banner
 16/07/2019 03:43:10 PM

Tuyên truyền, vận động nông dân ứng dụng khoa học công nghệ: Giải pháp – Hiệu quả

Để đẩy mạnh việc đưa các tiến bộ khoa học, kỹ thuật và giúp nhiều nông dân biết ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp hiệu quả, T.Ư Hội NDVN đã thực hiện đề tài “Nghiên cứu và đề xuất các giải pháp nâng cao công tác tuyên truyền vận động nông dân ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp của Hội NDVN giai đoạn 2017 – 2025” tại 4 tỉnh gồm: Bắc Giang, Nam Định, Thanh Hóa và Long An. Kết quả đề tài nghiên cứu đã đề xuất được các giải pháp nâng cao công tác tuyên truyền, vận động nông dân ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp.

 Thực tiễn cho thấy, khoa học công nghệ (KHCN) có tác động tích cực đến hiệu quả sản xuất, nâng cao năng suất lao động. Việc ứng dụng KHCN vào sản xuất nông nghiệp giúp tạo ra nguyên liệu, sản phẩm có giá trị gia tăng cao với chi phí thấp hơn. Đồng thời, KHCN giúp cải tiến, tối ưu hóa các sản xuất, kinh doanh, công nghệ giải phóng sức lao động, thay thế sức người bằng máy móc, thiết bị để giảm bớt lao động nặng nhọc, thủ công, thay đổi quy trình sản xuất, rút ngắn thời gian làm việc và nâng cao năng suất lao động.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê (GSO, 2006-2016), năng suất lao động nông nghiệp mặc dù vẫn còn thấp so với toàn nền kinh tế và các nhóm ngành khác nhưng đã được cải thiện, trung bình tăng 3,4%/năm từ 14,5 triệu đồng/người năm 2005 lên mức 20,2 triệu đồng/người năm 2015 nhờ áp dụng KHCN.

Đối với người nông dân, nhu cầu thông tin về KHCN phát triển sản xuất kinh doanh, dịch vụ là một đòi hỏi chính đáng, nhất là trong bối cảnh phát triển KHCN và hội nhập kinh tế quốc tế như hiện nay. Từ thực tế hoạt động của Hội Nông dân Việt Nam đã khẳng định vai trò rất quan trọng của công tác tuyên truyền, vận động thực sự là “công cụ”, là “phương tiện” hữu hiệu đối với công tác Hội và phong trào nông dân. Trong những năm qua, Hội Nông dân Việt Nam đã tổ chức nhiều hình thức, nội dung tuyên truyền đến với nông dân, vận động nông dân ứng dụng KHCN vào sản xuất nông nghiệp, sản xuất nông sản hàng hóa theo tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm đã mang lại những hiệu quả bước đầu, nhưng chưa đáp ứng được nhu cầu của nông dân về ứng dụng KHCN để phát triển sản xuất trong thời kỳ hội nhập quốc tế. Chính vì vậy, việc thực hiện Đề tài: “Nghiên cứu và đề xuất các giải pháp nâng cao công tác tuyên truyền vận động nông dân ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp của Hội NDVN giai đoạn 2017 – 2025” là nhiệm vụ khoa học có ý nghĩa thực tiễn cấp bách trong bối cảnh hiện nay.

Tuyên truyền KHCN cho hội viên nông dân

Nghiên cứu được thực hiện dựa trên kết quả khảo sát tại 4 tỉnh đại diện cho miền Bắc, miền Trung và miền Nam gồm: Bắc Giang, Nam Định, Thanh Hóa và Long An. Mỗi tỉnh lựa chọn 1 huyện và 2 xã/ huyện đại diện để khảo sát. Việc thu thập thông tin được thực hiện thông qua điều tra, phỏng vấn trực tiếp bằng bảng hỏi các đối tượng khác nhau như: i) Phỏng vấn 201 cán bộ địa phương gồm Hội ND các cấp (tỉnh, huyện, xã) và cán bộ đại diện Đảng ủy, UBND các xã và 804 hội viên nông dân thuộc 8 xã trên địa bàn 4 tỉnh khảo sát. Ngoài ra, nghiên cứu còn tổ chức thực hiện 8 cuộc thảo luận nhóm tại 8 xã khảo sát với 240 hộ nông dân (30 hộ nông dân/xã) để lấy ý kiến đánh giá của các hộ nông dân sản xuất nông nghiệp về những tác động của việc ứng dụng KHCN vào sản xuất nông nghiệp; đánh giá về công tác tuyên truyền vận động nông dân ứng dụng KHCN vào sản xuất nông nghiệp của Hội ND.

