banner
 29/04/2022 03:42:46 PM

Phát triển nông nghiệp Xanh - Bền vững: Tư duy và nhận thức của nông dân được đặt lên hàng đầu

Bằng những việc làm thiết thực, trong thời gian qua, Hội Nông dân tỉnh chỉ đạo các cấp Hội đẩy mạnh công tác tuyên truyền cho hội viên nông dân về ý thức, trách nhiệm của mình đối với sản xuất nông nghiệp bằng những hành động cụ thể, mang lại hiệu quả cao, có sức lan tỏa rộng

Trong những năm qua, việc triển khai thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp Quảng Ngãi đã được các cấp ủy Đảng, chính quyền tập trung chỉ đạo quyết liệt, sâu sát và nhờ sự phối hợp chặt chẽ giữa các ban, ngành, đoàn thể để triển khai thực hiện một cách đồng bộ, được đông đảo cán bộ, hội viên nông dân và các tầng lớp nhân dân đồng tình hưởng ứng đã đem lại kết quả vượt bậc, cho thấy kinh tế nông nghiệp tỉnh ta có những bước chuyển mình đáng kể trên các lĩnh vực. Trong đó có sự đóng góp không nhỏ của tổ chức Hội Nông dân các cấp và hội viên nông dân trong tỉnh với vai trò là nhân tố hàng đầu trong phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới.

Bằng những việc làm thiết thực, trong thời gian qua, Hội Nông dân tỉnh chỉ đạo các cấp Hội đẩy mạnh công tác tuyên truyền cho hội viên nông dân về ý thức, trách nhiệm của mình đối với sản xuất nông nghiệp bằng những hành động cụ thể như: Nói không với thực phẩm bẩn, tăng cường sử dụng các chế phẩm sinh học trong trồng trọt, chăn nuôi và bảo quản nông sản, đồng thời phát hiện và tố giác kịp thời những đơn vị, cá nhân, hộ gia đình có vận chuyển, tàng trữ và sử dụng các chất cấm trong chăn nuôi, chế biến thực phẩm cho các cơ quan chức năng ở địa phương.

Riêng trong năm 2021, Hội Nông dân tỉnh đã tổ chức hơn 1.623 buổi tuyên truyền có hơn 138.780 lượt cán bộ, hội viên nông dân tham gia các buổi truyền thông về công tác phòng, chống cháy nổ trong sản xuất nông nghiệp gắn với bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm; tuyên truyền thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”; tuyên truyền phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm,…Tổ chức 203 lớp tập huấn ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật và công nghệ mới vào trồng trọt, chăn nuôi cho trên 6.000 hội viên nông dân tham gia.

Thông qua đó đã có nhiều nông dân tiếp thu và áp dụng thành công các kiến thức đã học được đem lại hiệu quả cao trong phát triển kinh tế. Điển hình như: Mô hình “Trang trại nuôi heo” của nông dân Hồ Thanh Minh ở Phú Bình Tây, thị trấn Chợ Chùa cung cấp thịt heo sạch cho hệ thống siêu thị Naganic Quảng Ngãi, mô hình tổng diện tích 850 m2, chăn nuôi với khoảng 300 con heo, mỗi năm cung cấp ra thị trường khoảng 20 tấn heo hơi, trừ chi phí mỗi năm thu lãi trên 500 triệu đồng; Mô hình “Trồng cây ăn quả kết hợp với chăn nuôi” của hộ ông Lâm Tấn Đôn ở huyện Nghĩa Hành, với tổng diện tích cây ăn quả 7.500 m2 trồng gần 200 gốc bưởi da xanh, 50 gốc bưởi thanh trà, măng cụt, 20 gốc chôm chôm. Mỗi mùa, vườn cây cho thu nhập hàng trăm triệu đồng sau khi trừ chi phí, tạo việc làm thường xuyên cho hơn 10 lao động tại địa phương; Mô hình sản xuất và chế biến nấm ăn và nấm dược liệu của HTX nấm Đức Nhuận, huyện Mộ Đức với doanh thu hàng năm gần 2 tỷ đồng và giải quyết việc làm cho hàng chục lao động nông thôn;…

Với mục tiêu đến năm 2025, tỉnh Quảng Ngãi tiếp tục thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng phát triển nông nghiệp bền vững, nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng và khả năng cạnh tranh nông sản. Đẩy mạnh phát triển nền nông nghiệp hiện đại, nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, gắn với phát triển công nghiệp chế biến nông sản, thích ứng với biến đổi khí hậu và kết nối bền vững với chuỗi giá trị gia tăng; chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp.

Tập huấn chuyển giao KHCN - sản xuất nông nghiệp cao cho hội viên nông dân

Để đạt được mục tiêu trên, vấn đề đặt ra đối với tổ chức Hội Nông dân các cấp trong tỉnh cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động và hướng dẫn nông dân ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ mới trong sản xuất nông nghiệp mang lại hiệu quả kinh tế cao, đồng thời tiếp tục hướng dẫn thành lập, phát triển các mô hình kinh tế tập thể trong nông dân theo tinh thần Nghị quyết số 04 của BCH Trung ương Hội Nông dân Việt Nam về đẩy mạnh xây dựng chi, tổ Hội Nông dân nghề nghiệp.

Tuy nhiên vấn đề đặt ra hiện nay đó là nhu cầu của người tiêu dùng ngày càng đòi hỏi khắt đối với thực phẩm an toàn, đảm bảo sức khỏe của con người trước diễn biến phức tạp và hậu quả nặng nề của đại dịch Covid-19. Vì vậy sản xuất nông nghiệp ở tỉnh ta cần phải hướng đến tính bền vững đó là phát triển nông nghiệp xanh, sạch, thân thiện với môi trường để đem lại sản phẩm đạt tiêu chuẩn chất lượng cao (OCOP) theo mục tiêu “Mỗi xã một sản phẩm” của Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp ở tỉnh ta.

Để thực hiện được điều này, các cấp Hội tích cực chủ động tuyên truyền, vận động nông dân đổi mới tư duy và hành động trong sản xuất nông nghiệp theo hướng “Phát triển nông nghiệp Xanh - Bền vững” bằng việc ứng dụng công nghệ sinh học vào sản xuất nông nghiệp để nâng cao chất lượng nông sản theo chuỗi giá trị. Đồng thời tuyên truyền, vận động hội viên nông dân chuyển đổi mô hình sản xuất nhỏ sang mô hình kinh tế tuần hoàn với quy mô lớn hơn theo hình thức phát triển kinh tế tập thể thông qua các Hợp tác xã, Tổ Hợp tác trong nông dân để tạo mối liên kết bền vững trong việc hỗ trợ về vốn, cây, con giống, khoa học kỹ thuật và đầu ra của sản phẩm. Qua đó xây dựng mẫu hình người nông dân thế hệ mới tiêu biểu, xuất sắc, năng động, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm đối với sản phẩm của mình làm ra. Có như vậy thì nông dân mới “đứng vững” và “sống khỏe” với nghề nông, góp phần đưa sản xuất nông nghiệp ở tỉnh ta đóng vai trò là “trụ cột” của nền kinh tế, đảm bảo vững chắc an ninh lương thực quốc gia và giảm nghèo bền vững ở khu vực nông thôn.

Đồng Xuân
Video
Thống kê truy cập
Đang online
26
Hôm nay
601
Tháng này
210,706
Tổng truy cập
2,539,114