banner
 07/06/2023 09:06:04 AM

Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh góp ý các dự thảo luật

Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, sáng 5/6, Quốc hội thảo luận tại Tổ về dự án Luật Nhà ở (sửa đổi). Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương Nguyễn Xuân Thắng; Thượng tướng Trần Quang Phương - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội tham dự phiên thảo luận ở Tổ 9.

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ngãi Đặng Ngọc Huy - Tổ phó Tổ 9 điều hành phiên thảo luận. Tổ 9 gồm Đoàn ĐBQH các tỉnh Quảng Ninh, Quảng Ngãi, Phú Yên và Bến Tre.

Tham gia thảo luận quy định xây dựng, phê duyệt chương trình phát triển nhà ở cấp tỉnh, Phó Chánh án TAND tỉnh Lương Văn Hùng - Đoàn ĐBQH tỉnh đề nghị cần xem xét, chỉnh sửa theo hướng giữ nguyên như Khoản 1, Điều 15 Luật Nhà ở năm 2014 là UBND cấp tỉnh tổ chức xây dựng chương trình phát triển nhà ở để trình HĐND cùng cấp thông qua trước khi phê duyệt và triển khai thực hiện chương trình.

Đại biểu Lương Văn Hùng nhận thấy, hiện nay, Luật Nhà ở và các văn bản khác có liên quan đến cụm từ “nhà ở khép kín, căn hộ khép kín”, nhưng chưa có khái niệm, giải thích từ ngữ đối với loại căn hộ này, gây khó khăn trong quá trình quản lý, tổ chức triển khai thực hiện, đặc biệt là khi thực hiện bán nhà ở cũ thuộc sở hữu nhà nước. Do đó, cần nghiên cứu, xem xét bổ sung khái niệm, giải thích từ ngữ đối với loại nhà ở, căn hộ này.

Góp ý về giải thích từ ngữ tại Khoản 1, Điều 3 dự thảo giải thích “nhà ở cũ, bao gồm cả nhà chung cư”, đại biểu Lương Văn Hùng đề nghị quy định nội hàm nhà cũ theo niên hạn sử dụng, tức là nhà cũ là nhà đã qua sử dụng trên 30 năm kể từ khi được đầu tư xây dựng đưa vào sử dụng thì phù hợp hơn.

Khoản 5, Điều 74 của dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) về thực hiện chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội quy định: “Hỗ trợ cho vay vốn ưu đãi của Nhà nước thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội, tổ chức tín dụng do Nhà nước chỉ định để các đối tượng là người có công với cách mạng, thân nhân liệt sĩ; hộ gia đình nghèo, cận nghèo tại khu vực đô thị; người thu nhập thấp tại khu vực đô thị…  mua, thuê mua nhà ở xã hội hoặc xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà để ở”.

Đại biểu Lương Văn Hùng đề nghị bổ sung đối tượng “hộ gia đình nghèo và cận nghèo tại khu vực nông thôn”, vì nhà ở hộ nghèo ở nông thôn thường chiếm đa số, đời sống rất khó khăn, nhà thì đơn sơ, tạm bợ, dễ bị hư hỏng, đổ sập khi thiên tai, ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, do vậy cần vay vốn ưu đãi của Nhà nước thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội để các đối tượng này linh hoạt tiếp cận chính sách nhà ở, để cải thiện, kiên cố nhà ở.

Đại biểu Lương Văn Hùng tán thành quy định trích lập quỹ đất để xây dựng nhà ở xã hội như tại Khoản 1, Điều 74, đó là UBND cấp tỉnh phải bố trí đủ quỹ đất dành để phát triển nhà ở xã hội theo chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở đã được phê duyệt. Chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở thương mại, khu đô thị phải dành diện tích đất ở trong phạm vi dự án để xây dựng nhà ở xã hội. Tuy nhiên, cần quy định rõ tỷ lệ phần trăm dành đất xây dựng nhà ở xã hội đối với dự án xây dựng nhà ở thương mại, khu đô thị để đảm bảo cơ sở pháp lý thực hiện thống nhất. Đồng thời cũng cần quy định không được chuyển mục đích sử dụng để đảm bảo quỹ đất xây dựng nhà ở xã hội. 

