Thực hiện lời dạy của Bác, trong những năm qua, các cấp Hội Nông dân trong tỉnh đã liên tục phát động và đẩy mạnh thực hiện “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” bằng những việc làm cụ thể, thiết thực phù hợp với tình hình thực tiễn của từng địa phương. Trong đó chú trọng “nêu gương” từ những việc làm nhỏ, bình dị nhưng mang lại hiệu quả cao, đậm tính nhân văn và truyền thống tương thân tương ái trong cộng đồng.
Những bông hoa trong vườn Bác
Đến thăm mô hình phát triển kinh tế hộ gia đình của anh Đinh Văn Trời, ở thôn Hà Lên, xã Sơn Màu (Sơn Tây) để thấy sự cố gắng và tinh thần vượt khó của anh nông dân trẻ người Hre nơi đây. Từ một hộ nghèo, sau nhiều năm cần cù, mạnh dạn đầu tư, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, cuộc sống của gia đình anh Trời ngày càng khấm khá hơn.
Đến nay, anh Trời đang sở hữu 30 con bò nuôi sinh sản và trồng hơn 5ha keo và cau đã hơn 4 năm tuổi. Bình quân mỗi năm, sau khi trừ hết chi phí, anh có nguồn thu nhập hơn 100 triệu đồng – Một con số không hề nhỏ so với người đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng cao. Hơn thế nữa là anh Trời còn nhiệt tình hướng dẫn người dân địa phương cách chăn nuôi hiệu quả để phát triển kinh tế gia đình.
Anh Trời chia sẻ: “Mình muốn thoát nghèo thì phải chịu khó thôi, phải biết làm chuồng nuôi bò và trồng keo, chăm sóc cây cau để phát triển kinh tế gia đình, có tiền cho con ăn học để sau này không khổ nữa…”.
Nghĩ như vậy, nên anh Trời đã mạnh dạn vay vốn để đầu tư chuồng trại nuôi bò và tuyên truyền hướng dẫn bà con trong thôn cùng nhau sản xuất, chăn nuôi để phát triển kinh tế gia đình, xây dựng cuộc sống tốt đẹp hơn.
Còn anh Huỳnh Văn Hiếu ở xã Tịnh Châu (TPQN) lại là một cán bộ Hội ở cơ sở năng động, sáng tạo. Với vai trò là Chủ tịch Hội Nông dân xã thì việc đổi mới nội dung phương thức hoạt động Hội sao cho phù hợp để ngày càng nâng cao chất lượng. Vì vậy mà anh thường xuyên tham gia sinh hoạt chi, tổ Hội để lắng nghe những tâm tư nguyện vọng của hội viên nông dân về các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đối với nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Từ đó việc phát động, nhân rộng các mô hình học tập và làm theo Bác và mô hình phát triển kinh tế ở địa phương được xây dựng và nhân rộng để thực hiện đạt kết quả cao. Trong năm 2024, đã hướng dẫn và chỉ đạo Chi hội nông dân Tổ 1 thành lập và ra mắt Tổ hội Nông dân nghề nghiệp “Mộc dân dụng” để hội viên nông dân cùng nhau hỗ trợ, phát triển nghề mộc, nâng cao thu nhập. Đồng thời tuyên truyền, vận động hội viên nông dân đóng góp hơn 2,5 triệu đồng để nhân rộng mô hình tham gia bảo vệ môi trường; vận động tăng trưởng nguồn quỹ hỗ trợ Nông dân với số tiền 13,2triệu đồng; Vận động hỗ trợ, giúp đỡ các trường hợp khó khăn, hoạn nạn với tổng số tiền 7.650.000 đồng; Vận động HVND và nhân dân trên địa bàn xã đóng góp hơn 125 triệu đồng để ủng hộ đồng bào miền bắc bị thiệt hại do bão số 3 – Yagi gây ra…
Nhiều mô hình hay, ý nghĩa và cách làm sáng tạo
Thực hiện lời dạy của Bác về tinh thần đoàn kết, tương thần tương ái, các cấp hội nông dân trong tỉnh đã tuyên truyền, vận động hội viên, nông dân trong tỉnh tích cực tương trợ, giúp đỡ nhau vượt qua khó khăn trong cuộc sống và vươn lên phát triển kinh tế. Nhiều cơ sở hội đã đẩy mạnh việc phát động xây dựng mô hình mới và tuyên truyền những mô hình có cách làm hay, hiệu quả thiết thực, mang tính nhân văn, lan tỏa trong cộng đồng.
