banner
 24/10/2019 02:28:17 PM

Phát triển kinh tế tập thể: "Quả ngọt" từ sự đổi mới

Sau 15 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 13 của BCH Trung ương Đảng về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể, khu vực kinh tế tập thể của tỉnh với nòng cốt là các hợp tác xã nông nghiệp (HTXNN) đã có những chuyển biến tích cực về chất và lượng, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Hiện nay, khu vực kinh tế tập thể trong lĩnh vực nông nghiệp có nhiều khởi sắc, nhất là việc liên kết với doanh nghiệp để tiêu thụ sản phẩm.

Mạnh dạn thay đổi

Từng là những HTXNN hoạt động yếu kém, nhưng từ khi thực hiện Luật HTX 2012, các HTXNN trên địa bàn huyện Nghĩa Hành như: Xuân Phú, Hành Dũng, Hành Nhân... đã hoạt động hiệu quả, doanh thu đạt gần 1 tỷ đồng/năm.

Kết quả trên là nhờ các HTXNN mạnh dạn đổi mới cách quản lý, phương thức hoạt động; đồng thời biết "làm mới" các dịch vụ truyền thống, như tín dụng nội bộ, thủy lợi nội đồng, làm đất, máy gặt liên hợp, vật tư nông nghiệp, phân bón và tăng cường liên kết với các doanh nghiệp (DN) trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm.

Thời gian qua, HTX Chăn nuôi Tân Hòa Phú (Hành Tín Tây) đã mạnh dạn triển khai thực hiện mô hình nuôi heo sạch. “Thử nghiệm” với 72 con heo, trong đó HTX được hỗ trợ 100% con giống và 30% thức ăn thảo dược.

Sau 6 - 7 tháng, thịt heo sạch của HTX “chào hàng” và được người tiêu dùng đánh giá cao, nên tin tưởng sử dụng. Chính vì vậy, hiện HTX đã nhân rộng mô hình và mở rộng quy mô nuôi heo sử dụng thức ăn thảo dược, với sự tham gia của 16 xã viên, đảm bảo cung cấp ra thị trường khoảng 300 con heo sạch trong dịp tết Nguyên đán sắp tới.

Trên địa bàn huyện Nghĩa Hành hiện có 15 HTXNN, với hơn 8.000 thành viên. Tổng doanh thu năm 2018 của các HTX đạt hơn 15 tỷ đồng, lợi nhuận bình quân đạt 46 triệu đồng/HTX/năm.

Trong đó, có 6 HTX đạt doanh thu trên 1 tỷ đồng; 7 HTX đã liên kết với các DN thực hiện chuỗi liên kết sản xuất. “Các mô hình HTXNN kiểu mới không chỉ tạo điều kiện cho các xã viên và người dân có cơ hội tiếp cận với kỹ thuật sản xuất mới, để nâng cao giá trị cạnh tranh của sản phẩm, tăng thu nhập; mà còn góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và xây dựng nông thôn mới ở địa phương”, Phó Chủ tịch UBND huyện Nghĩa Hành Đàm Bàng cho biết.

Còn nhiều nút thắt cần tháo gỡ

Theo đánh giá của Chi cục Phát triển nông thôn (Sở NN&PTNT), hoạt động của các HTXNN, tổ hợp tác trên địa bàn tỉnh ngày càng khởi sắc, thể hiện vai trò “hạt nhân” qua việc đổi mới phương thức hoạt động, đa dạng hóa dịch vụ, cũng như phát triển liên kết theo chuỗi giá trị.

Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực, khu vực kinh tế tập thể trong lĩnh vực nông nghiệp vẫn còn những tồn tại, hạn chế. Trong đó, năng lực nội tại của HTXNN chưa đáp ứng yêu cầu phát triển sản xuất, kinh doanh, nên toàn tỉnh hiện có 9 HTXNN ngừng hoạt động chờ giải thể; chính quyền địa phương một số nơi thiếu sự quan tâm, nhận thức chưa đầy đủ vai trò quan trọng của HTXNN trong phát triển nông nghiệp, nông thôn...

Đặc biệt, nút thắt khó gỡ nhất của các HTXNN chính là chưa thể tiếp cận được các chính sách hỗ trợ về tín dụng, đất đai, cơ sở hạ tầng... “Vì vậy, nhà nước cần tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các HTXNN trong vấn đề tiếp cận quỹ đất, nguồn vốn tín dụng lãi suất ưu đãi, hoặc nới lỏng thủ tục vay vốn theo hình thức tín chấp... để các HTXNN có điều kiện mở rộng và nâng cao chất lượng các dịch vụ”, Giám đốc HTXNN Tịnh Thọ (Sơn Tịnh) Nguyễn Minh Trang đề xuất.

“Ngành nông nghiệp cả nước nói chung và Quảng Ngãi nói riêng đang quyết liệt thực hiện 2 nhiệm vụ quan trọng là: Tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới. Đối với 2 nhiệm vụ này, kinh tế tập thể trong nông nghiệp có vai trò đặc biệt quan trọng, góp phần giảm nghèo, nâng cao đời sống nhân dân, phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và xây dựng nông thôn mới”. (Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh NGUYỄN TĂNG BÍNH)

Nguồn: Báo điện tử Quảng Ngãi
Video
Thống kê truy cập
Đang online
590
Hôm nay
1,203
Tháng này
209,545
Tổng truy cập
2,537,953