banner
 12/10/2023 02:19:55 PM

Ôn lại truyền thống 93 năm Ngày thành lập Hội Nông dân Việt Nam (14/10/1930 – 14/10/2023)

Nhân kỷ niệm 93 năm Ngày thành lập Hội Nông dân Việt Nam (14/10/1930 - 14/10/2023), Ban Biên tập tóm lược một số nội dung về lịch sử hình thành và phát triển của tổ chức Hội Nông dân và giai cấp nông dân Việt Nam qua các chặng đường lịch sử và những đóng góp to lớn của tổ chức Hội Nông dân và cán bộ, hội viên nông dân tỉnh ta trong quá trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc - những thành quả trong phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo quốc phòng an ninh của tỉnh nhà....
Đ/c Bùi Thị Quỳnh Vân, UVBCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy tặng bức trướng tại Đại hội Hội Nông dân tỉnh khóa XVII, nhiệm kỳ 2023 - 2023

Nông dân, nông nghiệp và nông thôn từ trước đến nay là một trong những vấn đề chiến lược của cách mạng nước ta. Trong sự nghiệp đấu tranh giành độc lập và bảo vệ Tổ quốc, giai cấp nông dân là lực lượng đông đảo nhất trong nhân dân, là đội quân Cách mạng to lớn của dân tộc. Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, giai cấp nông dân được tập hợp trong tổ chức chính trị xã hội của mình là Hội Nông dân Việt Nam, cùng với giai cấp công nhân giữ vai trò đội quân chủ lực góp phần quyết định hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ giải phóng dân tộc. Ngày nay trong sự nghiệp bảo vệ vững chắc nền hoà bình độc lập và xây dựng Tổ quốc Việt Nam XHCN, giai cấp nông dân và tổ chức Hội Nông dân Việt Nam ngày càng lớn mạnh về mọi mặt xứng đáng là lực lượng đồng minh tin cậy trong khối liên minh công nông – trí thức, đảm bảo thực hiện thắng lợi sự nghiệp CNH – HĐH nông nghiệp, nông thôn và phát triển đất nước.

- Sự ra đời của Nông Hội đỏ, tiền thân của Hội Nông dân Việt Nam ngày nay:

Vào đầu năm 1920, sau khi dập tắt các cuộc khởi nghĩa của nông dân, thực dân Pháp tiến hành cướp đoạt gần 1 triệu ha ruộng đất của nông dân, địa chủ phong kiến chỉ với 2% dân số cả nước nhưng chiếm 51% ruộng đất canh tác. Nông dân chiếm trên 90% dân số nhưng chỉ có 36% ruộng đất, trong đó gần 60% số hộ không có ruộng đất.

Phong trào đấu tranh chống cướp đoạt ruộng đất, sưu thuế tô tức nặng nề của nông dân còn mang tính tự phát và bước đầu có sự lãnh đạo của các tổ chức tiền thân của Đảng Cộng sản Việt Nam hoặc Việt Nam Quốc dân Đảng. Trong đấu tranh, giai cấp nông dân được tôi luyện trưởng thành và xuất hiện những người con ưu tú, hình thành nhiều tổ chức như: Phường lợp nhà, Phường hiếu hỉ, Phường tương tế...để bảo vệ quyền lợi của nông dân. Cuối thập kỷ 20 của thế kỷ XX, Nông hội đã xuất hiện một số địa phương.

Đầu năm 1930, Hội nghị thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam được tổ chức tại Cửu Long (Hương Cảng - Trung Quốc), trong Sách lược vắn tắt của Đảng do đồng chí Nguyễn Ái Quốc dự thảo đã nhấn mạnh: ''''Nông dân là lực lượng to lớn của cách mạng", “Đảng phải thu phục cho được đại đa số dân cày nghèo làm cách mạng thổ địa đánh đổ bọn đại địa chủ và phong kiến''''.

