banner
 20/09/2019 02:50:02 PM

Quảng Ngãi: Xuất hiện bệnh virus khảm lá trên cây mì

Viện Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT) vừa công bố kết quả xét nghiệm mẫu bệnh phẩm dương tính với virus khảm lá mì (sắn) tại Quảng Ngãi. Đây là loại bệnh mới xâm nhập vào Việt Nam nhưng đã lây lan và gây hại nghiêm trọng tại nhiều vùng trồng mì trong nước.
Cây mì bị bệnh khảm lá. Ảnh: Internet.

Tại Quảng Ngãi, bệnh virus khảm lá mì được phát hiện tại huyện Sơn Hà. Bệnh virus khảm lá mì có tên khoa học là Sri Lanka Cassava Mosaic Virus, do virus thuộc chi Begomovirus gây ra, xuất hiện tại Việt Nam vào năm 2017. Mì bị nhiễm bệnh thiệt hại sẽ ảnh hưởng nặng về năng suất, chất lượng.

Triệu chứng đặc trưng dễ nhận biết của bệnh là khảm vàng khoang loang lổ trên lá. Mức độ hại nhẹ là không bị biến dạng hoặc biến dạng nhẹ, mức độ hại nặng làm cho lá sắn xoăn, cong queo, nhăm nhúm.

Theo Viện BVTV, bệnh lan truyền qua bọ phấn trắng và hom giống. Bọ phấn trắng cũng là sinh vật gây hại trên nhiều loại cây trồng khác như:cà chua, cà pháo, bầu, bí, khoai tây, ớt… Cả ấu trùng và thành trùng của bọ phấn trắng đều chích hút nhựa cây làm chết mô lá và tiết nước bọt làm lan truyền mầm bệnh, đặc biệt là virus gây bệnh khảm lá mì.

Hom giống lấy từ cây mì bị bệnh khi mọc mầm sẽ biểu hiện bệnh ngay và không cho thu hoạch, tương tự khi cây mì còn non bị nhiễm virus cũng không cho thu hoạch. Cây mì đã lớn mới nhiễm virus vẫn biểu hiện bệnh nhưng nhẹ hơn, năng suất, chất lượng giảm.

Trưởng Phòng BVTV (Chi cục TT&BVTV tỉnh), ông Nguyễn Văn Do cho biết, đối tượng bệnh này mới xuất hiện ở Quảng Ngãi trên diện tích nhỏ, Chi cục đang tiến hành tổng rà soát điều tra diện tích mì địa bàn tỉnh. Hiện nay, diện tích mì bị nhiễm bệnh ở huyện Sơn Hà xác định con đường lây truyền là qua hom giống. Nỗi lo nhất là bọ phấn sẽ lây từ vùng này sang vùng khác. Bệnh khảm lá trên cây mì được phát hiện lần đầu tiên tại tỉnh Tây Ninh vào tháng 6.2017. Đến nay, bệnh đã lây lan ra 15 tỉnh, thành phố trên cả nước với diện tích nhiễm gần 36.870 ha. Ở nhiều địa phương, bệnh đang hoành hành, nhiều hộ trồng mì trắng tay vì cây mì nhiễm bệnh này.

Theo Viện BVTV, bệnh khảm lá mì hiện nay chưa có thuốc đặc trị, để phòng, trừ bệnh hiệu quả, biện pháp tốt nhất là sử dụng hom giống sạch bệnh. Khi đã xuất hiện ruộng mì tỷ lệ nhiễm cao thì buộc phải tiêu hủy, ngăn ngừa sự lây lan ra diện rộng.

Cây mì bị bệnh khảm lá sẽ ảnh hưởng lớn đến năng suất.

Người trồng mì cần phải thường xuyên thăm đồng, phát hiện nếu có bọ phấn trắng phải phun thuốc trừ bọ phấn trên ruộng mì nhiễm bệnh và những ruộng xung quanh để ngăn chặn bọ phấn di chuyển sang nơi khác truyền bệnh. Phun trước khi tiêu hủy cây sắn từ 2 - 3 ngày để đảm bảo an toàn.

Các ruộng mì tỷ lệ nhiễm bệnh thấp, nông dân cần tiến hành nhổ cây bị bệnh gồm cả củ, thu gom và đốt. Với các ruộng bị bệnh nặng thì nhổ toàn bộ ruộng, thu gom và đốt. Các ruộng mì có khả năng thu hoạch thì nhổ toàn bộ cây mì, tận thu củ còn thân lá phải đem tiêu hủy. Khi tiến hành tiêu hủy cần tuyệt đối tuân thủ những yêu cầu về an toàn lao động, an toàn khi sử dụng thuốc BVTV, môi trường và phòng cháy.

Trước sự nguy hiểm và lây lan nhanh của bệnh, Sở NN&PTNT vừa có công văn đề nghị các địa phương và đơn vị liên quan tổ chức điều tra, phân bố, diện tích, tỷ lệ bệnh virus khảm lá mì, khoanh vùng diện tích nhiễm bệnh, hướng dẫn nông dân tổ chức phòng trừ.

Chi cục TT&BVTV tỉnh bố trí cán bộ chuyên môn phối hợp với các địa phương tổ chức thống kê, theo dõi, giám sát, thông tin tuyên truyền, tập huấn hướng dẫn cách nhận biết và biện pháp phòng, chống bệnh virus khảm lá sắn. Trung tâm Khuyến nông tỉnh xây dựng mô hình khuyến nông quản lý dịch hại tổng hợp bệnh virus khảm lá sắn ở cơ sở để chuyển giao cho các địa phương ứng dụng vào sản xuất.

Nguồn: Báo điện tử Quảng Ngãi
Video
Thống kê truy cập
Đang online
6
Hôm nay
160
Tháng này
197,249
Tổng truy cập
2,525,657