banner
 18/06/2019 09:27:10 PM

Đề cương gợi ý một số nội dung chính các câu hỏi thi viết Cuộc thi tìm hiểu lịch sử Đảng bộ tỉnh Quảng Ngãi, giai đoạn 1930 - 2020

 ĐỀ CƯƠNG

GỢI Ý MỘT SỐ NỘI DUNG CHÍNH CÁC CÂU HỎI THI VIẾT CUỘC THI

TÌM HIỂU LỊCH SỬ ĐẢNG BỘ TỈNH QUẢNG NGÃI, GIAI ĐOẠN 1930 - 2020

 

Câu 1. Trình bày sự thành lập Đảng bộ tỉnh Quảng Ngãi và ý nghĩa của sự kiện này?

          Mục đích: Làm rõ yêu cầu thực tiễn và quá trình vận động cách mạng dẫn đến sự thành lập Đảng bộ tỉnh Quảng Ngãiý nghĩa đặc biệt quan trọng của sự kiện này đối với phong trào cách mạng tỉnh nhà.

Yêu cầu: Bài dự thi phải nêu được:

- Bối cảnh lịch sử của đất nước và tỉnh Quảng Ngãi những năm đầu thế kỷ XX, nhất là trong những năm 1920 - 1927: cũng như các tỉnh trên cả nước, phong trào đấu tranh yêu nước của nhân dân Quảng Ngãi tiếp tục phát triển với nhiều hình thức, tuy nhiên, các cuộc đấu tranh đó đều lâm vào khủng hoảng sâu sắc về đường lối và giai cấp lãnh đạo. Trong bối cảnh đó, cụ Trần Kỳ Phong và một số thanh niên trí thức yêu nước, tiến bộ của Quảng Ngãi tiếp thu được ánh sáng của Cách mạng Tháng Mười Nga và tuyên truyền, phổ biến trong tỉnh, dẫn đến sự hình thành của nhiều tổ chức yêu nước tiến bộ, tiêu biểu là sự thành lập, hoạt động và ảnh hưởng của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên tỉnh Quảng Ngãi đối với phong trào đấu tranh của các tầng lớp nhân dân trong tỉnh.

- Trong quá trình hoạt động thực tiễn, tổ chức Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên tỉnh Quảng Ngãi nhận thức được sự cần thiết phải có tổ chức Đảng Cộng sản mới có thể đưa phong trào cách mạng tiếp tục phát triển theo khuynh hướng vô sản, từ đó dẫn đến sự thành lập của tổ chức Dự bị Cộng sản, tiền thân của Đảng bộ tỉnh vào cuối nửa năm 1929.

- Tháng 3-1930, chi bộ cộng sản đầu tiên của Đảng bộ Cộng sản Quảng Ngãi được thành lập tại làng Tân Hội (xã Phổ Phong, Đức Phổ), bầu Tỉnh ủy lâm thời do đồng chí Nguyễn Nghiêm làm Bí thư.

Ý nghĩa của sự kiện thành lập Đảng bộ tỉnh Quảng Ngãi:

- Sự ra đời của Đảng bộ tỉnh Quảng Ngãi là sự kiện chính trị đánh dấu bước chuyển biến rất cơ bản của phong trào cách mạng ở các địa phương trong tỉnh, là kết quả tất yếu quá trình đấu tranh cách mạng bền bỉ, tinh thần yêu nước nồng nàn của nhân dân và các chiến sĩ cộng sản tỉnh Quảng Ngãi.

          - Mở ra thời kỳ mới của phong trào cách mạnh toàn tỉnh, chấm dứt thời kỳ khủng hoảng về đường lối cứu nước và giai cấp lãnh đạo cách mạng. Từ đây, cuộc đấu tranh của các tầng lớp nhân dân Quảng Ngãi đều có sự lãnh đạo, chỉ đạo thống nhất của một tổ chức cách mạng tiên phong đó là Đảng bộ tỉnh Quảng Ngãi. Ngay sau khi thành lập, Đảng bộ đã trực tiếp lãnh đạo, phát động quần chúng đứng lên đấu tranh chống thực dân Pháp và tay sai và giành được những thắng lợi quan trọng.