Để kịp thời lãnh đạo phong trào cách mạng của nông dân, tháng 10-1930, Hội nghị lần thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương đã ra Nghị quyết về nông dân, đề ra nhiệm vụ khẩn trương thành lập Tổng Nông hội Đông Dương. Ngày 14-10-1930 Nông hội Đỏ được thành lập, tiền thân của Hội Nông dân Việt Nam ngày nay.

Tổ chức Nông hội được thành lập, từ Tổng Tổng Nông hội, huyện Tổng Nông hội, tỉnh Tổng Nông hội, xứ Tổng Nông hội, Đông Dương Tổng Nông hội; cơ sở của Nông hội là làng. Mục đích của Nông hội làng là đoàn kết hết thảy bần và trung nông trong làng, liên hiệp với nông dân và công nhân các nơi trong nước để đấu tranh chống áp bức, bóc lột, bênh vực quyền lợi của nông dân và thực hiện cách mạng ruộng đất.

Ở Quảng Ngãi, giai cấp nông dân đã sớm nhận rõ vai trò sứ mệnh lịch sử của mình, dưới sự lãnh đạo của Tỉnh uỷ, tổ chức Nông hội đỏ ở tỉnh ta đã sớm được thành lập, từ đầu năm 1930 đã tổ chức được 1.200 hội viên và hoạt động rất mạnh mẽ ở các huyện, xã, cùng nhau thực hiện khẩu hiệu: “Độc lập dân tộc và người cày có ruộng”.

- Tháng 3 năm 1937, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã họp, đề ra đường lối chính trị và phương pháp tổ chức mới, tên của các tổ chức quần chúng đều được thay đổi cho phù hợp với tình hình mới. Quyết định lấy tên Nông hội thay Nông hội đỏ. Nông dân có tổ chức chính là Nông hội, có thể tổ chức nhiều hội như: Hội tương tế, ái hữu, hợp tác xã, hội cấy, hội gặt, hội hiếu hỉ, hội góp họ, phường đi săn, hội chèo, nhóm học quốc ngữ... đã thu hút đông đảo nông dân đấu tranh giành quyền lợi của giai cấp mình.

- Tháng 5 năm 1941, Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ Tám khẳng định nhiệm vụ giải phóng dân tộc lên trên hàng đầu, tạm gác nhiệm vụ cách mạng ruộng đất thay bằng khẩu hiệu tịch thu ruộng đất của đế quốc, Việt gian chia cho dân cày nghèo, thực hiện giảm tô, giảm tức; thành lập Mặt trận Việt Nam độc lập đồng minh (gọi tắt là Việt Minh); Mặt trận các đoàn thể lấy tên là Cứu quốc. Và ''''Nông hội từ nay gọi là Việt Nam Nông dân cứu quốc hội, Việt Nam Nông dân cứu quốc hội là một bộ phận của Việt Nam độc lập đồng minh;  thu nạp hết thảy nông dân đến cả hạng phú nông, địa chủ muốn tranh đấu đuổi Pháp - Nhật''''.

Nông hội đã đưa tập hợp nông dân tham gia vào các phong trào sôi nổi đã lôi cuốn hàng triệu nông dân vùng lên đấu tranh trực diện với kẻ thù, điển hình như ''''Phá kho thóc Nhật giải quyết nạn đói''''. Các phong trào đấu tranh của nông dân ngày càng phát triển mạnh mẽ, góp sức vào làn sóng khởi nghĩa, làm tan rã từng mảng chính quyền cơ sở của phát xít, tay sai, đưa cả nước hừng hực bước vào cuộc Tổng khởi nghĩa tháng 8 năm 1945 thành công.

Ở Quảng Ngãi, thời gian này phong trào cách mạng của giai cấp nông dân cũng ngày càng lớn mạnh làm nên những chiến công lịch sử, điển hình như: Nông dân huyện Đức Phổ đứng lên chiếm huyện đường (tháng 10/1930), khởi nghĩa Ba Tơ ngày 11/3/1945 đã đi vào lịch sử nước nhà, góp phần vào sự thành công của Cách mạng tháng Tám năm 1945.

