banner
 14/01/2020 10:43:27 AM

Lan tỏa những mô hình “Nông dân tham gia bảo vệ môi trường”

Phát huy vai trò nòng cốt trong các phong trào nông dân, trong những năm qua, các cấp Hội Nông dân trong tỉnh đã tích cực đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nông dân tham gia bảo vệ môi trường nông thôn bằng nhiều hoạt động thiết thực, phù hợp nhằm thay đổi hành vi để trở thành thói quen trong đời sống sinh hoạt hằng ngày của người dân.
Một trong những buổi nông dân ra quân tham gia dọn vệ sinh môi trường ở Đức Phổ

Đi đầu trong công tác này phải nói đến tập thể Ban Chấp hành Hội Nông dân huyện Bình Sơn – là đơn vị tiên phong trong triển khai xây dựng các mô hình nông dân tham gia bảo vệ môi trường. Toàn huyện có 100% cơ sở Hội đồng loạt triển khai với 97 mô hình đang hoạt động hiệu quả.

Điển hình như mô hình "Bảo vệ môi trường” ở chi Hội An Cường, xã Bình Hải, trước đây người dân có thói quen vứt rác ra hai bên đường vắng người qua lại lâu dần thành bãi rác gây ô nhiễm, Chi hội nông dân An Cường đã phân công thành viên thường xuyên theo dõi để nhắc nhở người dân tập kết rác đúng nơi quy định và xin UBND xã hỗ trợ kinh phí lắp đặt camera tại các đoạn đường trên.

Nhờ vậy mà ý thức người dân dần được nâng cao, thói quen vứt rác cũng được khắc phục và hiện nay trên các đoạn đường này đã được hôi viên nông dân trong thôn tự giác trồng hoa, tạo cảnh quan xanh, đẹp và thông thoáng.

Hay như mô hình “thu gom rác thải trên cánh đồng” của nông dân các xã Đức Phong, Đức Hiệp (Mộ Đức) cũng đã được nông dân đồng tình hưởng ứng và được các cấp chính quyền ghi nhận và tuyên dương trong năm 2018. Bằng việc vận động hội viên nông dân đóng góp tiền mua hố bi xi măng đặt trên khắp các cánh đồng để làm nơi tập kết bao bì thuốc BVTV, đến cuối tháng sẽ được các chi hội trưởng Hội Nông dân của thôn đến thu gom và vận chuyển về nơi xử lý rác của xã để tiêu thụ (đốt và phân hủy). Nhờ đó mà tình trạng vứt rác, vỏ bao bì thuốc BVTV bừa bãi xuống kênh, mương như trước đây không còn nữa mà thay vào đó là dòng nước trong xanh mát để tưới cho cánh đồng màu mỡ…

Còn ở các xã vùng cao của huyện miền núi Sơn Hà, như: Sơn Cao, Sơn Linh, Sơn Thủy và Sơn Thành đều có mô hình "Tổ vệ sinh – bảo vệ môi trường" do Hội Nông dân xã thành lập và đi vào hoạt động từ năm 2018. Với hình thức tập hợp hội viên nông dân tham gia vào thành viên của Tổ để định kỳ hàng tháng phát động ra quân nạo vét, khơi thông cống rãnh, tổng vệ sinh đường làng, ngõ xóm, trồng cây xanh tạo nên các đoạn đường xanh, sạch, đẹp, văn minh.

Một trong những đoạn đường tự quản - mô hình nông dân với môi trường của chi Hội thôn An Cường xã Bình Hải

Để có được sự đổi thay trên những cánh đồng ở xã Đức Phong, Đức Hiệp (Mộ Đức) và những con đường nông thôn sạch sẽ, ngát hương hoa như ở xã Bình Hải (Bình Sơn) và các xã miền núi huyện Sơn Hà là nhờ sự nổ lực của cán bộ hội viên, nông dân đã tích cực tuyên truyền, vận động người dân nâng cao ý thức về công tác bảo vệ môi trường, bảo vệ nguồn nước sạch cũng như bảo vệ chính mạng sống của mỗi con người.

Từ năm 2015 đến nay, các cấp Hội Nông dân trong tỉnh đã vận động hơn 450.000 lượt người tham gia các hoạt động BVMT ở nông thôn, tổ chức 678 buổi sinh hoạt với gần 24.500 lượt người tham dự các lớp truyền thông về Luật bảo vệ môi trường, kiến thức về bảo vệ môi trường, quản lý sử dụng đất đai, sử dụng và bảo vệ các nguồn tài nguyên thiên nhiên một cách có hiệu quả.

Hằng năm, hưởng ứng tuần lễ Quốc gia về nước sạch và vệ sinh môi trường, ngày Môi trường thế giới 5/6, các cấp Hội đã tổ chức nhiều hoạt động sôi nổi thu hút hàng chục ngàn cán bộ, hội viên nông dân trong tỉnh tham gia. Các cơ sở Hội duy trì, phát triển các câu lạc bộ nông dân tự quản về bảo vệ môi trường, tổ thu gop xử lý rác thải.

Đặc biệt trong năm 2019, Hội Nông dân xã Nghĩa Kỳ, huyện Tư Nghĩa đã thí điểm thành công mô hình phân loại rác thải trong sinh hoạt. Bằng cách tuyên truyền, vận động và hướng dẫn các hộ gia đình tự phân loại rác thải sinh hoạt ra thành từng loại và tổ chức xử lý bằng cách chôn lấp hoặc đốt. Còn rác thải rắn thì tập trung đến một địa điểm để xe thu gom rác đến gom đi. Đồng thời tuyên truyền cho người dân trong thôn, xóm, hộ nào có gia cầm, gia súc chết là mang đi chôn lấp rồi phun thuốc khử trùng chứ không vứt bừa bãi như trước kia.

Để định hướng công tác bảo vệ môi trường trong những năm tới, các cấp Hội Nông dân trong tỉnh cần tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nông dân nâng cao nhận thức chấp hành chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước về tài nguyên môi trường; cần có những giải pháp cụ thể trong việc ứng phó với biến đổi khí hậu, như: tăng cường công tác bảo vệ rừng, cần trồng rừng và phủ xanh đất trống, đồi núi trọc; tuyên truyên cho người dân không nên đốt rẫy, đốt rừng để làm nương; cần khoanh vùng khu chăn nuôi theo hướng chuỗi liên kết, khép kín để hạn chế tình trạng xả thải gây ô nhiễm môi trường nông thôn để hướng đến một nền nông nghiệp xanh và bền vững ở tỉnh ta./.

Đồng Xuân
Video
Thống kê truy cập
Đang online
663
Hôm nay
1,883
Tháng này
221,993
Tổng truy cập
2,500,700