Duyên phận đôi vợ chồng “khiếm khuyết”
Ở quê từ nhỏ ông Phạm Đức Quang đã có tên gọi là Đa. Đến nay, đã 33 năm bà Thủy làm vợ ông Đa, cả 2 đều bước sang tuổi 56. Theo lời ông Đa kể lại, vào một dịp tình cờ, bà Thủy gặp ông Đa tại một đám cưới, bà không biết ông, nhưng người bạn đi cùng bà lại biết. Ngày xưa nhà mình nghèo lắm, đâu được diện quần áo bảnh bao, chải chuốt. Nhưng với nụ cười hiền lành, chân thành của ông Đa đã chiếm trọn trái tim của bà Thủy.
Sau cuộc gặp gỡ tình định mệnh đó, ông Đa lại theo đuổi bà Thủy. Nhà ông Đa nằm bên này của dòng sông Chợ Mới, ngày ngày lại băng sông qua bên kia sông gặp bà Thủy rồi về, dẫu có hôm chỉ đứng nhìn từ xa. “Hồi đó có bạn trai rồi mà ổng cứ theo hoài luôn, mình đi xem phim ngoài bãi, đứng nói chuyện với bạn trai ổng cũng cà rà quanh đó”, bà Thủy kể lại.
Mãi đến 4, 5 tháng sau, khi tin đồn ông Đa theo bà Thủy lan rộng, người bạn bà Thủy biết chuyện đã can ngăn vì ông Đa không được lành lặn như những người khác.“Vùng quê xã Tịnh Hòa sau năm 1975 dày đặc bom mìn thời chiến tranh. Một trái M79 đã cướp đi nguyên một bàn tay lành lặn của ông Đa, tai cũng bị ảnh hưởng. Có điều ổng mặc áo dài tay, rồi cứ đút vào túi quần nên mình đâu có biết”, bà Thủy nói.
Từ ngày biết chuyện, bà Thủy lại hạn chế tiếp xúc, gặp ông Đa. Nhưng ông cứ kiên trì không bỏ cuộc, mặc kệ chuyện bà Thủy đã có bạn trai. “Hồi gặp bả ở đám cưới là trúng tiếng sét ái tình luôn đó, nên cứ theo chứ không nghĩ gì khác”, ông Đa cười kể lại.
Như duyên trời định sẵn, chuyện của bà Thủy với bạn trai cũng không thành. Bà Thủy lại dần bị chân tình của ông Đa làm cho cảm động và thuận ý để người lớn gia đình đôi bên gặp mặt.
Trong cuộc sống có rất nhiều tình cờ, “Ba ổng từ xã Tịnh Hòa đi qua xã Tịnh Khê kiếm nhà tui, chẳng biết ông trời sắp đặt thế nào, người đầu tiên ổng hỏi đã đưa về đến tận nhà tui. Người chỉ đường không ai khác, chính là ba tui”, bà cười hiền lành.
Sau khi ăn hỏi, những lời bàn tán xôn xao về cô Thủy xinh gái nhất làng sắp cưới anh Đa “cụt” khiến gia đình bà Thủy dao động. Mãi đến 3 năm sau đó, khi ông Thái - cha bà Thủy qua đời, thấy ông Đa lo trọn vẹn đám tang cho cha mình bằng một cánh tay còn lại của mình, bà Thủy xóa hết mọi băn khoăn, gật đầu làm đám cưới.
Chỉ 1 tay lành lặn thôi nhưng ông Đa ngoài nuôi trâu, nuôi vịt, còn trồng cả mẫu ruộng lúa, tới mùa lại chèo ghe chở lúa về. Quen với con nước, ông còn làm thủy lợi cho địa phương, canh điều chỉnh con đập Hòa Khê, ngăn nước mặn xâm nhập và cánh đồng của xã.
Chồng chăm lo làm ăn, bà Thủy buôn bán nhỏ nên cuộc sống gia đình từ khó khăn ban đầu, đến nay đã ổn định nuôi 2 đứa con ăn học, lại còn có chút để dành.
“Cưới nhau bao nhiêu năm nhưng ông Đa vẫn giữ nụ cười hiền lành như thuở ban đầu, luôn chiều chuộng yêu thương, chăm lo gia đình, đó là niềm hạnh phúc nhất của người phụ nữ” bà Thủy nói trong ngập tràn hạnh phúc.
“Tuýp liều lý tưởng” hình trái tim
Ở giữa dòng sông Chợ Mới, thôn Minh Quang, xã Tịnh Hòa, TP Quảng Ngãi có một tuýp liều lý tưởng là công trình sau mấy chục năm do tay ông đắp đất làm đảo, dựng xây mà thành.
“Tuýp liều lý tưởng” hình trái tim nơi tình yêu vun đắp 33 năm của vợ chồng ông Đa
Ngôi nhà của ông Đa bà Thủy nằm trên một ốc đảo giữa mênh mông trời nước, được bao phủ xung quanh bởi cây cối xanh rì. Đây là thành quả sau những ngày miệt mài của người đàn ông khiếm khuyết về thân thể nhưng quá nhiều tình yêu làm nên. “Hồi trước khu đất này chỉ là cái cồn nhỏ thôi. Ngày ngày ông Đa chống đò ra vào lùa vịt, lùa trâu đều đi ngang qua. Cách đây khoảng 25 năm, tự dưng có một ngày ổng kêu đổ đất đắp làm cái đảo ngay chỗ đó. Nói là làm, ổng miệt mài xúc đất rồi đưa ra sông đổ. Cồn đất cứ lớn dần, lớn dần... Tầm chục năm thì được cái đảo nhỏ chừng 400m2 này đây. Rồi trồng cây xung quanh giữ đất, dựng cái nhà, làm thêm chòi nuôi vịt. Trâu thì lùa vào đất liền. Thường vợ chồng tui ở đây luôn, 2 đứa con lúc nhỏ thì ở trong bờ với ông bà nội để tiện đi học. Giờ có gia đình, lo làm ăn nên cũng ít ra”, bà Thủy kể.
Phía ngoài đảo nhỏ chừng chục mét, ông Đa cắm mấy chục cọc tre xuống sông, giăng lưới để rào vài trăm con vịt. Vô tình, hàng rào của ông lại tạo thành hình trái tim.
“Mọi người cứ kêu tui làm tặng bả, nhưng khi làm có để ý đâu. Chừng mấy người vô tình chụp được thì thấy đúng giống trái tim thiệt. Nhưng nếu thực tình muốn tạo hình trái tim thì nó khác liền”, ông Đa cười ha hả.
Mỗi năm, vợ chồng ông Đa bà Thủy chỉ vào đất liền ở ngót nghét vài tháng mùa mưa bão. Còn lại, vợ chồng cứ túc trực trong căn nhà giữa sông. Lâu thành quen, vợ chồng ông Đa bà Thủy chỉ thích ra sông ở. Ông Đa còn lấy gốc tre làm thành cái chõng để nằm nghỉ ngơi, hóng gió, vừa thoải mái, vừa mát mẻ.
Những câu chuyện cổ tích, ai cũng biết nó là sản phẩm của trí tưởng tượng nhưng con người vẫn luôn có cách để tạo nên phép mầu cho chính cuộc sống của mình./.