Thành công vĩ đại của Cách mạng tháng Tám là một minh chứng cho tinh thần, khả năng và vai trò cách mạng to lớn của nông dân với sự nghiệp cách mạng của dân tộc. Đồng thời, là một thắng lợi của sự lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn của Đảng đối với các tổ chức của giai cấp nông dân, thể hiện sự gắn bó giữa Đảng với nông dân, nông dân với Đảng.

- Ngày 06 tháng 8 năm 1949, trong điều kiện chiến tranh ngày càng lan rộng với mức độ gay go ác liệt hơn, nhiệm vụ kháng chiến càng đòi hỏi phải động viên toàn thể nông dân tham gia trên tất cả các mặt trận. Đảng và Nhà nước ta chủ trương thành lập Ban Nông vận Trung ương, kiện toàn tổ chức ở cấp Trung ương do đ/c Hồ Viết Thắng - Ủy viên Trung ương Đảng làm Trưởng ban. Trụ sở đầu tiên của Ban Nông vận Trung ương đóng tại Bản Lá (Roòng Khoa), xã Điềm Mặc, (Định Hóa - Thái Nguyên) sau chuyển sang thôn Tân Lập, xã Tân Trào, (Sơn Dương- Tuyên Quang).

- Ngày 28 tháng 11 đến ngày 07 tháng 12 năm 1949 tại thôn Phong Vân, xã Tân Tiến, (Yên Sơn - Tuyên Quang), Hội nghị cán bộ nông dân toàn quốc lần thứ Nhất được diễn ra, đề ra nhiệm vụ của tổ chức Hội là vận động nông dân: tăng gia sản xuất, tự cấp tự túc, nuôi dưỡng bộ đội, xây dựng hợp tác xã, hoàn thành giảm tô, thực hiện giảm tức, đào tạo cán bộ và thanh toán nạn mù chữ. Đồng thời nhất trí thành lập Hội Nông dân cứu quốc Trung ương (sau đổi tên là Ban Liên lạc Nông dân toàn quốc).

Đây là lần đầu tiên trong lịch sử phong trào nông dân và Hội Nông dân Việt Nam, giai cấp nông dân có một tổ chức Hội ở cấp Trung ương, đáp ứng nguyện vọng của nông dân cả nước.

- Tháng 5/1951, tại thôn Quắc, xã Bình Nhân (Chiêm Hoá - Tuyên Quang) Hội nghị cán bộ nông dân toàn quốc lần thứ Hai được tổ chức.  Dự Hội nghị có hơn 100 đại biểu đại diện cho giai cấp nông dân cả nước. Hội nghị đánh giá phong trào nông dân, hoạt động của tổ chức Hội và quán triệt nhiệm vụ Hội Nông dân trước yêu cầu nhiệm vụ đưa cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp tới toàn thắng. Đồng chí Trường Chinh, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng tới dự và phát biểu trước Hội nghị. Đề ra nhiệm vụ:

Ở miền Bắc: Với tinh thần ''''Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng'''', nông dân đã  hăng hái tham gia "Phong trào thi đua ái quốc sản xuất lập công đề cao chiến sĩ'''' do Đảng và Chính phủ phát động. Các cấp Hội nông dân đã tập trung vận động thực hiện các phong trào, như: xây dựng “Cánh đồng 5 tấn”, “Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”, phong trào thanh niên nông thôn lên đương tòng quân giết giặc, bảo vệ Tổ quốc…Ở miền Nam

