banner
 13/10/2017 03:30:12 PM

Nông dân Quảng Ngãi - Phát huy truyền thống, tiếp tục phấn đấu đi lên

87 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, giai cấp nông dân Việt Nam đã không ngừng lớn mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức; tập hợp đông đảo nông dân tích cực đóng góp sức người, sức của vào sự nghiệp cách mạng Việt Nam, góp phần tích cực đưa các phong trào cách mạng Việt Nam đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác.
Hội nghị lần thứ 10 Ban Chấp hành Hội Nông dân tỉnh (khóa XV), nhiệm kỳ 2013 - 2018

Trải qua các thời kỳ cách mạng, Hội Nông dân Việt Nam đã có nhiều tên gọi khác nhau để phù hợp với nhiệm vụ chính trị, xã hội của từng giai đoạn lịch sử:

• Nông Hội đỏ (1930 – 1931)

• Hội Nông dân tương tế ái hữu (1932 – 1936)

• Hội Nông dân phản đế (1936 – 1941)

• Hội Nông dân cứu quốc (1941 – 1954)

• Hội Nông dân Giải phóng Miền Nam (1960 – 1975)

• Hội Nông dân tập thể Miền Bắc (1960 – 1979)

• Hội Liên hiệp Nông dân tập thể Việt Nam (1979 – 1988)

• Từ tháng 3/1988 đến nay mang tên gọi là Hội Nông dân Việt Nam.

Dù tên gọi khác nhau nhưng bản chất của tổ chức Hội Nông dân vẫn là thực hiện nhiệm vụ chính trị - xã hội do Đảng và nhân dân giao phó. Giai cấp nông dân và Hội Nông dân Việt Nam không ngừng lớn mạnh về tổ chức, thống nhất về hành động, góp phần to lớn trong sự nghiệp giải phóng dân tộc và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Biết bao cán bộ, hội viên nông dân đã ngã xuống hy sinh vì nền độc lập hòa bình của dân tộc.

Ở Quảng Ngãi, sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, tổ chức Hội Nông dân cũng sớm được thành lập, phát triển và không ngừng lớn mạnh. Trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, nông dân Quảng Ngãi đã có nhiều đóng góp, làm nên những chiến công lẫy lừng trong các cuộc khởi nghĩa Ba Tơ (11/3/1945); Trà Bồng quật khởi (28/8/1959); Chiến thắng Ba Gia (31/5/1965); Vạn Tường (18/8/1965) và cuộc nổi dậy Mậu Thân 1968… Những chiến công này, đã mãi mãi đi vào lịch sử, góp phần cùng nhân dân cả nước làm nên chiến thắng lịch sử mùa Xuân năm 1975, khẳng định truyền thống đấu tranh anh dũng kiên cường của quê hương Quảng Ngãi.

Ngày nay, trong thời kỳ đổi mới và hội nhập, các cấp Hội trong tỉnh không ngừng củng cố, chất lượng đội ngũ cán bộ Hội các cấp ngày càng nâng cao; nội dung phương thức hoạt động Hội ngày càng đa dạng và phong phú trên nhiều lĩnh vực. Đến nay, toàn tỉnh đã có gần 170.000 hội viên nông dân tham gia sinh hoạt Hội ở 1.129 chi, 3.280 tổ của 183 cơ sở Hội, chất lượng các buổi sinh hoạt và tỷ lệ hội viên tham gia sinh hoạt định kỳ thường xuyên dần tăng lên, đạt hơn 80% ở đồng bằng, trên 50 % ở miền núi và hải đảo.

Trong sinh hoạt, Hội luôn lấy nội dung phát triển kinh tế - xã hội làm trọng tâm, kết hợp chặt chẽ với giáo dục chính trị, tư tưởng; phát động 3 phong trào thi đua lớn của Hội và nhất là Phong trào nông dân thi đua SXKD giỏi, giúp nhau xoá đói giảm nghèo và làm giàu chính đáng được đông đảo nông dân hưởng ứng thi đua. Đến cuối tháng 8/2017, toàn tỉnh đã có trên 82.042 hộ đạt danh hiệu “nông dân sản xuất kinh doanh giỏi các cấp.