Câu 2. Từ khi thành lập đến năm 2019, Đảng bộ tỉnh Quảng Ngãi đã tổ chức bao nhiêu kỳ Đại hội? Nêu cụ thể thời gian tổ chức các Đại hội. Kể tên các đồng chí Bí thư, quyền Bí thư Tỉnh ủy qua các thời kỳ?

Yêu cầu: Bài dự thi phải nêu được từ năm 1930 đến năm 2019, Đảng bộ tỉnh Quảng Ngãi đã tổ chức 19 kỳ Đại hội và có 36 đồng chí Bí thư, Quyền Bí thư Tỉnh ủy qua các thời kỳ, cụ thể:

I/ Các kỳ Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh:

1. Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ I:

Tháng 6-1930, tại Hùng Nghĩa (Phổ Phong, huyện Đức Phổ). Đồng chí Nguyễn Nghiêm được bầu làm Bí thư.

2. Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ II:

Tháng 6-1946, tại xã Tịnh An (huyện Sơn Tịnh). Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh có 15 đồng chí. Đồng chí Nguyễn Hồng Châu được bầu làm Bí thư. 

3. Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ III:

a/ Vòng 1: Tháng 2-1949 tại xã Hành Đức (huyện Nghĩa Hành). Đồng chí Trương Quang Tuân được bầu làm Bí thư Tỉnh ủy.

          b/ Vòng 2: Từ ngày 14 đến ngày 20-3-1950, tại xã Tịnh Sơn (huyện Sơn Tịnh). Ban Chấp hành Đảng bộ có 15 đồng chí. Đồng chí Trần Văn An được bầu làm Bí thư.

4. Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ IV:

          Từ ngày 26-3 đến ngày 12-4-1952, tại xã Đức Chánh (huyện Mộ Đức). Ban Chấp hành Đảng bộ có 19 đồng chí. Đồng chí Phạm Xuân Hoà được bầu làm Bí thư.

5. Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ V:

Từ ngày 20 đến ngày 28-2-1960 tại xã Trà Trung (huyện Trà Bồng, nay thuộc huyện Tây Trà). Ban Chấp hành Đảng bộ có 15 đồng chí (trong đó có 4 dự khuyết). Đồng chí Nguyễn Quang Lâm (Tám Tú) được bầu làm Bí thư.

6Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ VI:

 Tháng 1-1965 tại xã Ba Điền (huyện Ba Tơ). Ban Chấp hành Đảng bộ có 15 đồng chí. Đồng chí Trần Kiên được bầu làm Bí thư.

7. Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ VII:

Từ ngày 27 đến ngày 30-10-1968 tại xã Sơn Linh (huyện Sơn Hà). Ban Chấp hành Đảng bộ có 29 đồng chí (trong đó có 1 dự khuyết). Đồng chí Phạm Thanh Biền (tức Phạm Xuân Thưởng) được bầu làm Bí thư.

8. Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ VIII:

          Từ ngày 4 đến ngày 6-11-1970 tại Măng Xinh (huyện Trà Bồng, nay thuộc huyện Tây Trà). Ban Chấp hành Đảng bộ có 31 đồng chí (có 7 dự khuyết). Đồng chí Phạm Thanh Biền được bầu làm Bí thư.

9. Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ IX:

Từ ngày 27-8 đến ngày 31-8-1973 tại xã Nghĩa Lâm (huyện Tư Nghĩa). Ban Chấp hành Đảng bộ có 31 đồng chí (có 5 dự khuyết). Đồng chí Lê Tấn Toả (Võ Hanh) được bầu làm Bí thư.

