Được biết, mô hình canh tác bắp cải theo hướng an toàn sinh học được Trung tâm ứng dụng và dịch vụ KHCN tỉnh Quảng Ngãi phối hợp với Hội Nông dân xã Nghĩa Dũng thực hiện trên diện tích 2.000m2 của 2 hộ nông dân ở thôn 6, xã Nghĩa Dũng, TP Quảng Ngãi.
Theo báo cáo tại Hội nghị, kết quả triển khai mô hình canh tác bắp cải theo hướng an toàn sinh học, sau 2.5 tháng triển khai, giống bắp cải F1 TN5 có thời gian sinh trưởng và phát triển từ 75 - 80 ngày (kể từ ngày xuống giống đễn ngày thu hoạch) được chăm sóc theo đúng quy trình kỹ thuật đã được tập huấn và hướng dẫn, mô hình đã đạt được kết quả khả quan. Năng suất thực thu đạt 2,3 tấn/sào (cao hơn 0,4 tấn/sào so với cách trồng truyền thống của nông dân trước đây). Với quy trình sản xuất này thì giảm được chi phí phân bón hóa học và thuốc BVTV nên người nông dân có lợi nhuận cao hơn 1,7 triệu đồng/sào so với sản xuất theo phương pháp truyền thống.
Điều đáng ghi nhận hơn nữa là mô hình sản xuất rau theo an toàn sinh học đạt chất lượng và có giá trị cao hơn nên sản phẩm được tiêu thụ dễ dàng, giá bán cao, được thị trường ưa chuộng. Với kết quả này, mô hình sẽ được Hội nông dân xã Nghĩa Dũng tuyên truyền và hướng dẫn bà con nông dân học tập và nhân rộng trong thời gian đến.
Với mô hình này, “nông dân cần chú trọng đến các giải pháp canh tác, chú ý sử dụng các chế phẩm, các loại thuốc sinh học thay thế dần thuốc hóa học trong phòng trừ sâu bệnh. Sử dụng bẫy bã chua ngọt, bẫy dính màu bắt côn trùng, khi sử dụng hệ thống bẫy bã khuyến cáo nhiều hộ cùng làm đồng loạt trên một cánh đồng sẽ phát huy hiệu quả cao hơn” - Đồng chí Nguyễn Thế Vĩnh – Phó chi cục trưởng Trạm bảo vệ thực vật chia sẻ./.