Điều đáng ghi nhận của phong trào là số nông dân SXKD giỏi trong những năm qua tăng nhanh cả về số lượng, chất lượng với qui mô sản xuất ngày càng lớn, phong phú và đa dạng. Nhiều nông dân biết ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và công nghệ mới vào sản xuất, đem lại hiệu quả kinh tế cao, trong số đó có nhiều nông dân là đồng bào dân tộc thiểu số biết đầu tư trồng rừng nguyên liệu kết hợp chăn nuôi hằng năm cho thu nhập hàng trăm triệu đồng. Không chỉ bản thân gia đình họ làm giàu mà còn giúp đỡ nhiều hộ lân cận có vốn làm ăn, vươn lên thoát nghèo bền vững.

Bên cạnh đó, hoạt động dạy nghề và dịch vụ hỗ trợ nông dân luôn được chú trọng; hằng năm, các cấp Hội đã tổ chức và phối hợp đào tạo nghề cho 1.600 người, gồm các nghề như: chăn nuôi gia súc, gia cầm; sử dụng thuốc thú y trong chăn nuôi; sửa chữa máy nông nghiệp; trồng nấm hữu cơ, trồng rau an toàn;... Trong quá trình tổ chức các lớp dạy nghề, các cấp Hội còn định hướng, tư vấn, giới thiệu việc làm và xuất khẩu lao động cho hàng trăm lượt người. Số nông dân sau khi học nghề đã tự nguyện tham gia và thành lập các nhóm hộ sản xuất theo hình thức liên kết, như: tổ hợp tác, nhóm nông dân cùng sở thích,… để cùng hỗ trợ nhau về vốn, kiến thức trong phát triển sản xuất và kinh doanh dịch vụ. Đồng thời thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, đưa cơ giới hóa vào sản xuất, nâng cao chất lượng, giá trị nông sản, các cấp Hội đã phối hợp tuyên truyền, vận động nông dân hưởng ứng và thực hiện công tác dồn điền đổi thửa được 2.206,3 ha và xây dựng 95 cánh đồng mẫu lớn với tổng diện tích 1.259ha.

Để hỗ trợ cho nông dân có vốn đầu tư sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế hộ gia đình, các cấp Hội luôn chú trọng đến công tác xây dựng nguồn tài chính Hội. Nguồn Quỹ Hỗ trợ nông dân (HTND) được xây dựng và củng cố ở 3 cấp ngày càng phát huy hiệu quả. Tính đến 31/7/2017, tổng nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân các cấp trong tỉnh đang quản lý là 27.850 triệu đồng và quay vòng liên tục cho 1.992 lượt hộ vay để phát triển sản xuất kinh doanh.

Cùng với Quỹ HTND, các cấp Hội đã chủ động phối hợp, tín chấp với Ngân hàng Nông nghiệp&PTNT, Ngân hàng CSXH cho nông dân vay với tổng số tiền dư nợ trên 2.000 tỷ đồng. Từ nguồn vốn này, đã hỗ trợ cho hơn 55.000 lượt hộ nông dân trong tỉnh có vốn sản xuất kinh doanh, tạo công ăn việc làm, nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững và làm giàu chính đáng.

Phát huy những kết quả đã đạt được, trong thời gian tới, các cấp Hội trong tỉnh cần tăng cường phối hợp, đẩy mạnh các hoạt động tập huấn, chuyển giao các tiến bộ KHKT vào sản xuất, hướng dẫn và hỗ trợ nông dân đầu tư các mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ theo hướng "sạch, an toàn và bền vững". Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh mối liên kết 4 nhà, hình thành các nhóm sản xuất, các tổ hợp tác, HTX... để hướng dẫn nông dân sản xuất, tiêu thụ sản phẩm trên tinh thần năng động, sáng tạo, hội nhập cùng phát triển.

Ngoài ra, các cấp Hội phải thường xuyên chăm lo củng cố, xây dựng tổ chức Hội vững về chính trị, mạnh về tổ chức, thống nhất về hành động, xây dựng đội ngũ cán bộ Hội có bản lĩnh chính trị, có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, có tâm huyết với nông dân, có sự am hiểu trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, chăm lo và bảo vệ quyền lợi chính đáng cho nông dân. Hội phải nắm bắt tâm tư, nguyện vọng chính đáng của nông dân, tăng cường công tác giám sát và phản biện xã hội để đề xuất những giải pháp tích cực với cấp uỷ Đảng và các cấp chính quyền. Có như vậy, hoạt động Hội và phong trào nông dân tỉnh ta luôn đi đúng hướng "thiết thực, sáng tạo, phát triển bền vững" để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc./.

Đinh Duy Sung - PCT Hội Nông dân tỉnh
Video
Thống kê truy cập
Đang online
474
Hôm nay
1,087
Tháng này
209,429
Tổng truy cập
2,537,837