10/ Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Nghĩa Bình lần thứ I (Đại hội lần thứ X): 

          a/ Vòng 1: Từ ngày 18 đến ngày 20-11-1976 tại Quy Nhơn, nội dung góp ý Dự thảo các Văn kiện và bầu đoàn đại biểu của Đảng bộ tỉnh Nghĩa Bình dự Đại hội đại biểu lần thứ IV của Đảng.         

b/ Vòng 2: Từ ngày 23 đến ngày 27-3-1977 tại Quy Nhơn. Ban Chấp hành Đảng bộ có 35 đồng chí (trong đó có 2 dự khuyết). Đồng chí Võ Văn Đinh được bầu làm Quyền Bí thư.

11. Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Nghĩa Bình lần thứ II (Đại hội lần thứ XI): 

Từ ngày 7 đến ngày 11-11-1979 tại Quy Nhơn. Ban Chấp hành Đảng bộ có 45 đồng chí (trong đó có 4 dự khuyết). Đồng chí Nguyễn Quang Lâm được bầu làm Bí thư.

          12. Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Nghĩa Bình lần thứ III (Đại hội lần thứ XII): 

a/ Vòng 1: Từ ngày 9 đến ngày 17-1-1982 tại Quy Nhơn, nội dung góp ý Dự thảo các Văn kiện và bầu đoàn đại biểu của Đảng bộ tỉnh Nghĩa Bình dự Đại hội đại biểu lần thứ V của Đảng.

2/ Vòng 2: Từ ngày 31-1 đến ngày 5-2-1983 tại Quy Nhơn. Ban Chấp hành có 47 đồng chí (trong đó có 2 dự khuyết). Đồng chí Đỗ Quang Thắng được bầu làm Bí thư.

13. Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Nghĩa Bình lần thứ IV (Đại hội lần thứ XIII): 

Từ ngày 10 đến ngày 14-10-1986 tại Quy Nhơn. Ban Chấp hành Đảng bộ có 65 đồng chí (trong đó có 15 dự khuyết). Đồng chí Đỗ Quang Thắng được bầu làm Bí thư.

14. Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Quảng Ngãi lần thứ XIV:

 a/ Vòng 1: Từ ngày 24 đến ngày 28-4-1991 tại Nhà Văn hoá Lao động tỉnh, nội dung góp ý Dự thảo các Văn kiện và bầu đoàn đại biểu của Đảng bộ tỉnh Quảng Ngãi đi dự Đại hội đại biểu lần thứ VII của Đảng.

b/ Vòng 2: Từ ngày 17 đến ngày 20-10-1991 tại nhà Văn hoá Lao động tỉnh. Ban Chấp hành Đảng bộ có 41 đồng chí. Đồng chí Đỗ Minh Toại được bầu làm Bí thư.

15. Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Quảng Ngãi lần thứ XV:

Từ ngày 6 đến ngày 10-5-1996 tại nhà Văn hoá Lao động tỉnh. Ban Chấp hành Đảng bộ có 45 đồng chí. Đồng chí Võ Đức Huy được bầu làm Bí thư.

16. Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Quảng Ngãi lần thứ XVI:

Từ ngày 2 đến ngày 4-3-2001 tại Nhà Văn hóa Lao động tỉnh. Ban Chấp hành Đảng bộ có 45 đồng chí. Đồng chí Võ Đức Huy được bầu làm Bí thư.

17. Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Quảng Ngãi lần thứ XVII:

Từ ngày 14 đến ngày 16-12-2005 tại Hội trường Công an tỉnh. Ban Chấp hành Đảng bộ có 49 đồng chí. Đồng chí Hồ Nghĩa Dũng được bầu làm Bí thư.

18. Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Quảng Ngãi lần thứ XVIII:

Từ ngày 28 đến ngày 30-9-2010 tại Nhà Văn hóa Lao động. Ban Chấp hành Đảng bộ có 55 đồng chí. Đồng chí Nguyễn Hòa Bình được bầu làm Bí thư.

19. Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Quảng Ngãi lần thứ XIX:

Từ ngày 21 đến ngày 23-10-2015 tại Nhà Văn hóa Lao động. Ban Chấp hành Đảng bộ có 55 đồng chí. Đồng chí Lê Viết Chữ được bầu làm Bí thư.