Được đế quốc Mỹ giúp sức, chính quyền Ngô Đình Diệm đã trắng trợn vi phạm Hiệp định Giơnevơ và tập trung sức củng cố bộ máy thống trị phản độn, đẩy mạnh việc xây dựng quân đội ngụy làm lực lượng xung kích chống cộng và đàn áp nhân dân. Thực hiện chủ trương chuyển hướng đấu tranh của Đảng và Chính phủ, dưới sự lãnh đạo của các tổ chức Đảng ở nông thôn miền Nam, Nông hội vừa tích cực tổ chức, vận động nông dân chuẩn bị đấu tranh lâu dài, vừa khẩn trương tranh thủ thời gian trước khi bàn giao các địa bàn cho đối phương để củng cố sản xuất, ổn định đời sống.

Thời kỳ này, địch biết Quảng Ngãi là một tỉnh tự do trong 9 năm kháng chiến chống Pháp (1945 – 1954), một tỉnh có lực lượng cách mạng hùng hậu, nhân dân có tinh thần yêu nước cao, nên chúng đã dùng mọi âm mưu thủ đoạn nham hiểm, thâm độc nhất để đánh phá. Địch đã gấp rút tập hợp bọn phản động dựng lên chính quyền từ tỉnh đến các làng xã, rắp tâm phá bỏ mọi thành tựu cách mạng và tước đoạt mọi quyền lợi của nhân dân do Đảng ta mang lại trong chín năm kháng chiến. Chúng đổi huyện thành quận, đổi tên các xã, cướp lại ruộng đất mà cách mạng đã chia cho nông dân, xoá bỏ việc giảm tô, giảm tuất, ngăn cấm việc tự do đi lại làm ăn, hạn chế việc học hành, cấm các bài hát cách mạng... Người nông dân sống trong cảnh đời bị o ép ngột ngạt, nhiều gia đình cách mạng sống trong tình cảnh đau thương tan nát. Địch còn tiến hành những vụ lùng ráp bắt bớ, giam cầm và tra tấn nhục hình, cướp phá qui mô; một tên thôn trưởng cũng có quyền bắt người giết tại chỗ. Chúng đã dùng những thủ đoạn tra tấn man rợ của thời trung cổ: chôn sống, phơi thây, mổ bụng, moi gan, bêu đầu, lấy người để thay trâu đâm trong các buổi ăn thề... Ở Quảng Ngãi nhà tù mọc lên như nấm, xã nào cũng có nhà giam, nhà lao Quảng Ngãi chật ních người...

Đứng trước tình hình đó ngày 25/10/1955, Tỉnh uỷ Quảng Ngãi sau khi rút vào hoạt động bí mật đã họp tại chân núi Cà Đam (Trà Bồng) đã đề ra nhiệm vụ và những chủ trương lớn để chỉ đạo phong trào cách mạng trong toàn tỉnh, trong đó chú trọng nhiệm vụ gìn giữ lực lượng, giữ vững phong trào cách mạng 3 vùng: miền núi, nông thôn đồng bằng và đô thị, tiến hành công tác tổ chức Đảng và quần chúng đi vào bí mật, phát triển các tổ chức biến tướng hợp pháp, xây dựng căn cứ địa ở miền tây...

Thực hiện chủ trương của Tỉnh uỷ, các cấp Hội Nông dân trong tỉnh đã hướng dẫn nông dân tích cực dùng mọi biện pháp, kể cả tận dụng các phong tục tập quán của đồng bào dân tộc để hạn chế, ngăn chặn sự đánh phá của địch, bảo tồn lực lượng cách mạng, bảo vệ cán bộ, đảng viên của Đảng.

