banner
 12/09/2019 04:42:45 PM

Kết quả bước đầu sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại Quảng Ngãi

Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là xu hướng phát triển tất yếu của sản xuất nông nghiệp, được tỉnh đặc biệt quan tâm trong công tác chỉ đạo, tổ chức thực hiện và đã đạt được một số kết quả nhất định.

Kết quả bước đầu

  Khu nông nghiệp công nghệ cao đã được UBND tỉnh quy hoạch tại Khu kinh tế Dung Quất với diện tích khoảng 190 ha, thuộc xã Bình Hòa, huyện Bình Sơn. Đây là một trong 22 khu nông nghiệp toàn quốc được ưu tiên đầu tư xây dựng theo Quyết định số 575/QĐ-TTg ngày 04/5/2015 của Thủ tướng Chính phủ. Hiện tại đơn vị tư vấn đang tiến hành lập Đề án để kêu gọi đầu tư.
 

 Trong thu hút đầu tư, thời gian qua tỉnh đã cấp quyết định chủ trương đầu tư cho 18 dự án đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp với tổng vốn đăng ký trên 1.000 tỷ đồng; trong đó lĩnh vực trồng trọt có 5 dự án, lĩnh vực chăn nuôi 11 dự án và 02 dự án tổng hợp. Diện tích sử dụng đất của các dự án trên 472 ha. Điển hình như dự án dự án Khu sản xuất chế biến thức ăn và chăn nuôi Bò sữa tập trung ứng dụng công nghệ cao Vinamilk Quảng Ngãi, dự án Chuỗi nông nghiệp hữu cơ công nghệ cao OFB Mộ Đức... Ngoài ra, hiện có một số doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh đang tiến hành khảo sát để tìm cơ hội đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp trên địa bàn tỉnh.

  

kt6-10092019.jpg
Đ/c Nguyễn Tăng Bính, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh tham quan các  mô hình sản xuất nông sản sạch

 

 

 

Trong sản xuất nông sản an toàn, nông sản sạch, hiện Công ty TNHH Khoa học và công nghệ Nông Tín sản xuất lúa hữu cơ với diện tích 44 ha tại xã Hành Nhân và Hành Dũng, huyện Nghĩa Hành, hàng năm cung cấp cho thị trường khoảng 200 tấn sản phẩm. Đối với cây rau hiện có 2 cơ sở đã được tỉnh cấp giấy Chứng nhận VietGAP với tổng diện tích 15,22 ha, gồm  HTX sản xuất, kinh doanh và dịch vụ RAT Sông Trà và Công ty TNHH Nông Nghiệp công nghệ cao QNASAFE. Ngoài ra còn có 6,5 ha sản xuất của các tổ chức, cá nhân được chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm.

  Trên lĩnh vực chăn nuôi, thành công nổi bật nhất là công tác lai tạo đàn bò, giống địa phương đã được cải tạo bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo từ các giống bò Zebu, bò chuyên thịt có năng suất và chất lượng cao. Đến nay đàn bò của tỉnh đã đạt tỷ lệ trên 70% so với tổng đàn. Hiện tại chăn nuôi bò lai vỗ béo đã trở thành một nghề cho thu nhập khá ở  xã Nghĩa Dũng (thành phố Quảng Ngãi), xã Hành Dũng (Nghĩa Hành), Tịnh Trà (Sơn Tịnh), Phổ An (Đức Phổ),...Bên cạnh đó, tỉnh cũng đã triển khai 02 dự án cải tạo đàn trâu thịt ở các huyện miền núi Ba Tơ, Sơn Hà,…
  

Trên lĩnh vực trồng trọt, hiện trên địa bàn tỉnh có hơn 10 ha rau sạch và hơn 100 ha hành, tỏi (Lý Sơn, Bình Sơn) đang áp dụng công nghệ tưới tiết kiệm nước bằng biện pháp tưới phun mưa. Về lâm nghiệp, Công ty TNHH Khoa học và Công nghệ Nông Tín đã thành công trong việc sản xuất cây keo giống theo phương pháp nuôi cấy mô, mỗi năm cung cấp cho thị trường khoảng 1-1,5 triệu cây giống trổng rừng sản xuất.

  Bên cạnh những kết quả đạt được, việc ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp tại Quảng Ngãi còn những hạn chế, khó khăn. Đó là tình trạng sản xuất manh mún, phân tán ở nông hộ, cản trở việc ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp; nguồn nhân lực chưa đáp ứng được nhu cầu cho nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; các chinh sách hỗ trợ ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp còn hạn chế,…
 
  Giải pháp trong thời gian tới
 

 Để khắc phục những tồn tại nêu trên, mở đường cho việc triển khai nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển trong thời gian tới, tỉnh đề ra định hướng và một số giải pháp như lập quy hoạch vùng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao theo hướng phát huy lợi thế của từng vùng, địa phương, ưu tiên đầu tư cho các sản phẩm có giá trị kinh tế cao.

 

 kt7-10092019.jpg

Cánh đồng rau "Nói không với thuốc diệt cỏ" ở xã Đức Hiệp (Mộ Đức).
 

           

 

Ưu tiên đầu tư xây dựng mô hình, công tác nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao khoa học công nghệ, định hướng giúp doanh nghiệp và nông dân sản xuất theo yêu cầu thị trường và coi trọng xây dựng, phát triển thương hiệu nông sản.

 

 Rà soát lại các chính sách hiện có, trên cơ sở đó điều chỉnh, bổ sung, xây dựng mới các chính sách để hỗ trợ, thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, trong đó ưu tiên cho các chính sách như hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng, chính sách về tích tụ ruộng đất, chính sách tín dụng ưu đãi, chính sách hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực cho các doanh nghiệp,...

 

Nguồn: Cổng thông tin UBND tỉnh Quảng Ngãi
Video
Thống kê truy cập
Đang online
283
Hôm nay
1,511
Tháng này
209,853
Tổng truy cập
2,538,261