banner
 12/11/2020 04:32:06 PM

Thói quen nhai thuốc lá của người Cadong

Nhiều người Cadong có thể nhịn đói một, hai ngày nhưng nhịn thuốc một ngày thì không thể chịu được. "Ăn thuốc" giúp họ tỉnh táo, sảng khoái hơn. Đến bây giờ các bậc cao niên vẫn còn giữ gìn tục này như một nét văn hóa đặc trưng.
Nhà ông Duất một trong những gia đình trồng nhiều cây thuốc lá.

Nhai thuốc thay cơm

Đến với các bản làng vùng cao, không khó nhận thấy, người Cadong có một hàm răng chắc, khỏe với màu sắc ngả màu đen nâu, óng ánh rất đặc trưng. Miệng lúc nào cũng móm mém nhai một hợp chất tưởng chừng lá trầu và vôi nhưng họ lại đang nhai, ngậm lá thuốc lá đã sơ chế.

Ở cái tuổi thất thập cổ lai hy, mế Đinh Thị Tấy, ở xã Sơn Mùa chẳng biết tự khi nào, cái tập tục "ăn thuốc" đã được lưu truyền lại và dần dần ăn sâu vào đời sống ở đây như thói quen mỗi ngày. Nói là ăn nhưng thực tế là họ nhai, ngậm đến khi không thích thì nhả ra.

Ở thế hệ của bà, sáng ra đã thấy người người nhai thuốc, khi ăn cơm xong cũng nhai thuốc. Họ nhai thuốc trong các dịp lễ, Tết nhứt tụ họp đông người. Như trầu cau dưới xuôi, nhúm thuốc lá là để mở đầu cho câu chuyện của người Cadong. Khi nhà có việc nhúm thuốc bột trong bọc nilon được gói cẩn thận, đem ra mời khách bằng tất cả sự quí mến.

 
Không ít người cho rằng, phụ nữ Cadong còn "ăn thuốc" hơn cả đàn ông. Với chế độ mẫu hệ, người phụ nữ gánh phần lớn nặng nhọc trong gia đình, công việc nương rẫy vất vả, gói thuốc kè kè bên mình sẽ kích thích tinh thần, giúp họ làm việc hăng say hơn.
 
"Bây giờ chẳng còn mấy người nhai thuốc, nhất là bọn trẻ. Chỉ có thế hệ chúng tôi, tập nhai từ khi mới trưởng thành và ngưng khi khuất núi. Không giống như hút thuốc lá ở miền xuôi, lo sợ bệnh tật, cây thuốc lá tự nhiên ở trên này hữu ích với  đời sống sinh hoạt nơi rừng núi nếu chúng ta sử dụng một lượng vừa phải, hiểu được ưu điểm, tác dụng của nó", mế Tấy nói.
 
Cách mà người Cadong "ăn thuốc", một là dùng thuốc lá đã phơi hoặc sấy khô ép thành bánh, xắt nhỏ, ngâm với nước vôi (làm từ vỏ ốc đá ở suối) để chà lên răng và ngậm trong nhiều tiếng. Một cách khác, dùng thuốc bột từ thuốc lá khô tán mịn, trộn đều với vôi bột (cũng làm từ vỏ ốc đá), đổ vào lòng bàn tay rồi hít vào miệng hoặc chà xát lên răng...
 
“Ăn thuốc” giúp người sử dụng sảng khoái, tỉnh táo tinh thần từ hơi ấm, vị cay nồng của thuốc. Cơm có thể nhịn một, hai bữa nhưng "ăn thuốc" dường như đã là thói quen. Ngày nào không có lại cảm thấy thiếu thiếu", mế Tấy chia sẻ.

Già Duất có nhiều kinh nghiệm trong chế biến theo phương pháp dân gian để sử dụng hằng ngày

Với ông Đinh Văn Xuân, 67 tuổi, ở xã Sơn Liên, "ăn thuốc" có nhiều cái lợi. Vào mùa đông, khi tiết trời lạnh đến thấu xương, một ngậm thuốc lá giúp điều hòa cơ thể. Nhiều người còn ngậm cả qua đêm để xua đi cái giá lạnh mà những bức chăn mỏng manh không thể đắp ấm, để giấc ngủ được sâu hơn.

