banner
 02/09/2021 04:08:59 PM

Gương sáng về anh nông dân trẻ làm theo lời Bác

Vì xuất thân trong một gia đình nghèo nông dân nghèo nên anh Nguyễn Phú Thường (sinh năm 1983), hội viên nông dân thôn An Điềm 2, xã Bình Chương, huyện Bình Sơn thấu hiểu được sự khó khăn, thiếu thốn của mình trước đây cho nên khi đã có cuộc sống khấm khá, anh Thường lại cưu mang, giúp đỡ những cụ già neo đơn, học sinh cơ nhỡ và đặc biệt là anh còn tạo việc làm và thu nhập ổn định cho những thanh niên lầm lỡ để có cơ hội tái hòa nhập cộng đồng, làm người có ích cho gia đình và xã hội.
Anh Thường (đội mũ trắng, phía trong) đang làm việc bên xưởng sản xuất gỗ của gia đình

Anh Thường cho biết: Vì nhà nghèo nên học hết lớp 12 thì đành rời xa sách vở để tự tìm hướng phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho gia đình. Ngày đầu lập nghiệp với hai bàn tay trắng, anh Thường làm đủ nghề để kiếm sống và cũng đã có thời gian tha hương, đi vào các tỉnh phía nam buôn bán, làm thuê… Thế nhưng anh Thường nhận thấy không ở đâu bằng “nơi chôn nhau cắt rốn” của mình, vì thế mà Thường đã trở về quê tìm hướng làm ăn theo phương châm “bền vững và hiệu quả”.

Năm 2013, sau khi lập gia đình, với số tiền dành dụm ít ỏi của hai vợ chồng trẻ, anh Thường vay mượn thêm anh, em, bạn bè để mở xưởng mộc dân dụng tại gia đình. Bước đầu, xưởng mộc cũng tạo ra nhiều sản phẩm đồ gỗ dân dụng đẹp và chất lượng, được nhiều khách hàng trong huyện đến mua và giới thiệu xuất bán ra các địa phương lân cận. Nhờ vậy mà nguồn thu nhập của anh nông dân trẻ ngày một được nâng lên.

Tuy nhiên, anh Thường lại nung nấu ý chí và quyết tâm đưa sản phẩm của mình vươn xa hơn ở các thị trường ngoài tỉnh. Vì vậy mà vợ chồng đã bàn bạc với nhau vay vốn để đầu tư máy móc, công nghệ hiện đại hơn trong sản xuất, kinh doanh.

Năm 2016, được Ngân hàng Chính sách xã hội huyện cho vay 50 triệu đồng từ nguồn vốn hỗ trợ giải quyết việc làm cho thanh niên ở địa phương, anh Thường đầu tư vào việc mở rộng xưởng gỗ gia đình và bắt đầu vào các tỉnh phía Nam để tìm hiểu thị trường gia công gỗ lạng (gỗ cho ngành công nghiệp xuất khẩu).

Đến năm 2018, anh Thường tiếp tục vay vốn từ Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện 200 triệu đồng để đầu tư máy móc, trang thiết bị cho việc sản xuất, gia công, sơ chế ván gỗ ép để xuất khẩu. Hiện tại, xưởng gỗ của anh Thường giải quyết việc làm thường xuyên cho 20 lao động tại địa phương với mức lương từ 6,5 triệu đến hơn 10 triệu đồng/người/tháng.

Anh Nguyễn Phú Thường chia sẻ: Những năm trước, việc trồng và khai thác gỗ keo lai của bà con nông dân trong huyện và một số vùng lân cận luôn gặp khó khăn vì giá đầu ra rất bấp bênh cho nên mình đi vào các tỉnh phía Nam và phía Bắc để tìm hiểu thị trường về các mặt hàng dân dụng bằng gỗ thì mình thấy việc sơ chế gỗ để bán cho các nhà máy, khu chế xuất để làm ván ép công nghiệp ở các tỉnh phía Nam như: Bến Tre, Cần Thơ và một số tỉnh phía Bắc là rất lớn. Từ đó mình đã liên kết với một số nhà máy, khu chế suất gỗ ván ép để về quê thu mua gỗ keo và sơ chế ban đầu (xẻ lạng thân cây thành miếng ván mỏng, phơi khô) rồi cung cấp cho các nhà máy, khu chế xuất này.

Từ năm 2018 đến nay xưởng gỗ của anh Thường luôn tấp nập xe và người ra vô để cung cấp gỗ keo và chở thành phẩm của xưởng đem bán ở các tỉnh, thành trong cả nước. Nhờ vậy mà xưởng gỗ ngày một “ăn nên làm ra”, thu nhập hàng năm, sau khi trừ chi phí từ 300 – 500 triệu đồng.

