banner
 25/04/2019 07:56:38 AM

Trí thức hóa nông dân – góc nhìn từ những người trẻ tuổi

Bắt đầu từ năm 2019, các cấp Hội Nông dân Việt Nam sẽ đổi mới công tác phát triển hội viên. Trong đó mở rộng đối tượng kết nạp vào Hội đối với các em học sinh cuối cấp 3, đủ 18 tuổi là con em nông dân và và sinh viên đang ở các trường trung cấp cao đẳng, đại, học… Tư tưởng “trí thức hóa nông dân” được xác định là “khâu đột phá” trong công tác Hội.

 Tư tưởng “Trí thức hóa nông dân” do Tiến sĩ Thào Xuân Sùng – Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch BCH Trung ương Hội Nông dân Việt Nam đề xướng lần đầu tiên vào năm 2018, được Hội Nông dân Việt Nam thông qua tại Đại hội VII, từng bước được cụ thể hóa vào Điều lệ Hội sửa đổi, kế hoạch hành động của cả nhiệm kỳ 2018-2023.

Ở nước ta, cụm từ “Trí thức hóa nông dân” đã từng được nhắc đến ở một số nghiên cứu đơn lẻ hoặc ý kiến chuyên gia trong từng ngữ cảnh khác nhau từ những năm trước, trong mối tương quan với chủ đề sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, với việc được Hội Nông dân Việt Nam chính thức đưa vào mục tiêu kế hoạch dài hạn ở tầm toàn quốc và được xác định là khâu đột phá, thì cụm từ này đã được trang bị nội hàm rõ ràng, đầy sức nặng. Với việc Hội Nông dân Việt Nam đưa chủ đề này lên ngang hàng với “công nghiệp hóa nông nghiệp” và “hiện đại hóa nông thôn” (khẩu hiệu của Hội trong 5 năm 2018-2023: “Đẩy mạnh công nghiệp hóa nông nghiệp, trí thức hóa nông dân và hiện đại hóa nông thôn”), nội hàm và tư tưởng của chủ đề này được nâng lên ở tầm tư tưởng chính trị mới, với vị thế chưa từng có trước đây.

Để “trí thức hóa nông dân”, Hội Nông dân Việt Nam cũng như hội viên, nông dân cả nước chắc hẳn sẽ có rất nhiều việc phải làm. Từ góc độ báo chí, chúng tôi xin đề cập dần những diễn biến và câu chuyện tiếp theo trong những bài viết sau. Trong phạm vi một bài báo của số này, chúng tôi xin ghi lại câu chuyện và tâm tư nguyện vọng của một số bạn trí thức trẻ có trình độ đại học đang trực tiếp sản xuất nông nghiệp hoặc sản xuất kinh doanh thủ công nghiệp ở nông thôn miền núi, trong mối tương quan đến chủ đề nói trên. Có thể những nhân vật này chưa phải những trường hợp điển hình, nhưng thông qua câu chuyện và tâm thái của họ, có thể gợi ra cho người làm công tác Hội ở cơ sở có thêm cảm xúc tích cực và một vài ý tưởng mới (dù nhỏ thôi cũng đã quý) trong việc thực hiện tư tưởng đột phá “Trí thức hóa nông dân” mà Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam Thào Xuân Sùng khởi xướng.

Câu chuyện 1: Hội có sẵn sàng “gỡ cái khó nhất” giúp chúng em?

Đó là chia sẻ chân thành và rất thẳng thắn của Nguyễn Thị Y (25 tuổi, ở thôn An Lương, xã Duy Hải, huyện Duy Xuyên, Quảng Nam) khi trao đổi với tôi vào ngày 7-3-2019 về mối quan tâm của cô ấy với tổ chức Hội Nông dân. Nhưng trước khi đi sâu về câu chuyện trí thức trẻ vào Hội, mời bạn đọc dành vài phút để làm quen với cô gái này.

Tốt nghiệp cử nhân Khoa Tiếng Anh – Trường ĐH Ngoại ngữ TP.Đà Nẵng vài năm trước, cô gái đã dành 1 năm nghiên cứu mô hình trồng rau thủy canh, từng lên Đà Lạt để xem các mô hình rau sạch và tìm kiếm thông tin, video clip hướng dẫn trên mạng internet về hướng canh tác này. Tháng 6.2017, Y trở về quê nhà cùng gia đình đầu tư 900 triệu đồng xây dựng mô hình trồng rau thủy canh khép kín với màng lưới chống côn trùng trên diện tích hơn 1.000m2 ở đất vườn nhà.

