banner
 04/05/2022 03:46:31 PM

Mộ Đức: Lan tỏa những mô hình sản xuất nông nghiệp sạch

Tính đến thời điểm này toàn tỉnh đã có 61 sản phẩm OCOP, trong đó, có 4 sản phẩm đạt hạng 4 sao, còn lại đạt hạng 3 sao. Huyện Mộ Đức là địa phương có sản phẩm đạt chuẩn nhiều nhất tỉnh với 19 sản phẩm (01 sản phẩm đạt 4 sao, 18 sản phẩm 3 sao).
Một trong những trang trại tổng hợp ở huyện Mộ Đức đang đầu tư phát triển sản xuất theo hướng hữu cơ

Nhằm tiếp tục phát huy hiệu quả thế mạnh trong sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện, nhiều mô hình kinh tế trang trại đã và đang được nông dân đầu tư, áp dụng quy trình sản xuất hữu cơ, thân thiện với môi trường, từng bước khẳng định thương hiệu, nâng cao cả chất và lượng đối với sản phẩm nông nghiệp của địa phương.

Để tạo sức lan tỏa trong văn hóa sản xuất của nông dân, trong những năm qua, các cấp Hội Nông dân trong tỉnh đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nông dân nâng cao ý thức trong sản xuất kinh doanh, kết hợp với việc cung cấp các dịch vụ hỗ trợ, tạo điều kiện cho người nông dân thay đổi thói quen sản xuất nông nghiệp truyền thống sang quy trình nông nghiệp hữu cơ, cung ứng cho thị trường những nông sản sạch, đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng.

Hội Nông dân huyện Mộ Đức là đơn vị đi đầu trong công tác phối hợp chỉ đạo đẩy mạnh phát triển kinh tế nông nghiệp theo Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện Mộ Đức, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã xác định 3 khâu đột phá. Trong đó, có 2 khâu đột phá về nông nghiệp là: Phát triển nông nghiệp sạch, hữu cơ và công nghiệp chế biến nông sản; phát triển nông nghiệp toàn diện theo hướng hiện đại gắn với xây dựng NTM kiểu mẫu và phát triển du lịch nông thôn...

Về phát triển kinh tế, Huyện ủy Mộ Đức đã xây dựng nghị quyết chuyên đề về phát triển nông nghiệp, xây dựng NTM; tái cơ cấu ngành nông nghiệp, triển khai đề án củng cố, nâng cao hiệu quả hoạt động hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp và Chương trình Phát triển thủy sản, giai đoạn 2021 - 2025. Theo đó, nhiều mô hình đạt hiệu quả kinh tế cao như sản xuất rau an toàn, cây ăn quả VietGAP, nuôi cá chạch thương phẩm, sản xuất lúa giống chất lượng...

Đặc biệt, huyện Mộ Đức đã chuyển đổi 350ha đất trồng lúa kém hiệu quả sang cây trồng, vật nuôi có giá trị cao hơn. Trong đó, có 20ha trồng bắp sinh khối liên kết với Trang trại bò sữa Vinamilk ở xã Đức Phú. Ngoài ra, huyện duy trì 29 cánh đồng mẫu lớn gần 200ha và 21 vùng sản xuất, với tổng diện tích gần 69ha...

Tại Hội nghị tổng kết phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi huyện Mộ Đức, gđ 2016 - 2021 đã có nhiều mô hình sx nông nghiệp tiêu biểu được biểu dương, khen thưởng

Hiện nay, huyện đã quy hoạch lại các vùng sản xuất nông nghiệp, các điểm tiềm năng để kêu gọi đầu tư; đồng thời tiếp tục xây dựng các tuyến giao thông, điện, thủy lợi vào các vùng sản xuất. Hội Nông dân huyện sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động và hướng dẫn nông dân mạnh dạn ứng dụng công nghệ cao trong phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ gắn với công nghiệp chế biến, tạo vùng sản xuất chuyên canh kết hợp du lịch nông nghiệp và phấn đấu nâng cao cả chất và lượng các sản phẩm hàng hóa nông nghiệp sạch, hữu cơ ở địa phương.

Điển hình như nông dân ở các xã Đức Hiệp, Đức Lợi đã sáng tạo quy trình sản xuất nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch theo phương thức "quản lý dịch hại tổng hợp" như: "ruộng lúa, bờ hoa", "vườn rau, bờ hoa",… hoặc sử dụng các chất dẫn dụ côn trùng nhằm hạn chế tối đa việc sử dụng thuốc BVTV để không ảnh hưởng đến chất lượng nông sản, không gây ô nhiễm môi trường xung quanh. Ví dụ như khi cây ớt vừa thu hoạch đến lứa cuối vụ, nông dân sẽ trồng khổ qua cho thân dây khổ qua leo lên cây ớt, những quả ớt khô còn sót lại gây mùi nồng cay, hạn chế được một số sâu bọ gây hại, vừa tiết kiệm chi phí làm giàn lại vừa hạn chế sử dụng thuốc trừ sâu cho cây khổ qua, đem lại sản phẩm sạch, an toàn cho người dùng. Bên cạnh đó, nhiều nông dân trong xã còn tăng cường sử dụng phân hữu cơ và phân vi sinh cho cánh đồng rau màu của mình, hạn chế sử dụng thuốc BVTV để nâng cao chất lượng nông sản, an toàn cho người tiêu dùng.

Từ các mô hình sản xuất nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn huyện mà nhiều nông dân ở địa phương đã trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm cho nhau, từ đó họ dần dần thay đổi tư duy sản xuất để trở thành “người nông dân thông thái” trên cánh đồng, thửa ruộng của mình. Nhờ vậy mà ngày càng có nhiều sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn huyện đạt chuẩn Ocop, được thị trường trong và ngoài tỉnh biết đến, được nhiều người tiêu dùng tin tưởng, lựa chọn./.

Đồng Xuân
Video
Thống kê truy cập
Đang online
51
Hôm nay
443
Tháng này
210,548
Tổng truy cập
2,538,956