Anh Nguyễn Phú Thường đang gọi điện trao đổi với khách hàng.

Để việc sơ chế ván gỗ đảm bảo nguồn cung ổn định cho các nhà máy, anh Thường đã liên kết với 3 xưởng gỗ khác trong xã để trao đổi thông tin, giá cả thị trường cũng như cam kết đảm bảo chất lượng của sản phẩm nhằm giữ “uy tín” với các nhà máy, khu chế suất theo hướng “ổn định, bền vững” để thu nhập của năm sau cao hơn năm trước.

Chẳng những năng động, sáng tạo và làm kinh tế giỏi mà anh nông dân trẻ Nguyễn Phú Thường còn là tấm gương sáng trong Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Chủ tịch Hồ Chí Minh ở địa phương. Hằng năm anh Thường tham gia đóng góp các Quỹ vì người nghèo, Quỹ đền ơn đáp nghĩa. Bên cạnh đó, anh còn nhận phụng dưỡng lão ông Trần Ngọc Châu (97 tuổi) là người già neo đơn, không nơi nương tựa trong thôn đã gần 10 năm nay. Đặc biệt là trong số 20 lao động tại xưởng gỗ của anh Thường thì có một số thanh niên cơ nhỡ, lầm lỡ, sau cải tạo được ông chủ trẻ này nhận làm công nhân để tạo việc làm, giúp họ lấy lại niềm tin, động lực để hoàn lương và tái hòa nhập với cộng đồng.

Chàng thanh niên Phạm Văn Huy (32 tuổi) ở xã Bình Chương là một trong những thanh niên ấy tâm sự: “Em mồ côi cha mẹ từ nhỏ, ở với bà ngoại nên ham chơi, nghe bạn bè rủ rê đi đánh lộn cho nên bị đi trại cải tạo hơn 10 năm. Sau khi về, việc tìm một việc làm là rất khó nhưng nhờ anh Thường thu nhận về làm việc tại xưởng gỗ này em rất vui như mình được sinh ra lần nữa. Giờ đây em có việc làm ổn định với mức lương hơn 10 triệu đồng/tháng, em đã tự tin hơn với bản thân mình và sẽ cố gắng nhiều hơn nữa trong cuộc sống để giúp ích cho địa phương”.

Ngoài ra anh nông dân trẻ Nguyễn Phú Thường còn tham gia đi đầu trong các phong trào thi đua ở địa phương phát động, như: tuyên truyền vận động nông dân hiến đất để mở rộng đường giao thôn nông thôn; tham gia nạo vét kênh mương nội đồng;… Riêng trong năm 2020, anh Thường cùng Ban Chấp hành Hội Nông dân xã đã đến tận nhà từng hộ dân để tuyên tuyền, vận động hội viên nông dân đóng góp tiền, công lao động để kéo điện, lắp ráp 402 bóng đèn chiếu sáng trên tuyến đường nông thôn trong xã, góp phần đảm bảo an ninh trật tự và tạo cảnh quan môi trường ở làng quê ngày một sạch đẹp, văn minh.

Anh Nguyễn Bảo Khánh, Chủ tịch Hội Nông dân xã Bình Chương cho biết: Nhờ năng động, dám nghĩ, dám làm nên anh nông dân trẻ Nguyễn Phú Thường đã tạo ra một nghề sản xuất, kinh doanh mới mang lại thu nhập cao cho gia đình mà còn giải quyết việc làm thường xuyên cho lao động ở địa phương. Sắp tới Hội Nông dân xã sẽ vận động và hướng dẫn các cơ sở, xưởng sản xuất, gia công gỗ lạng trên địa bàn xã thành lập Hợp tác xã sản xuất, sơ chế gỗ và bầu anh Nguyễn Phú Thường làm Chủ nhiệm Hợp tác xã, nhằm tạo chuỗi liên kết sản xuất ổn định, bền vững, giải quyết việc làm và nâng cao thu nhập cho nông dân trên địa bàn xã nói riêng và tạo nguồn thu mua nguyên liệu gỗ keo ổn định cho bà con nông dân ở các huyện, thành trong tỉnh nói chung.

Từ những việc làm thiết thực của anh nông dân trẻ Nguyễn Phú Thường, trong những năm qua, anh được hội viên nông dân trong xã bình chọn là nông dân điển hình tiên tiến trong phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi của xã và của huyện. Riêng trong năm 2020 anh được Hội nông dân huyện Bình Sơn xét chọn và đề nghị Hội Nông dân tỉnh biểu dương, khen thưởng vì đã có thành tích trong Học tập và làm theo Bác./.

Đồng Xuân
Video
Thống kê truy cập
Đang online
46
Hôm nay
64
Tháng này
210,169
Tổng truy cập
2,538,577