banner
 14/03/2022 04:15:17 PM

34 năm Gạc Ma: Không ai được phép lãng quên trang sử bi hùng

34 năm sau sự kiện bi tráng Gạc Ma (Trường Sa), sóng biển vẫn vỗ, gió vẫn ầm ào. Người Việt hôm nay mãi mãi tưởng nhớ tới vong linh của 64 liệt sĩ đã anh dũng hy sinh trong trận chiến giữ gìn biển đảo quê hương…
Cựu binh Trường Sa ở Đà Nẵng tổ chức lễ tưởng niệm sự kiện Gạc Ma 14/3/1988. Ảnh: D.B

Tưởng niệm Gạc Ma

Lá cờ Tổ quốc được treo nơi cao nhất. Trong khuôn viên dưới chân cầu Mân Quang (quận Sơn Trà, TP.Đà Nẵng), mâm cúng được đặt trang nghiêm trên chiếc bàn vuông, vái vọng các liệt sĩ Trường Sa.

Như mọi năm, sáng 14/3, cựu binh Trường Sa ở Đà Nẵng tổ chức lễ tưởng niệm sự kiện Gạc Ma 14/3/1988.

Tháng ba, trời xanh thẳm, đại tá Hoàng Duy Lập - nguyên Trung đoàn trưởng Trung đoàn Công binh 83 - dõng dạc trước những đồng đội cũ: "Do dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp, để tránh tập trung đông người nên buổi lễ tưởng niệm được tổ chức ngắn gọn. Tại nơi này, chúng tôi tin kính cẩn thắp nén nhang này tỏ lòng biết ơn, tri ân các đồng chí trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc".

Nhiều ánh mắt đã rưng rưng. Từng người theo hàng thắp nén nhang tưởng nhớ. Một niềm nhớ cứ thế lặng lẽ quay về, nơi sóng nước Gạc Ma dù đã qua 34 năm nhưng đến nay vẫn còn vỗ về trong tâm thức.

Vừa là người thân, vừa là đồng đội của liệt sĩ Trần Văn Phòng, thiếu tá Nguyễn Thị Bích Lạc vẫn nhớ như in, tháng 3 năm đó, con gái tuổi vừa tròn năm, nhận được thông báo chồng mình đã hy sinh khi làm nhiệm vụ tại đảo đá Gạc Ma, bà ngã quỵ.

Suốt một thời gian dài, bà Lạc cứ ngóng về phía khơi xa cầu mong một điều kỳ diệu và phép màu đã không xay rả với chồng bà và 63 người lính khác. Tại Gạc Ma, lính Trung Quốc mang vũ khí xông lên bãi cướp cờ, xả súng làm 64 chiến sĩ hy sinh, bắn chìm tàu HQ-604, 9 người bị Trung Quốc bắt. Gạc Ma bị chiếm đóng trái phép.

Mô hình cột mốc mang tên đảo Trường Sa. Ảnh: D.B

Mang theo lời hứa của đồng đội, của những người hôm nay thề tiếp bước những anh hùng quyết giữ gìn từng tấc biển quê hương, thiếu tá Nguyễn Thị Bích Lạc cho hay: "Gia đình cứ truyền lại, nối tiếp cho các thế hệ sau về câu chuyện Gạc Ma, về người ông, người cha ra đảo Trường Sa, ra Gạc Ma và hy sinh để bảo vệ biển đảo quê hương. Tưởng niệm Gạc Ma, không một ai bị lãng quên và không ai được phép quên lãng".

Mãi mãi Hoàng Sa, Trường Sa

Hai mô hình cột mốc nhỏ mang tên Hoàng Sa và Trường Sa được đặt trong khuôn viên vốn là bãi đất trống được cựu binh Trần Văn Tiến - nguyên là lính thông tin tại đơn vị công binh E83 xin phép cải tạo đã trở thành "địa chỉ đỏ" biểu tượng cho lòng yêu nước, yêu biển đảo quê hương tại Đà Nẵng.

Dâng nén hương tưởng niệm các liệt sĩ, anh Bùi Hoàng Vinh (trú huyện Hòa Vang, Đà Nẵng) xúc động chia sẻ, dù đã đọc qua báo chí nhiều về sự kiện Gạc Ma nhưng khi đến tận nơi, chứng kiến những cựu binh làm lễ cho đồng đội đã hy sinh khi làm nhiệm vụ, anh mới cảm nhận hết được tình cảm đó.

"Chúng tôi rất trân trọng, tự hào về các anh hùng liệt sĩ trong sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Sự hy sinh của các anh được thế hệ hôm nay luôn nhắc nhớ với lòng thành kính. Tôi luôn kể cho các cháu trong gia đình nghe về sự kiện Gạc Ma, để các con không bao giờ quên những thế hệ cha ông anh dũng hy sinh để bảo vệ vững chắc từng "tấc đảo, sải biển" của Tổ quốc", anh Vinh bày tỏ.

Đâu chỉ có những phố cao tầng, những rừng vàng biển bạc, những thanh âm đất liền, một phần hình hài đất nước còn hiện diện ngay tại đây, trong từng cơn sóng biển, trong từng lời kể đồng đội và ngay trong chính tâm trí những thế hệ sau này.

Trong ngày "giỗ chung" của 64 đồng đội, đại tá Nguyễn Văn Khánh - nguyên Phó Tham mưu trưởng tác chiến Lữ đoàn Công binh 83, Quân chủng Hải quân Việt Nam - trầm mặc hơn ngày thường. Ông đau đáu về Gạc Ma, về biển đảo và cả về lớp trẻ sau này.

"Mong muốn làm sao lớp trẻ sau này nhớ mãi đến sự kiện Gạc Ma 14/3/1988. Phải xác định rằng dù bất cứ trong ở thế hệ nào, hoàn cảnh nào thì quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa vẫn là của Việt Nam, điều đó là bất biến. Các bạn trẻ phải tiếp tục đấu tranh cho điều này. Đấu tranh bằng cái đầu lạnh, trái tim nóng để làm sao bảo vệ được cho đất nước, cho biển đảo quê hương", đại tá Nguyễn Văn Khánh nói.

Sáng 14/3/1988, khi bộ đội Việt Nam đang làm nhiệm vụ xây dựng chủ quyền trên cụm đảo chìm Gạc Ma - Len Đao - Cô Lin (Trường Sa) thì Trung Quốc ngang ngược đưa tàu chiến đến ngăn cản.

Tại Gạc Ma, lính Trung Quốc mang vũ khí xông lên bãi cướp cờ, xả súng làm 64 chiến sĩ hy sinh, bắn chìm tàu HQ-604. Tại Cô Lin, bị quân Trung Quốc tấn công, thuyền trưởng Vũ Huy Lễ cho tàu HQ-505 lao thẳng lên bãi, trở thành cột mốc sống bảo vệ chủ quyền. Tàu HQ-605 đang làm nhiệm vụ bảo vệ bãi đá Len Đao cũng bị tàu chiến Trung Quốc bắn cháy, chìm vào sáng 15/3/1988.

64 chiến sĩ hải quân Việt Nam hy sinh, 9 người bị Trung Quốc bắt. Việt Nam giữ được Cô Lin, Len Đao, Gạc Ma bị chiếm đóng trái phép.

Nguồn: https://danviet.vn/34-nam-gac-ma-khong-ai-duoc-phep-lang-quen-trang-su-bi-hung-20220314125919945.htm
Video
Thống kê truy cập
Đang online
6
Hôm nay
255
Tháng này
207,310
Tổng truy cập
2,535,718