banner
 03/07/2019 02:48:29 PM

CPTPP: Cơ hội và thách thức cho nông sản Việt

Sáng 2.7.2019, tại Hà Nội, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam phối hợp Bộ Công thương tổ chức Hội thảo “CPTPP: Cơ hội và thách thức cho nông sản Việt”; Báo Nông thôn Ngày nay/Báo điện tử Dân Việt là đơn vị được giao tổ chức thực hiện Hội thảo.

 Hội thảo có sự tham dự của đồng chí Thào Xuân Sùng, Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch BCH Trung ương Hội Nông dân Việt Nam (T.Ư Hội NDVN); đồng chí Trần Tuấn Anh, Uỷ viên T.Ư Đảng, Bộ trưởng Bộ Công thương; ông Nguyễn Đức Kiên, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội; cùng sự tham dự của nông dân từ nhiều vùng miền trên cả nước, chủ trang trại, doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp, hiệp hội nghề nghiệp.

6 vấn đề trọng yếu cần thảo luận

Phát biểu Khai mạc Hội thảo, Chủ tịch Hội NDVN Thào Xuân Sùng khẳng định: Việt Nam tham gia Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương thể hiện sự chủ động và tích cực hội nhập quốc tế của nước ta. Việc nhận diện rõ hơn những cơ hội và thách thức của nông sản Việt Nam trong CPTPP sẽ góp phần tăng cường nâng cao nhận thức và sự quan tâm của các cấp, ngành, doanh nghiệp và nông dân đối với sản xuất nông nghiệp, đời sống nông dân và phát triển nông thôn.

Nông nghiệp, nông dân, nông thôn của nước ta đang phát triển mạnh mẽ và đạt được nhiều thành tựu rất đáng tự hào. Từ một nước phải nhập khẩu lương thực để cứu đói, chống đói, Việt Nam đã trở thành quốc gia xuất khẩu lương thực có thứ hạng cao về số lượng trên thị trường thế giới.

Có nhiều mặt hàng nông sản xuất khẩu của Việt Nam đang chiếm vị trí dẫn đầu trên thị trường thế giới như gạo, hồ tiêu, hạt điều, thủy sản, rau, quả, thực phẩm và đang dần định hình được thương hiệu, uy tín về chất lượng, giá cạnh tranh trên thị trường thế giới trong khuôn khổ các Hiệp định Thương mại tự do.

Chủ tịch Thào Xuân Sùng mong muốn tại Hội thảo này các nhà quản lý, hoạch định chính sách, nhà khoa học, các chuyên gia, doanh nghiệp, các đại biểu nông dân và Hội Nông dân sẽ tập trung thảo luận, đối thoại, trao đổi một số vấn đề cơ bản:

Thứ nhất, nhận diện về tình trạng sản xuất và tiêu thụ nông sản hiện nay của Việt Nam, bao gồm tiêu dùng trong nước và xuất khẩu; xuất khẩu thô và chế biến. Xu hướng và triển vọng của tiêu thụ nông sản của Việt Nam trong CPTPP sẽ diễn biến như thế nào?

Thứ hai, cơ hội, thời cơ, thách thức, khó khăn như thế nào khi CPTPP tác động đến sản xuất, tiêu thụ nông sản của Việt Nam? Kinh nghiệm của các quốc gia tiên tiến trong khu vực và trên thế giới đối với tiêu thụ nông sản cho nông dân và vận dụng vào Việt Nam? Cách gì để nông sản Việt Nam phát huy tối đa lợi thế và hạn chế tối đa bất lợi?

Thứ ba, những giải pháp giúp lao động nông nghiệp và người nông dân tận dụng được lợi thế, cơ hội của CPTPP, vượt qua thách thức, khó khăn mà CPTPP tác động tới. Cần quan tâm thực hiện là gì?

Thứ tư, tình hình xây dựng, vận hành các chuỗi giá trị sản xuất nông nghiệp ở nước ta hiện nay ra sao, ở mức độ nào, có cần điều chỉnh về cơ cấu sản xuất, ngành hàng và cần làm gì để các chuỗi giá trị nông sản thích ứng với các tiêu chuẩn cao của CPTPP?

Thứ năm, vị trí, vai trò và nhiệm vụ của người nông dân và Hội NDVN trong chuỗi sản xuất, cung ứng nông sản thích ứng với môi trường CPTPP nên thể hiện như thế nào?

Thứ sáu, Chính phủ, các bộ, ngành, Hội NDVN và các địa phương cần làm gì, hỗ trợ, định hướng, đào tạo như thế nào để nông dân chủ động nắm bắt những cơ hội, đồng thời vượt qua những rủi ro, thách thức trong sản xuất nông nghiệp thích ứng với CPTPP?

Phát biểu Đề dẫn tại Hội thảo, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh nhấn mạnh: Hiệp định CPTPP đã chính thức có hiệu lực đối với với Việt Nam từ ngày 14/1/2019. Hiệp định CPTPP là một FTA thế hệ mới, tiêu chuẩn cao, có phạm vi cam kết rộng và mức độ cam kết sâu hơn so với các cam kết khi gia nhập WTO và trong các FTA mà Việt Nam đã tham gia từ trước tới nay, và được kỳ vọng sẽ đem lại nhiều cơ hội cũng như thách thức to lớn cho Việt Nam.

