Xóm Câu ở xã Nghĩa Phú (TP.Quảng Ngãi), vùng đất ở hạ lưu hai con sông Trà Khúc và Phú Thọ tiếp giáp, đổ ra biển.
Nghề cha truyền con nối
Theo con đường trước UBND xã Nghĩa Phú, chúng tôi đi lên một con dốc nhỏ thì hiện ra những ngôi nhà san sát nhau. Đó là xóm Câu, nơi có dòng sông Phú Thọ uốn quanh. Chẳng biết nghề câu ở đây có từ khi nào, bởi nhiều người dân bảo rằng khi lớn lên đã thấy ông, cha mình làm nghề câu. Điều đặc biệt ở xóm Câu là cả xóm đều cùng làm chung một nghề, không giống như các vạn chài ven biển khác. Nhiều người mặc dù chuyển sang làm nghề khác nhưng sau một thời gian cũng trở lại với nghề câu.
Những ngư dân lớn tuổi ở xóm kể rằng, thuở xưa cha ông đi câu trên những con tàu nhỏ chỉ nhắm sao trời, theo hướng gió mà tìm đường giữa biển cả mênh mông. Dần dần, đến đời con cháu đóng tàu lớn hơn, trang bị các thiết bị hiện đại như la bàn, định vị, máy dò... giúp việc câu cá thuận tiện hơn. Các dụng cụ đi câu do người dân trong xóm đặt mua như lưới, lưỡi câu, dây mí, rồi họ tỉ mỉ gắn vào dây câu. Sau đó, cố định dây câu vào rổ tròn bằng tre để giữ cho dây không bị rối. Tùy theo mục đích câu từng loại cá sẽ sử dụng những loại lưỡi câu có kích thước khác nhau.
Ông Phan Muôn (57 tuổi), một trong những ngư dân lão luyện ở xóm Câu kể, năm 17 tuổi tôi đã theo thuyền vươn khơi, đến nay có thâm niên 40 năm làm nghề câu. Những chuyến đi câu thường kéo dài từ 15 - 20 ngày, chủ yếu câu các loại cá hố, cá mú, cá đỏ... Đây là những loại cá có giá trị kinh tế cao, thường được các cơ sở thu mua để xuất khẩu. Trước chuyến đi, ông Muôn chuẩn bị đầy đủ nhiên liệu, vật dụng trên tàu và chuẩn bị một số cá nục, cá cơm để làm mồi câu cá lớn hơn.
Ngư dân Phan Muôn giới thiệu về chiếc lưỡi câu để câu những loại cá to. Ảnh: B.Hòa
Ở gần nhà ông Muôn, ngư dân Võ Văn Tạo (53 tuổi) cũng đã có 30 năm theo nghề câu. Ông Tạo chia sẻ, trên bờ tôi không giỏi ăn nói, nhưng khi ra biển thì rành rọt các dòng chảy, những luồng cá di chuyển, kinh nghiệm dự đoán thời tiết... Nhờ siêng năng, chịu khó theo những chuyến đi câu giữa khơi xa, giờ đây ông Tạo đã có nhà cửa khang trang. Dẫu vất vả, nguy hiểm khi mưu sinh giữa biển khơi, nhưng các ngư dân ở xóm Câu vẫn bám biển, bám nghề...
Giúp nhau trên biển
Ngồi dưới mái hiên dinh Bà, bên bờ sông Phú Thọ, chúng tôi nghe các ngư dân kể về nghề biển. Trước khi thành lập nghiệp đoàn nghề cá như bây giờ, ngư dân hoạt động theo các điệu vạn nhằm tương trợ lẫn nhau. Điệu vạn là tên gọi của một nhóm ngư dân ở cùng xóm, làm cùng nghề. Mỗi điệu vạn gồm khoảng 24 tàu, chia làm 4 tổ. Vào những ngày rằm tháng Giêng, tháng 7 và tháng 10, mỗi tổ ghe lại sửa soạn lễ vật cúng tại dinh Bà, cầu an cho cả xóm, cầu mong mưa thuận gió hòa, cho những chuyến tàu bội thu.