 
Say sưa trong câu chuyện của mình, ông Xuân cho hay, trong những chuyến đi lên rừng sâu, hiểm hóc, bột thuốc lá mang theo còn có chức năng y tế, cần thiết khi bị côn trùng, thú dữ tấn công. Ví như khi bị con vắt rừng cắn, chỉ cần lấy một ít thuốc lá trộn với vôi bôi, xát vào vết thương giúp cầm máu, nhanh kéo da non, làm lành vết thương mà không bị nhiễm trùng.
 
Không khó để nhận biết giữa người ăn thuốc và không ăn thuốc, đó là môi và răng của người ăn thuốc sau một thời gian sẽ biến sắc. Môi thâm tím ngắt, răng ngả màu nâu đen. Bột thuốc diệt được sâu răng, làm cho răng có màu đen nâu bóng, chắc khỏe hơn.
 
Ít nhiều đều trồng
 
Theo lời giới thiệu của người dân địa phương, chúng tôi tìm về một bản làng còn giữ nguyên bản sắc văn hoá của người Cadong bên dãy Trường Sơn- xóm nhà ông Chiến (một cách gọi của người Cadong để định hình vị trí khu dân cư) ở thôn Đăk Doa, xã Sơn Liên, huyện Sơn Tây.
 

Nhà của già Đinh Văn Duất, 80 tuổi, nằm ở ven một ngọn núi cao và xa nhất ở xóm ông Chiến. Từ đầu xóm, vị của cây thuốc lá sấy khô đã phảng phất. Mùi thuốc lá đặc quánh phả vào không gian, khiến ai không quen, chỉ muốn say. 

Cây thuốc lá mọc ven bên những ngôi nhà của người Cadong.

Ở khu này, ven dọc các con đường, ngoài vườn rải rác đều có cây thuốc lá. Cây có thân nhỏ như ngón tay nhưng lá thuốc thì to như bàn tay. Ngắt lá nhấm thử có vị đăng đắng.

 
"Ở đây ai cũng trồng, người trồng nhỏ, lẻ ở trong vườn. Người trồng số lượng lớn ở ngoài rẫy đến vài trăm mét vuông", ông cho hay.
 
Trước đây, khi cây thuốc lá được trồng phổ biến ở đây, ông Duất và người dân địa phương chỉ trồng đủ cho gia đình sử dụng. Cây trồng được vài tháng có thể thu hoạch thì người dân mới hái hoa và lá, bó thành những bó nhỏ mang về.
 
Bây giờ, ngày càng ít người trồng, ông Duất nhân rộng đám thuốc lá để trao đổi với xóm làng. "Một bó thuốc lá tươi chừng 0,5kg, bán với giá 100.000 đồng, coi vậy mà đổi được cả buổi làm rẫy đó", ông Duất khoe.
 
Nếu không bán lá tươi, ông mướn người xâu lại trồi treo từng dàn trên chái bếp, hiên nhà để sấy, phơi, bảo quản lâu hơn và sử dụng khi cần.
 

Không nói đến những tác hại của việc lạm dụng thuốc lá để ảnh hưởng đến sức khỏe, nhưng quả thật, từ bao đời nay tục "ăn thuốc", trồng thuốc lá đã là một nét văn hóa trong đời sống người Cadong. Những công dụng dân gian của việc “ăn thuốc” được lưu truyền từ nhiều đời nay và đúng với hiệu quả thực tế.

Nguồn Báo Điện tử Quảng Ngãi http://baoquangngai.vn/channel/2028/202011/thoi-quen-nhai-thuoc-la-cua-nguoi-cadong-3029887/
Video
Thống kê truy cập
Đang online
7
Hôm nay
1,511
Tháng này
199,653
Tổng truy cập
2,528,061