banner
 26/05/2021 10:39:16 AM

Hiệu quả từ dự án phát triển kinh tế giảm nghèo cho đồng bào dân tộc thiếu số

Năm 2020, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam phối hợp với Hội Nông dân tỉnh triển khai dự án phát triển kinh tế và giảm nghèo bền vững cho đồng bào dân tộc thiểu số tại xã Trà phú, huyện Trà Bồng.
Chị Phan Thị Sự vui mừng khi đàn heo phát triển tốt

Từ cuối năm 2019, trên cơ sở của Hợp tác xã dịch vụ chăn nuôi xã Trà Phú, Hội Nông dân tỉnh đã hướng dẫn và thành lập tổ Hội nghề nghiệp chăn nuôi lợn sinh sản với 15 thành viên tham gia. Tổ Hội nghề nghiệp hoạt động theo nguyên tắc 5 tự- 5 cùng với mục đích đoàn kết, tập hợp hội viên, nông dân cùng tham gia chăn nuôi nhằm phát huy những tiềm lực sẵn có, tạo được mối liên kết chặt chẽ giữa hội viên với nhau.

Khó khăn lớn nhất đối với các hộ hội viên chính là nguồn vốn đầu tư và kỹ thuật chăn nuôi. Vì thế, ngay sau khi thành lập tổ Hội nghề nghiệp, Hội Nông dân tỉnh đã tư vấn và giúp các thành viên tiếp cận nguồn vốn vay từ Quỹ Hỗ trợ nông dân để đầu tư phát triển mô hình và thu hút thêm hội viên tham gia.

Trong thời gian từ tháng 7 - 9/2020, Hội Nông dân tỉnh phối hợp với Chi cục chăn nuôi thú y tổ chức 02 lớp tập huấn kỹ thuật nuôi lợn sinh sản; cách phòng, trừ các loại bệnh thường gặp cũng như hướng dẫn cách chăm sóc, nuôi dưỡng đàn lợn. Đồng thời, hội viên, nông dân tham gia mô hình cũng được phổ biến những kiến thức cơ bản về đặc tính của giống lợn ngoại lai để chuẩn bị tốt về chuồng trại, đảm bảo đầy đủ các điều kiện chăn nuôi giúp mang lại hiệu quả cao. Đặc biệt, 15 hộ dân tham gia mô hình còn được hỗ trợ cấp cho 15 con lợn nái giống ngoại F1 đủ tiêu chuẩn sinh sản tốt và trong giai đoạn thụ tinh lần đầu. Toàn bộ số lợn đều đã được tiêm phòng đầy đủ các loại văcxin cơ bản, mỗi con có trọng lượng từ 80 - 85kg, trị giá gần 10 triệu đồng/con.

Qua gần 9 tháng chăm sóc, đến nay, hầu hết 15 con lợn nái giống của các hộ đều phát triển rất tốt và đã sinh sản. Bình quân mỗi con lợn mẹ đã đẻ từ 10 - 12 lợn con; cá biệt có 03 hộ dân, mỗi con lợn mẹ còn đẻ được 15 con. Mô hình đã và đang cho thấy tính hiệu quả, góp phần củng cố phát triển Hợp tác xã, Tổ hợp tác gắn với việc xây dựng chi, tổ Hội nông dân nghề nghiệp và hướng tới phát triển doanh nghiệp nông thôn tại địa phương.

Hộ gia đình chị Phan Thị Sự ở thôn Phú Hòa là một trong số 15 thành viên tham gia vào mô hình. Sau khi được Hội ND tỉnh hỗ trợ cho 01 con lợn giống sinh sản, chị đem áp dụng những kiến thức, kỹ thuật mới đã học được vào việc chăn nuôi tại gia đình. Đến nay, từ con lợn giống ban đầu đã đẻ thêm 15 lợn con và cả đàn lợn đều đang phát triển rất tốt.

Chị vui vẻ cho biết: Khi tham gia vào tổ Hội, các hộ vừa được tập huấn kiến thức khoa học kỹ thuật trong chăn nuôi, vừa được chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm với nhau; đồng thời, các thành viên gia tăng tính liên kết tạo thành một đầu mối để nhập nguồn thức ăn với giá ưu đãi, thường xuyên tham quan chéo, hỗ trợ lẫn nhau trong quá trình chăn nuôi… Nhờ đó, mặc dù trong thời gian vừa qua dịch tả lợn Châu Phi xảy ra trên diện rộng và có những diễn biến phức tạp nhưng đàn vật nuôi của các hộ dân tham gia dự án không bị dịch bệnh.

Đồng chí Đinh Duy Sung - Chủ tịch Hội ND tỉnh cho biết: Thông qua việc triển khai xây dựng các mô hình phát triển kinh tế và thành lập các chi, tổ Hội ND nghề nghiệp sẽ góp phần thiết thực trong củng cố, phát triển các Hợp tác xã, Tổ hợp tác. Từ đó, giúp bà con nông dân hình thành tư duy sản xuất theo chuỗi giá trị, mở rộng quy mô sản xuất, đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật để nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị sản phẩm. Các chi, tổ Hội ND nghề nghiệp cũng đã tổ chức nhiều hoạt động thiết thực như: Cung ứng vật tư, phân bón, giống cây trồng, vật nuôi, tìm kiếm thị trường tiêu thụ nông sản… góp phần tạo thêm việc làm, cải thiện đời sống cho hội viên, nông dân, cùng nhau phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống.

Đến nay, các cấp Hội trên địa bàn tỉnh đã xây dựng, thành lập được 25 chi Hội ND nghề nghiệp với tổng số 613 thành viên là hội viên, nông dân tham gia; 49 tổ Hội ND nghề nghiệp với 711 thành viên tham gia. Các chi, tổ Hội ND nghề nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực gồm: Chăn nuôi, trồng trọt, đánh bắt khai thác thủy sản, sản xuất nấm rơm, làm mộc và thủ công mỹ nghệ... Với ưu thế mô hình tổ chức gọn, số lượng hội viên vừa phải, các chi, tổ Hội ND nghề nghiệp đã xây dựng quy chế hoạt động cụ thể, rõ ràng, chặt chẽ; có nội dung sinh hoạt phù hợp, thiết thực, đáp ứng được yêu cầu, nguyện vọng của hội viên, nông dân./.

Hoài Hương
Video
Thống kê truy cập
Đang online
147
Hôm nay
245
Tháng này
210,350
Tổng truy cập
2,538,758