Giờ đây, mỗi ngày, Y thu hoạch trên dưới 50kg rau sạch, với giá từ 50.000 – 70.000 đồng/kg, mỗi tháng Y thu về hơn 50 triệu đồng. Vườn rau thủy canh của Y có hàng chục loại rau, từ   dền Nhật, bạc hà, xà lách tím, xà lách xanh… Do đã có nghiên cứu những mô hình thành công trong nước, Y không trồng hàng loạt mà xen vụ, nên khi nào cũng có rau bán ra, không lo tồn đọng hàng.

Tuy nhiên, làm nghề nông, cho dù là nghề nông trong nhà kính, cũng không phải là “dễ như ăn kẹo”. Y cho biết, dù rất muốn mở rộng diện tích trồng rau, nhưng gặp khó do gia đình đang sống trong khu vực mà điều kiện quy hoạch của địa phương không thể mở rộng diện tích canh tác tại chỗ. Còn việc liên kết hợp tác với người khác để xây dựng những vườn rau thủy canh ở địa điểm khác là điều không hề dễ dàng. Khó khăn đầu tiên nằm ở “nguồn nhân lực” – yếu tố con người hợp tác. Tìm được người cùng đam mê, cùng hiểu biết và cùng tâm ý làm rau, nhất là rau thủy canh vốn đầu tư lớn, kỹ thuật khắt khe… là điều không hề dễ dàng. Để tiếp cận nguồn vốn vay giá rẻ cũng là điều không hề dễ dàng. Dù nguồn cung chưa lớn, nhưng để tiếp cận được với người tiêu dùng, giúp họ quen với việc mua rau chất lượng cao với giá không rẻ, Y vẫn phải chấp nhận phải tự tay đưa hàng gói nhỏ từ 5-10kg, từ quán nhỏ cho tới nhà hàng lớn từ TP. Hội An đến TP. Đà Nẵng.

Y là một cô gái thẳng tính. Trước câu hỏi của tôi: “Em đã trở thành hội viên nông dân rồi chứ?” Y cười: Chắc là… rồi ạ! Em được Hội Nông dân xã và huyện cho vay 50 triệu, lãi suất 0,6%. Em mong muốn được hỗ trợ vay nhiều hơn, lãi suất thấp hơn, mà được vay không lãi suất thì càng tốt! Anh biết đấy, người trẻ khởi nghiệp thường thiếu vốn, làm nông nghiệp công nghệ cao lại  cần đến vốn ban đầu lớn. Vay vốn lại cần rất nhiều thủ tục nữa. Vì vậy, một khi Hội Nông dân Việt Nam xác định tìm kiếm, kết nạp những người như chúng em, em mong Hội lắng nghe, giúp đỡ được, gỡ khó được cho chúng em”.

Để tìm hiểu thêm về Y từ góc nhìn của Hội, tôi tìm anh Võ Văn Vinh – Chủ tịch Hội Nông dân xã Duy Hải (Duy Xuyên, Quảng Nam), gặp đúng lúc anh đang đưa bà xã đi khám bệnh. Tranh thủ thời gian rỗi, anh Vinh cho tôi biết: Chính anh là người giới thiệu, mời Nguyễn Thị Y tham gia các hoạt động của Hội, cô gái này đã chính thức là hội viên, và được Hội hỗ trợ 50 triệu đồng từ vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân. Cô “nông dân trẻ” này là một trong nhiều bạn trí thức trẻ có trình độ cử nhân về lập nghiệp tại xã nhà, mà như Phạm Văn Lộc, sinh năm 1984, đang thành công với mô hình nuôi chim yến là một ví dụ.

“Đúng là tuổi trẻ có khác. Họ có suy nghĩ đột phá, có sự mạnh dạn đầu tư, sử dụng công nghệ nhanh hơn. Sự năng động của bạn ấy kèm theo hiệu quả tốt và mô hình mới lạ, đã lôi cuốn nhiều người trẻ khác ở xã đến học hỏi và muốn làm theo.  Tinh thần của chúng tôi là hỗ trợ. Nếu Y muốn vay 500 triệu đồng, thì cần phải có đội nhóm hợp tác 10 người, cùng một số điều kiện khác theo quy định, chúng tôi mới có thể làm thủ tục đề xuất lên Hội Nông dân tỉnh Quảng Nam xem xét hỗ trợ vốn ở mức đó” – anh Vinh chia sẻ.

