banner
 08/09/2021 10:06:26 AM

Trồng ngô sinh khối: Hướng đi mới cho nông dân Quảng Ngãi

Thời gian qua, nông dân ở các địa phương trong tỉnh đã mở rộng diện tích trồng ngô sinh khối trong đã mang lại hiệu quả về năng suất cũng như thu nhập cao hơn trên cùng đơn vị diện tích so với các loại cây trồng khác cho nên đây được xem là mô hình mở ra hướng đi mới cho nông dân trong sản xuất nông nghiệp ở tỉnh ta.
Nông dân thu hoạch ngô (bắp) sinh khối chất lên xe để vận chuyển vào nhà máy

Ngô (bắp) sinh khối là cây bắp sẽ được thu hoạch khi trái bắp chín sáp để làm thức ăn cho gia súc ăn cỏ. Giai đoạn bắp chín sáp sẽ đảm bảo độ mềm, giàu dinh dưỡng, giúp ngon miệng cho vật nuôi. Khi thu hoạch, toàn bộ thân cây, (lá, trái bắp ngô) được xay, băm nhỏ để làm thức ăn trực tiếp cho gia súc hoặc chế biến (ủ chua), làm viên nén thành thức ăn tinh cho gia súc. Vì vậy mà mô hình ngô sinh khối đang mở ra hướng đi hiệu quả cho nông dân trong tỉnh Quảng Ngãi.

Với mô hình này sẽ rút ngắn thời gian hơn so với việc trồng ngô lấy hạt như trước đây, mỗi vụ ngô từ khi xuống giống đến lúc thu hoạch chỉ mất 80 ngày, người trồng ngô chẳng quá lo lắng về thời tiết cũng như sâu bệnh gây hại đến năng suất và chất lượng của hạt ngô nên người dân có thu nhập cao hơn vì có thể trồng 3 vụ/năm.

Chị Tuyến ở thôn Đệ An, xã Hành Phước, huyện Nghĩa Hành phấn khởi chia sẻ: gia đình tôi có 1.500 mét vuông trồng ngô, đây là vụ thứ 2 tôi trồng ngô sinh khối với giống ngô PAC339. Trồng ngô sinh khối có nhiều cái lợi là rút ngắn thời gian, tiết kiệm chi phí đầu tư phân bón và nhân công trong khâu thu hoạch (thu hoạch là sản phẩm tươi, ở giai đoạn ngô chín sáp), cho nên nông dân không mất thêm chi phí tách hạt, phơi khô và bảo quản như trông ngô lấy hạt.

Anh Từ Văn Khánh, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Nghĩa Hành cho biết: Vụ Hè thu năm 2021, huyện Nghĩa Hành đã có 250 ha trồng ngô sinh khối, trong đó xã Hành Tín Tây là địa phương có số diện tích trồng ngô sinh khối nhiều nhất của huyện (khoản 125ha), năng suất trung bình 50-60 tấn/ha. Với giá bán 1.300đồng/kg (ngô tươi cả thân cây), sau khi trừ chi phí nhân công và phí vận chuyển đến nhà máy thì nông dân thu được 900đồng/kg. Với giá bán như thế thì chưa phải là cao thế nhưng cái được nhất của mô hình này là nông dân địa phương tôi tận dụng được số diện tích đất trồng mì kém hiệu quả (do bị bệnh mì lá khảm) trước đây để chuyển đổi trồng ngô sinh khối một năm được 3 vụ nên giải quyết việc làm thường xuyên và thu nhập cao hơn so với trồng mì mỗi năm chỉ được thu hoạch 1 vụ.

Bắp ngô sinh khối đạt chất lượng cao đến lúc thu hoạch

Cũng như huyện Nghĩa Hành, nông dân ở huyện Tư Nghĩa cũng đang rầm rộ chuyển đổi các vùng đất chuyên canh cây mì kém hiệu quả để trồng ngô sinh khối. Hiện tại xã Nghĩa Hiệp là xã có diện tích đất trồng ngô cao nhất huyện (60ha) trong vụ Hè Thu này. Còn nông dân xã Nghĩa Lâm cũng đã tiếp tục trồng ở lứa thứ 2 trong năm; vụ ngô trước nông dân xã đã trồng 03 ha và thu hoạch với năng suất khá cao khoảng hơn 60 tấn/ha. Với giá bán 1.300.000đ/tấn, sau khi trừ chi phí người dân thu lợi nhuận hơn 1 triệu đồng/sào, cao gấp 1,5 lần so với trồng lúa.

Anh Đỗ Ngọc Hải, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Tư Nghĩa cho biết: Trong thời gian tới Hội Nông dân huyện sẽ phối hợp tuyên truyền vận động nông dân ở các xã Nghĩa Kỳ, Nghĩa Thắng, Nghĩa Sơn mạnh dạn chuyển đổi đất trồng mì kém hiệu quả để chuyển sang trồng ngô sinh khối nhằm giải quyết việc làm và nâng cao thu nhập cho nông dân.

Tính đến thời điểm này toàn tỉnh Quảng Ngãi có hơn 350 ha trồng ngô sinh khối ở các huyện: Nghĩa Hành, Tư Nghĩa, Ba Tơ và Mộ Đức, trong đó huyện Nghĩa Hành là địa phương có diện tích trồng nhiều nhất. Theo dự kiến đến năm 2022 tỉnh sẽ phát triển lên 500 ha, năm 2023 lên 600 ha và ổn định vùng nguyên liệu để cung ứng Trang trại bò sữa Vinamilk tại Quảng Ngãi.

Tuy nhiên để ổn định vùng nguyên liệu và tạo động lực cho người nông dân gắn bó lâu dài với mô hình ngô sinh khối thì ngoài làm hợp đồng cam kết thu mua của nhà máy, việc nâng giá thành của sản phẩm là hết sức cần thiết vì hiện nay chi phí nhân công thu hoạch và phí vận chuyển đến nhà máy là rất cao so với trước (khoản gần 500 nghìn đồng/tấn) mà giá thu mua của nhà máy chỉ 1.300.000đ/tấn thì người nông dân chỉ “lấy công làm lời” chứ lợi nhuận không đáng là bao! – Anh Từ văn Khánh, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Nghĩa Hành chia sẻ thêm./.

Đồng Xuân
Video
Thống kê truy cập
Đang online
10
Hôm nay
81
Tháng này
207,136
Tổng truy cập
2,535,544