Suốt cuộc đời của Người là tấm gương đạo đức trong sáng, tiêu biểu vì sự thống nhất giữa tư tưởng - lời nói và hành động. Sau cách mạng Tháng Tám năm 1945, cả nước đối mặt với nạn đói kiệt quệ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã kêu gọi đồng bào nhường cơm sẻ áo “Cứ 10 ngày nhịn ăn một bữa, mỗi tháng nhịn 3 bữa. Đem gạo đó để cứu dân nghèo” và Người gương mẫu thực hiện trước. Các đồng chí thân cận Bác kể lại: vì thấy Bác làm việc nhiều mà còn phải nhịn bữa nhường cơm cho đồng bào, các đồng chí thấy xót quá nên một lần đã bàn nhau bố trí Bác được mời chiêu đãi ngay ngày Bác nhịn bữa. Khi Bác về anh em báo cáo lại với Bác đã đem góp phần gạo của Bác rồi, nhưng Bác vẫn quyết định “nhịn bù một bữa” ngày hôm sau. Hành động này của Bác tuy nhỏ nhưng đã làm mọi người vô cùng xúc động và khâm phục tính tự giác nêu gương của Người.... Đây chỉ là một trong rất nhiều câu chuyện về đức tính nêu gương của Bác đã dẫn dắt hành động làm theo của hàng triệu cán bộ, đảng viên và nhân dân cả nước. Đối với Người làm gương phải được thực hiện xuyên suốt, từ việc nhỏ đến việc lớn, từ cách ăn, mặc, đi đứng, nói năng, đối nhân xử thế đến phong cách làm việc khoa học, dân chủ... Chính vì lẽ đó mà khi còn sống cũng như khi đã mất đi, đạo đức của Người mãi là tấm gương cho mọi thế hệ noi theo.
Để phát huy giá trị bài học về đạo đức cách mạng của Người, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII của Đảng (năm 1991) đã khẳng định "Đảng ta lấy chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng và kim chỉ nam cho hành động". Từ đó đến nay, từng thời điểm khác nhau, Bộ Chính trị đã liên tiếp ban hành các Chỉ thị nhằm giáo dục, tuyên truyền, vận động cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Người (Chỉ thị 23 năm 2003, Chỉ thị 06 năm 2006, Chỉ thị 03 năm 2011và Chỉ thị 05 năm 2016). Và không chỉ dừng lại ở việc tuyên truyền, vận động, Bộ Chính trị còn ban hành các quy định để cụ thể hóa trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là đảng viên giữ chức vụ đứng đầu (năm 2012 ban hành Quy định 101, năm 2016 có Quy định 55 và gần đây nhất năm 2018 là Quy định 08). Qua đó có thể thấy rằng việc nêu gương của cán bộ, đảng viên là vô cùng quan trọng và cần thiết để duy trì, củng cố niềm tin của dân đối với Đảng, nhất là trong giai đoạn hiện nay.
Học tập theo gương Bác và cũng là thực hiện theo sự chỉ đạo của Bộ Chính trị, của Tỉnh ủy, những năm qua, cán bộ Hội Nông dân các cấp trong tỉnh đã có nhiều hành động nhằm cụ thể hóa việc nêu gương và “làm theo”. Điển hình trong nêu gương của người đứng đầu các cấp Hội là trong thực thi chức trách, nhiệm vụ được giao thực hiện nghiêm kỷ luật, kỷ cương hành chính; đi đầu trong đổi mới, sáng tạo; nói đi đôi với làm, dám làm, dám chịu trách nhiệm trước tập thể; không lạm quyền hoặc đùn đẩy trách nhiệm cho cấp dưới,...
Trong tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, nêu gương ở đức tính cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư; chân thành với người khác, ứng xử tinh tế, văn hóa trong giao tiếp; gần gũi, gắn bó với cấp dưới và quần chúng nhân dân; không vi phạm chuẩn mực đạo đức gia đình và xã hội...
Đặc biệt, từ năm 2016 đến nay, cán bộ Hội Nông dân các cấp đã xây dựng và duy trì mô hình “tiết kiệm làm theo gương Bác”, hàng tháng đóng góp từ 20-50.000đ/tháng để hỗ trợ, giúp đỡ con em nông dân có hoàn cảnh kinh tế khó khăn được tiếp tục đến trường hay hội viên nông dân nghèo, người già neo đơn, bệnh tật (ở Bình Sơn, Tư Nghĩa, Minh Long, Ba Tơ, thành phố Quảng Ngãi).Riêng cán bộ Hội Nông dân tỉnh, hàng tháng tiết kiệm 0,5% lương để hỗ trợ cho hội viên nông dân gặp khó khăn hoạn nạn đột xuất.
Để việc nêu gương ngày càng lan tỏa, góp phần làm cho nông dân tin tưởng vào tổ chức Hội, tích cực tham gia hoạt động Hội và các phong trào nông dân hơn nữa, cán bộ Hội Nông dân các cấp phải thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện đạo đức; thực hiện nhất quán từ lời nói đến hành động, "Phải óc nghĩ, mắt trông, tai nghe, chân đi, miệng nói, tay làm”..., tiến đến xây dựng tổ chức Hội ngày càng vững mạnh, xứng đáng là Người đại diện cho quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nông dân./.