banner
 18/09/2017 09:50:04 AM

Triển khai, nhân rộng mô hình sản xuất nông, lâm, thủy sản hiệu quả tại các huyện miền núi

Chủ tịch UBND tỉnh vừa có Công văn số 5658/UBND-NNTN​ chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Kế hoạch và Đầu tư; UBND các huyện miền núi triển khai, nhân rộng một số mô hình sản xuất nông, lâm, thủy sản có hiệu quả tại các huyện miền núi của tỉnh.

 Công văn nêu rõ: Trong những năm qua, nhiều mô hình sản xuất nông, lâm, thủy sản ở các huyện miền núi trên địa bàn tỉnh đã triển khai thực hiện và được đánh giá có hiệu quả, thiết thực, tuy nhiên việc nhân rộng các mô hình còn nhiều hạn chế; một số Sở ngành, địa phương chưa quan tâm đúng mức việc triển khai, nhân rộng các mô hình sản xuất nông, lâm, thủy sản có hiệu quả; việc lồng ghép các nguồn vốn từ các chương trình, dự án đầu tư cho miền núi để xây dựng và nhân rộng các mô hình sản xuất nông, lâm, thủy sản có hiệu quả chưa được phát huy.

 

 

 

 

Về định hướng các mô hình sản xuất nông, lâm, thủy sản cần nhân rộng tại các huyện miền núi trong thời gian đến, Chủ tịch UBND tỉnh lưu ý các sở ngành, địa phương cần đưa vào trồng cây gỗ lớn, keo, trồng cỏ nuôi bò. Đối với chăn nuôi là trâu, bò, heo ky;  Mô hình nông lâm kết hợp trồng rừng, trồng cây ăn quả,... kết hợp với chăn nuôi gia súc, gia cầm. Đồng thời chọn những cây trồng, con vật nuôi theo đặc thù từng địa phương như: Quế (huyện Trà Bồng, Tây Trà), Chè (Minh Long) Cá tầm (Sơn Tây),  Mía (Ba Tơ, Sơn Hà). Các mô hình thử nghiệm cần tiếp tục theo dõi: Nuôi dê, ong mật, bò sữa; trồng cây shachi, chanh dây, thanh long ruột đỏ, mắc ca, sa nhân dưới tán rừng, tiêu leo thân cau,...

 

 

 

Chủ tịch UBND tỉnh giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các Sở ngành có liên quan và UBND các huyện miền núi nghiên cứu, tham mưu UBND tỉnh điều chỉnh, bổ sung Quy hoạch bố trí hệ thống cây trồng, Quy hoạch phát triển chăn nuôi của tỉnh, đảm bảo phù hợp với định hướng phát triển nông, lâm, thủy sản tại các huyện miền núi, trình UBND tỉnh trước ngày 30/10/2017.

 

 

 

Xây dựng kế hoạch phát triển nông, lâm, thủy sản tại các huyện miền núi giai đoạn 2018-2020, định hướng đến năm 2025, trình UBND tỉnh trước ngày 15/11/2017;  Lồng ghép các nguồn vốn khuyến nông, sự nghiệp khoa học - công nghệ, giảm nghèo, tín dụng ưu đãi để triển khai, nhân rộng các mô hình sản xuất nông, lâm, thủy sản có hiệu quả.

 

 

 

Ưu tiên sử dụng đất được thu hồi từ các nông lâm trường, đất chuyển đổi từ quy hoạch rừng phòng hộ, rừng sản xuất sang đất sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp để thu hút, kêu gọi đầu tư; Rà soát các chính sách hiện hành có liên quan đến khuyến khích nhân rộng mô hình nông, lâm, thủy sản, hợp tác xã có hiệu quả để tham mưu UBND tỉnh điều chỉnh, bổ sung hoặc ban hành mới các chính sách: Nhân rộng mô hình sản xuất nông, lâm, thủy sản có hiệu quả; phát triển mô hình tổ chức hợp tác (Tổ hợp tác, hợp tác xã) ở các huyện miền núi (Nhà nước có vai trò chỉ đạo, định hướng, hỗ trợ ban đầu; hộ, nhóm hộ là chủ thể thực hiện đảm bảo có hiệu quả), trình UBND tỉnh trước ngày 10/10/2017.

 

 

 

Sở Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu, cập nhật, đề xuất cơ chế thu hút doanh nghiệp đầu tư vào địa bàn miền núi trong quá trình xây dựng Chính sách thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp nông thôn trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi theo chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi tại Công văn số 3147/UBND-TH ngày 29/5/2017; lưu ý khuyến khích thực hiện xã hội hóa, phát triển thương hiệu hàng hóa.

 

 

 

UBND các huyện miền núi tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả các mô hình sản xuất nông lâm thủy sản (từ nguồn vốn các chương trình, dự án đầu tư trên địa bàn) và Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp; Chỉ đạo các cơ quan chức năng của huyện và UBND các xã thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động người dân tích cực tham gia thực hiện Chương trình giảm nghèo bền vững, sản xuất hàng hóa.

Nguồn: Cổng thông tin UBND tỉnh Quảng Ngãi
Video
Thống kê truy cập
Đang online
294
Hôm nay
625
Tháng này
201,667
Tổng truy cập
2,530,075