II/ Các đồng chí Bí thư, Quyền Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi qua các thời kỳ:

1. Đồng chí Nguyễn Nghiêm, Bí thư Tỉnh ủy từ tháng 3/1930 - 4/1931.

2. Đồng chí Phan Thái Ất, Bí thư Tỉnh ủy từ tháng 4/1931 - 7/1931.

3. Đồng chí Võ Sỹ, Bí thư Tỉnh ủy từ tháng 1/1932 - giữa năm 1932.

4. Đồng chí Phạm Quy, Bí thư Tỉnh ủy từ tháng 3/1933 - 1934.

5. Đồng chí Phạm Xuân Hòa, Bí thư Tỉnh ủy từ 1934 - 5/1935, 4/1951 - 1953;

Quyền Bí thư từ 1954 - 2/1955.

          6. Đồng chí Nguyễn Công Phương, Bí thư Tỉnh ủy từ cuối năm 1935 - 1936.

7. Đồng chí Phạm Trung Mưu, Bí thư Tỉnh ủy từ cuối năm 1936 - 1937.

8. Đồng chí Nguyễn Trí, Bí thư Tỉnh ủy từ năm 1937 - 1938 .

          9. Đồng chí Nguyễn Thành Nghi, Bí thư Tỉnh ủy từ tháng 3/1938 - 9/1939.

10. Đồng chí Nguyễn Chánh, Bí thư Tỉnh ủy từ 9/1939 - 10/1939.

11. Đồng chí Võ Xuân Hào, Bí thư Tỉnh ủy từ 4/1940 - 4/1941.

12. Đồng chí Huỳnh Tấu, Bí thư Tỉnh ủy từ 5/1943 - 8/1943.

13. Đồng chí Trương Quang Giao, Bí thư Tỉnh ủy từ 12/1944 - 9/1945.

14. Đồng chí Trần Quý Hai, Bí thư Tỉnh ủy từ  9/1945 - 2/1946.

15. Đồng chí Huỳnh Viết, Quyền Bí thư Tỉnh ủy từ tháng 3 - 6/1946.

16. Đồng chí Nguyễn Hồng Châu, Bí thư Tỉnh ủy từ 6/1946 - 5/1947.

17. Đồng chí Trương Quang Tuân, Bí thư Tỉnh ủy từ 5/1947 - 9/1949.

18. Đồng chí Trần Văn An, Quyền Bí thư, Bí thư Tỉnh ủy từ 9/1949 – 1951

19. Đồng chí Nguyễn Quang Lâm, Bí thư Tỉnh ủy từ 10/1955 - 10/1960;

Bí thư Tỉnh ủy Nghĩa Bình từ  3/1978 - 12/1979.

20. Đồng chí Phạm Thanh Biền, Bí thư Tỉnh ủy từ 11/1960 -1961 và 4/1965-1971.

21. Đồng chí Nguyễn Hữu Nghĩa, Bí thư Tỉnh ủy từ 1/1962 - đầu 1964.

22. Đồng chí Võ Phấn, Bí thư Tỉnh ủy năm 1964.

23. Đồng chí Trần Kiên, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi từ tháng 1- 4/1965,

Bí thư Tỉnh ủy Nghĩa Bình từ 12/1980 - 4/1982.

24. Đồng chí Lê Tấn Tỏa, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi từ 10/1971 - 12/1975

Bí thư Tỉnh ủy Nghĩa Bình từ 1/1976 - 7/1977.

25. Đồng chí Võ Văn Đinh, Quyền Bí thư Tỉnh ủy Nghĩa Bình từ 1/1980 - 12/1980.

26. Đồng chí Võ Trung Thành, Bí thư Tỉnh ủy Nghĩa Bình từ 4/1982 - 7/1982

27. Đồng chí Đỗ Quang Thắng, Bí thư Tỉnh ủy Nghĩa Bình từ 8/1982 - 6/1989

Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi từ 6/1989 - 7/1991

28. Đồng chí Võ Trọng Nguyễn, Quyền Bí thư Tỉnh ủy từ 6 - 11/1991.