Các nội dung tuyên truyền, vận động nông dân ứng dụng KHCN vào sản xuất nông nghiệp của Hội NDVN

Các nội dung tuyên truyền, vận động nông dân ứng dụng KHCN vào sản xuất nông nghiệp của Hội NDVN hiện nay khá đa dạng nhưng có thể tựu chung lại ở 4 nhóm nội dung cơ bản gồm: i) Tuyên truyền chia sẻ kinh nghiệm trong sản xuất kinh doanh như: Các kinh nghiệm làm ăn giỏi của các hộ SXKDG, kinh nghiệm vươn lên thoát nghèo và làm giàu, kinh nghiệm ứng dụng KHCN vào trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, chế biến nông sản… Kết quả khảo sát cho thấy, các nội dung chia sẻ về kinh nghiệm làm ăn giỏi của các hộ SXKDG được tuyên truyền nhiều nhất trong thời gian qua với 47,01% ý kiến đánh giá của hội viên nông dân; ii) Tuyên truyền về các mô hình KHCN điển hình tiên tiến như: Mô hình điển hình tiên tiến trong nông dân (31,59 %), mô hình ứng dụng KHCN thành công trong trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, chế biến nông sản (28,11%); iii) Tuyên truyền về các thành tựu KHCN trong sản xuất kinh doanh như: Thành tựu về KHCN trong nước và nước ngoài (19,15%) hay các kết quả nghiên cứu đề tài, dự án KHCN (15,67%); iv) Tuyên truyền, phổ biến các thông tin phục vụ SXKD như: Thông tin về việc làm, đào tạo nghề; kỹ thuật sản xuất, kinh doanh, về vay vốn, về thị trường, về chính sách, pháp luật hay cả các thông tin về chương trình, dự án, công nghệ cao… nhưng thông tin về vay vốn, tín dụng (34,7%) và thông tin về kỹ thuật SXKD (31,47%) là những thông tin mà được Hội ND tuyên truyền phổ biến hiện nay.

Kết quả khảo sát cũng cho thấy, nội dung tuyên truyền về việc chia sẻ các kinh nghiệm trong SXKD, đặc biệt là kinh nghiệm SXKDG; kinh nghiệm vươn lên thoát nghèo và làm giàu được các hội viên nông dân đánh giá là phổ biến và hiệu quả nhất trong khi việc tuyên truyền các thông tin về các kết quả nghiên cứu và các thành tựu trong KHCN còn rất hạn chế. Tuy nhiên, có 95,81% hội viên nông dân đánh giá các nội dung tuyên truyền hiện nay là phù hợp với nhu cầu của hộ.

Các hình thức tuyên truyền, vận động nông dân ứng dụng KHCN vào sản xuất nông nghiệp của Hội NDVN

Các hình thức tuyên truyền, vận động nông dân ứng dụng KHCN vào sản xuất nông nghiệp của Hội NDVN thời gian qua rất phong phú, đa dạng trong đó có 4 hình thức cơ bản gồm: i) Tuyên truyền thông qua phương tiện thông tin đại chúng như: Đăng tin, bài viết trên báo, tạp chí, truyền hình, các bản tin bạn của nhà nông, bản tin khoa học, qua các ấn phẩm (tờ rơi, panô, áp phích, cẩm nang, sổ tay nhà nông…). Kết quả khảo sát cho thấy, có 61,57% số hội viên được tiếp cận thông tin về KHCN thông qua các bản tin, bài đăng trên truyền hình thông qua các chương trình thời sự, bản tin khoa học nhà nông trên tivi trong khi chỉ có 22,14% số hội viên được tuyên truyền thông qua pano, áp phích; ii) Tuyên truyền miệng: thông qua việc tổ chức các cuộc thi tìm hiểu (49,88%), hội nghị (59,08%) và sân khấu khóa (36,69%); iii) Tuyên truyền kết hợp giữa tập huấn KHCN với xây dựng mô hình: Theo khảo sát, có 81,09% hội viên nông dân được tập huấn KHCN, 75,75% hội viên nông dân được tuyên truyền thông qua mô hình, hội nghị đầu bờ; iv) Tuyên truyền thông qua các hoạt động tham quan thực tế: Chủ yếu được tổ chức tham quan học tập ở trong nước (59,2%), chỉ có 30,47% số hội viên nông dân được tuyên truyền tham quan, học tập nước ngoài. Kết quả khảo sát cho thấy, hình thức tuyên truyền, vận động kết hợp giữa tập huấn, chuyển giao KHCN và xây dựng mô hình thực tế là hình thức tuyên truyền phổ biến và hiệu quả nhất hiện nay của Hội ND. Hình thức tuyên truyền thông qua các phương tiện thông tin đại chúng mặc dù là hình thức tuyên truyền cổ điển, lâu đời nhưng vẫn mang lại hiệu quả nhất định, được đa số hội viên đón nhận bởi tính tiện ích và thói quen sử dụng của người dân.

