Theo báo cáo của Sở NN&PTNT, vụ đông xuân 2022 - 2023, toàn tỉnh gieo sạ gần 37,9 nghìn ha lúa, hơn 16 nghìn ha rau màu các loại. Diện tích mì đã xuống giống được 6.042/12,9 nghìn ha. Hiện có hơn 3.000ha lúa bị chuột và sâu bệnh gây hại. Bệnh khảm lá mì gây hại cục bộ, với tổng diện tích nhiễm hơn 676ha. Hơn 397ha cây keo bị bệnh chết cây.
Bệnh lở mồm long móng, viêm da nổi cục trâu, bò đã xảy ra tại một số xã của huyện Bình Sơn. Bệnh dịch tả heo châu Phi xảy ra ở huyện Trà Bồng. Huyện Bình Sơn đã tiêm 19,2 nghìn liều vắc xin viêm da nổi cục và lở mồm long móng. Các địa phương đã sử dụng hơn 7.000 lít hóa chất để phun tiêu độc khử trùng môi trường, đang triển khai tiêm phòng đợt 1 năm 2023.
Nguồn nước các hồ chứa cơ bản đảm bảo cung cấp tưới cho vụ hè thu. Tuy nhiên vẫn có nguy cơ thiếu nước phục vụ sản xuất nông nghiệp và dân sinh ở các vùng tưới cuối kênh hoặc vùng tưới của các hồ chứa, đập dâng có quy mô nhỏ.
Sở NN&PTNT kiến nghị UBND tỉnh xem xét bố kinh phí mua vắc xin hỗ trợ người dân ở các huyện nghèo và đặc biệt khó khăn để thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm và động vật thủy sản.
Bố trí kinh phí để thực hiện giải pháp giảm ngập cho vùng hạ lưu sông Phước Giang; thực hiện chủ trương đầu tư dự án nâng cấp hệ thống cấp nước sinh hoạt xã Đức Chánh (Mộ Đức) và hệ thống cấp nước sinh hoạt xã Bình Châu (Bình Sơn)…
Để thực hiện có hiệu quả các chỉ tiêu, nhiệm vụ của ngành đề ra, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Phước Hiền yêu cầu Sở NN&PTNT, các địa phương tiếp tục theo dõi, chủ động hướng dẫn cho nông dân kịp thời phòng trừ chuột, sâu bệnh gây hại đảm bảo năng suất vụ đông xuân.
Sở NN&PTNT phối hợp với các địa phương khẩn trương kiểm soát, ngăn chặn kịp thời dịch bệnh trên gia súc, gia cầm; quyết liệt công tác khoanh vùng dập dịch, tổ chức phun hóa chất tiêu độc, khử trùng môi trường chăn nuôi. Xây dựng phương án phòng chống hạn cho vụ hè thu, khẩn trường hoàn thiện phương án dồn điền đổi thửa, sớm xây dựng kế hoạch cấp mã số vùng trồng gắn với truy xuất nguồn gốc sản phẩm…