banner
 19/04/2018 08:33:43 AM

Xây dựng bộ máy tổ chức Hội vững mạnh đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị - xã hội trong tình hình mới

Với mục tiêu hướng về cơ sở, kiện toàn bộ máy tổ chức Hội ở các cấp, chú trọng công tác đào tạo cán bộ Hội chủ chốt ở cơ sở để có đủ số lượng và chất lượng, nâng cao vai trò, trách nhiệm và uy tín của Hội…Đó là nhiệm vụ trọng tâm của Ban Chấp hành Hội Nông dân tỉnh Quảng Ngãi (khóa XV) trong thời gian qua.
Một trong những lớp đào tạo cán bộ Hội do HND tỉnh phối hợp tổ chức trong năm 2017

Đồng chí Đinh Duy Sung, Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh cho biết: "Công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ đã góp phần nâng cao trình độ, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ Hội Nông dân các cấp, tạo động lực quan trọng thúc đẩy các phong trào thi đua của Hội. Vì vậy, trong nhiệm kỳ qua, Hội Nông dân tỉnh luôn chú trọng đến công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ Hội các cấp có bản lĩnh chính trị vững vàng, có đủ phẩm chất đạo đức, kiến thức và năng lực thực thi công vụ đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của người cán bộ Hội trong thời đại mới"…

Từ năm 2013 đến cuối năm 2017, Hội Nông dân tỉnh trực tiếp tổ chức đào tạo, bồi dưỡng 1.700 cán bộ với thời gian tập trung từ 7 ngày đến 3 tháng; đưa 70 cán bộ Hội tham gia lớp đào tạo, bồi dưỡng với thời gian tập trung từ 7-10 ngày do Trung ương Hội Nông dân VN tổ chức; các huyện, thành Hội đã phối hợp với Trung tâm bồi dưỡng Chính trị huyện tổ chức 210 lớp đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ công tác Hội cho 10.500 lượt cán bộ Chi, tổ Hội.

Bên cạnh đó, Hội Nông dân tỉnh luôn chú trọng công tác củng cố, kiện toàn đội ngũ cán bộ Hội từ tỉnh đến cơ sở để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Theo đó, cán bộ Hội được hình thành từ nhiều nguồn, một bộ phận được rèn luyện và trưởng thành từ cán bộ phong trào, có bề dày kinh nghiệm thực tiễn trong nhiều lĩnh vực công tác khác được điều động, luân chuyển qua; một bộ phận được tuyển dụng từ nguồn sinh viên tốt nghiệp các trường đại học, cao đẳng, ưu tiên cán bộ Hội trẻ nhiệt tình, có tâm huyết, đam mê trong lĩnh vực nông nghiệp, nông dân và nông thôn.

Nhờ vậy, hoạt động Hội và phong trào nông dân ở Quảng Ngãi trong những năm qua có những chuyển biến tích cực, chất lượng hoạt động của đội ngũ cán bộ Hội ở các cấp được nâng lên rõ rệt về trình độ chính trị, văn hoá, chuyên môn, nghiệp vụ; đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ trong công tác lãnh đạo, điều hành hoạt động Hội và phong trào nông dân.Điển hình như: công tác xây dựng, phát triển quỹ Hội đã được cơ sở Hội chú trọng, đến nay đã có 1.126 chi Hội có quỹ với số tiền 2,94 tỷ đồng; 1.824 số tổ Hội có quỹ với số tiền trên 1,5 tỷ đồng. Nguồn vốn Quỹ HTND cũng được tăng trưởng liên tục, tính đến cuối năm 2017, nguồn vốn này đã lên đến trên 31,3 tỷ đồng; tín chấp qua Ngân hàng Nông nghiệp Phát triển nông thôn và Ngân hàng Chính sách xã hội cho 80 ngàn nông dân vay với tổng dư nợ hơn 2.300 tỷ đồng. Nhờ các nguồn vốn này, nhiều hộ nông dân mạnh dạn tìm tòi, sáng tạo ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất vươn lên thoát nghèo và làm giàu chính đáng, đến nay toàn tỉnh có 82.042 hộ nông dân SXKD giỏi các cấp. Trong số đó có nhiều hộ có mức thu nhập từ 300 – 500 triệu đồng/năm.

Với hình thức tập hợp linh hoạt và đa dạng, thích hợp với từng vùng, miền, hướng mạnh về cơ sở; trong nhiệm kỳ qua, các cấp Hội xây dựng được 52 câu lạc bộ nông dân SXKD giỏi; 80 tổ hợp tác; 56 câu lạc bộ khuyến nông; 40 tổ liên kết sản xuất trong nông dân; 57 CLB nông dân ứng dụng internet; 62 CLB “nông dân với pháp luật”;... Nhiều Tổ Hợp tác, HTX được thành lập trên tinh thần tự nguyện của nông dân, các tổ hợp tác cùng nhau góp vốn, tổ chức lại sản xuất với qui mô lớn, sản xuất tập trung mang tính hàng hoá. Điển hình như: tổ hợp tác trồng Hành, tỏi ở xã An Vĩnh (Lý Sơn); Hợp tác xã chăn nuôi heo bằng thảo dược Tân Hòa Phú ở xã Hành Tín Tây (Nghĩa Hành), CLB nông dân cùng sở thích nuôi cá ở Tịnh Sơn (Sơn Tịnh); CLB nuôi bò vỗ béo ở xã Nghĩa Lâm (Tư Nghĩa); CLB đánh bắt xa bờ ở xã Tịnh Châu, Tịnh Kỳ (TPQN);...

Đồng chí Đinh Duy Sung cũng chia sẻ thêm: “Chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, nhất là cán bộ Hội Nông dân ở cơ sở, chi, tổ Hội sẽ góp phần đưa hoạt động của Hội ngày càng đi vào nề nếp, các phong trào thi đua cũng được nâng cao cả chất và lượng; nội dung sinh hoạt Hội luôn được cải tiến, phong phú, mở rộng dân chủ trong thảo luận các kế hoạch, chủ trương, biện pháp phát triển kinh tế - xã hội, giải quyết những vấn đề bức xúc do sản xuất và đời sống đặt ra…”./.

Đồng Xuân (Bài đăng trên Bản tin Nông dân Quảng Ngãi số 65)
Video
Thống kê truy cập
Đang online
10
Hôm nay
651
Tháng này
210,756
Tổng truy cập
2,539,164