuôi sống gia đình và còn là góp sức mình trong bảo vệ chủ quyền biển, đảo Việt Nam.

Trong những năm gần đây, tàu anh Hết đã cung cấp cho Biên phòng nhiều tin quý giá liên quan đến an ninh biển đảo, 6 lần gặp tàu lạ, anh đã mưu trí, thông báo cho các tổ đội tàu đoàn kết lại, cùng nhau đối phó để khỏi bị tàu lạ tấn công, làm thiệt hại người và tài sản. Khi gặp tàu bị nạn trên biển, tàu anh đã tận tình cứu giúp thuyền viên, lai dắt tàu nạn cập bến an toàn. Đặc biệt, vào tháng 12 năm 2014, tàu anh đã cứu 12 thuyền viên người nước ngoài bị trôi dạt ở Trường Sa, đồng thời điện đàm, thông báo cho Tổng đài Duyên hải Miền Trung và Bộ Ngoại giao biết, có biện pháp giúp đỡ. Việc làm này của anh đã khiến cho Bộ Ngoại giao nước bạn vô cùng cảm kích, để lại ấn tượng tốt đẹp về hình ảnh người ngư dân Việt Nam.

Ông Ngô Hữu Chánh (57 tuổi) ở xã Hành Minh, huyện Nghĩa Hành là một điển hình nông dân trong phong trào thi đua sản xuất kinh doanh giỏi của tỉnh và liên tục đạt danh hiệu SXKD giỏi cấp Trung ương trong 5 năm liền (2012 – 2017).

Với mô hình Vườn – Ao – Chuồng và cách bố trí, luân canh các loại cây, con giống hợp lý theo địa hình và thổ nhưỡng ở vùng đất cằn mà hàng năm đã cho thu nhập hơn 500 triệu đồng, giải quyết việc làm thường xuyên cho 10 lao động và hàng chục lao động nông nhàn theo thời vụ ở địa phương.

Ông Chánh chia sẻ: Muốn làm ăn có hiệu quả, điều trước tiên là phải chịu khó học hỏi, nắm vững kiến thức thú y trong chăn nuôi để chủ động phòng, chống dịch bệnh có thể xảy ra và điều cần nhất là phải có sự quyết tâm, mạnh dạn vay vốn để đầu tư sản xuất kinh doanh. Ngoài ra, cần phải có sự liên kết với các đơn vị, doanh nghiệp, các tổ chức Hội đoàn thể ở địa phương, nhất là tổ chức Hội Nông dân các cấp để nắm bắt thông tin, tiến bộ khoa học kỹ thuật và giá cả thị trường để tìm hướng ra cho sản phẩm ổn định.

Vì vậy mà trong những năm gần đây, giá cả thị trường của các mặt hàng nông sản trong tỉnh bấp bênh nhưng riêng gia đình ông Chánh vẫn có thu nhập ổn định từ 300 - 400 triệu đồng mỗi năm. Riêng trong năm 2017, ông có thu nhập hơn 500 triệu đồng từ chăn nuôi heo, gà vịt và cây ăn quả các loại. Ông là một trong 69 nông dân tiêu biểu của cả nước được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen tại Hội nghị biểu dương nông dân sản xuất kinh doanh giỏi toàn quốc lần thứ V năm 2017.

Được gặp 3 trong những nông dân dân điển hình, tiêu biểu ở Quảng Ngãi nêu trên, tôi thầm nghĩ, có nhiều ý tưởng để làm giàu, nhưng làm giàu chính đáng và làm giàu bền vững là điều không phải dễ. Song, điều quan trọng hơn nữa là cần lắm những con người không phải làm giàu riêng cho chính bản thân họ mà còn là sự hy sinh, đóng góp sức mình cho sự phát triển chung của quê hương, đất nước như anh nông dân Trương Minh hay anh Phạm Hết là điều đáng trân trọng, đáng nêu gương cho lớp trẻ noi theo./. 

Đồng Xuân
Video
Thống kê truy cập
Đang online
126
Hôm nay
739
Tháng này
209,081
Tổng truy cập
2,537,489