Thảo luận về điều kiện làm chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Vũ Thị Liên Hương - Đoàn ĐBQH tỉnh cho rằng, tại Điểm b, Khoản 2, Điều 37 dự thảo Luật đối với trường hợp quy định tại Điểm a, Khoản 1, Điều này, thì chủ đầu tư dự án phải đáp ứng điều kiện: “Có quyền sử dụng đất để thực hiện đối với từng loại dự án xây dựng nhà ở theo quy định của Luật này”. Tuy nhiên, tại Điểm a, Khoản 2, Điều 81 dự thảo Luật quy định việc lựa chọn chủ đầu tư thực hiện dự án nhà ở xã hội quy định: “Trường hợp chỉ có một nhà đầu tư đăng ký và có đủ điều kiện làm chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở xã hội theo quy định tại Điều 37 của Luật này thì UBND cấp tỉnh quyết định giao nhà đầu tư đó làm chủ đầu tư”.

Như vậy, theo quy định nêu trên, giai đoạn lựa chọn chủ đầu tư thực hiện dự án nhà ở xã hội thì không thể đáp ứng điều kiện về việc có quyền sử dụng đất để thực hiện dự án. Vì trong giai đoạn lựa chọn nhà đầu tư, chưa giao đất, cho thuê đất thì không thể có quyền sử dụng đất theo quy định nêu trên.

Tại Điểm b, Khoản 2, Điều 81 quy định: “Trường hợp có từ hai nhà đầu tư trở lên đăng ký làm chủ đầu tư thì thực hiện lựa chọn chủ đầu tư thông qua hình thức đấu thầu theo pháp luật đấu thầu”. Tuy nhiên, theo dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), thì dự án nhà ở xã hội không thuộc trường hợp phải đấu thầu dự án có sử dụng đất để lựa chọn nhà đầu tư. Do đó, đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu, thống nhất quy định để tránh chồng chéo trong quá trình thực hiện.

Trong khi đó, Ủy viên Thường trực Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Trần Thị Hồng An - Đoàn ĐBQH tỉnh, đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc, sửa lại các quy định nêu tại các Điều 150, 151, 152 của dự thảo Luật cho hợp lý, đảm bảo quyền, lợi ích chính đáng của người mua nhà, thuê mua nhà. Đại biểu Trần Thị Hồng An đặt câu hỏi, có nhất thiết phải buộc người mua nhà, thuê mua nhà phải nộp 2% giá trị căn hộ không và người thuê mua nhà có phải nộp một khoản kinh phí như người mua nhà không? 

Chiều cùng ngày, Đoàn ĐBQH tỉnh đã tham gia thảo luận tại Tổ về dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) và dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi).

Tham gia thảo luận tại Tổ 9, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ngãi Đặng Ngọc Huy cho rằng, Chính phủ cần tổng kết và xem xét các quy định nào ổn định, phù hợp với thực tiễn thì nên ban hành cụ thể trong luật, tránh tình trạng luật ban hành xong phải đợi nghị định hướng dẫn, nghị định ban hành đợi thông tư hướng dẫn mới thực hiện. Thực tế, một số luật đã ban hành nhưng đến nay vẫn chưa có nghị định hướng dẫn.

Về dự thảo Luật Tài nguyên nước, đại biểu Đặng Ngọc Huy góp ý, trong phạm vi điều chỉnh của Luật Tài nguyên nước có quy định nước dưới đất không phải thuộc phạm vi điều chỉnh của luật này, nhưng trong dự án luật có rất nhiều điều quy định. Vì vậy, cần xem xét lại quy định trên và nên đưa nước dưới đất phạm vi điều chỉnh của luật.