Để tận dụng tốt các cơ hội và đối phó hiệu quả với các thách thức mà các FTA mang lại là vấn đề mà Chính phủ, doanh nghiệp và người dân cần sẵn sàng chuẩn bị càng sớm càng tốt. Với tinh thần đó, để triển khai và sớm đưa Hiệp định CPTPP đi vào cuộc sống, chỉ 10 ngày sau khi Hiệp định chính thức có hiệu lực đối với Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 121/QĐ-TTg về phê duyệt Kế hoạch thực hiện Hiệp định CPTPP.

“Tôi vui mừng nhận thấy là cho đến nay gần như toàn bộ tất cả các Bộ, ngành và các tỉnh, thành tham gia Hội thảo ngày hôm nay đã hoàn tất Kế hoạch hành động và gửi cho Bộ Công thương đăng lên trên trang thông tin điện tử chính thức của Chính phủ về Hiệp định CPTPP”, Bộ trưởng Công thương khẳng định.

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh bày tỏ hy vọng rằng Hội thảo sẽ đem lại nhiều thông tin và kiến thức hữu ích cho các doanh nghiệp và các cơ quan quản lý tại các tỉnh, thành tham dự Hội nghị, từ đó góp phần vào việc chuẩn bị và thực hiện hiệu quả các FTA trong thời gian sắp tới đối với lĩnh vực nông nghiệp tại địa phương của mình.

“Nông dân là đại sứ tốt nhất kết nối quan hệ hòa bình, hữu nghị giữa các quốc gia trên thế giới”

Tại Hội thảo, các đại biểu đã tập trung thảo luận về việc cần làm ngay để Việt Nam vươn mình trở thành một nền kinh tế nông nghiệp lớn mạnh trên thế giới, nhận diện những thuận lợi và khó khăn; làm thế nào để nông sản Việt Nam xuất khẩu được sang các thị trường lớn như EU, các nước trong khối CPTPP; nông dân Việt Nam cần chuẩn bị gì để bước vào cánh cửa hội nhập….

Cùng với đó, Hội thảo cũng đã tập trung thảo luận về phương thức kết nối cung – cầu và tiếp cận chuỗi giá trị cho các sản phẩm nông nghiệp Việt Nam; tăng cường ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp nhằm nâng cao chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm, truy xuất được nguồn gốc… để bảo đảm nông sản Việt có cơ hội phát triển trong CPTPP.

Phát biểu bế mạc Hội thảo, Chủ tịch Thào Xuân Sùng nhấn mạnh: Qua Hội thảo, T.Ư Hội NDVN sẽ có báo cáo Hội thảo trình lên Ban Bí thư, Thủ tướng Chính phủ để hoàn thiện hệ thống chủ trương, chính sách, cơ chế hỗ trợ nông nghiệp. Nhà nước và các doanh nghiệp còn nhiều việc phải làm, bắt đầu từ đổi mới tư duy, hành động trước cánh cửa CPTPP đang mở rộng, để tận dụng cơ hội phát triển nền kinh tế trong thời gian tới cần tập trung:

Một là, hệ thống chính trị cần nhập cuộc với người dân, hiểu nông dân và thị trường quốc tế, hành động vì bạn bè quốc tế và ngược lại. Nông dân là đại sứ tốt nhất kết nối quan hệ hòa bình, hữu nghị giữa các quốc gia trên thế giới.

Hai là, các Bộ, Ban, ngành, doanh nghiệp và hợp tác xã phải phối hợp chặt chẽ hơn nữa từ khâu sản xuất đến tiêu thụ nông sản, phổ cập và ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất theo phương châm “khẩn trương, tích cực nhưng không nôn nóng”.

Ba là, coi trọng xây dựng thương hiệu từ khâu sản xuất đến tiêu thụ. Mỗi quá trình phải là một khâu xây dựng thương hiệu trên cơ sở sản phẩm sạch, giống chất lượng, quy trình bài bản.

Bốn là, Hội ND cam kết đồng hành cùng người nông dân và doanh nghiệp trong việc học hỏi kinh nghiệm và công nghệ từ bạn bè thế giới, phổ biến thông tin đến từng đơn vị. Đẩy mạnh liên kết 6 nhà.

Năm là, tiếp tục đầu tư phát triển mạnh mẽ ngành đầu tư công nghiệp, nông nghiệp và hệ thống kho vận, chợ đầu mối.

Sáu là, rà soát, bổ sung, điều chỉnh cơ cấu nông nghiệp theo hướng ưu tiên các cây, con hiệu quả cao và chất lượng.

Bảy là, tăng cường các giải pháp phòng chống lừa đảo trên mạng xã hội để duy trì, tăng cường uy tín nông sản Việt Nam thông qua việc thành lập trung tâm thông tin kết nối doanh nghiệp trong nước và nước ngoài do T.Ư Hội NDVN thúc đẩy./.

Nguồn: Langmoi.vn
Video
Thống kê truy cập
Đang online
1
Hôm nay
265
Tháng này
210,370
Tổng truy cập
2,538,778