banner
 28/12/2022 10:01:03 AM

Nghề làm chậu cảnh tất bật vào vụ Tết

Khi cách tết Nguyên đán khoảng 1 tháng, nhiều người làm nghề đúc chậu hoa cảnh đã hối há chuẩn bị hàng phục vụ. Dù chậu kiểng thường ít được để ý, quan tâm như hoa, bonsai..., nhưng lại là thứ không thể thiếu, góp phần làm cho các loại hoa cảnh thêm phần giá trị, hấp dẫn trong ba ngày Tết.
Dù chậu kiểng thường ít được để ý, quan tâm như hoa, bonsai..., nhưng lại là thứ không thể thiếu, góp phần làm cho các loại hoa cảnh thêm phần giá trị, hấp dẫn trong ba ngày Tết.

Những ngày này, cơ sở sản xuất chậu cảnh của gia đình ông Trần Cao Quang, xã Hành Đức tất bật với những đơn hàng dịp cuối năm. Khoảng sân rộng gần 2 sào của gia đình, ngoài trồng những gốc mai chờ đón Tết, ông vẫn để dành 1/3 diện tích làm xưởng đúc chậu. Tranh thủ trời nắng ráo, ông đã đem ra sân phơi khô gần chục chậu hoa cảnh với nhiều kích cỡ, kiểu dáng, màu sắc. Để đáp ứng nhu cầu cho các nhà vườn, hiện tại ông Quang phải cần 3 - 5 lao động trẻ làm việc cật lực. Và với hơn 150 chậu cây, những người trong gia đình ông phải làm việc liên tục hơn 1 tháng qua. "Hiện tại, gần 100 chậu lớn, nhỏ đã sơn quét hoa văn xong xuôi, những ngày sắp tới chỉ chờ khách đến lấy nữa thôi. Phần còn lại sẽ làm dần từ đây cho đến giữa tháng Chạp", ông Quang chia sẻ.

Hiện nay, các cơ sở sản xuất chậu cảnh trên địa bàn tỉnh chủ yếu là sản xuất chậu cảnh xi măng do giá thành rẻ, độ chịu lực cao, hạn chế rủi ro khi vận chuyển xa. Kiểu dáng chậu cảnh xi măng cũng thay đổi từ tròn, trơn chuyển sang chậu vuông, lục giác, bầu dục, chậu in chữ phúc, lộc, thọ… với kích thước đa dạng, mẫu mã phong phú, đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Mẫu chậu cảnh năm nay chủ yếu là các chậu con giống như: cá chép, tùng, cúc, trúc, mai…

Giống như ông Quang, nhiều người làm nghề đúc chậu hoa cảnh cũng đang trong tâm trạng vui vẻ, phấn khởi chờ đến Tết. Chị Nguyễn Thị Hương, ở xã Hành Đức đang hối hả chuẩn bị cho ra đời những "mẻ" chậu đầu tiên. Năm nay, quy trình đúc chậu ở cơ sở sản xuất của chị, dù muộn hơn mọi năm nhưng những chậu lớn loại 2,5 - 3m vẫn được nhiều nhà vườn, người chơi chọn lựa. Theo lý giải của chị, những gốc cây loại lớn, độc đáo vẫn được nhiều doanh nghiệp, cá nhân chơi trong dịp Tết, với mong muốn năm tới sẽ ăn nên làm ra. 

Cơ sở của chị Hương đã sản xuất ra nhiều chậu hoa cảnh với đủ kích cỡ, kiểu dáng, hoa văn để khách hàng dễ lựa chọn.

Đến thời điểm này, khi các nhà vườn cây cảnh, bonsai bắt đầu bước vào đợt chăm bón cuối cùng, thì các chủ xưởng như ông Quang, chị Hương mới chính thức bước vào vụ làm nghề. Nhưng với khách hàng là người chơi khó tính, những chiếc chậu được họ thiết kế theo đơn đặt hàng cả tháng trước đã có thể hoàn thiện những khâu cuối cùng. Bên ngoài vỏ chậu được quét những lớp sơn đắt tiền, kiểu dáng cầu kỳ nên giá những loại chậu này có thể lên tiền triệu.

Phó Chủ tịch Hội nông dân xã Hành Đức Trần Văn Kỹ cho biết, làng cây cảnh Xuân Vinh, ở thôn Xuân Vinh, xã Hành Đức (Nghĩa Hành) phát triển trên chục năm nay. Nơi đây cũng được biết đến là thủ phủ trồng mai lớn nhất nhì của tỉnh. Năm 2020, UBND tỉnh đã công nhận nơi đây là làng nghề cây cảnh. Hiện thôn có 30 hộ trong làng chuyên trồng cây cảnh, phần lớn trong số họ đều sản xuất chậu cảnh, hoặc để phục cho việc trồng cây cảnh tại gia đình, hoặc để xuất bán ra thị trường.
 
Theo các thợ làm trong nghề, giá trị của chậu cảnh phụ thuộc vào kiểu dáng, hoa văn và màu sắc của chậu để phù hợp với từng tác phẩm sinh vật cảnh và hợp mệnh với chủ nhà. Giá của mỗi chậu cảnh dao động từ 200 nghìn đồng đến 5 triệu đồng, tùy theo kích cỡ, kiểu dáng. Khoảng thời gian từ tháng 11 âm lịch năm trước đến tháng 2 năm sau là sôi động nhất. Bởi, đây là thời điểm các cơ sở sản xuất đáp ứng nhu cầu chơi cây cảnh đón xuân của khách hàng và phục vụ các nhà vườn đưa cây cảnh lên chậu, bắt đầu bước vào đợt trồng và chăm sóc cây cảnh phục vụ Tết năm sau. 
 
Qua những nhà vườn trồng mai có đúc chậu cảnh, như: Hành Đức, Nghĩa Hiệp, Nghĩa Hà…, không khí lao động khẩn trương chẳng kém gì mùa gặt. Ở những mảnh đất trống, chậu hoa cảnh được xếp thành hàng dài chờ phơi nắng. Màu xám, đỏ, trắng của chậu hòa cùng màu xanh, vàng xen lẫn của lá mai tạo nên một bức tranh phong cảnh tuyệt đẹp. Hy vọng Tết này, thị trường hoa cảnh, bonsai sẽ khởi sắc để người đúc chậu cảnh được gặp may suốt năm.
Nguồn: https://baoquangngai.vn/channel/2025/202212/nghe-lam-chau-canh-tat-bat-vao-vu-tet-3151012/
Video
Thống kê truy cập
Đang online
91
Hôm nay
620
Tháng này
246,598
Tổng truy cập
2,796,647