- Ngày 21/4/1961, Hội Nông dân giải phóng miền Nam Việt Nam được thành lập để kịp thời lãnh đạo phong trào cách mạng ngày càng lớn mạnh ở các địa phương. Hội đã ban hành dự thảo Điều lệ hoạt động của Hội nhằm tiếp tục mở rộng hoạt động của các cấp Hội cơ sở, phát triển hội viên và động viên nông dân phát huy vai trò tích cực của mình trong sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

Ở Quảng Ngãi, năm 1969 BCH Hội Nông dân giải phóng tỉnh Quảng Ngãi cũng được thành lập, do đồng chí Hoàng Hồng Thất làm Bí thư, số lượng hội viên trong toàn tỉnh năm 1968 – 1969 là 37.625 hội viên. Hội đã tích cực vận động nông dân vào làm ăn tập thể trong các tổ vòng đổi công tương trợ lao động, cùng với lực lượng vũ trang từng bước đánh bại các chiến lược thí điểm của Mỹ - Ngụy. Trong chiến dịch thu đông 1969 nông dân cùng với lực lượng vũ trang Quảng Ngãi đã loại khỏi vòng chiến đấu hơn 1.587 tên địch, trong đó có 334 tên Mỹ, đánh cháy và hỏng 31 xe quân sự, bắn rơi 7 máy bay các loại.

- Đến tháng 7/1973 Hội Nông dân giải phóng tỉnh Quảng Ngãi tiến hành đại hội đại biểu lần thứ VI ở Nghĩa Lâm (Tư Nghĩa). Tổng số hội viên trong toàn tỉnh lúc này là 16.045 hội viên, sinh hoạt trong 638 tổ. Sang năm 1974 có 16.198 hội viên sinh hoạt trong 834 tổ. Đầu tháng 3/1975 các lực lượng quân khu được lệnh phối hợp tác chiến với lực lượng vũ trang Quảng Ngãi. Tổng số du kích trong toàn tỉnh lúc này là 12.500 người (chủ yếu là thanh niên nông dân). Tối ngày 24/3/1975 cùng với các đơn vị quân giải phóng, bộ đội huyện, du kích, cán bộ cơ sở, hàng chục vạn nông dân bao vây tiến công quận lỵ Mộ Đức, Đức Phổ (căn cứ địa Gò Hội) và các đồn bót khác, tiêu diệt và bắt sống hàng chục ngàn tên lính ngụy, thu 16 khẩu pháo 105 ly và toàn bộ vũ khí đạn dược và nhiều đồ dùng quân sự khác.

Thắng lợi to lớn của quân và dân tỉnh Quảng Ngãi đã góp phần làm nên chiến công rực rỡ mùa Xuân năm 1975, kết thúc công cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước gian khổ của nhân dân ta, non sông thu về một mối. Từ ngày miền Nam được hoàn toàn giải phóng, Nông hội đã phát triển đều khắp, đã tích cực vận động nông dân thi hành chính sách của Đảng và Nhà nước ở nông thôn, góp phần đẩy mạnh phong trào thủy lợi, phát triển sản xuất, làm nghĩa vụ đối với Nhà nước, tăng cường đoàn kết trong nông dân, xây dựng chính quyền, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự xã hội ở nông thôn.

- Sau khi hòa bình, thống nhất đất nước, ngày 25 tháng 6 năm 1977 Đại hội đại biểu nông dân toàn quốc được tổ chức, Ban Bí thư ra Thông báo số 16 – TB/TW về việc thành lập Ban Trù bị Đại hội đại biểu nông dân tập thể Trung ương. Ngày 25 tháng 6 năm 1979, Ban Bí thư quyết định tách Ban trù bị Đại hội đại biểu nông dân tập thể Trung ương (nằm trong Ban Nông nghiệp Trung ương) thành một cơ quan thuộc hệ thống các đoàn thể quần chúng và dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Ban Bí thư.

Ban Trù bị Đại hội đại biểu nông dân tập thể Trung ương (thực chất là một bộ phận của Ban Nông nghiệp Trung ương, do Ban Nông nghiệp chỉ đạo) nay lập thành một cơ quan độc lập có nhiệm vụ vừa thường xuyên chỉ đạo phong trào thực hiện những nhiệm vụ chính trị của Đảng, vừa giúp Ban Bí thư chuẩn bị Đại hội nông dân toàn quốc.