Chia sẻ suy nghĩ về định hướng “Trí thức hóa nông dân” mà Trung ương Hội Nông dân Việt Nam đã thống nhất thông qua tại Đại hội VII vào cuối năm 2018, anh Võ Văn Vinh hào hứng: “Chúng tôi hoàn toàn ủng hộ, một định hướng quá hay! Ở cơ sở chúng tôi đã bắt đầu thực hiện rồi…”.

Câu chuyện của cử nhân ngoại ngữ 25 tuổi Nguyễn Thị Y và anh Chủ tịch Hội Nông dân xã Duy Hải đã gợi cho một nhà báo có 20 năm trong nghề như tôi suy nghĩ. Khi chủ trương “Trí thức hóa nông dân” được cụ thể hóa thành kế hoạch, được thực hiện đồng bộ trên cả nước, và một khi tập trung thêm được những nguồn lực khác từ bộ ngành và các khu vực khác của xã hội, trí thức trẻ đam mê nghề nông sẽ có thêm cơ hội vượt qua khó khăn những ngày đầu khởi nghiệp, thì 5-10 năm nữa, Việt Nam sẽ có một thế hệ người nông dân mới giàu có khát vọng và nghị lực, được trang bị tinh thần hợp tác của doanh nhân. Họ sẽ không còn là những nông dân nhỏ lẻ mà tiếp cận tới tầm vóc tương xứng với chủ nhân của “Góc bếp của Thế giới”, “Cánh đồng của Thế giới”. Họ sẽ không còn là những người thấp cổ bé họng và  nhiều yếm thế như thế hệ nông dân ông bà, cha mẹ họ trước đây.

Câu chuyện 2: “Bố em là hội viên, nhưng em chưa kết nối với Hội”

Đó là chia sẻ của Hà Thị Mẹn – cô gái người Thái ở bản Lác, Mai Châu, Hòa Bình. Mẹn có tên khai sinh là Mạnh – nghe qua tưởng như tên của một chàng trai, nhưng dung mạo và lời ăn tiếng nói lại rất nữ tính. Sinh năm 1985 và cũng giống như Nguyễn Thị Y, cô cũng là cử nhân ngoại ngữ (ngành tiếng Anh) của Đại học Mở Hà Nội từ năm 2007. Trước câu hỏi của tôi: “Em có tham gia Hội Nông dân ở xã chứ?”, Mẹn cười hồn nhiên nói: “Bố em là hội viên Hội nông dân lâu rồi, còn em thì.. chưa!”. Tôi hỏi vì sao, cô chia sẻ: “Về hoạt động Hội Nông dân, em có nghe đến việc trồng cây nuôi con, thú thật là chưa thấy thu hút, có lẽ do chưa đáp ứng nhu cầu của chúng em làm về mảng du lịch. Cũng có thể em chưa nắm được các hoạt động của Hội, từ góc độ những người trẻ làm du lịch, em thấy hoạt động của Hội ở địa phương còn khá trầm…  Nếu Hội Nông dân giúp giải quyết được những vấn đề của chúng em, em sẽ tham gia Hội”.

Khác với cô gái làm rau thủy canh Nguyễn Thị Y ở Quảng Nam, cô gái Thái này sau khi nhận bằng cử nhân, đã dành 4 năm đi làm thuê trong vai trò nhân viên bán hàng (sale) cho các khách sạn, các tòa nhà, nhà hàng. Những việc làm này đã giúp cô có lương để sống, nhưng cái mà cô gái trẻ nhận được nhiều nhất chính là trải nghiệm bán hàng – khâu khó nhất, và nhiều hạn chế nhất, không chỉ của người nông dân mà còn với cả phần lớn những người sản xuất kinh doanh nhỏ nói chung tại Việt Nam.

Sau khi có một ít vốn sống, tự tin về kỹ năng nghề nghiệp, năm 2013, Mẹn rời thủ đô Hà Nội trở về bản Lác xã Chiềng Châu (một địa điểm du lịch văn hóa dân tộc bản địa nổi tiếng của huyện Mai Châu, Hòa Bình) với suy nghĩ sẽ làm cái gì đấy mình thích, mà vẫn đủ sống. Bạn bè và “sếp” ngạc nhiên, hỏi “về quê mỗi ngày kiếm được vài chục nghìn, lấy gì cho đủ sống?” Tại đây, cô gái trẻ làm việc cho Công ty Emotion Việt Nam, một công ty trong lĩnh vực du lịch nghỉ dưỡng sinh thái, có dự án hỗ trợ cộng đồng tham gia làm du lịch địa phương. Đến năm 2017, Mẹn chính thức nghỉ việc “làm thuê” cho doanh nghiệp, tự tin trở về nhà của mình, thực sự bắt đầu làm việc mình thích lâu nay: Đó là nghề làm thổ cẩm, dịch vụ homestay và hướng dẫn khách du lịch. Bố mẹ không có điều kiện đầu tư, khi Mẹn về đã làm thủ tục vay ngân hàng 500 triệu đồng để cải thiện lại các điều kiện đón khách du lịch trải nghiệm. Đến bây giờ thì Mẹn đã có 2 nhà sàn và 3 phòng riêng để đón khách du lịch homestay cùng với 4 lao động thường xuyên, 4 lao động mùa vụ. Thu nhập của cô chưa thật nhiều nhưng đã bắt đầu gấp đôi, có khi gấp ba lần so với đi làm cho công ty trước đó.

