banner
 19/07/2019 09:00:52 AM

Nền tảng để phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững

“Phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn phải lấy doanh nghiệp làm hạt nhân, lấy nông dân làm chủ thể, lấy KHCN làm then chốt, lấy kinh tế hợp tác làm nòng cốt” – Đó là quan điểm được TS.Nguyễn Đỗ Anh Tuấn – Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển Nông nghiệp, Nông thôn nêu ra tại Hội thảo chuyên đề Phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn – một trong chuỗi các hội thảo trong khuôn khổ Hội thảo Lý luận và thực tiễn trong xây dựng nông thôn mới ở Việt Nam, do Bộ NN&PTNT, Bộ Kế hoạch Đầu tư và UBND tỉnh Nam Định phối hợp tổ chức trong hai ngày 16 – 17/7/2019.

Những con số ấn tượng

Theo Bộ NN&PTNT, quá trình triển khai chủ trương, chính sách trong xây dựng nông thôn mới, đặc biệt là phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn gắn với cơ cấu lại ngành Nông nghiệp Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu. Sau 10 năm thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới và tái cơ cấu ngành nông nghiệp, cuộc sống của người dân nông thôn đã có những thay đổi đáng kể:

Nông nghiệp có mức tăng trưởng ổn định, giai đoạn 2011-2015 tốc độ tăng trưởng GDP bình quân của toàn ngành nông, lâm, thủy sản đạt 3,1%/năm, bình quân giai đoạn 2011-2018 đạt 2,95%/năm, tỷ trọng GDP ngành Nông nghiệp trong cơ cấu GDP nền kinh tế giảm từ 18,38% năm 2011 xuống còn 14,57% năm 2018.

Nông nghiệp chuyển mạnh sang sản xuất hàng hóa cạnh tranh quốc tế, năng suất, chất lượng sản phẩm ngày càng cao. Cơ cấu sản xuất từng ngành được điều chỉnh, chuyển đổi theo hướng phát huy lợi thế của mỗi địa phương và cả nước gắn với nhu cầu thị trường. Xuất khẩu nông, lâm, thủy sản có mức tăng trưởng ấn tượng nhờ mở cửa hội nhập kinh tế quốc tế, đưa Việt Nam đứng thứ 2 Đông Nam Á và đứng thứ 13 thế giới về xuất khẩu nông sản, với tổng kim ngạch xuất khẩu nông sản 10 năm (2008-2017) đạt 261,28 tỷ USD, tăng bình quân 9,24%/năm.

Nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ  (KHCN) đạt được những kết quả tích cực, KHCN đã đóng góp trên 30% giá trị gia tăng trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, đặc biệt trong sản xuất giống cây trồng và vật nuôi với giá trị gia tăng đạt đến 38%. Các mô hình ứng dụng công nghệ cao trong trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản đã làm tăng hiệu quả kinh tế từ 10-30%; trên 90% diện tích lúa, 80% diện tích ngô và 60% diện tích mía đã sử dụng giống mới…

Hình thức tổ chức sản xuất được đổi mới, tính đến năm 2018, Việt Nam đã có 39 liên hiệp HTX nông nghiệp, 13.400 HTX nông nghiệp và 35.500 trang trại, số hộ làm nông lâm thủy sản chiếm dưới 53,7%.

 

Khoảng cách thu nhập giữa thành thị và nông thôn thu hẹp từ 2,1 lần năm 2008 còn 1,8 lần năm 2017. Tỷ lệ nghèo giảm nhanh, còn 5,35% vào năm 2018.

Tăng cường khởi nghiệp sáng tạo trong nông thôn

Tuy vậy, theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam, quá trình tăng trưởng nông nghiệp chưa ổn định và đồng đều giữa các địa phương, sản xuất nông nghiệp còn nhiều rủi ro, chưa bền vững; khả năng cạnh tranh của nhiều nông sản chưa cao, công nghiệp chế biến phát triển chậm, chất lượng và thương hiệu nông sản chưa được định hình tương xứng với một quốc gia xuất khẩu nông sản hàng đầu; Trình độ ứng dụng KHCN  của người nông dân nhìn chung còn thấp, chưa tạo sức mạnh lan tỏa và thúc đẩy nhanh quá trình thay đổi tập quán canh tác nhỏ lẻ, thiếu liên kết, không chuyên nghiệp. Thị trường KHCN chưa tạo sự gắn kết có hiệu quả giữa nghiên cứu với đào tạo và sản xuất kinh doanh nông sản.

