banner
 24/07/2019 09:24:07 AM

Lan tỏa những mô hình sản xuất nông nghiệp sạch

Trong thời gian qua, tình trạng thực phẩm bẩn tràn lan trên thị trường, nhất là các mặt hàng nông sản không rõ nguồn gốc, chất lượng không đảm bảo,.... gây hoang mang cho người tiêu dùng, đe doạ đến tính mạng và sức khoẻ của cộng đồng. Vì thế để hướng đến một nền nông nghiệp sạch, an toàn và bền vững, các cấp Hội Nông dân trong tỉnh cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động đổi mới tư duy để trở thành “Người nông dân thông thái” trên chính mảnh vườn, thửa ruộng của mình.
Mô hình trồng khổ qua xen canh gối vụ cùng cây ớt vừa tiết kiệm chi phí làm giàn lại vừa hạn chế sâu bệnh gây hại của nông dân xã Đức Hiệp (Mộ Đức).

Để tạo sức lan tỏa trong văn hóa sản xuất của nông dân, trong thời gia qua, các cấp Hội Nông dân trong tỉnh đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nông dân nâng cao ý thức trong sản xuất kinh doanh, kết hợp với việc cung cấp các dịch vụ hỗ trợ, tạo điều kiện cho người nông dân thay đổi thói quen sản xuất nông nghiệp truyền thống sang quy trình nông nghiệp hữu cơ, cung ứng cho thị trường những nông sản sạch, đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng.

Theo đó, Trung tâm Hỗ trợ và Giáo dục Nghề nhiệp Nông dân - Phụ nữ thuộc Hội Nông dân tỉnh (gọi tắt là Trung tâm) là đầu mối trung gian trong việc hướng dẫn, hỗ trợ kỹ thuật và cung ứng các loại cây, con giống đảm bảo chất lượng cho nông dân phát triển sản xuất mang lại hiệu quả cao, như: Mô hình trồng Măng Tây xanh hữu cơ ở xã Tịnh Giang (Sơn Tịnh), Đức Chánh, Đức Thắng (Mộ Đức) và thị trấn Đức Phổ (Đức Phổ); Mô hình trồng rau sạch của Tổ hợp tác nông dân ở xã Bình Thới, huyện Bình Sơn; mô hình trồng nấm ăn và nấm dược liệu ở xã Đức Nhuận, huyện Mộ Đức,… Từ khâu sản xuất đến thu hoạch, bảo quản và phân phối ra thị trường đều tuân thủ theo quy trình chặt chẽ, nên sản phẩm được người tiêu dùng tin tưởng, lựa chọn.

Hay như mô hình nuôi heo bằng thức ăn thảo dược ở Hợp tác xã Tân Hòa Phú - Hành Tín Tây, huyện Nghĩa Hành được Hội Nông dân tỉnh hỗ trợ giống, thức ăn và hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, nuôi dưỡng. Mô hình này có lợi thế là các hộ nuôi tận dụng được các loại thức ăn từ nguyên liệu có sẵn tại nhà như: cám gạo, bột bắp, bột mì phối trộn với thức ăn sinh học được chế biến từ thảo dược (sản phẩm đã được cấp bản quyền Sở hữu trí tuệ). Trong suốt quá trình thực hiện mô hình, Hội Nông dân tỉnh đã thuê chuyên gia hướng dẫn, tập huấn kỹ thuật chăn nuôi, tổ chức kiểm tra, giám sát chặt chẽ qui trình tại các các hộ tham gia mô hình. Nhờ tuân thủ đúng quy trình kỹ thuật hướng dẫn nên sản phẩm thịt heo thơm, ngon, có giá trị dinh dưỡng cao và đảm bảo an toàn thực phẩm.

