“Biến” gạo, đậu thành thảo mộc
Gạo lứt, đậu đen là những loại thực phẩm đã trở nên quen thuộc trong đời sống hằng ngày. Những nguyên liệu này thường vẫn được nhiều người tự chế biến thành thức uống thơm ngon đặc trưng.
Xuất phát từ nhu cầu của bản thân, gia đình, năm 2020, anh Bạch Thanh Phú đã có ý tưởng khởi nghiệp với sản phẩm tốt cho sức khỏe như sữa hạt, trà gạo thảo mộc.
Khi ấy, vợ bắt đầu mang thai, do thai nghén nên ăn uống gặp khó khăn, chỉ uống được các loại sữa hạt. Tuy nhiên, theo như anh tìm hiểu, một số loại sữa hạt trên thị trường thường sử dụng nhiều chất bảo quản không tốt cho sức khỏe. Do vậy, anh mới tò mò, nghiên cứu, chế biến ra các loại sữa hạt cho vợ uống hằng ngày.
Gạo lứt rất tốt cho sức khỏe, giúp ngăn ngừa nhiều bệnh như tiểu đường, béo phì, ung thư… Hiệu quả khá rõ rệt. Từ ý tưởng ban đầu là những sản phẩm gạo lứt kết hợp với các loại hạt khác như hạnh nhân, điều, bạc hà, đường phèn, mè đen. Về sau, anh tiếp tục nghiên cứu trà gạo thảo mộc với thời gian sử dụng lâu hơn, bao gồm các thành phần gạo lứt huyết rồng, đậu đen xanh lòng, hoa hòe, hoa nhài, cỏ ngọt, bạc hà... Đây cũng là một trong những sẩn phẩm tâm huyết của anh.
“Đậu đen, gạo lứt, một số loại hạt bổ sung đều là những nguyên liệu có sẵn ở địa phương. Tôi suy nghĩ, tại sao thế mạnh của Quảng Ngãi bao đời nay làm nông nghiệp, gạo hay đậu đều trồng phổ biến, phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng ở địa phương. Nếu biết tận dụng lợi thế thì không chỉ mang lại lợi ích cho bản thân mình mà còn cả cho những người làm nông nghiệp ở địa phương, nâng tầm được sản phẩm”, anh Phú chia sẻ.
Chất lượng cuộc sống ngày càng nâng cao, nhu cầu sử dụng các sản phẩm sạch, hữu cơ ngày càng cao. Do vậy, để sản phẩm phát triển mang tính bền vững cần phải có nguồn nguyên liệu đầu vào đảm bảo, tạo niềm tin lâu dài cho người tiêu dùng. Anh Phú đã đầu tư vùng trồng nguyên liệu gạo lứt, đậu đen, bạc hà, ấp ủ cho dự án khởi nghiệp của mình với số vốn vỏn vẹn ban đầu 50 triệu đồng. Còn đối với một số nguyên liệu khác không thể trồng được, anh liên kết thu mua tại một số vùng trồng uy tín.
Các thành phần trong một hộp trà gạo thảo mộc.
Trà gạo thảo mộc do anh Phú làm ra có công thức chế biến hoàn toàn từ thủ công. Các loại nguyên liệu từ lá thì phơi khô. Riêng hoa hòe, với đậu sẽ được xáo đều trên lửa than, sau đó hạ thổ trong lá sen, tạo hương thơm nhẹ nhàng cho nguyên liệu. Riêng gạo chỉ cần rang kỹ trên lửa than đã có hương vị thơm ngon. Tất cả đều do chính anh tự tay làm.
Sản phẩm sau đó sẽ được trộn đều với nhau và bảo quản trong hộp. Khi thưởng thức, người dùng chỉ cần cho từ 10- 15g trà gạo thảo mộc pha cùng 500ml nước sôi dùng nóng hoặc để nguội cho vào ngăn mát tủ lạnh để uống.
Một ly trà gạo thảo mộc dùng trong ngày mới sẽ giúp cơ thể nhẹ nhàng hơn, thanh lọc gan, giảm cholesterol và kiểm soát lượng đường trong cơ thể, hỗ trợ điều trị mất ngủ... Sản phẩm còn giúp lấy lại vóc đang và duy trì sự mịn màng cho làn da của phụ nữ.
“Mỗi sản phẩm có khối lượng khoảng 300gr, được bán với giá lẻ khoảng 75.000 đồng. Trong dịp Tết Nguyên Đán vừa qua, dù mới bán thăm dò trên thị trường nhưng đã nhận được tín hiệu tích cực từ người tiêu dùng, tiêu thụ được hơn 200 hộp sản phẩm”, anh Phú cho biết.
Còn nhiều khó khăn
Từng tốt nghiệp ở Đại học Qui Nhơn, chuyên ngành Quản trị kinh doanh. Công tác ở nhiều ngành nghề khác nhau ở các tỉnh, thành, anh Phú quyết định trở về quê hương làm nông nghiệp hữu cơ rồi mới khởi nghiệp từ những sản phẩm “heathy” (tốt cho sức khỏe).
Chặng đường phía trước của người trẻ này còn nhiều khó khăn khi một bộ phận người tiêu dùng ở địa phương vẫn còn ham những sản phẩm rẻ, sử dụng liền, chưa quan tâm đến những sản phẩm tốt cho sức khoẻ. Sản phẩm vẫn còn mới mẻ trên thị trường, chưa được nhiều người biết đến, nguồn vốn khiêm tốn, cơ sở vật chất đang được đầu tư...
Trà gạo thảo mộc có nhiều công dụng tốt cho sức khỏe.
Dẫu còn nhiều khó khăn nhưng trong thời gian đến, anh Phú đang nỗ lực để sản phẩm được phổ biến rộng rãi hơn, trước hết là tận dụng các kênh phân phối, bán hàng để tiếp cận thị trường.
Cùng với việc đã đăng ký kinh doanh, anh cũng đang phối hợp cùng CLB khởi nghiệp tỉnh Quảng Ngãi hướng dẫn xây dựng bảo hộ cho thương hiệu, sản phẩm, đăng ký vệ sinh an toàn thực phẩm...
“Đặc biệt, trong thời gian đến, tôi chú trọng liên kết với những người trẻ làm nông nghiệp hữu cơ để phát triển nguồn nguyên liệu đầu vào vừa đảm bảo chất lượng, vừa chủ động hơn trong nguồn cung để mở rộng nhu cầu tiêu thị”, anh Phú chia sẻ thêm.