Nhưng điểm thú vị của cô cử nhân Đại học Mở không chỉ là làm việc theo sở thích, mà là khát vọng vươn lên làm giàu cùng những người bạn trẻ của các dân tộc khác trong vùng, trên nền tảng văn hóa của mỗi thành viên. Ở tuổi 34, cô đã thiết lập được đội nhóm thợ dệt thổ cẩm và đội may quần áo dân tộc, thành một chuỗi khá khép kín từ sản xuất cho đến thành phẩm và cả khâu bán hàng:

-Đội làm sợi dệt thổ cẩm có thường xuyên 5-6 thợ, do Lò Dị – một cô gái người Thái (sinh năm 1986) làm nhóm trưởng, phụ trách khâu làm sợi và cung cấp vải thổ cẩm thô.

– Sùng Y Si, một thanh niên trẻ người Mông (sinh năm 1990) phụ trách vẽ sáp ong, nhuộm chàm các tấm vải để cung cấp (bán) cho Mẹn.

– Mẹn phụ trách khâu thiết kế sản phẩm (quần áo, váy, túi, khăn…) bằng thổ cẩm và phụ trách khâu cuối cùng là bán hàng cho khách.

– Hà Thị Thiệp – một bạn nữ khác phụ trách đội may (thường có 5-6 người), may theo thiết kế của Mẹn.

Dù chưa thành lập doanh nghiệp cổ phần, mà chỉ mới ở mức Doanh nghiệp tư nhân, nhưng cô gái Thái đã có suy nghĩ của việc thành lập và vận hành đội nhóm của mình cho một sự nghiệp dài hơi trong tương lai. Trong con mắt một nhà báo từng đi học về marketing và học về khởi nghiệp, tôi thấy Mẹn có đủ các tố chất nội sinh của một người thủ lĩnh đội nhóm. Dĩ nhiên, các bạn trẻ còn phải học nhiều về phát triển bản thân, kỹ năng quản trị, kinh doanh và nhiều thứ nữa…  Nhưng nếu được Hội Nông dân địa phương cùng các tổ chức cộng đồng khác quan tâm hỗ trợ đúng hướng và đúng lúc (tôi muốn nhấn mạnh chữ “đúng lúc”), thì Mẹn sẽ không chỉ kéo theo dăm người thợ dệt, mươi người thợ may cùng hợp tác, mà có thể làm được hơn thế rất nhiều. Nếu giúp được những người như Mẹn, Si, Dị, Thiệp khởi nghiệp thành công sẽ lại càng ý nghĩa hơn, bởi dù họ có li nông hay không, thì vẫn không li hương, vẫn bám đất, bám làng, nảy mầm xanh lộc biếc trên ngay trên nền tảng văn hóa quê hương, truyền thống của dân tộc mình.

Câu chuyện 3: Nỗ lực “trẻ hóa” nông dân Nhật Bản

Tâm sự của Nguyễn Thị Y và Hà Thị Mẹn khiến chúng tôi nhớ lại một bài viết sau một lần đi công tác Nhật Bản từ năm 2009, với tựa đề “Nông dân trẻ và sứ mệnh đổi thay nền nông nghiệp”. Trước sự già hóa của người nông dân vốn đang diễn ra khá trầm trọng trong nhiều năm, người Nhật không chịu bó tay buông xuôi. Và một trong những nỗ lực để kéo theo những người trí thức trẻ đã học từ các trường đại học ở những thành phố lớn về lại nông thôn, là sự ra đời của một tổ chức kết nối các nông dân trẻ (từ tháng 10-2008). Tổ chức này có tên gọi là “Noka No Kosegare Network” (tạm dịch là mạng kết nối của những người làm trang trại trẻ, một tổ chức phi lợi nhuận có mục tiêu giúp đỡ những người làm trang trại trẻ khởi nghiệp). Người sáng lập và điều hành mạng lưới này là Yusuke Myaji, lúc đó 31 tuổi, con trai một chủ trang trại lợn. Tốt nghiệp từ Đại học Keio, anh hiểu được rằng, nông dân sẽ có lợi nhuận tốt hơn nếu được tham gia vào việc phân phối thịt lợn đến tận khách hàng, chứ không chỉ thuần tuý sản xuất như bố của anh từng làm. Anh đã lập công ty cổ phần từ 2006, và chỉ vài năm sau đó đã có thể quảng bá và bán hàng qua mạng Internet. Dù lợi nhuận chưa đạt đến mức 4.500.000 yên/năm, nhưng doanh thu đã tăng gấp đôi trong 2 năm sau đó.

