Cơ hội thoát nghèo
Khoảng 1 năm trở về trước, thôn Làng Ranh là thôn 135 đặc biệt khó khăn thuộc xã Sơn Ba (Sơn Hà). Cuối năm 2019, thôn Làng Ranh được lựa chọn thành lập nhóm để chăn nuôi heo ky. Sau hơn nửa năm đi vào hoạt động, mô hình này đã và đang trở thành “cần câu” xóa đói, giảm nghèo bền vững cho người dân trong thôn.
|
Đồng bào Hrê ở thôn Làng Ranh phát triển nuôi heo ky theo Liên kết tổ chức sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm heo ky. |
Bí thư Đảng uỷ xã Sơn Ba Đinh Văn Phu, cho biết: “Ở Làng Ranh, 90% dân trong thôn đều thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo. Nuôi heo ky tuy không phải nghề chính nhưng nó đang mang lại nguồn thu nhập ổn định cho người dân. Bởi lẽ, trước đây các hộ chủ yếu chăn nuôi nhỏ lẻ, tự phát nên tiêu thụ bấp bênh, tư thương ép giá. Bên cạnh đó, việc kiểm soát giống, thức ăn do không theo quy trình kỹ thuật nên thường xảy ra dịch bệnh, dẫn đến hiệu quả kinh tế không cao.
Cuối năm 2019, UBND xã Sơn Ba quyết định triển khai thực hiện dự án Liên kết tổ chức sản xuất, chế biến và tiêu thụ heo ky với 35 hộ dân. Các hộ tham gia mô hình, ngoài việc được Trạm Khuyến nông huyện Sơn Hà tổ chức tập huấn kỹ thuật chăn nuôi, chăm sóc và vệ sinh phòng bệnh ở heo ky, các hộ tham gia mô hình còn được doanh nghiệp liên kết cung ứng giống, vật tư, kỹ thuật, theo dõi trong suốt quá trình nuôi và chịu trách nhiệm thu mua sản phẩm với giá bao tiêu 140.000 đồng/kg hơi.
Chị Lê Thị Hoa, Tổ trưởng Tổ hợp tác nuôi heo ở Làng Ranh, chia sẻ: “Tôi thấy cái được rất lớn khi xây dựng dự án là các hộ đã biết liên kết trong chăn nuôi bằng việc đóng góp ngày công; cùng nhau góp tiền làm chuồng nuôi nhốt tập trung, mỗi hộ góp từ 1 đến 2 sào đất để trồng rau làm thức ăn cho heo; phân công mỗi gia đình chăm sóc heo 1 tuần theo hình thức xoay vòng.
Nhờ vậy, dù thời gian thành lập nhóm chưa lâu nhưng hiệu quả kinh tế mang lại khiến người dân vô cùng phấn khởi. Nửa năm vừa rồi, doanh thu của tổ lên đến trên 100 triệu đồng. Như vậy, mỗi hộ lợi nhuận 3 triệu đồng/lứa heo”, chị Hoa phấn khởi nói.
|
Đây là loại heo rừng lai với heo bản địa, được coi là đặc sản quý hiểm ở vùng miền núi. |
Mô hình liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ heo ky ở thôn Làng Ranh (Sơn Ba) đã thể hiện sự thay đổi lớn từ cách nghĩ, cách làm của đồng bào Hrê. Ngoài 5 điểm nuôi heo ky tập trung tại các xã Sơn Linh, Sơn Thượng, Sơn Bao, việc nhân rộng nuôi heo ky ở xã Sơn Ba có thể coi là “cú hích” không những giúp người nghèo trên địa bàn huyện Sơn Hà có cơ hội thoát nghèo mà còn giúp họ tiếp cận với khoa học kỹ thuật chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học.
