banner
 02/03/2020 02:50:01 PM

Giữ gìn giá trị truyền thống

Họ là những người đã trên 60 tuổi và được xem là những bậc “cao niên” của làng vạn chài. Trước khi diễn ra những buổi lễ long trọng của làng, họ đứng ra chuẩn bị lễ vật để dâng lễ, cầu mong cho một năm mưa thuận gió hoà, con cháu ra khơi đánh bắt được suôn sẻ.
Những người uy tín
 
Tính đến nay, ông Đinh Văn Hùng (70 tuổi) đã giữ chức Trưởng ban Vạn ở làng chài thôn Kỳ Tân, xã Đức Lợi (Mộ Đức) được hơn 10 năm. Ông Hùng cho biết: “Trước khi đảm nhận chức vụ này, tôi từng là ngư dân của làng. Do đó, các phong tục tập quán và cách thức cúng bái tôi am hiểu rất nhiều. Bây giờ, chúng tôi kế thừa truyền thống của cha ông, nên gánh vác trách nhiệm này. Sau này, con cháu cũng sẽ kế thừa lại”. 
Những người trong Ban Vạn lạch của thôn Kỳ Tân, xã Đức Lợi (Mộ Đức) làm lễ trước khi ngư dân ra quân đánh bắt đầu năm.
Những người trong Ban Vạn lạch của thôn Kỳ Tân, xã Đức Lợi (Mộ Đức) làm lễ trước khi ngư dân ra quân đánh bắt đầu năm.
 
Theo ông Hùng, Ban Vạn lạch của mỗi thôn thường có ít nhất 20 người, trong đó có một trưởng ban, hai phó ban và ban hậu cần. Cứ đến các dịp lễ hội, trưởng ban và các phó ban sẽ họp lại, lên kế hoạch và thông báo cho người dân. Sau đó, ban hậu cần sẽ trực tiếp chuẩn bị các lễ vật cho buổi lễ. Do đó, Ban Vạn lạch là những người phải thật am hiểu hết tất cả các nét văn hoá, cũng như hiểu rõ tường tận các bài khấn, sớ.
 
Ông Nguyễn Tâm (70 tuổi), người giữ chức Tả ban của thôn Kỳ Tân chia sẻ: “Trước các buổi lễ 3 ngày, chúng tôi tập họp con cháu, dân làng lại và đưa ra kế hoạch, chương trình để mọi người tham khảo và góp ý. Khi được bầu làm những chức vị này, tiếng nói của chúng tôi cũng được mọi người tôn trọng, nên ai cũng có thể đưa ra ý kiến của mình để làm cho buổi lễ chỉnh chu, hoàn thiện hơn”.
 
Lưu giữ cho đời sau
 
Sinh sống ở TP.Hồ Chí Minh lâu năm, nên anh Phạm Vui, cháu của ông Phạm Nhỏ, người giữ chức Trưởng ban Vạn thôn Vinh Phú, xã Đức Lợi chưa hiểu nhiều về các buổi lễ. Do đó, mỗi năm về quê dịp Tết, anh Vui thường tìm hiểu và tham khảo thông qua người chú của mình. Anh Vui bày tỏ: “Lúc đầu, mình thấy buổi lễ nào cũng như buổi lễ nào, cách thức cúng bái đều giống nhau, nhưng chú mình giải thích thì mới hiểu. Thật tình, nếu không tìm hiểu, mình cứ nghĩ tất cả đều là một. Những năm trở lại đây, khi về quê, mình hay đến các dinh, miếu và tham khảo từ chú và những người cao tuổi, để tìm hiểu thêm nét văn hóa độc đáo này”.
 
Ngoài công việc cúng bái, chuẩn bị các nghi lễ, Ban Vạn lạch ở các làng chài còn đứng ra quản lý và hướng dẫn vấn đề tâm linh, các nét văn hoá truyền thống của ông bà, sau đó truyền lại cho con cháu đời sau. Mỗi một nơi thờ cúng đều mang một giá trị văn hóa phi vật thể khác nhau, do đó nếu không truyền đạt đến mọi người thì cách hiểu, cách lĩnh hội cũng hoàn toàn khác nhau, có khi còn dẫn đến sai lệch. “Thường thì ở địa phương chúng tôi thờ các vị thần như miếu Bà, lăng đức Nam Hải... Các vị thần này luôn phù hộ cho con cháu ra khơi được thuận buồm, xuôi gió, làm ăn đạt kết quả như mong muốn. Do đó, các điếu văn cúng tế cũng khác nhau”, ông Hùng nói.
 
Các miếu, lăng ông đều là các giá trị tâm linh không thể thiếu của người dân vạn chài, nên việc tu bổ, sửa sang lại cũng được thực hiện rất nghiêm túc. Hằng năm, họ kêu gọi các mạnh thường quân, con cháu làm ăn phương xa và kêu gọi dân làng góp tiền của tu sửa ngày càng khang trang để lưu giữ lại các giá trị mang đậm chất truyền thống cho đời sau.

 

Nguồn: Báo điện tử Quảng Ngãi http://baoquangngai.vn/channel/2028/202002/giu-gin-gia-tri-truyen-thong-2990186/
Video
Thống kê truy cập
Đang online
131
Hôm nay
439
Tháng này
208,781
Tổng truy cập
2,537,189