- Ngày 27 tháng 9 năm 1979, Ban Bí thư ra Chỉ thị số 78 – CT/TW về việc tổ chức Hội Liên hiệp nông dân tập thể Việt Nam. Để phát triển sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp và đoàn kết nông dân lao động, đưa nông thôn nước ta tiến lên chủ nghĩa xã hội, Bộ Chính trị đã quyết định thành lập tổ chức thống nhất của nông dân lao động trong cả nước, có hệ thống từ Trung ương đến cơ sở, lấy tên là Hội Liên hiệp Nông dân tập thể Việt Nam. Như vậy, sau nhiều năm không có tổ chức Hội (ở miền Bắc), nay giai cấp nông dân cả nước đã có tổ chức thống nhất từ Trung ương xuống cơ sở.

- Ngày 01 tháng 3 năm 1988, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ra Quyết định số 42–QĐ/TƯ về việc đổi tên Hội Liên hiệp Nông dân tập thể Việt Nam thành Hội Nông dân Việt Nam.

Đối với tỉnh Quảng Ngãi:

Bước vào thời kỳ đất nước hoà bình thống nhất đi lên CNXH, cán bộ, hội viên và nông dân Quảng Ngãi tiếp tục phát huy truyền thống yêu nước, tinh thần tự lực tự cường, không ngừng vươn lên trong khắc phục hậu quả chiến tranh, vượt qua thiên tai, đói nghèo để xây dựng nông thôn mới ấm no, giàu đẹp và hạnh phúc. Tính đến nay, toàn tỉnh đã trải qua 17 kỳ Đại hội.

Theo báo cáo tại Đại hội đại biểu Hội Nông dân tỉnh Quảng Ngãi lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2023 – 2028, đến nay, toàn tỉnh có 158.310 hội viên nông dân sinh hoạt ở 171 cơ sở Hội/173 xã, phường, thị trấn, 955 chi Hội, 2.901 tổ Hội của 183 cơ sở Hội, chiếm 70,37% tổng số hộ nông dân; có 72.025 hộ đạt danh hiệu Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi các cấp, trong đó: Cấp cơ sở có 62.082 hộ, cấp huyện, thành phố có 8.508 hộ, cấp tỉnh có 662 hộ, cấp Trung ương có 53 hộ, góp phần vào công tác giảm tỷ lệ hộ nghèo chung của tỉnh giai đoạn 2018 - 2022 là 1,46%/năm; nguồn quỹ Hỗ trợ nông dân trong toàn tỉnh đạt 60,308 tỷ đồng đã hỗ trợ cho 1.508 lượt hộ nông dân vay phát triển sản xuất.

Bên cạnh đó, các cấp Hội còn nhận ủy thác của Ngân hàng Chính sách xã hội để cho hội viên nông dân vay với tổng dư nợ đến tháng 5/2023 là 1.531 tỷ đồng; phối hợp với Ngân hàng nông nghiệp & PTNT tín chấp để cho nông dân vay 1.318 tỷ đồng. Từ các nguồn vốn này đã hỗ trợ cho hàng ngàn lượt hộ nông dân vay phát triển sản xuất đã đem lại hiệu quả, nhiều hộ đã thoát nghèo và vươn lên làm giàu bền vững tại quê hương mình. Trong nhiệm kỳ, các cấp Hội đã tích cực vận động 42.847 hội viên, con em nông dân tham gia học nghề với nhiều ngành, nghề đa dạng để phục vụ cho sự phát triển kinh tế nông nghiệp và nông thôn của tỉnh. Những hoạt động sôi nổi trên của cán bộ, hội viên nông dân các cấp đã góp phần đáng kể vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm an ninh quốc phòng của tỉnh nhà.