Tác động của công tác tuyên truyền KHCN vào SX nông nghiệp đến hội viên nông dân

Theo phản hồi của hội viên nông dân địa bàn khảo sát về hiệu quả áp dụng KHCN của vào SX như sau: các biện pháp kỹ thuật canh tác trên cây trồng (có 82,51% ý kiến), kỹ thuật chăn nuôi thú y (70,69% ý kiến) và các giống cây trồng, vật nuôi mới (53,7% ý kiến) được áp dụng vào SX mang lại hiệu quả kinh tế cao. Sau khi được tập huấn, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật mới, các hội viên nông dân đã hiểu biết hơn và sử dụng vật tư đầu vào hiệu quả hơn, giúp giảm chi phí, giá thành, tăng lợi nhuận cho gia đình (45,81% ý kiến đánh giá). Mặc dù vậy, việc ứng dụng tiến bộ KHCN của nông dân ở một số địa phương còn hạn chế, đặc biệt là công nghệ cao, công nghệ mới mang tính đồng bộ cho sản xuất, hàng hoá, sản phẩm nông nghiệp sạch.

Nhìn chung, công tác tuyên truyền, vận động nông dân ứng dụng KHCN vào sản xuất của Hội NDVN chủ yếu mang lại các tác động tích cực như nâng cao mức sống, nâng cao trình độ kỹ thuật, khả năng áp dụng KHCN của hội viên nông dân và nâng cao hiệu quả SX, thúc đẩy liên kết SX, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, góp phần đảm bảo vệ sinh môi trường nông thôn. Kết quả khảo sát cho thấy, có 72,86% số hội viên đánh giá mức sống của hộ tốt lên sau khi được Hội ND tuyên truyền, vận động; tiết kiệm bình quân một hộ cũng đạt 31,24 triệu đồng/ hộ năm 2017.

Về kỹ thuật SX, có 74,14% số hội viên đánh giá kỹ thuật SX của hộ nâng lên, 47,29% hội viên đánh giá các kỹ năng quản lý, tổ chức SX của hộ được cải thiện rõ rệt. Về khả năng áp dụng KHCN vào SXKD của hội viên nông dân cũng được cải thiện rõ rệt, qua khảo sát các kỹ thuật về gieo trồng, các giống cây trồng mới được chuyển giao nhiều nhất trong ba năm trở lại đây nhưng kỹ thuật chăn nuôi mới được hội viên nông dân đánh giá hiệu quả hơn.

Về hiệu quả SX, sau khi được tuyên truyền, vận động ứng dụng KHCN vào sản xuất, có 85,47% số hội viên cho rằng năng suất, sản lượng của hộ tăng lên; 82,02% hội viên cho rằng chất lượng sản phẩm được cải thiện; 74,38% hội viên cho rằng quy mô SX của hộ tăng lên và 61,82% hội viên cho rằng giá bán của sản phẩm tăng lên. Ngoài ra, có 38,42% hộ khảo sát và 43% số cán bộ địa phương cùng cho rằng sau khi áp dụng KHCN vào SX các sản phẩm theo các tiêu chuẩn, chất lượng theo yêu cầu của đối tác tiêu thụ thì hội viên nông dân sẽ dễ dàng liên kết với các đối tác tiêu thụ, doanh nghiệp hơn. Bên cạnh đó, có 73% số hộ khảo sát và 59% số cán bộ địa phương cùng cho rằng họ đã góp phần giảm ô nhiễm môi trường sau khi tham gia tích cực các lớp tập huấn, chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật để áp dụng vào thực tiễn.

