Ngày nay, việc ăn chay trở nên phổ biến không chỉ dành cho phật tử mà còn lan ra những người ăn kiêng khắp nơi trên thế giới, mục đích là giữ gìn sức khỏe. Ngày được chọn ăn chay phổ biến nhất là ngày đầu tháng (mùng một) và ngày trăng tròn (rằm) hàng tháng của cả phật giáo Nam truyền lẫn Bắc truyền, tuy nhiên chư Tăng Đại thừa còn chọn ngày 1, 8, 14, 15, 18, 23, 24, 28, 29, 30 để ăn chay tùy theo sự phát tâm của mỗi người, khuyến khích càng nhiều ngày càng tốt. Tại sao lại chọn hai ngày phổ biến là mùng một và rằm thì Phật giáo cho rằng vì đây là ngày dễ ghi nhớ để tụ họp chư tăng nghe thuyết giảng. Ngoài ra còn giải thích do quy luật của vũ trụ. Mục đích của ăn chay trong phật giáo nhằm khuyến khích con người không sát sinh, sống thiện, tinhthần được giải phóng.
Về mặt y học, nhiều chuyên gia cho rằng không phải vô tình mà ngày mùng một và rằm được chọn làm ngày ăn chay. Người xưa cũng rất tinh tế, ăn chay truyền thống là dùng rau quả, không dùng thịt động vật. Ai cũng biết chế độ ăn chay giúp cho cơ thể cân bằng được axít/base, cơ thể hoạt động luôn có xu hướng tạo ra axít, khi cơ thể bị nhiễm axít (toan) nặng thì các cơ quan hoạt động trì trệ. Ăn nhiều thịt sẽ chuyển hóa ra nhiều axít, cơ thể sẽ bị toan hóa. Ngược lại ăn chay sẽ tạo ra sự kiềm hóa nội mô. Các nhà khoa học cũng xác định nhiều hệ thống bị trục trặc khi toan hóa, trong đó có hệ thần kinh, con người trở nên nóng tính, bốc đồng, không kiềm chế dẫn đến hành vi hung bạo.
Theo vật lý học thì ngày mùng một và rằm là lúc mặt trời, mặt trăng, trái đất thẳng hàng. Thời điểm này lực hút của mặt trăng với trái đất mạnh nhất, biểu hiện qua thủy triều cao nhất. Cấu tạo cơ thể con người với hơn 70% là nước, nên các tế bào cũng chịu một lực hút của mặt trăng trong những ngày này nhiều hơn, thậm chí nhiều nghiên cứu cho thấy hoạt động của hệ thống tuần hoàn bị thay đổi. Lực hút này làm cho hoạt động của cơ thể bị rối loạn, nhất là hoạt động của hệ thần kinh.