Sản xuất vẫn còn nhỏ lẻ manh mún (99,89% các đơn vị kinh tế nông nghiệp là hộ nông dân, 0,04% doanh nghiệp, 0,07% HTX; 36% hộ diện tích < 0,2ha); Các hình thức tổ chức sản xuất, liên kết tiêu thụ sản phẩm chưa hiệu quả, liên kết sản xuất giữa các tác nhân trong chuỗi giá trị chưa trở thành phổ biến. Số lượng doanh nghiệp nông nghiệp chỉ chiếm 8% tổng số doanh nghiệp của nền kinh tế, quy mô nhỏ, năng lực tài chính thấp.

Lao động nông nghiệp vẫn chiếm gần 40% trong tổng số lao động xã hội, chủ yếu làm thủ công nên năng suất lao động thấp (chỉ bằng 38% năng suất lao động bình quân cả nước). Thu nhập và đời sống của người dân, nhất là ở vùng sâu, vùng xa còn gặp nhiều khó khăn, chậm được cải thiện; tỷ lệ hộ nghèo còn cao.

PGS.TS Nguyễn Thị Lan Hương – nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Lao động Việt Nam chia sẻ: Lao động nông thôn làm việc ngành Nông nghiệp cũng có xu hướng già hóa nhanh, với tỷ lệ nhóm người trẻ (15-19) ngày càng giảm; tỷ lệ lao động cao tuổi (55 đến 59) và lao động già (từ 60 tuổi trở lên) ngày càng cao. Đặc biệt, năm 2010 có đến 9,53% số người già vẫn tiếp tục làm trong nông nghiệp, và đã tăng lên đến 15,65% vào năm 2018. Lao động nông thôn làm việc trong khu vực phi nông nghiệp trẻ hơn rất nhiều so với khu vực nông nghiệp và thậm chí trẻ hơn cả lao động làm việc tại thành thị, phản ánh xu thế chung là lao động trẻ nông thôn đã có xu hướng ở lại quê hương để khởi sự công việc. Nhóm này góp phần làm giảm áp lực di cư nông thôn-đô thị, giảm xu hướng già hóa dân số nhanh trong khu vực nông nghiệp.

Theo TS.Nguyễn Đỗ Anh Tuấn – Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn, thì cần tập trung vào các đột phá về thể chế phát triển nông nghiệp, nông thôn; chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn; đổi mới mô hình tổ chức, liên kết sản xuất, phát triển thị trường; nâng cao trình độ sản xuất, ứng dụng KHCN trong nông nghiệp, tăng cường khởi nghiệp sáng tạo trong nông thôn; cách thức thúc đẩy áp dụng thực hành nông nghiệp tốt, đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm, thích ứng với biến đổi khí hậu trong sản xuất, kinh doanh nông nghiệp.

“Phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn phải lấy doanh nghiệp làm hạt nhân, lấy nông dân làm chủ thể, lấy KHCN làm then chốt, lấy kinh tế hợp tác làm nòng cốt, lấy liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị giữa doanh nghiệp và hợp tác xã, hộ gia đình làm nền tảng để phát triển bền vững” -TS.Nguyễn Đỗ Anh Tuấn nêu quan điểm.

KHCN đang phát triển vượt bậc, đặc biệt với cuộc Cách mạng công nghệ 4.0 mở ra cơ hội cho ngành Nông nghiệp nâng cao hiệu quả quản lý tài nguyên, quản lý sản xuất, nâng cao năng suất, an toàn vệ sinh thực phẩm và giá trị gia tăng cho sản phẩm. Đồng thời, các tiến bộ cũng giúp cơ giới hóa, tự động hóa, giải phóng sức lao động. Bên cạnh đó, với các tiến bộ của KHCN ngày càng sử dụng ít lao động, nguy cơ một lực lượng lớn mất việc và quay trở lại làm nông nghiệp ở nông thôn cần phải được tính đến trong dài hạn.

 

 

Nguồn: Langmoi.vn
Video
Thống kê truy cập
Đang online
4
Hôm nay
184
Tháng này
207,239
Tổng truy cập
2,535,647