Thuận lợi, khó khăn của các cấp Hội ND trong thực hiện tuyên truyền, vận động nông dân ứng dụng KHCN vào SX nông nghiệp

Kết quả khảo sát cho thấy, một số thuận lợi của Hội ND trong công tác tuyên truyền, vận động nông dân ứng dụng KHCN vào sản xuất như i) Tổ chức bộ máy ổn định, hiệu quả gồm 4 cấp từ Trung ương đến cơ sở ; ii) Nguồn nhân lực dồi dào, chất lượng; iii) Hình thức tuyên truyền đa dạng, hấp dẫn với 95,81% hội viên đánh giá nội dung tuyên truyền phù hợp; iv) Đa dạng về chủng loại phương tiện tuyên truyền, có 51,72% ý kiến cán bộ địa phương cho rằng các phương tiện, công cụ tuyên truyền vận động của Hội ND sử dụng trong thời gian qua đa dạng, phong phú chủng loại (tivi, radio, báo in, báo viết, tờ rơi, pano, áp phích…); v) Thời gian tuyên truyền hợp lý với 95,81% ý kiến hội viên đánh giá; vi) Địa điểm tuyên truyền phù hợp với 96,31% ý kiến hội viên đánh giá và vii) Đảm bảo tính phù hợp và kịp thời, phù hợp với điều kiện ở vùng nông thôn và trình độ kỹ thuật áp dụng của người dân, kịp thời trong quá trình triển khai có chủ động, sáng tạo, xây dựng chương trình hành động, giải pháp thiết thực, cụ thể, phù hợp với điều kiện của từng địa phương.

Bên cạnh đó, một số khó khăn của Hội ND trong công tác tuyên truyền, vận động nông dân ứng dụng KHCN vào SX có thể kể đến như: i) Trình độ lý luận của cán bộ tuyên truyền chưa đáp ứng yêu cầu: với 49,66% cán bộ địa phương đánh giá, đặc biệt là các cán bộ ở một số tỉnh khu vực trung du miền núi phía Bắc; ii) Nguồn kinh phí hạn hẹp: Ngân sách địa phương phân bổ cho tổ chức Hội ND bình quân một xã khoảng 10-14 triệu đồng/năm, có 83,45% cán bộ địa phương cho rằng nguồn kinh phí này không đủ để tổ chức hội có thể triển khai các hoạt động tuyên truyền, vận động của Hội; iii) Khả năng áp dụng KHCN của người dân còn hạn chế: Có 36,8% số cán bộ địa phương cho rằng trình độ kỹ thuật và nguồn lực SX của hộ nông dân (đất đai, vốn, lao động) còn hạn chế nên khó có thể áp dụng các chuyển giao ứng dụng KHCN vào SX được. Bên cạnh đó, có 31,6% số cán bộ địa phương cho rằng trình độ dân trí của người nông dân hiện nay cũng còn hạn chế nên khó có thể tiếp thu và ứng dụng được các tiến bộ khoa học kỹ thuật, KHCN mới vào SX nông nghiệp. iv) Một số khó khăn khác như phương tiện phục vụ tuyên truyền (mic, loa điện, loa cầm tay, máy chiếu…) còn thiếu (74,48% ý kiến của cán bộ khảo sát), tài liệu để tuyên truyền còn thiếu (65,52% ý kiến cán bộ khảo sát); sản phẩm truyền thông còn sơ sài và đơn điệu (55,86%); Đặc biệt, sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền địa phương ở một số nơi còn chưa thực sự cao (40,69% ý kiến đánh giá).

Một số giải pháp nâng cao công tác tuyên truyền, vận động ND ứng dụng KHCN vào SX NN của Hội NDVN giai đoạn 2017-2025

Từ thực trạng và khó khăn trong công tác tuyên truyền, vận động nông dân ứng dụng KHCN vào SX nông nghiệp của Hội NDVN trong thời gian qua, từ kinh nghiệm trong nước, quốc tế về tuyên truyền, vận động, và trước bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng đòi hỏi phải đổi mới và nâng cao trình độ KHCN, đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ kĩ thuật để nâng cao sức cạnh tranh sản phẩm nông nghiệp, nhất là cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Để nâng cao công tác tuyên truyền, vận động nông dân ứng dụng KHCN vào sản xuất nông nghiệp của Hội NDVN thời gian tới, cần tập trung thực hiện đồng bộ các nhóm giải pháp cơ bản sau:

Một là, đổi mới công tác tuyên truyền của hệ thống chính trị, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế: Cần phải tổ chức xây dựng và củng cố lại đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên trên cơ sở lựa chọn những người có đủ phẩm chất và năng lực, kiên quyết thay thế những người không đủ tiêu chuẩn và thực sự không hoạt động. Ở T.Ư Hội NDVN, cần chú trọng xây dựng đội ngũ cộng tác viên là lãnh đạo, chuyên gia giỏi, có uy tín, phẩm chất và trình độ chuyên môn cao để làm báo cáo viên. Ở các cập Hội ND cơ sở (tỉnh, huyện, xã) cần tranh thủ và có chính sách động viên các cán bộ đã nghỉ hưu và cựu chiến binh có nhiệt tình, uy tín và kinh nghiệm để tham gia. Thường xuyên mở các lớp tập huấn, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ về công tác tuyên truyền miệng, hàng năm tổ chức kiểm tra, tổng kết rút kinh nghiệm, mở các hội thi báo cáo viên, tuyên truyền viên giỏi để nhân rộng và khen thưởng kịp thời. Bên cạnh đó, cần tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng tuyển dụng, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng và sử dụng cán bộ Hội ND làm công tác tuyên truyền, vận động.