![](/items/images/img_1109.JPG)
Mô hình hỗ trợ sinh kế cho HVND nghèo được Hội nông dân dân các huyện duy trì từ năm 2019 đến nay
Điển hình như Hội Nông dân xã Sơn Linh, huyện Sơn Hà đã xây dựng mới mô hình “Hũ gạo tình thương” tại thôn Làng Xinh từ giữa năm 2024 nhằm chia sẻ khó khăn với những hội viên, nông dân nghèo và kết quả đã vận động hơn 120kg gạo trao cho 5 hội viên có hoàn cảnh khó khăn. Hội còn vận động hội viên đóng góp hàng trăm ngày công lao động để giúp nhau làm nhà, làm đường giao thông nông thôn và quyên góp tiền cho các hoàn cảnh khó khăn, ốm đau bệnh tật.
Đ/c Đinh Mẽo - Chủ tịch Hội Nông dân xã Sơn Linh cho biết: HND xã luôn đẩy mạnh việc học tập và làm theo lời Bác gắn với các phong trào thi đua yêu nước. Cùng với việc vận động quyên góp gạo, tiền mặt cho các hoàn cảnh ốm đau, hội đã vận động mỗi hộ sản xuất kinh doanh giỏi giúp đỡ 1 - 2 hộ khó khăn bằng cách cho mượn vốn, hỗ trợ việc làm. Nhờ đó, trong năm 2024, đã có hơn 50 lượt nông dân được giúp đỡ vốn, cây giống, kinh nghiệm sản xuất và hơn 270 lượt lao động được hỗ trợ việc làm thường xuyên từ các hộ sản xuất kinh doanh giỏi.
Còn Hội Nông dân xã Hành Phước (Nghĩa Hành) đã đồng hành cùng hội viên, nông dân nghèo suốt hơn 3 năm nay, đều tổ chức giải bóng chuyền, để huy động các nguồn xã hội hóa thực hiện các mô hình “Ngân hàng heo giống”, “Ngân hàng bò giống”, “Tiếp sức em đến trường” và hỗ trợ kinh phí những tháng đầu cho hộ nghèo, cận nghèo đóng BHXH tự nguyện. Nhờ đó, đến nay, Hội Nông dân xã Hành Phước đã trao 77 con heo giống, 3 con bò giống cho 80 hộ nông dân nghèo, khó khăn, hỗ trợ 12 hội viên nông dân tham gia đóng BHXH tự nguyện.
![](/items/images/img_1110.JPG)
Mô hình "Ngân hàng heo gi" hỗ trợ cho ND nghèo ở xã Hành Phước, huyện Nghĩa Hành
Là một trong nhiều hội viên khó khăn được nhận hỗ trợ từ Hội Nông dân xã Hành Phước, chị Bùi Thị Khoa, ở thôn Hòa Vinh chia sẻ, tôi bị bệnh tim, không làm được việc nặng, nên mọi gánh nặng kinh tế phụ thuộc vào chồng. Trước khó khăn của gia đình, hội nông dân xã hỗ trợ cho tôi con heo giống sinh sản mà tôi có thêm thu nhập từ việc bán heo con. Không chỉ vậy, hội còn hỗ trợ cho hai vợ chồng tôi đóng 3 tháng BHXH tự nguyện. Nhờ đó, mà vợ chồng tôi có thêm động lực sản xuất và tích góp hằng tháng để đóng BHXH tự nguyện để sau này về già sẽ nhận lương hưu.
