banner
 12/08/2020 09:56:28 AM

Xây dựng nông thôn mới nâng cao gặp khó

Sau 6 năm sáp nhập vào TP.Quảng Ngãi theo Nghị quyết 123/NQ-CP, diện mạo các xã đã có nhiều khởi sắc, cơ sở hạ tầng được đầu tư, góp phần về đích nông thôn mới (NTM). Tuy nhiên, để xây dựng NTM nâng cao, bên cạnh các tiêu chí về giao thông, thủy lợi đã đạt, thì tiêu chí thu nhập bình quân đầu người vẫn còn gặp nhiều khó khăn.

 Diện mạo khởi sắc

 
Trước khi sáp nhập vào địa bàn thành phố, xã Tịnh Long mới đạt 11 tiêu chí vào năm 2014. Sau đó, nhờ sự đầu tư đồng bộ về giao thông, thủy lợi, y tế, trường học đã giúp xã hoàn thành một số tiêu chí. Cuối năm 2017, xã Tịnh Long đạt 19 tiêu chí trong Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng NTM. 
 
Trồng rau diếp cá ở xã Tịnh Châu (TP.Quảng Ngãi).
Trồng rau diếp cá ở xã Tịnh Châu (TP.Quảng Ngãi).
 
Còn xã Nghĩa Hà, đường xã và đường từ trung tâm xã đến đường huyện (thành phố) dài hơn 8km đã được bê tông. Chiều dài đường trục thôn, liên thôn được cứng hóa hơn 25km. Các tuyến đường ngõ xóm, đường trục chính nội đồng đều cứng hóa trên 75%, giúp người dân đi lại, vận chuyển hàng hóa thuận tiện. Trường học các cấp mầm non, tiểu học, THCS trên địa bàn được đầu tư nâng cấp và đạt chuẩn quốc gia. Vừa qua Nghĩa Hà được công nhận xã NTM.
 
Tiêu chí thu nhập của người dân gặp khó
 
Sau quá trình nỗ lực cán đích NTM, vấn đề quan trọng đặt ra đối với các xã đạt chuẩn đó là duy trì, nâng cao chất lượng 19 tiêu chí đã đạt. Thế nhưng, để trở thành xã đạt chuẩn NTM nâng cao, thu nhập bình quân đầu người phải cao gấp 1,2 lần trở lên so với mức quy định xã đạt chuẩn NTM. Điều này khiến nhiều địa phương gặp khó.
 
“Với xã Tịnh Long, để nâng cao mức thu nhập người dân từ 41 triệu lên 60 triệu đồng/người/năm là nhiệm vụ gian nan. Bởi phần lớn người dân chủ yếu sống bằng nghề nông. Dù đã triển khai mô hình sản xuất rau sạch, nhưng thực tế chỉ sản xuất được 0,5ha (bằng một nửa so với kế hoạch). Hơn nữa, đầu ra gặp khó, vì việc liên kết sản xuất, tiêu thụ rau sạch chưa thực hiện được. Trong khi đó, theo kế hoạch, diện tích đất nông nghiệp trên địa bàn xã sẽ giảm, vì thế chúng tôi hướng đến vận động người dân chuyển đổi nghề nghiệp phù hợp”, Chủ tịch UBND xã Tịnh Long Nguyễn Anh Tuấn cho biết.
 
Cùng chung khó khăn trong phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao thu nhập cho người dân, xã Tịnh Châu còn gặp khó khăn bởi chưa có mô hình sản xuất ứng dụng công nghệ cao, hoặc sản xuất theo hướng hữu cơ. Dù rau diếp cá là cây trồng được chọn trong Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” của xã, có giá trị kinh tế cao hơn cây lúa và một số cây màu khác, nhưng loại rau này phụ thuộc rất lớn vào thời tiết, chủ yếu trồng theo kinh nghiệm, nên giá trị kinh tế chưa cao.
 
Những năm qua, việc triển khai mô hình trồng rau an toàn, liên kết sản xuất tiêu thụ vẫn chưa thực hiện được, người dân chủ yếu sản xuất theo phương thức truyền thống. Bên cạnh đó, việc chỉnh trang đồng ruộng cũng gặp khó, vì đa phần là ruộng bậc thang... Đây là những vướng mắc ảnh hưởng đến việc sản xuất, tiêu thụ nông sản trên địa bàn.
 
Để xây dựng NTM nâng cao, các xã thuần nông cần phải chú trọng “nâng chất” dự án nông nghiệp, nhằm thay đổi thói quen sản xuất của người dân và liên kết tiêu thụ sản phẩm, tránh tình cảnh “được mùa mất giá, mất mùa được giá” như thời gian qua. Cùng với đó là quan tâm vấn đề  bảo vệ môi trường, nâng cao thu nhập cho người dân.
Nguồn: http://baoquangngai.vn/channel/2025/202008/xay-dung-nong-thon-moi-nang-cao-gap-kho-3017122/
Video
Thống kê truy cập
Đang online
107
Hôm nay
457
Tháng này
246,435
Tổng truy cập
2,796,484