Hai là, nâng cao năng lực cho cán bộ Hội làm công tác tuyên truyền, vận động thông qua việc thường xuyên bồi dưỡng, cung cấp thông tin, kiến thức kịp thời cho các cán bộ tuyên truyền ở Hội ND các cấp về chủ trương đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước nhất là các lĩnh vực KHCN trong SX; thường xuyên đào tạo, tập huấn nâng cao kiến thức, kỹ năng cho cán bộ các cấp Hội ND làm công tác tuyên truyền, vận động nông dân; Tiếp tục xây dựng, củng cố, kiện toàn, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng, nghiệp vụ công tác tuyên truyền, nâng cao năng lực cho đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên, đặc biệt ở cấp cơ sở. Đầu tư trang thiết bị, kinh phí hợp lý phục vụ cho các hoạt động tuyên truyền, vận động nông dân.

Ba là, thường xuyên, liên tục đổi mới phương pháp, hình thức và nội tuyên truyền, vận động nông dân, trong đó, tập trung đổi mới tư duy, đổi mới phương pháp tiến cận trong công tác tham mưu, lãnh đạo, chỉ đạo công tác tuyên truyền; tiếp tục đổi mới nội dung tuyên truyền, vận động theo hướng thiết thực, hiệu quả, hướng vào việc đảm bảo quyền, nghĩa vụ và lợi ích chính đáng, hợp pháp của hội viên, nông dân.

Hội ND các cấp cần quan tâm đến mức độ phù hợp của các tiến bộ kỹ thuật, khoa học công nghệ mới đối với người dân; nâng cao từng bước nhận thức của cán bộ, hội viên nông dân về vị trí và vai trò của KHCN, đặc biệt là công nghệ cao, trình độ ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật trong SX và đời sống. Bênh cạnh đó, Hội ND các cấp cũng cần thường xuyên tổ chức các hội nghị, hội thảo chia sẻ kinh nghiệm làm ăn giỏi của các hộ SXKDG; phổ biến, hướng dẫn SX theo tiêu chuẩn, quy chuẩn chất lượng theo quy định hiện hành để hội viên không bị quá lạc hậu.

Ngoài ra, cần hỗ trợ kinh phí cho các hội viên nông dân tham gia xây dựng mô hình trình diễn để hội viên trực tiếp thực hành các tiến bộ kỹ thuật được học, có sự giám sát, giúp đỡ của cán bộ Hội ND, cán bộ của Chương trình, dự án. Khi đó, trình độ kỹ thuật, nhận thức của hội viên được nâng lên, tăng khả năng áp dụng các tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất, nâng cao hiệu quả kinh tế hộ gia đình.

Bốn là, nâng cao hơn nữa nhận thức của các cấp ủy Đảng, chính quyền và cán bộ, đảng viên về tuyên truyền, vận động nông dân ứng dụng KHCN vào sản xuất, trong đó, nhấn mạnh thực hiện đổi mới công tác tuyên truyền vận động nông dân ứng dụng KHCN vào SX cần trở thành một trong những nội dung sinh hoạt của các tổ chức đảng và các cấp ủy đảng một cách thường xuyên (nhất là đối với tổ chức Đảng ở cấp cơ sở).

Năm là, cải cách và hoàn thiện thể chế nhằm đổi mới công tác tuyên truyền, vận động nông dân ứng dụng KHCN vào SX nông nghiệp. Trong đó, tiếp tục xây dựng và hoàn thiện đường lối, chính sách của Đảng và nhà nước về ứng dụng KHCN vào SX nông nghiệp trong bối cảnh hội nhập quốc tế, từ đó xác định đúng đắn và kịp thời định hướng đổi mới về nội dung và phương thức tuyên truyền và xây dựng cơ chế chính sách khuyến khích các thành phần kinh tế đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao vào SX NN./.

Nguồn: Langmoi.vn
Video
Thống kê truy cập
Đang online
5
Hôm nay
647
Tháng này
220,757
Tổng truy cập
2,499,464