29. Đồng chí Đỗ Minh Toại, Bí thư Tỉnh ủy từ 1991 - 1996.

30. Đồng chí Võ Đức Huy, Bí thư Tỉnh ủy từ 5/1996 - 3/2002.

31. Đồng chí Hồ Nghĩa Dũng, Bí thư Tỉnh ủy từ  9/2002 - 7/2006.

32. Đồng chí Phạm Đình Khối, Quyền Bí thư, Bí thư Tỉnh ủy từ  7/2006 - 6/2010.

33. Đồng chí Nguyễn Hòa Bình, Bí thư Tỉnh ủy từ  6/2010 - 8/2011.

34. Đồng chí Võ Văn Thưởng, Bí thư Tỉnh ủy từ  8/2011 - 4/2014.

35. Đồng chí Nguyễn Minh, Quyền Bí thư Tỉnh ủy từ 4/2014 - 2/2015.

36. Đồng chí Lê Viết Chữ, Bí thư Tỉnh ủy từ  2/2015 đến nay.

Câu 3. Những thắng lợi tiêu biểu của phong trào cách mạng tỉnh Quảng Ngãi giai đoạn 1930 - 1975 dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh Quảng Ngãi?

Mục đích: Làm rõ những thắng lợi tiêu biểu, có ý nghĩa quan trọng đối với phong trào cách mạng tỉnh Quảng Ngãi dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh giai đoạn 1930 - 1975, góp phần cùng cả nước hoàn thành cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, thống nhất đất nước.

Yêu cầu: Bài dự thi phải lựa chọn được những thắng lợi có tính chất tiêu biểu của phong trào cách mạng tỉnh Quảng Ngãi giai đoạn 1930 - 1975, trình bày được hoàn cảnh lịch sử, diễn ra sự kiện, kết quả, ý nghĩa của những thắng lợi đó, cụ thể:

1. Cuộc biểu tình chiếm Huyện đường Đức Phổ

- Nêu bối cảnh phong trào đấu tranh cách mạng trong cả nước và trong tỉnh; sự chỉ đạo của Trung ương Đảng, Xứ ủy Trung Kỳ và Đảng bộ tỉnh Quảng Ngãi nhằm chia lửa với phong trào đấu tranh của nhân dân Nghệ - Tĩnh. Việc thực hiện Nghị quyết của Tỉnh ủy tại Đức Phổ và các địa phương khác.

- Trình bày diễn biến cuộc biểu tình diễn chiếm và làm chủ Huyện đường Đức Phổ từ tối ngày 7-10 đến 7 giờ sáng ngày 8-10-1930. Đồng thời, nêu sự phối hợp, ủng hộ của các huyện bạn đối với cuộc đấu tranh của nhân dân huyện Đức Phổ.

- Cuộc biểu tình của nhân dân Đức Phổ nổ ra ở trung tâm huyện lỵ, trực tiếp đánh vào chính quyền thực dân, đế quốc và bè lũ tay sai đã giành thắng lợi vang dội. Thắng lợi trên đã làm nên một nét son lịch sử trọng đại trong lịch sử chung của cả nước và riêng của tỉnh Quảng Ngãi, được Thường vụ Trung ương Đảng khẳng định: “Rồi tới Quảng Ngãi, tuy phong trào chưa bằng Nghệ Tĩnh, nhưng nó vẫn là mạnh nhất trong phía Nam Trung kỳ”.

2. Khởi nghĩa Ba Tơ

- Nêu bối cảnh lịch sử trong nước, trong tỉnh và phong trào cách mạng ở huyện Ba Tơ; chủ trương và sự chỉ đạo của Tỉnh ủy lâm thời. Công tác chuẩn bị để sẵn sàng khởi nghĩa giành chính quyền khi thời cơ đến.