Ban Chấp hành Hội Nông dân tỉnh Quảng Ngãi khóa XVII, nhiệm kỳ 2023 - 2028

1. Danh sách Bí thư, Chủ tịch, PChủ tịch phụ trách Hội Nông dân tỉnh

qua các thời kỳ (1945-2023)

 

1.         Huỳnh Viết, Bí thư Hội Nông dân cứu quốc tỉnh Quảng Ngãi (1946-1947)

2.        Tôn Diêm, Bí thư Hội Nông dân cứu quốc tỉnh Quảng Ngãi (1949)

3.         Nguyễn Tín, Bí thư Hội Nông dân cứu quốc tỉnh Quảng Ngãi (1949-1950)

4.         Phạm Thanh Biền, Bí thư Hội Nông dân cứu quốc tỉnh Quảng Ngãi (1950-1951)

5.        Cao Ký, Bí thư Hội Nông dân cứu quốc tỉnh Quảng Ngãi (1951-1954)

6.    Trịnh Phú Qua (Trịnh Nhung), Bí thư Hội Nông dân giải phóng tỉnh Quảng Ngãi (1961- 1963)

7.       Cao Kết, Bí thư Hội Nông dân giải phóng tỉnh Quảng Ngãi (1964)

8.      Hoàng Hồng Thất, Bí thư Hội Nông dân giải phóng tỉnh Quảng Ngãi (1964-1965)

9. Nguyễn Liên (Minh Thái), Bí thư Hội Nông dân giải phóng tỉnh Quảng Ngãi  (1965-1968)

10.   Huỳnh Văn Châu, Bí thư Hội Nông dân giải phóng tỉnh Quảng Ngãi (1968-1970)

11.         Võ Trọng Nguyễn, Bí thư Hội Nông dân giải phóng tỉnh Quảng Ngãi (1970-1971)

12.      Nguyễn Thị Thùy Vân (Thinh), Bí thư Hội Nông dân giải phóng tỉnh Quảng Ngãi (1971-1973)

13.  Nguyễn Văn Ngạt, Bí thư Hội Nông dân giải phóng tỉnh Quảng Ngãi (1973-1975)

14.  Nguyễn Hồng Giao (Ngọc Anh), Bí thư Hội Nông dân giải phóng tỉnh Quảng Ngãi, tỉnh Nghĩa Bình (1975-1976)

15.          Trình Nghiên, Bí thư Hội Nông dân (Nông hội) và Chủ tịch Hội liên hiệp nông dân tập thể tỉnh Nghĩa Bình (1976-1984)

16.  Nguyễn Lại, Chủ tịch Hội liên hiệp nông dân tập thể tỉnh Nghĩa Bình (1984-1987)

17. Nguyễn A, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Nghĩa Bình (1987-1989), Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Quảng Ngãi (1989-1990)

18.          Nguyễn Tấn Kỳ, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Hội - Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Quảng Ngãi (1990-2000)

19.          Đinh Mẫu, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Hội - Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Quảng Ngãi (2001-2005)

20.          Đỗ Văn Cường, Phó Chủ tịch phụ trách Hội (2006-5/2008 )

21.          Võ Việt Chính, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Hội - Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Quảng Ngãi (5/2008-6/2017)

22.    Nguyễn Thế Nhân, Phó Chủ tịch phụ trách Hội (7-10/2017)

23.    Đinh Duy Sung, Phó Chủ tịch phụ trách Hội (11 - 6/2017), Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Quảng Ngãi từ tháng 7/2018 – 9/2021.

24.   Trần Ngọc Vinh, Phó Chủ tịch phụ trách Hội Hội Nông dân từ tháng 9/2021 – 7/2022.

25.   Võ Tấn Lãm, Tỉnh ủy viên, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh từ tháng 7/2022 cho đến nay.

 

Ban Biên tập (tổng hợp)
Video
Thống kê truy cập
Đang online
259
Hôm nay
1,964
Tháng này
245,444
Tổng truy cập
3,023,263