Trong những năm qua, Hội Nông dân tỉnh đã thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững thông qua việc đẩy mạnh hoạt động đào tạo nghề cho lao động nông thôn và hỗ trợ vốn vay phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn theo Nghị định 116/2018/NĐ-CP của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 55/2015/NĐ-CP ngày 09 tháng 6 năm 2015 của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn (viết tắt là NĐ 116 và NĐ 55) trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi đạt nhiều kết quả quan trọng trong phát triển kinh nông nghiệp theo hướng hiện đại, văn minh và bền vững.
Theo báo cáo kết quả giám sát việc thực hiện NĐ 55 và NĐ 116 trên địa bàn 04 huyện: Minh Long, Nghĩa Hành, Ba Tơ và Sơn Tây trong năm 2024 của Hội Nông dân tỉnh thì việc giải ngân đồng vốn tín dụng vào nông nghiệp, nông thôn thông qua Nghị định 55/2015/NĐ-CP có tác động mạnh mẽ đến sự phát triển của các thành phần kinh tế ở nông thôn. Nhiều cơ sở sản xuất, Tổ hợp tác, hợp tác xã được thành lập, tạo công ăn việc làm, thu nhập ổn định cho hàng ngàn lao động ở nông thôn. Tính đến ngày 30/9/2024, tổng dư nợ cho vay phát triển nông nghiệp, nông thôn tại Ngân hàng Agribank chi nhánh Nghĩa Hành đạt 84,169 tỷ đồng/1.037 hộ vay; tại chi nhánh Minh Long dư nợ đạt 5,650 tỷ đồng/72 hộ vay...
Bên cạnh đó, công tác đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm đã được các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương, các cơ quan, ban ngành, Hội, đoàn thể quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo triển khai kịp thời và sự tham gia hưởng ứng của toàn thể người dân, đã tạo điều kiện cho người lao động có việc làm ổn định, tăng thu nhập, phát triển sản xuất; hạn chế các tệ nạn xã hội như rượu chè, trộm cắp, vi phạm phát luật; mặt khác người lao động có cơ hội học tập, rèn luyện tác phong công nghiệp tại các công ty, doanh nghiệp, được giáo dục ý thức tổ chức kỷ luật trong lao động.
Hàng năm, trên cơ sở vốn được giao, Ủy ban nhân dân các huyện đã kịp thời lãnh đạo, chỉ đạo trong công tác xây dựng kế hoạch dự án, phê duyệt dự toán kinh phí, các văn bản tuyên truyền, vận động nhu cầu học nghề, giải quyết việc làm, các đơn vị được giao vốn tích cực thực hiện triển khai, chính sách hỗ trợ cho người lao động đi làm việc nước ngoài được kịp thời. Kết quả trong năm 2024, huyện Ba Tơ đã thực hiện chính sách chi hỗ trợ người đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài cho 24/29 lao động đã xuất cảnh thuộc đối tượng hộ nghèo, cận nghèo và DTTS, tổ chức 5 lớp tập huấn nâng cao năng lực, 02 ngày hội tư vấn tuyển sinh. Tại huyện Sơn Tây đã tổ chức 02 phiên giao dịch việc làm có hơn 1.300 lao động được tư vấn, có 20 doanh nghiệp, cơ sở đào tạo tham gia giới thiệu việc làm. Thông qua việc đào tạo nghề trong đó đào tạo nghề chăn nuôi gia súc, gia cầm cho lao động, để liên kết với các hợp tác xã chăn nuôi hỗ trợ con giống cho các hộ có người lao động đã tham gia qua lớp đào tạo nghề, giải quyết việc làm tại chỗ cho người lao động sau đào tạo, học viên đăng ký tham gia học nghề đều đạt và được cấp chứng chỉ, không có học viên bỏ học. Phần lớn các lao động sau khi được đào tạo nghề chủ yếu tự chăn nuôi và liên kết với các hợp tác xã để cung cấp sản phẩm cho hợp tác xã.
Tại các buổi làm việc với các đơn vị, đoàn giám sát cũng đã nắm bắt được những thông tin từ các huyện về việc thực thi NĐ 55 và NĐ116 vẫn còn những khó khăn, vướng mắc, như: Việc phối hợp giữa các cấp Hội Nông dân với chi nhánh ngân hàng tại địa phương trong công tác kiểm tra, giám sát hoạt động của tổ vay vốn chưa được thường xuyên. Các dự án cho vay chưa có mô hình liên kết từ khâu sản xuất đến khâu tiêu thụ. Nhiều hội viên có nhu cầu vay vốn nhưng chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản dẫn đến khó khăn trong thủ tục vay và sử dụng nguồn vốn của Agribank.
Đối với vấn đề đào tạo nghề cho lao động nông thôn cũng gặp không ít khó khăn đó là nhiều lao động trong tỉnh tham gia làm việc tại khu công nghiệp Vsip, Tịnh Phong và khu Công nghiệp Quảng Phú… nên họ tự tìm việc thông qua các buổi tư vấn giới thiệu việc làm tại địa phương cho nên đa số ít có nhu cầu học nghề trong khi đó định mức kinh tế - kỹ thuật về đào tạo nghề dưới 3 tháng còn quá thấp, chưa phù hợp với tình hình thực tế hiện nay (định mức hỗ trợ chi phí đào tạo nghề chăn nuôi cho một người 1.809.000 đồng/khóa học là quá thấp) nên khó tìm các Cơ sở đào tạo để phối hợp đào tạo lưu động tại địa phương. Nhu cầu trồng cây ăn quả trên địa bàn các huyện miền núi ngày càng tăng nhưng định mức dạy nghề trồng cây ăn quả như bưởi, cam, ổi… hiện nay UBND tỉnh chưa có đơn giá để đào tạo...
Để đẩy mạnh hoạt động đào tạo nghề và thực hiện chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi trong thời gian tới, các cấp Hội cần bám sát nội dung thực hiện chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn đúng theo quy định để hội viên nông dân hưởng lợi từ các chính sách tín dụng ưu đãi; tiếp tục đẩy mạnh công tác phối hợp đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người dân, chú trọng xây dựng các mô hình liên kết sản xuất, ứng dụng công nghệ cao, tạo điều kiện tốt nhất để hội viên được tiếp cận với nguồn vốn đầu tư mở rộng sản xuất, tham gia các lớp khóa đào tạo, tìm kiếm việc làm ổn định tại các khu công nghiệp, nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống, góp phần vào công tác giảm nghèo bền vững tại địa phương.