banner
 26/06/2019 08:52:20 AM

Nhà văn Ngô Tất Tố bút chiến vì nông dân

Ai cũng biết tên tuổi nhà văn Ngô Tất Tố với tác phẩm nổi tiếng “Tắt đèn”, nhưng ít ai biết ông là một nhà báo bút chiến không khoan nhượng. Cả cuộc đời làm báo vào Nam ra Bắc, ông đã sử dụng ngòi bút của mình bênh vực nông dân, chống lại những xấu xa,nhơ bẩn, bóc lột, đè nặng trĩu trên vai những người áo vải một nắng hai sương.
Chân dung Nhà văn Ngô Tất Tố

 Ông Ngô Tất Tố sinh năm 1894 tại làng Lộc Hà, xã Mai Lâm, huyện Đông Anh (Hà Nội). Thuở bé ông đã học chữ Hán ở làng quê trong vùng. Năm 1912, ông Tố học chữ Pháp và dự kỳ thi truyền thống do triều đình nhà Nguyễn tổ chức. Ông đỗ sát hạch và hỏng kỳ thi đệ nhất ở kỳ thi Hương. Năm 1915, ông đỗ đầu toàn Bắc Ninh được gọi là Đầu xứ Tố. Từ năm 1916, ông ra Hà Nội làm báo,  viết cho nhiều tờ, như An Nam tạp chí, Trung Bắc Tân Văn,…. Ông giao du với nhiều nhà văn, nhà báo nổi tiếng như Vũ Trọng Phụng, Vũ Bằng… Ông có các bút danh như: Bắc Hà, Lộc Hà, Thục Điền, Hy Cừ… Ông nổi tiếng  với tập phóng sự “Việc Làng” về đời sống nông dân Bắc Bộ. Phóng sự nông thôn thì 50 năm nay chưa ai qua được ông. Từ năm 1936-1939, Ngô Tất Tố viết nhiều tác phẩm chỉ trích quan lại tham nhũng phong kiến. Ngoài ra, nhiều lần Ngô Tất Tố bị cấm viết báo và bị trục xuất khỏi Hà Nội, Hải Phòng, Nam Định. Năm 1939, chính quyền thuộc địa ra lệnh cấm tác phẩm “Tắt đèn”. Nhà Ngô Tất Tố ở Bắc Ninh bị nhà chức trách khám xét và ông bị bắt giam ở Hà Nội vài tháng.

Ngô Tất Tố có sở trường viết tạp văn. Tạp văn là một lối văn đặc biệt. Nếu xương thịt của nó là sự việc hàng ngày, thì tim óc của nó là tính khí của nhà văn, xu hướng của thời đại. Nhẹ nhàng mà vẫn thâm thúy, thẳng thắn mà vẫn kín đáo, cứng rắn mà không làm mất duyên dáng, nghiêm nghị không làm mất thân mật, bóng bẩy nhưng vẫn rõ ràng như cục đất ném vào mặt, với một chút gì như chất phát, như tinh nghịch, như dí dỏm, khóc hỏi ngươi, cười ra nước mắt, đó là tạp văn.

Trong hơn mười năm trời, giữa hai cuộc chiến tranh thế giới, trên con đường từ Bắc vào Nam, từ Nam ra Bắc, ông đã đăng rải rác ở một số lớn báo chí, những bài văn ngắn gọn, phần nhiều có tính chất bút chiến. Ngày nay, điểm lại nội dung tư tưởng của các bài văn đó, ta có thể nói rằng mặc dù thái độ chính trị của các tờ báo mà ông cộng tác không nhất trí, những bài của ông viết ra thủy chung đều nhằm theo một mục đích: đấu tranh chống cái xã hội thực dân phong kiến đang chà đạp lên quyền sống của con người.

Khởi hành một buổi sáng từ chốn đồng quê u ám, nơi mà tình thương yêu đã cột chặt trái tim của nhà văn vào số phận của người nông dân, Ngô Tất Tố theo cái đà của nhiệt tình và xu hướng của tài năng đã dừng lại ở chỗ lấy những xấu xa thối nát của xã hội làm đối tượng đấu tranh trên tờ báo.

 

Tình thương yêu con người cùng khổ ở tác giả đã có một biểu hiện độc đáo: lòng căm ghét vô hạn áp bức bóc lột, căm ghét những cái gì làm nhơ bẩn cuộc sống. Ngô Tất Tố là một nhà báo bút chiến. Bút chiến với Ngô Tất Tố như nước với cá. Chỉ trong bút chiến nhà văn mới phát huy được hết tài năng của mình.

Không những hàng ngày, ông thường đi tìm đề tài bút chiến, mà còn nhờ anh em tìm giúp. Có sự việc nào đáng công kích, có hạng người nào cần phải “chửi” là ông xung phong nhận lấy trách nhiệm nhưng ông cai tổng x tham nhũng, ông lý trưởng y ăn cắp của nhân dân… luôn là đối tượng cho các bài báo của ông.

Vì thế, một hôm Vũ Trọng Phụng đã nói đùa: “Cái xã hội mũi lõ và áo thụng xanh này nếu không có thì cũng phải tạo ra nó, nếu không thì Ngô Tất Tố không có lý do để tồn tại”. Thật có như vậy. Nếu xã hội thực dân phong kiến để cho bao nhiêu tội lỗi trôi đi mà không có một lời kết án, thì quả là một sự phi lý. Trong lịch sử nhân loại, những lúc xã hội lâm vào cảnh tối tăm nhất, trong những thời kỳ thịnh trị của phi nghĩa, ta vẫn thấy bóng dáng của chính nghĩa đứng lên sừng sững ở phía chân trời như một vị thẩm phán để buộc tội. Đã có tiếng nói của bất chính, của gian tà, tất có tiếng nói chống lại của Công lý, của Lẽ phải. Tiếng nói trong sạch của những tâm hồn trong sạch cất lên để biểu dương tất cả những cái gì là trong sạch là mới mẻ, là tiến bộ. Có như vậy mới hợp với đạo trời và lòng người. Đạo trời tức là quy luật phát triển của xã hội. Lòng người là ý nguyện của quần chúng nhân dân.

Nhà báo Ngô Tất Tố đã nói lên tiếng nói của quần chúng lao động, tiếng nói bất khuất và không nhân nhượng, tiếng nói căm thù và không tha thứ; ngòi bút của Ngô Tất Tố đã chích vào ung nhọt xã hội như một cây đao mọi tội lỗi, mọi dơ bẩn, thói xấu, nạn tham nhũng của chế độ thực dân phong kiến và bênh vực những người dân nghèo khổ.

Nguồn: Langmoi.vn
Video
Thống kê truy cập
Đang online
103
Hôm nay
632
Tháng này
246,610
Tổng truy cập
2,796,659