Không những thế, mô hình còn tạo điều kiện thuận lợi cho hộ nghèo liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, gắn kết giữa hộ nghèo với doanh nghiệp cung ứng vật tư đầu vào, bao tiêu sản phẩm và chế biến, tiêu thụ sản phẩm về lâu dài, góp phần đẩy nhanh công cuộc xóa nghèo, vươn lên làm giàu cho hàng trăm hộ dân.
Xây dựng thương hiệu
Heo ky là loại heo rừng lai với heo bản địa nên có đặc trưng rất riêng, khác với những giống heo khác là dễ nuôi, khả năng thích ứng cao, ít dịch bệnh, thịt chắc, nhiều nạc, thơm ngon. Với phương thức chăn nuôi truyền thống được đúc kết, các hộ nuôi là đồng bào Hrê đã mạnh dạn áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi, đưa năng suất và chất lượng đàn heo ky của địa phương tăng lên đáng kể.
Thời gian qua, bên cạnh việc cung cấp sản phẩm thịt heo ky tươi, UBND huyện Sơn Hà đã hỗ trợ các nhóm hộ tổ chức sản xuất, chế biến sản phẩm heo ky xông khói, dòi, lạp xưởng heo ky, cung cấp cho 20 siêu thị Big C ở khu vực miền Trung và phía Nam. Đến thời điểm này, thì nguồn cung không đủ cung ứng cho thị trường”, ông Phạm Đình Nghĩa, Giám đốc HTX Nông nghiệp huyện Sơn Hà cho biết.
|
Heo ky Sơn Hà đã vào siêu thị |
Ở xã Sơn Linh, anh Nguyễn Hồng Lợi (30 tuổi), được coi là người nuôi heo ky thành công. Trước đây, gia đình anh chỉ nuôi vài con heo ky, khi xuất chuồng đầu ra sản phẩm không ổn định, thu nhập bấp bênh. “Hơn 2 năm trở lại đây, nhờ có sự quan tâm của địa phương, Chương trình sinh kế cộng đồng và Big C nên tôi đầu tư nuôi hàng trăm con heo ky. Mỗi năm xuất chuồng khoảng hơn 200 con, tổng số tiền thu về từ nuôi heo ky khoảng 600-700 triệu đồng/năm; trừ các chi phí, mỗi năm gia đình tôi lãi gần 200 triệu đồng. Điều tôi vui nhất là thịt heo ky đã vào siêu thị Big C và được người tiêu dùng đón nhận", anh Lợi nói.
Với giá trị kinh tế mà sản phẩm heo ky mang lại cho người dân vùng cao Sơn Hà trong nhiều năm qua, UBND tỉnh vừa có chủ trương thống nhất và chỉ đạo UBND huyện Sơn Hà phối hợp với Sở KH&CN và các cơ quan chức năng liên quan khẩn trương triển khai các bước để xây dựng nhãn hiệu “Heo ky Sơn Hà”, trình Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp giấy chứng nhận.
Ông Phùng Tô Long, Phó Chủ tịch UBND huyện Sơn Hà, cho biết: "Việc đăng ký xây dựng nhãn hiệu “Heo ky Sơn Hà” thành công sẽ mang lại hiệu quả to lớn về kinh tế, xã hội và môi trường. Cụ thể, giá trị kinh tế của heo ky ở địa phương sẽ được gia tăng nhanh chóng, từ đó khuyến khích sản xuất, giải quyết việc làm, tạo nguồn thu nhập ổn định cho người dân miền núi.
Không những thế, chất lượng của sản phẩm thịt heo ky trong chuỗi cung ứng sẽ được kiểm soát chặt chẽ từ nguồn giống, quá trình chăn nuôi và xuất bán qua một đầu mối cụ thể. Từ đó, hạn chế chăn nuôi tự phát, thiếu quy hoạch, tạo lòng tin đối với người tiêu dùng, các doanh nghiệp thu mua trong và ngoài tỉnh, góp phần ổn định và nâng cao giá trị kinh tế của sản phẩm heo ky Sơn Hà”.