- Trình bày diễn biến cuộc khởi nghĩa Ba Tơ dưới sự chỉ đạo của Ban Chỉ huy khởi nghĩa.

          - Cuộc khởi nghĩa Ba Tơ kết thúc thắng lợi nhanh chóng và không có đổ máu. Chính quyền địch tại Ba Tơ đã bị đập tan, chính quyền cách mạng được thiết lập.

          - Thành lập Đội du kích Ba Tơ.

3. Tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong toàn tỉnh tháng 8 năm 1945

- Nêu sự phát triển phong trào cách mạng ở Quảng Ngãi sau những lần tập dượt đấu tranh giai đoạn 1930 - 1931, 1936 - 1939 và trực tiếp là 1939 - 1945. Sự chỉ đạo của Trung ương và Tỉnh ủy, công tác chuẩn bị cho tổng khởi nghĩa giành chính quyền khi thời cơ đến.

- Trình bày diễn biến cuộc khởi nghĩa giành chính quyền vào tháng Tám năm 1945 ở các địa phương trong toàn tỉnh.

- Trình bày những nét riêng, độc đáo của Tổng khởi nghĩa giành chính quyền ở Quảng Ngãi.

4. Khởi nghĩa Trà Bồng và miền Tây Quảng Ngãi

- Nêu tình hình phong trào cách mạng trong tỉnh, nhất là từ khi Nghị quyết 15-NQ/TW của Trung ương được Tỉnh ủy quán triệt và chỉ đạo thực hiện.

- Trình bày diễn biến của cuộc khởi nghĩa Trà Bồng và miền Tây Quảng Ngãi.

- Cuộc khởi nghĩa Trà Bồng và miền Tây Quảng Ngãi là cuộc khởi nghĩa vũ trang diễn ra sớm, góp phần mở đầu phong trào Đồng khởi ở miền Nam. Cuộc khởi nghĩa giành thắng lợi đã mở rộng vùng căn cứ giải phóng, đánh dấu bước phát triển mới của cách mạng miền Nam. Đây là minh chứng cho sự sáng suốt và đúng đắn của đường lối cách mạng miền Nam do Đảng ta đề ra.

5. Chiến thắng Ba Gia

- Nêu sự chỉ đạo của Quân ủy Trung ương, Khu ủy và Tỉnh ủy và mở chiến dịch Ba Gia (còn gọi là chiến dịch Tây Sơn Tịnh).

- Trình bày diễn biến của Chiến thắng Ba Gia.

- Sau ba ngày đêm chiến đấu, các lực lượng vũ trang của ta đã tiêu diệt nhiều sinh lực địch, gây cho chúng thiệt hại nặng nề. Chiến thắng Ba Gia là một mốc son lịch sử trong chiến công của quân và dân khu V, góp phần đánh bại chiến lược Chiến tranh đặc biệt của đế quốc Mỹ.

6. Chiến thắng Vạn Tường

- Nêu tình hình cách mạng trong tỉnh sau chiến thắng Ba Gia; âm mưu của địch và chủ trương của ta.

- Trình bày diễn biến của Chiến thắng Vạn Tường.

- Sau một ngày đêm phối hợp chiến đấu quyết liệt, quân và dân ta đã đánh bại hoàn toàn cuộc hành quân lớn của quân đội Mỹ. Chiến thắng Vạn Tường có ý nghĩa lịch sử to lớn, chứng tỏ một cách hùng hồn rằng quân đội ta hoàn toàn có khả năng đánh bại được quân đội Mỹ trong điều kiện chúng có mọi ưu thế tuyệt đối về binh khí, hỏa lực so với quân đội ta.

7. Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân năm 1968

- Nêu chủ trương của Bộ Chính trị về tổng công kích, tổng khởi nghĩa và chủ trương, sự lãnh đạo của Tỉnh ủy.

- Trình bày diễn biến của cuộc tống tiến công và nổi dậy ở Quảng Ngãi bắt đầu từ 2 giờ 30 phút đêm Giao thừa, rạng ngày mùng một, Tết Mậu Thân (theo lịch miền Nam).

- Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân của quân và dân tỉnh Quảng Ngãi đã gây cho địch thiệt hại nặng nề, góp phần cùng nhân dân toàn miền Nam làm lung lay ý chí xâm lược của đế quốc Mỹ, buộc chúng từng bước thực hiện chiến lược phi Mỹ hóa chiến tranh, chấp nhận đàm phán với ta và hạn chế ném bom đánh phá miền Bắc.

8. Tổng tấn công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975

- Nêu tình hình phong trào cách mạng trong tỉnh cuối năm 1974, đầu năm 1975; sự chỉ đạo của Trung ương, Tỉnh ủy và công tác chuẩn bị giải phóng hoàn toàn tỉnh nhà.

- Trình bày diễn biến chiến dịch tiến công, nổi dậy tiêu diệt và làm tan rã toàn bộ ngụy quân, ngụy quyền ở các địa phương trong tỉnh, giành chính quyền về tay nhân dân.

Cuộc tấn công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 ở Quảng Ngãi là một mốc son chói lọi trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ quê hương, góp phần cùng nhân dân cả nước hoàn thành sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất Tổ quốc, bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên độc lập, thống nhất và đi lên CNXH.

 

Câu 4. Những thành tựu tiêu biểu của Đảng bộ và nhân dân tỉnh Quảng Ngãi từ sau ngày giải phóng 30/4/1975 đến năm 2019

Bài dự thi phải khái quát được những thành tựu có tính chất tiêu biểu và toàn diện của tỉnh Quảng Ngãi, nhất là trong 30 năm tái lập tỉnh trên tất cả các lĩnh vực: Kinh tế (các lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp, thương mại, dịch vụ; xây dựng kết cấu hạ tầng; chuyển dịch cơ cấu kinh tế...), văn hóa-xã hội (văn hóa, y tế, giáo dục, các chính sách xã hội, phát triển nguồn nhân lực, quản lý, khai thác, sử dụng tài nguyên môi trường...), quốc phòng-an ninh (công tác quốc phòng-an ninh, mở rộng hợp tác quốc tế...), xây dựng Đảng và hệ thống chính trị (xây dựng Đảng, chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể nhân dân...)... Trong từng lĩnh vực cần nêu dẫn chứng cụ thể để làm rõ các thành tựu đạt được (Tham khảo Đề cương tuyên truyền Kỷ niệm 30 năm Ngày tái lập tỉnh Quảng Ngãi (01/7/1989 - 01/7/2019) của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đăng trên Cổng thông tin điện tử Đảng bộ tỉnh).

Câu 5: Cảm nhận của anh (chị) về một nhân vật, phong trào, sự kiện lịch sử hay những đổi thay có tính đột phá của tỉnh Quảng Ngãi, cho thấy sự lãnh đạo linh hoạt, sáng tạo của Đảng bộ tỉnh trong 89 năm (1930 - 2019); đồng thời gợi ý một số đề xuất, góp phần xây dựng tỉnh Quảng Ngãi ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại.

Yêu cầu: Bài dự thi phải trình bày đầy đủ 2 phần:

- Phần 1: Lựa chọn và trình bày được cảm nhận của bản thân về một trong những nội dung sau:

+ Một nhân vật lịch sử.

+ Một phong trào hoặc một sự kiện lịch sử.

+ Những đổi thay có tính đột phá, thể hiện sự lãnh đạo linh hoạt, sáng tạo của Đảng bộ tỉnh trong 89 năm qua.

          - Phần 2: Nêu một số đề xuất của cá nhân nhằm góp phần xây dựng tỉnh Quảng Ngãi ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại./.

BAN TỔ CHỨC CUỘC THI

(--->tải Đề cương về tại đây)

---

Nguồn: Cổng thông tin Đảng bộ tỉnh Quảng Ngãi
Video
Thống kê truy cập
Đang online
87
Hôm nay
603
Tháng này
209,083
Tổng truy cập
2,487,790