Chưa tiếp cận được nguồn vốn ưu đãi
Trang trại chăn nuôi heo của gia đình anh Bùi Hữu Hùng, ở thôn Tây Phước 2, xã Bình An (Bình Sơn), được đầu tư xây dựng từ năm 2015, với quy mô trên 2.000 con. Lúc mới xây dựng trang trại, do nguồn vốn của gia đình hạn hẹp nên anh Hùng đã tìm đến Ngân hàng NN&PTNT để vay. “Mình vay có thế chấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, nhưng ngân hàng chỉ cho vay tối đa 200 triệu đồng, trong khi nhu cầu vốn của gia đình lên đến 500 triệu đồng. Thấy thủ tục vay khó khăn, gia đình đành phải đi vay mượn bên ngoài để đầu tư”, anh Hùng, bày tỏ.
Tương tự, anh Hồ Công Kiều, ở thôn Phúc Lâm, xã Bình An chia sẻ, năm 2016, tôi đầu tư trang trại chăn nuôi khép kín hơn 1.000m2. Giai đoạn mới đầu tư, tôi cũng rất thiếu vốn. Thế nhưng, khi tìm đến ngân hàng thì được trả lời là không đủ điều kiện cho vay theo tiêu chí của trang trại. Hiện nay, trang trại của tôi đang thả nuôi trên 2.000 con heo thịt, doanh thu hơn 1 tỷ đồng/năm.
Trưởng phòng NN&PTNT huyện Bình Sơn Nguyễn Văn Thắng cho biết, huyện Bình Sơn hiện có 58 trang trại, nhiều nhất tỉnh. Những năm qua, kinh tế trang trại đã góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho nhiều người dân khu vực nông thôn. Theo quy hoạch đất của huyện giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, thì trang trại chăn nuôi sẽ tập trung ở 2 xã Bình An và Bình Khương. Tuy nhiên, hiện nay, hầu hết các chủ trang trại trên địa bàn đều chưa tiếp cận được nguồn vốn ưu đãi theo Nghị định số 116/2018/ NÐ-CP ngày 7/9/2018 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 55/2015/NÐ-CP ngày 9/6/2015 của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn. Do khó khăn về nguồn vốn, nhiều gia đình phải đầu tư theo kiểu vừa làm vừa mở rộng.
Còn nhiều rào cản
Trên địa bàn tỉnh hiện có 111 trang trại đạt tiêu chí theo quy định của Thông tư số 02/2020/TT-BNNPTNT ngày 28/2/2020 của Bộ NN&PTNT. Trong đó, có 96 trang trại chăn nuôi (86,5%); 2 trang trại trồng trọt (1,8%); 8 trang trại tổng hợp (7,2%); 5 trang trại lâm nghiệp (4,5%). Có 13 trang trại đầu tư hệ thống điện năng lượng mặt trời, 2 trang trại tham gia hoạt động du lịch nông nghiệp và 24 trang trại có liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Tổng diện tích đất của các trang trại đang sử dụng là 247ha, giá trị vốn đầu tư và vốn sản xuất, kinh doanh bình quân gần 6 tỷ đồng/trang trại. Các trang trại đã tạo công ăn việc làm thường xuyên cho 442 người.
Những năm qua, kinh tế trang trại ngày càng phát triển, mở ra hướng làm ăn mới cho người dân nông thôn. Thế nhưng, hiện vẫn còn nhiều rào cản để các chủ trang trại tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi. Mặt khác, nguồn vốn cho vay còn thấp, thời gian trả nợ ngắn, không phù hợp với chu kỳ sinh trưởng, phát triển của cây trồng, vật nuôi nên rất khó để các chủ trang trại xoay xở.
Theo Phó Giám đốc Agribank Quảng Ngãi Huỳnh Tấn Lực, trang trại phải đáp ứng rất nhiều tiêu chí về chứng nhận quyền sử dụng đất, có phương án sản xuất, kinh doanh khả thi, tài sản thế chấp... theo quy định của Nghị định số 55 và Nghị định số 116, thì ngân hàng mới có thể cho vay được. Một khi không đáp ứng được các điều kiện, ngân hàng chỉ có thể cho vay tối đa 200 triệu đồng đối với cá nhân, hộ gia đình cư trú tại địa bàn nông thôn để phục vụ sản xuất nông nghiệp.
Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Ngô Văn Hưng cho rằng, những quy định của ngân hàng khi cho vay để bảo đảm an toàn nguồn vốn là hợp lý, nhưng cũng cần có giải pháp tốt hơn để đáp ứng kịp thời nhu cầu vay vốn, phục vụ khách hàng. Đặc biệt, cần có chính sách thông thoáng hơn cho các chủ trang trại được tiếp cận với nguồn vốn vay dài hạn để đầu tư phát triển sản xuất.