Theo Quyết định số 551/QĐ-MTTW-BTT ngày 27/6/2025 của Ban Thường trực Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam về chức năng, nhiệm vụ của Ban Công tác Nông dân nêu rõ:
Chức năng Ban Công tác Nông dân
Ban Công tác Nông dân có chức năng tham mưu, giúp việc cho Ban Thường trực, Đoàn Chủ tịch, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và trực tiếp, thường xuyên là Ban Chấp hành, Ban Thường vụ, Thường trực Trung ương Hội Nông dân Việt Nam thực hiện các nhiệm vụ của Điều lệ Hội Nông dân Việt Nam; Điều lệ Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các quy định của Đảng, Nhà nước liên quan.
Đồng thời là cơ quan chuyên môn, nghiệp vụ về công tác Hội và phong trào nông dân của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam; giữ mối quan hệ công tác với các cơ quan của Đảng, Nhà nước, các bộ ngành, đoàn thể, các tổ chức trong hệ thống.
Là đầu mối quản lý, sử dụng con dấu, tài khoản của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam; có con dấu và tài khoản riêng để thực hiện giao dịch đơn vị dự toán ngân sách nhà nước thuộc Cơ quan Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam theo quy định của pháp luật.
Nhiệm vụ Ban Công tác nông dân
Về công tác tham mưu: Ban Công tác nông dân nghiên cứu cụ thể hóa các chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước có liên quan đến nông dân, nông nghiệp, nông thôn; khơi dậy và phát huy truyền thống yêu nước, ý chí cách mạng, tinh thần tự lực, tự cường, lao động sáng tạo của nông dân.
Tham mưu giúp việc cho Thường trực, Ban Thường vụ, Ban Chấp hành Trung ương Hội; đề xuất các chủ trương, đường lối, chính sách liên quan đến nông dân, nông nghiệp, nông thôn.
Tham mưu cụ thể hóa các chức năng, nhiệm vụ được quy định tại Điều lệ Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam liên quan đến công tác Hội Nông dân Việt Nam và phong trào nông dân.
Thực hiện nhiệm vụ theo sự phân công của Thường trực Đảng ủy Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể Trung ương; Đảng ủy Cơ quan Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Thường trực, Ban Thường vụ, Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam.
Ban Công tác nông dân chủ trì thực hiện các nhiệm vụ
Về công tác hành chính, tổng hợp: Thu thập, xử lý và quản lý thông tin phục vụ sự lãnh đạo chỉ đạo của cấp trên. Ghi chép các hội nghị; chủ trì soạn thảo và ban hành các thông báo, kết luận của lãnh đạo tại các hội nghị. Xây dựng chương trình, kế hoạch công tác hàng năm, quý, tháng, tuần của Thường trực, Ban Thường vụ, Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam và các ban, đơn vị tham mưu giúp việc.
Tổ chức quản lý tài sản, tài chính, nhà đất theo phân cấp. Lập kế hoạch kinh phí hoạt động hàng năm. Xây dựng kế hoạch đầu tư trang thiết bị, sửa chữa nhỏ trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Thực hiện công tác văn thư, lưu trữ, công tác lễ tân; quản lý con dấu Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam; bảo đảm các yếu tố vật chất, phương tiện công tác.
Quản lý, sắp xếp việc sử dụng và trang trí các phòng khách, hội trường. Quản lý hệ thống điện, nước, điện thoại, hệ thống mạng; hệ thống e-office. Công tác bảo đảm an ninh, trật tự an toàn, phòng cháy, chữa cháy; bảo đảm cảnh quan, vệ sinh môi trường trong cơ quan.
Về công tác xây dựng tổ chức Hội:
Ban Công tác nông dân có nhiệm vụ tham mưu công tác xây dựng tổ chức Hội, xây dựng Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Hội Nông dân các cấp; xây dựng đội ngũ cán bộ Hội Nông dân các cấp hướng dẫn nghiệp vụ công tác Hội Nông dân; quản lý, phát triển, nâng cao chất lượng hội viên; hướng dẫn phát triển chi hội, tổ hội nông dân theo địa bàn dân cư, chi hội, tổ hội nông dân nghề nghiệp, các câu lạc bộ của nông dân; thu và quản lý hội phí theo quy định.
Về công tác chuyên môn: Ban Công tác nông dân có nhiệm vụ tổ chức đẩy mạnh các phong trào thi đua: Phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”; phong trào “Cán bộ, hội viên nông dân tích cực tham gia phát triển kinh tế tập thể trong nông nghiệp”. Tích cực tham gia thực hiện công tác an sinh xã hội.
Chăm lo đời sống vật chất và tinh thần của hội viên, nông dân. Trực tiếp thực hiện và phối hợp thực hiện một số chương trình, dự án phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội nông thôn; hướng dẫn phát triển các hình thức kinh tế tập thể, kinh tế tư nhân trong nông nghiệp, nông thôn.
Tổ chức các hoạt động dịch vụ, tư vấn, hỗ trợ, tư vấn nghề và chuyển giao khoa học công nghệ giúp nông dân phát triển sản xuất, kinh doanh, nâng cao đời sống. Vận động, hướng dẫn nông dân tham gia bảo vệ môi trường; sản xuất, kinh doanh đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.
Tổ chức nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn về tổ chức và hoạt động Hội Nông dân và phong trào nông dân, công tác lịch sử Hội. Sơ kết, tổng kết công tác nông dân, phong trào nông dân.