Phát huy vai trò đồng hành cùng học sinh nghèo, có hoàn cảnh khó khăn với mô hình “Tiếp sức đến trường” trong nhiều năm qua, Hội Nông dân xã Bình Hải, huyện Bình Sơn đã trợ cấp thường xuyên cho một học sinh nghèo học hết cấp 2 tại trường THCS Bình Hải, mỗi tháng 250.000đ (tổng số tiền hỗ trợ trong giai đoạn 4 năm học cấp 2 là 12 triệu đồng). Trong năm 2024 này, Hội đã kết nối với các đơn vị, cá nhân để trao tặng 60 suất quà bằng hiện vật trị giá 300.000đ/suất) như: áo khoác, bút, vở, cặp cho 50 em học sinh nghèo và 10 suất quà gồm nhu yếu phẩm cho 10 hộ già neo đơn ở địa phương; hỗ trợ thường xuyên cho 06 hội viên nghèo, khó khăn số tiền 300.000đ/tháng/người (tổng trị giá 21.600.00đ/năm); tặng 35 suất quà, mỗi suất 300.000đ cho HVND nghèo trong các dịp lễ, tết. Đặc biệt, HND xã đã thành lập mới mô hình “Bơm xe không đồng” theo hình thức “lá lành đùm lá rách” thông qua đặt thùng quyên góp có gắn logo Hội NDVN ở vị trí của chủ sửa xe, khi khách hàng được bơm xe miễn phí và tùy lòng hảo tâm tự nguyện đóng góp vào thùng để tạo nguồn quỹ giúp đỡ người nghèo. Mô hình này Hội Nông dân xã đã tặng thường xuyên cho 4 hội viên khó khăn mỗi quý 1 lần tùy theo số tiền thu được từ thùng bơm xe 0 đồng này. Kết quả trong năm 2024 đã có 16 suất quà được trao (trung bình mỗi suất 300.000đ).
Từ những mô hình học tập và làm theo Bác ở các địa phương trong tỉnh đã tạo sức lan tỏa rộng lớn trong cộng đồng về tinh thần tương thân, tương ái. Chỉ tính riêng trong năm 2024, Các cấp hội nông dân trong tỉnh cũng đã huy động đóng góp hơn gần 600 triệu đồng để trao tặng hơn 1.600 suất quà cho hội viên nông dân nghèo; vận động cán bộ, hội viên nông dân đóng góp hơn 500 triệu đồng để ủng hộ nhân dân các tỉnh phía Bắc bị thiệt hại do bão, lũ gây ra; huy động từ nhiều nguồn đóng góp 250 triệu đồng để hỗ trợ xây dựng 4 ngôi nhà cho hội viên khó khăn trong tỉnh.
Đồng chí Trần Ngọc Vinh - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nông dân tỉnh cho biết: thời gian qua, Hội Nông dân tỉnh đã đẩy mạnh việc tuyên truyền, tổ chức các chuyên đề học Bác với nhiều hình thức phù hợp, đưa việc học tập và làm theo lời Bác trở thành việc làm thường xuyên, tự giác trong các cấp hội và cán bộ, hội viên nông dân toàn tỉnh. Đến nay, có 100% cơ sở Hội và hơn 70% chi, tổ Hội đăng ký xây dựng mô hình và đã có 324 mô hình học tập và làm theo Bác trong hệ thống Hội Nông dân các cấp đã và đang duy trì hoạt động hiệu quả. Trong thời gian tới, Hội Nông dân tỉnh tiếp tục chỉ đạo các cấp Hội triển khai thực hiện học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh một cách nghiêm túc và có hiệu quả bằng cách nhân rộng các mô hình hay, việc làm sáng tạo có sức lan tỏa trong cộng đồng nhằm nâng cao chất lượng hoạt động Hội và các phong trào nông dân, góp phần nâng cao vai trò, vị thế của tổ chức Hội Nông dân các cấp trong phát triển kinh tế, xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh trong tình hình mới./.