Trên bờ, những ngư dân cùng tổ thường xuyên giúp đỡ nhau. Người có điều kiện hỗ trợ người khó khăn hơn về ngư lưới cụ, phí tổn. Mỗi chuyến ra khơi, họ thường đi theo từng tốp, nhóm tàu để cùng nhau “săn” cá và hỗ trợ lẫn nhau. “Đường trên biển” lúc nào cũng khó khăn hơn đường ở bờ, nên trên chặng đường mưu sinh giữa biển khơi mênh mông, không ai nhắc ai, họ luôn tự nhủ phải gìn giữ tinh thần điệu vạn, bảo vệ, giúp đỡ nhau.
“Mỗi khi có sự cố tàu thuyền bị hỏng máy, thiếu nhiên liệu, thì chiếc tàu gần nhất phải lập tức đến hỗ trợ. Năm 2021, tàu của ngư dân Dương Nhân trong xóm bị hư máy tận ngoài đảo xa, cách bờ hơn 300 hải lý, tàu của hai anh em tôi đến dìu về. Tàu chạy về một mình thì hai ngày hai đêm là đến nơi, dìu thêm tàu nữa phải thêm một ngày một đêm nữa mới vào bờ. Với dân biển, không riêng gì giúp đỡ tàu trong xóm, trong tỉnh mà cả tàu ngoài tỉnh, thấy gặp nạn là giúp ngay”, ngư dân Đỗ Thành Long (48 tuổi) cho hay.
Ánh đèn xóm Câu giữa biển
Nói đến nghề câu ở xóm Câu, không thể không nhắc đến ngư dân Dương Ngọc Thiên (68 tuổi). Ông Thiên bảo, để câu được những con cá to, giá trị kinh tế lớn, thuyền câu phải ra khơi cách bờ hàng trăm hải lý. Ngư dân thả dây câu xuống biển. Mỗi đoạn dây câu gắn phao, cờ và đèn nháy. Trong màn đêm, những ánh điện nhấp nháy giữa biển khơi bao la như một niềm tự hào về ý chí, sức mạnh của ngư dân đã vượt trùng khơi thắp nên "ngọn đèn xóm Câu" giữa biển. Mưu sinh giữa biển khơi, có khi ông Thiên còn bị cá mập cắn, song với kinh nghiệm lão luyện giúp ông thoát ra khỏi hàm răng nhọn của loài cá lớn.
Nghề câu được ví là nghề cực nhất trong các nghề biển, bởi phải thường xuyên thức đêm. Song, với những người làm nghề câu, có một điều khiến họ gìn giữ nghề truyền thống đó là nghề câu chỉ khai thác những loại cá lớn, không tận diệt nguồn lợi thủy sản của biển. Cách đây vài chục năm, khi biển cả còn dồi dào các loại cá, tôm, ngư dân còn câu được những con cá nặng hàng trăm kí lô gam...
Ông Phan Muôn chia sẻ, hàng chục năm gắn bó với biển cả, dù bây giờ thiết bị hiện đại hơn nhưng phía sau là bao nỗi trăn trở. Bởi thời cha ông, dù giá cá xuất khẩu thấp nhưng nguồn cá rất dồi dào. Còn những năm gần đây, các loại cá cũng ít dần đi nên ngư dân hành nghề câu không còn bội thu như trước. Điều ông Muôn cũng như những người làm nghề câu mong mỏi là về lâu dài, việc đánh bắt, khai thác thủy hải sản phải thực hiện theo kế hoạch, không săn bắt theo kiểu tận diệt cá con. Môi trường biển phải được bảo vệ, để nguồn lợi thủy sản tiếp tục tái tạo thì những chuyến tàu của ngư dân sẽ tiếp tục ra khơi, giữ nghề truyền thống, mang lại no ấm cho những gia đình vùng biển, góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.