Tôi nghĩ, dù điều kiện địa lý thổ nhưỡng có khác nhau, nhưng nên chăng, Quảng Ngãi cần vào Đồng Tháp tìm hiểu những mặt mạnh về tái cơ cấu nông nghiệp của tỉnh này, tìm hiểu vì sao người nông dân ở đây có thể nhạy bén với những kỹ thuật nông nghiệp tiên tiến, vì sao họ có thể tìm đến nhau, hợp tác sản xuất trong một mô hình rất nhẹ nhàng, hơi “văn nghệ” là các hội quán.
|
Vườn cây ăn trái của nông dân Đồng Tháp. Ảnh: Internet |
Không nhất thiết phải thành lập các hợp tác xã, mà chỉ cần có hình thức hội quán đầy tự nguyện và không hề mang tính áp đặt hay “bao cấp”, nông dân Đồng Tháp lại đưa được năng suất, chất lượng sản phẩm nông nghiệp của mình lên tầm cao, đưa sản phẩm nông nghiệp và hải sản của Đồng Tháp tới 150 nước trên thế giới như hiện nay. Chưa cần phải tới Israel để học về nông nghiệp thời 4.0, chỉ cần tới Đồng Tháp, nếu chúng ta thực lòng muốn học tập, muốn thay đổi, muốn tăng chất lượng chất xám cho nông nghiệp Quảng Ngãi, chắc chắn chúng ta sẽ học tập được nhiều điều.
Trước khi áp dụng những kỹ thuật nông nghiệp tiên tiến cho sản xuất, điều cần thiết nhất là phải truyền được niềm đam mê hướng tới sản xuất nông nghiệp mới, phải tập hợp được những nhóm nông dân vào những tổ chức tự nguyện và thuần chuyên môn sản xuất như các hội quán ở Đồng Tháp. Ở đó, nông dân có thể trao đổi kinh nghiệm với nhau, giúp nhau tiếp cận những phương thức sản xuất mới và cùng tìm đầu ra cho những sản phẩm nông nghiệp của mình.
Hiện nay, nông nghiệp xanh, nông nghiệp sạch đang rất “hot”, hãy hướng dẫn nông dân canh tác theo hướng đó, vừa tạo được sản phẩm sạch đáp ứng nhu cầu thị trường, vừa giữ được độ sinh sôi bền vững của đất nông nghiệp.
Mấy năm vừa qua, do chưa tìm được hướng đi thích hợp và hiệu quả cho sản xuất nông nghiệp, chưa mang lại thu nhập đáng kể cho người nông dân ngay trên ruộng đất của mình, nên tình trạng biến đất ruộng thành đất nền, thành những “khu dân cư” một cách vô kế hoạch đã phá vỡ nhiều cơ cấu nông nghiệp ở nhiều địa phương.
Chỉ có thể khắc phục tình trạng này bằng cách biến chính những cánh đồng, những vùng sản xuất sản phẩm nông nghiệp thành “vựa tiền” đáng kể. Hồi xưa, đó gọi là những “vựa lúa”. Bây giờ, thời đa dạng sản phẩm nông nghiệp, tất cả tính thành tiền, thành hiệu quả, thành quả của sản xuất nông nghiệp.
Lực lượng sản xuất nông nghiệp kỹ thuật cao bây giờ trông cậy vào lực lượng nông dân trẻ, có học, kết hợp với những “lão nông tri điền” giàu kinh nghiệm trên đồng ruộng. Quảng Ngãi đã xuất hiện những mô hình như vậy ở Mộ Đức, ở Nghĩa Hành, vấn đề là phát huy nó lên, nhân rộng nó ra trên toàn tỉnh. Khi những “nông dân có học” thực sự tìm thấy tương lai ở nghề nông, họ sẽ có nhiều suy nghĩ, nhiều sáng kiến, họ sẽ đầu tư chất xám của mình vào ruộng đất quê nhà, từ đó tạo ra những khác biệt trên lĩnh vực nông nghiệp.
THANH THẢO