banner
 08/09/2017 03:19:17 PM

Giải pháp nào cho nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển

Sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là hướng đi tất yếu của nền nông nghiệp hiện đại nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh, tăng giá trị nông sản và đảm bảo cho một nền nông nghiệp phát bền vững.

 Trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi hiện nay đã có một số mô hình sản xuất nông n​ghiệp ứng dụng công nghệ cao như: xây dựng vùng chuyên canh rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP tại xã Nghĩa Dũng (TP. Quảng Ngãi), mô hình xuất lúa, gạo hữu cơ tại xã Hành Nhân, Hành Dũng (huyện Nghĩa Hành), sản xuất khoai lang Nhật Bản (huyện Mộ Đức), mô hình sản xuất rau thủy canh trong nhà kính tại xã Phổ Văn (huyện Đức Phổ)... Đặc điểm chung của các mô hình trên là quy mô vẫn còn nhỏ, sản phẩm chưa được xây dựng thương hiệu và chỗ đứng trên thị trường chưa ổn định. 

 

Những trở lực lớn trong việc phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn tỉnh hiện nay trước hết là tình trạng sản xuất manh mún, phân tán ở nông hộ vẫn còn phổ biến; nguồn nhân lực có chất lượng cao cho nông nghiệp còn rất hạn chế, nông dân vẫn còn mang nặng tập quán sản xuất cũ (bón phân hóa học, phun thuốc trừ sâu bằng hóa chất…); người tiêu dùng rất khó phân biệt đâu là sản phẩm nông nghiệp không an toàn và đâu là sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao. Bởi lẽ chúng không khác nhau nhiều hình thức bên ngoài nhưng chất lượng và độc hại tiềm ẩn bên trong thì không thể phân biệt được bằng mắt thường. 

 

Bên cạnh đó, nhà nước chưa có những chính sách đặc thù để hỗ trợ cho doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao như: chính sách ưu đãi về tín dụng (ứng dụng công nghệ cao cần rất nhiều vốn), chính sách hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng cho các khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, chính sách về tích tụ ruộng đất, chính sách đào tạo nguồn nhân lực để hỗ trợ cho sản xuất nông nghiệp công nghệ cao...   

 

Để phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trước hết phải có sự tham gia của các doanh nghiệp, hộ nông dân đơn lẽ khó có thể làm được bởi lẽ: sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đòi hỏi chủ thể phải có những năng lực cần thiết như: đất đai tập trung, vốn lớn, nguồn nhân lực chất lượng cao, thị trường tiêu thụ sản phẩm ổn định…  

 

Để khắc phục những tồn tại nêu trên, mở đường cho triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển, thiết nghĩ, tỉnh cần có một số giải pháp sau:

 

- Có chủ trương xây dựng quy hoạch vùng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao theo hướng phát huy lợi thế của từng vùng, địa phương, ưu tiên đầu tư cho các sản phẩm có giá trị kinh tế cao.

 

Ưu tiên đầu tư hỗ trợ cho công tác nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao khoa học công nghệ, định hướng giúp doanh nghiệp và nông dân sản xuất theo yêu cầu thị trường, nhằm ổn định giá cả nông sản. Chú trọng tuyên truyền vận động nhân dân nâng cao ý thức, trách nhiệm trong quá trình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.  

 

- Đẩy mạnh dồn điền đổi thửa, xây dựng cánh đồng lớn, tích tụ ruộng đất để khắc phục tình trạng sản xuất manh mún để hình thành vùng sản xuất tập trung, tạo điều kiện thuận lợi cho việc đưa cơ giới hóa, ứng dụng đồng bộ tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất.

 

- Rà soát lại các chính sách hiện có, trên cơ sở đó tiến hành điều chỉnh, bổ sung, xây dựng mới các chính sách để hỗ trợ, thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, trong đó ưu tiên cho hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng, chính sách về tích tụ ruộng đất, chính sách tín dụng, chính sách hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực cho các doanh nghiệp, chính sách đảm bảo sự minh bạch về quy chuẩn chất lượng sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao… 

           

Tin rằng, với sự quyết tâm chỉ đạo của Đảng, Nhà nước ở Trung ương và địa phương, sự nỗ lực phấn đấu của các doanh nghiệp và bà con nông dân, chắc chắn nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi sẽ có sự phát triển nhanh và bền vững trong thời gian tới.

Nguồn: Cổng thông tin UBND tỉnh Quảng Ngãi
Video
Thống kê truy cập
Đang online
6
Hôm nay
1,618
Tháng này
209,960
Tổng truy cập
2,538,368