banner
 21/06/2023 02:35:11 PM

Chiêm ngưỡng những tờ báo đầu tiên của Việt Nam thông qua triển lãm trực tuyến

Với không gian 3D sinh động, được bố trí khoa học và gọn gàng, triển lãm trực tuyến "Báo chí ở Việt Nam trước năm 1945" mang đến cho người xem nhiều thông tin hấp dẫn.
Hình ảnh sinh động cho phần giới thiệu triển lãm. (Ảnh: archives.org.vn)

Triển lãm trực tuyến "Báo chí ở Việt Nam trước năm 1945" giới thiệu khoảng 100 đầu báo, tài liệu, hình ảnh tiêu biểu được lựa chọn từ các khối tài liệu đang bảo quản tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia I cũng như sưu tầm từ các Thư viện, cơ sở nghiên cứu trong và ngoài nước về chủ trương của chính quyền, báo chí và hoạt động báo chí thời kỳ thuộc địa. Đặc biệt, triển lãm ghi nhận sự đóng góp của Bảo tàng Lịch sử quốc gia và nhà sưu tầm sách báo Nguyễn Phi Dũng với những đầu báo được xuất bản ở Việt Nam vào cuối thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX.

Bằng việc xây dựng một không gian 3D sinh động, ấn tượng, Trung tâm Lưu trữ quốc gia dẫn dắt người xem trải nghiệm một buổi thăm quan triển lãm thông qua những cú click chuột đơn giản. Mở đầu, trước khi bước vào cửa, người xem được giới thiệu những thông tin chung, các phần được giới thiệu trong triển lãm. Tiếp đó, cánh cửa được mở ra, dẫn dắt người xem tới từng giai đoạn và sự kiện tiêu biểu.

Phần I: "Những cột mốc làng báo" giới thiệu một số dấu mốc thời gian quan trọng trong lịch sử báo chí Việt Nam từ khi người Pháp xâm chiếm Nam Kỳ đến trước năm 1945, gắn liền với việc ban hành và thực thi những văn bản pháp quy tiêu biểu cũng như các đầu báo nổi bật của từng thời kỳ. Tại đó, thông tin được chia thành các giai đoạn khác nhau: Giai đoạn 1881 - 1897; Giai đoạn 1898 - 1926; Giai đoạn 1927 - 1935. Trong mỗi giai đoạn, người dẫn chuyện nêu bật hoàn cảnh lịch sử, những yếu tố quan trọng dẫn tới sự ra đời của những tờ báo đầu tiên tại Việt Nam...

Những tờ báo đầu tiên tại Việt Nam. (Ảnh: archives.org.vn)

Phần II: "Ấn loát và lưu hành" gồm những tài liệu, hình ảnh về một số vấn đề gắn liền với công tác phát hành và lưu hành báo chí, trong đó tiêu biểu gồm có giấy in, nhà in, lưu chiểu, bán báo và quảng cáo.

Thông qua các tài liệu trưng bày tại triển lãm trực tuyến, người xem có cơ hội chiêm ngưỡng những tài liệu tiêu biểu về "buổi bình minh của báo chí Việt Nam": Chủ trương của chính quyền thực dân Pháp đương thời, báo chí và hoạt động báo chí thời kỳ thuộc địa, những đầu báo được xuất bản ở Việt Nam vào cuối thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX...

Tại đây, có thể thấy, Nam Kỳ chính là cái nôi của báo chí hiện đại Việt Nam, do những tác động của lịch sử. Tờ báo đầu tiên được phát hành tại Nam Kỳ là tờ Bulletin officiel de l''Expédition de Cochinchine (Công báo Quân viễn chinh Nam Kỳ) được in bằng chữ Pháp năm 1861, tiếp đó là tờ công báo Bulletin des Communes (Xã thôn công báo) và Courrier de Saigon (Tây Cống nhựt báo) chữ Pháp… Đến thập niên 1880, những tờ báo đầu tiên mới xuất hiện ở Bắc Kỳ và từ đó đến năm 1945, hàng trăm tờ báo bằng tiếng Pháp, chữ Hán và chữ Quốc ngữ đã ra đời ở cả ba kỳ.

Ban đầu, báo chí chủ yếu đăng các văn bản pháp quy của chính quyền thuộc địa. Qua thời gian, nội dung và thể loại báo ngày càng trở nên đa dạng. Bên cạnh các nhật báo cung cấp thông tin mới nhất về tình hình thời sự trong và ngoài nước, còn xuất hiện các tờ tuần san, bán tuần san, nguyệt san, bán nguyệt san, tạp chí nghiên cứu, tạp chí chuyên ngành, báo dành riêng cho nhi đồng, phụ nữ… Đặc biệt, báo chí du nhập vào Việt Nam kéo theo sự phát triển của nhiều ngành nghề gắn liền với lĩnh vực này như: sản xuất giấy in, in ấn, lưu hành, phân phối báo chí và quảng cáo.

Việc báo chí du nhập vào Việt Nam cũng đã kéo theo sự phát triển của nhiều ngành nghề gắn liền với lĩnh vực này như: sản xuất giấy in, in ấn, lưu hành, phân phối báo chí và quảng cáo.

Triển lãm "Báo chí ở Việt Nam trước năm 1945" có trên website và fanpage của Trung tâm Lưu trữ quốc gia I, bắt đầu từ ngày 21/6, chưa ấn định ngày kết thúc. Ở phía cuối hành trình, người xem được tham gia một phần trắc nghiệm nhỏ, nhằm ghi nhớ những dấu mốc quan trọng mà nền báo chí Việt Nam đã đi qua.

Nguồn: https://danviet.vn/chiem-nguong-nhung-to-bao-dau-tien-cua-viet-nam-thong-qua-trien-lam-truc-tuyen-20230621093503183.htm
Video
Thống kê truy cập
Đang online
22
Hôm nay
18
Tháng này
212,050
Tổng truy cập
2,540,458