Bên cạnh đó, Hội Nông dân tỉnh cũng đã tăng cường công tác đào tạo, dạy nghề cho nông dân kết hợp với việc chuyển giao các tiến bộ KHKT và công nghệ mới vào sản xuất nông nghiệp để hướng đến nền nông nghiệp sạch trong tương lai. Nhờ đó mà nhiều nông dân ở các địa phương trong tỉnh dần dần thay đổi tư duy sản xuất để trở thành “người nông dân thông thái” trên cánh đồng. Nhiều nơi, nông dân còn năng động, sáng tạo nhiều quy trình sản xuất nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch theo phương thức "quản lý dịch hại tổng hợp" như: "ruộng lúa, bờ hoa", "vườn rau, bờ hoa",… hoặc sử dụng các chất dẫn dụ côn trùng nhằm hạn chế tối đa việc sử dụng thuốc BVTV để không ảnh hưởng đến chất lượng nông sản, không gây ô nhiễm môi trường xung quanh.

Điển hình như nông dân ở xã Đức Hiệp, huyện Mộ Đức đã sáng tạo quy trình sản xuất rau sạch bằng cách trồng luân phiên các loại rau và hoa màu xen canh như: Khi cây ớt vừa thu hoạch đến lứa cuối vụ, nông dân sẽ trồng khổ qua cho thân dây khổ qua leo lên cây ớt, những quả ớt khô còn sót lại gây mùi nồng cay, hạn chế được một số sâu bọ gây hại, vừa tiết kiệm chi phí làm giàn lại vừa hạn chế sử dụng thuốc trừ sâu cho cây khổ qua, đem lại sản phẩm sạch, an toàn cho người dùng. Bên cạnh đó, nhiều nông dân trong xã còn tăng cường sử dụng phân hữu cơ và phân vi sinh cho cánh đồng rau màu của mình và hạn chế sử dụng thuốc BVTV để nâng cao chất lượng nông sản, an toàn cho người tiêu dùng.

Mô h trồng đu đủ theo quy trình sạch, an toàn của nông dân Trương Văn Khanh ở xã Đức Hiệp (Mộ Đức)

Tuy nhiên, việc ứng dụng các chế phẩm sinh học vào sản xuất nông nghiệp ở tỉnh ta chưa nhiều vì đa số các mô hình sản xuất vẫn còn nhỏ lẻ, manh mún; việc sử dụng phân hữu cơ, vi sinh vào trồng trọt cũng rất ít vì nhiều nông dân vẫn chưa được tiếp cận các thông tin từ các sản phẩm uy tín, chất lượng;.. Hơn nữa, nếu áp dụng đúng quy trình sản xuất nông nghiệp sạch, an toàn đòi hỏi giá thành đầu ra ít nhất phải cao hơn 1,5 lần so với giá thị trường thì người nông dân mới có lãi. Thế nhưng thị hiếu của người tiêu dùng lúc nào cũng chọn giá thành phải rẻ cho nên các mô hình sản xuất sạch, an toàn chưa thật sự phổ biến rộng rãi, nông dân chưa mạnh dạn đầu tư áp dụng…

Vì vậy để tuyên truyền và nhân rộng các mô hình ứng dụng các chế phẩm sinh học vào chăn nuôi, trồng trọt trên địa bàn tỉnh ta trong thời gian tới, các cấp Hội cần đẩy mạnh công tác hướng dẫn, hỗ trợ thành lập các câu lạc bộ, tổ hợp tác và hợp tác xã để giúp nông dân liên kết, hỗ trợ nhau về vốn, kiến thức và tìm thị trường tiêu thụ sản phẩm. Đồng thời phối hợp với các ban, ngành liên quan để tổ chức hệ thống phân phối, quảng bá sản phẩm nông sản sạch, an toàn đến với người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh,… Có như vậy các sản phẩm nông sản sạch, an toàn sẽ dần dần chiếm lĩnh thị trường và người nông dân sẽ mạnh dạn đầu tư mô hình sản xuất đúng chuẩn Sạch  để họ thật sự trở thành “Người nông dân thông thái” trên cánh đồng./.

Đồng Xuân
Video
Thống kê truy cập
Đang online
13
Hôm nay
699
Tháng này
209,179
Tổng truy cập
2,487,886