banner
 18/07/2018 04:33:50 PM

Nông dân thành phố Quảng Ngãi Phát triển chăn nuôi theo hướng an toàn gắn với công tác bảo vệ môi trường

Thời gian qua, ngành chăn nuôi ở thành phố Quảng Ngãi đã có bước tiến mới và đạt được nhiều kết quả khả quan, nhiều hộ chăn nuôi trên địa bàn thành phố cũng đã chú trọng đến công tác bảo vệ môi trường và mở rộng quy mô chăn nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa, có tính liên kết, hỗ trợ nhau về vốn, kỹ thuật để hướng đến các mô hình chăn nuôi an toàn, nâng cao chất lượng sản phẩm mà đặc biệt là nâng cao nhận thức trong công tác bảo vệ môi trường, hạn chế ô nhiễm nguồn nước do chất thải chăn nuôi gây ra.
Một trong những mô hình nuôi heo khép kín theo công nghệ cao cho hiệu quả của ND TPQN

Để giúp nông dân phát triển kinh tế nhưng vẫn đảm bảo vệ sinh môi trường, cảnh quan thành phố, các cấp Hội Nông dân đã chủ động phối hợp với các ngành chức năng hướng dẫn kỹ thuật, tích cực tuyên truyền, vận động các hộ gia đình nông dân từng bước ứng dụng công nghệ chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học, nhất là các hộ chăn nuôi lớn ở khu vực đông dân cư phải có hầm biogas và sử dụng đệm lót sinh học… Đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động và hướng dẫn kỹ thuật cho hội viên nông dân trong chăn nuôi, nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, đảm bảo an toàn cho sức khỏe người tiêu dùng,...

Hiện nay, tổng đàn gia súc, gia cầm trên địa bàn thành phố vẫn được duy trì, cụ thể: Đàn trâu có 1.342 con; đàn bò có 27.125 con; đàn lợn có 17.497 con; đàn gia cầm có 1.066.300 con, tăng khá so với cùng kỳ năm trước. Nhiều mô hình chăn nuôi theo hướng trang trại, công nghiệp, bán công nghiệp được hình thành, nhất là ở những khu vực nông thôn, như: Tịnh Ấn Tây, Tịnh Thiện, Tịnh Khê, Tịnh Hòa, Nghĩa Hà, Nghĩa Dõng....

Để đảm bảo vệ sinh môi trường, hầu hết các trang trại đều ứng dụng công nghệ xử lý chất thải. Điển hình, như hộ gia đình ông Trần Văn Trường, thôn Độc Lập, xã Tịnh Ấn Tây, với trang trại chăn nuôi tổng hợp có diện tích gần 1.000 m2 và nằm cách xa khu dân cư. Hiện tại, trang trại đang có 15 con heo nái, 30 con heo thịt và gần 900 con gà được phân làm hai khu chăn nuôi riêng biệt; để môi trường trong chăn nuôi được đảm bảo, ông đã áp dụng công nghệ tiên tiến trong xử lý chất thải chăn nuôi như xây dựng hầm biogas, đệm lót sinh học. Trong đó, chất thải từ chăn nuôi heo được thu gom xử lý để làm phân bón cho cây trồng, còn lại toàn bộ nước thải, nước tắm, rửa chuồng nuôi heo được chảy qua hệ thống rãnh kín đưa về hầm biogas để xử lý. Riêng đối với mô hình nuôi gà thì ông áp dụng công nghệ đệm lót sinh học nên hạn chế được mùi hôi và tiết kiệm chi phí đầu tư và công chăm sóc, đồng thời giảm thiểu dịch bệnh xảy ra. Sau khi đã trừ chi phí, mỗi năm gia đình ông thu về khoảng 350 triệu đồng từ chăn nuôi.

Còn hộ ông Trương Quang Ân, thôn 1, xã Nghĩa Dõng thì mô hình chăn nuôi gà thịt với quy mô lớn lên đến hàng nghìn con, áp dụng đệm lót sinh học trong việc chăn nuôi nên đã chấm dứt tình trạng mùi hôi thối từ chuồng trại gây ô nhiễm môi trường. Cũng nhờ phương pháp này, chuồng trại chăn nuôi luôn bảo đảm sạch sẽ, đàn gà phát triển tốt, cho năng suất cao hơn./.

Theo Thanh Sơn (Bài đăng trên Bản tin Nông dân Quảng Ngãi số 66 - Quý II/2018)
Video
Thống kê truy cập
Đang online
150
Hôm nay
458
Tháng này
208,800
Tổng truy cập
2,537,208