Đối với dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi), đại biểu Đặng Ngọc Huy dẫn chứng, nhiều tờ trình, báo cáo đều nêu về vấn đề sở hữu chéo trong các tổ chức tín dụng (TCTD) và yêu cầu phải khắc phục ngay, nhưng đến nay vẫn chưa giải quyết dứt điểm. Đồng thời, trong dự thảo Luật chưa có quy định nào để ngăn ngừa, phòng ngừa vấn đề sở hữu chéo này. Một số ngân hàng đưa vào diện kiểm soát đặc biệt đã có phương án chuyển giao, nhưng quá trình thực hiện rất chậm. Các ngân hàng thuộc diện kiểm soát đặc biệt nên thực hiện theo thông lệ quốc tế là thực hiện phá sản hay sáp nhập, Nhà nước không nên can thiệp quá sâu vào quá trình này… 

Theo Phó Chánh án TAND tỉnh Lương Văn Hùng - Đoàn ĐBQH tỉnh, việc không được cùng đảm nhiệm chức vụ với những nội dung bổ sung tại Khoản 1, 2, 3, Điều 34 của Luật Các TCTD (sửa đổi) như “người quản lý, người điều hành của doanh nghiệp khác” sẽ giới hạn quyền đầu tư, hoạt động sản xuất, kinh doanh của những người quản lý TCTD, gây khó khăn cho công tác tìm kiếm nhân sự đủ năng lực và kinh nghiệm để đảm nhiệm chức vụ quản lý, điều hành TCTD, đặc biệt là những chức danh cần nhiều nhân sự như thành viên hội đồng quản trị, phó tổng giám đốc. Hơn nữa,  việc cùng đảm nhiệm chức vụ tại một số lượng có giới hạn doanh nghiệp khác sẽ không ảnh hưởng đến việc thực hiện các chức năng, nhiệm vụ tại TCTD, nhất là đối với những nhân sự như thành viên hội đồng quản trị, phó tổng giám đốc.

Ngoài ra, những nhân sự cấp cao đều có trình độ chuyên môn nghiệp vụ, kỹ năng điều hành, quản trị kinh doanh cao, do vậy, nếu chỉ cho phép nhân sự đó làm việc tại một TCTD là lãng phí nguồn lực của xã hội, hạn chế sự phát triển kinh tế của đất nước.

Trong trường hợp áp dụng như dự thảo Luật Các TCTD, thì ngành ngân hàng Việt Nam sẽ đối mặt với thách thức lớn về năng lực quản trị điều hành của hội đồng quản trị, hội đồng thành viên, hình thành lên một đội ngũ các thành viên hội đồng quản trị, hội đồng thành viên với đa phần là thiếu năng lực kinh doanh, năng lực quản trị, điều hành, thiếu kinh nghiệm, thiếu tầm nhìn và thiếu vị thế phù hợp với vị trí quan trọng mà họ nắm giữ. Đó là chưa nói đến thực trạng những người này đa phần không có tài chính lớn để sở hữu cổ phần, mà chỉ là nhân sự nhận ủy quyền của cổ đông khác để tham gia hội đồng quản trị, hội đồng thành viên. Điều này sẽ cản trở sự phát triển của từng TCTD nói riêng và cả ngành ngân hàng Việt Nam nói chung. Bên cạnh đó, có thể tạo môi trường tốt cho việc thao túng quản trị điều hành của một số ông chủ ngân hàng khi mà những thành viên hội đồng quản trị, hội đồng thành viên thua kém xa với họ về nhiều mặt, không có đủ năng lực phản biện, khả năng đóng góp hiệu quả, uy tín để thuyết phục, chính kiến để bảo lưu ý kiến.

Vì vậy, đại biểu Lương Văn Hùng đề nghị giữ nguyên Khoản 1, 2, 3 theo quy định hiện hành của Luật Các TCTD, hoặc giới hạn những chức danh thành viên hội đồng quản trị, phó tổng giám đốc không nắm giữ vị trí chủ tịch, tổng giám đốc, người đại diện theo pháp luật của quá 3 doanh nghiệp. Đồng thời sửa “chức danh tương đương” thành “chức danh tương đương theo quy định tại Điều lệ của TCTD” để thống nhất với các điều khoản khác như Khoản 32, Điều 4 và Khoản 1, Điều 33...

Nguồn: https://baoquangngai.vn/thoi-su/202306/doan-dai-bieu-quoc-hoi-tinh-gop-y-cac-du-thao-luat-f4b0e6c/
Video
Thống kê truy cập
Đang online
12
Hôm nay
1,223
Tháng này
211,328
Tổng truy cập
2,539,736