Trong chuyến đi ấy, tôi đã gặp cô Kaori Nukui đang bán nấm shiitake tại chợ nông sản lưu động ở cạnh Trung tâm thương mại Tokyo Midtown. Cô chưa lập gia đình và là một thành viên trong số nông dân trẻ tham gia mạng lưới này. Trước khi về lại trang trại nấm quê nhà ở Iruma – Saitama, cô đã tốt nghiệp Trường Đại học kinh tế Seikei và đã từng làm việc trong một cửa hàng rau quả ở thủ đô Tokyo. Vì vậy, cô đã có hiểu biết và kinh nghiệm của một doanh nhân trẻ, hiểu được tầm quan trọng của nông nghiệp nên hoàn toàn chủ động trong công việc mới. Nơi ở của cô chỉ cách Tokyo khoảng 1 giờ tàu chạy, vì thế, ngoài trồng nấm, cô vẫn có thể đi gặp bạn bè, đến tiệm làm đẹp vào cuối tuần.

Tôi còn nhớ lúc đó, trao đổi với chúng tôi, anh Masato Wakisaka – một thành viên của Ban lãnh đạo mạng lưới nói trên cho biết: Mục tiêu của mạng lưới này là thiết lập một thái độ mới, cách hiểu mới về nông nghiệp. Cũng là 3K, nhưng không phải cách hiểu cũ là khô cứng, bẩn và nguy hiểm (những từ dành mô tả nông dân truyền thống), mà là theo cách hiểu mới: mát mẻ (kako yokute), năng động (kando ga atte) và sinh lợi (kasegeru). Nhóm này lập kế hoạch thu hút những con em nông dân quay trở lại với ruộng đồng, khát vọng thiết lập lại một thế hệ nông dân mới, hướng tới thay đổi tương lai nền nông nghiệp Nhật Bản, đồng thời kiến nghị Chính phủ có những chính sách hỗ trợ ưu đãi về tài chính, giáo dục cho con em nông dân.

Hi vọng rằng, 2 câu chuyện về 2 cử nhân trẻ về lập nghiệp ở nông thôn Việt Nam đặt bên cạnh những câu chuyện không mới từ Nhật Bản, nhưng vẫn còn giá trị tham khảo, có thể gợi cho bạn đọc thêm vài suy nghĩ về câu chuyện “Trí thức hóa nông dân” – góc nhìn từ những người trẻ tuổi. Ở đó, không phải chỉ trông đợi một chiều là trí thức trẻ đi tìm Hội, hay chỉ riêng Hội đi tìm trí thức trẻ, mà nhà hoạch định cần có những cơ chế, chính sách đủ hấp dẫn để cả hai có thể tìm đến nhau, cùng xây dựng một thế hệ người chủ nhân năng động, giàu có trên nhiều nghĩa, góp phần cùng đất nước “đẩy mạnh công nghiệp hóa nông nghiệp, trí thức hóa nông dân, hiện đại hóa nông thôn”.

“Năm năm tới (2018-2023) là Hội Nông dân Việt Nam phải góp phần đẩy mạnh công nghiệp hóa nông nghiệp, trí thức hóa nông dân và hiện đại hóa nông thôn. Đây là khẩu hiệu hành động và cũng là mục tiêu mà Ban Chấp hành Hội Nông dân Việt Nam khóa mới phải tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, thể chế hóa, cụ thể hóa để thực hiện được những mục tiêu đề ra”.  ­

 

TS. TS.Thào Xuân Sùng – Ủy viên TƯ Đảng, Chủ tịch BCH TƯ Hội Nông dân Việt Nam

 

Hoàng Sơn

Nguồn: Langmoi.vn
Video
Thống kê truy cập
Đang online
439
Hôm nay
1,052
Tháng này
209,394
Tổng truy cập
2,537,802