Chỉ đạo, định hướng hoạt động cho công tác nông dân ở địa phương. Tổ chức sơ kết, tổng kết công tác Hội và phong trào nông dân; hướng dẫn, đánh giá, xếp loại thi đua, khen thưởng trong hệ thống Hội Nông dân Việt Nam; tổ chức tổng kết các chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước theo phân công, phân cấp.
Tiếp nhận, quản lý và tổ chức triển khai các nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội nông thôn thuộc các chương trình mục tiêu quốc gia; tham gia các phong trào thi đua, các cuộc vận động lớn do Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phát động.
Tham mưu công tác kiểm tra thực hiện Điều lệ Hội Nông dân, các chỉ thị, nghị quyết của Hội; công tác tiếp nông dân và tham gia giải quyết khiếu nại, tố cáo của nông dân; thực hiện nhiệm vụ giám sát và phản biện xã hội lĩnh vực nông dân, nông nghiệp, nông thôn; tham gia góp ý xây dựng Đảng, chính quyền thuộc thẩm quyền của Hội Nông dân và theo phân cấp của các cấp có thẩm quyền.
Tham gia các hoạt động đối ngoại nhân dân, tham mưu thúc đẩy quan hệ hợp tác hữu nghị, giao lưu với các tổ chức nông dân trên thế giới; tham gia hưởng ứng các cơ chế, khuôn khổ đa phương quốc tế và khu vực quan trọng khi được phân cấp. Mở rộng hoạt động học tập, trao đổi kinh nghiệm, tiến bộ khoa học kỹ thuật, quảng bá hàng hoá nông sản, văn hoá Việt Nam với bạn bè quốc tế.
Thực hiện một số nhiệm vụ khác theo sự phân công của Đảng ủy Cơ quan Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam; Đảng ủy Trung ương Hội Nông dân Việt Nam.
Về công tác phối hợp:
Tuyên truyền, vận động hội viên, nông dân chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tích cực nâng cao năng lực, trình độ đáp ứng yêu cầu là chủ thể, trung tâm của quá trình phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn và xây dựng nông thôn mới; xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Tuyên truyền, vận động nông dân xây dựng đời sống văn hóa ở nông thôn; giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức, lịch sử truyền thống cho nông dân; khôi phục, phát huy, bảo tồn các di tích lịch sử, các giá trị văn hóa truyền thống, xóa bỏ hủ tục, mê tín dị đoan, xây dựng nếp sống nông thôn văn minh, tiến bộ.
Xây dựng mối liên kết giữa Nhà nước, Nhà nông- Nhà khoa học và Nhà doanh nghiệp; xây dựng hệ thống liên kết giữa nông dân với nông dân và với các tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài nước để mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm; tham gia xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Nắm bắt, phản ánh tâm tư, nguyện vọng của nông dân với Đảng và Nhà nước; thực hiện dân chủ ở cơ sở; tham mưu bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng cho hội viên, nông dân.
Tổng hợp, thông tin về tình hình nông dân, hội viên, công tác Hội Nông dân và phong trào nông dân phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành của Lãnh đạo Ban, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam.
Tham mưu đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước của nông dân; tổ chức các lễ tôn vinh nông dân giỏi, nông dân điển hình tiên tiến, Cuộc thi Nhà nông đua tài; tôn vinh các tổ chức, cá nhân, các nhà khoa học có nhiều đóng góp trong phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn và xây dựng nông thôn mới...
Phối hợp tổ chức các sự kiện xã hội, hội nghị đối thoại của nông dân với cấp ủy, chính quyền các cấp; các cuộc hội thảo, tọa đàm liên quan đến nông nghiệp, nông dân, nông thôn giữa nông dân với các cơ quan hữu quan.
Phối hợp với các tổ chức tín dụng, các ngân hàng thương mại, ngân hàng chính sách xã hội nhận ủy thác cho hội viên nông dân vay vốn phát triển sản xuất.
Về cơ cấu tổ chức
Ban Công tác Nông dân gồm Trưởng ban, các phó Trưởng ban và công chức tham mưu, giúp việc.
Biên chế của Ban Công tác Nông dân do cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ban.
Công chức của Ban Công tác Nông dân được điều chuyển từ các ban, đơn vị thuộc Cơ quan Trung ương Hội Nông dân Việt Nam.
Ban Công tác Nông dân chịu sự lãnh đạo, chỉ đạo về mọi mặt của Ban Thường trực, Đoàn Chủ tịch, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và trực tiếp, thường xuyên là Ban Chấp hành, Ban Thường vụ, Chủ tịch, Phó Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam.
Quan hệ giữa Ban Công tác Nông dân với các ban, đơn vị trực thuộc Cơ quan Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là quan hệ phối hợp. Quan hệ với Ban Công tác nông dân cấp tỉnh là mối quan hệ phối hợp và hướng dẫn nghiệp vụ công tác Hội và phong trào nông dân.
Quyết định của Ban Thường trực Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam về chức năng, nhiệm vụ của Ban Công tác Nông dân có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/7/2025. Ban Công tác Nông dân và các ban, đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.
Quá trình tổ chức thực hiện có vấn đề phát sinh, Ban Thường trực sẽ xem xét, sửa đổi, bổ sung cho phù hợp.