banner
 21/05/2019 10:46:12 AM

Kỹ thuật canh tác lúa theo “ 3 giảm - 3 tăng”

Mô hình canh tác lúa theo cách “3 giảm 3 tăng” ra đời từ năm 2005 bởi các nhà khoa học Việt Nam, ngay sau khi ra đời đã được Bộ Nông Nghiệp và Phát triển Nông thôn công nhận là tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp... Nhờ những lợi ích to lớn mang lại, mà mô hình trồng lúa theo cách “3 giảm 3 tăng” đã và đang được nhân rộng trong phạm vi cả nước. Trong những năm qua Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Ngãi đã chỉ đạo các Trung tâm Khuyến nông và cho phép các Doanh nghiệp triển khai mô hình này rất thành công tại nhiều huyện.

Tuy nhiên hiện nay bà con nông dân trong tỉnh vẫn chưa ứng dụng rộng rãi mà vẫn còn sản xuất theo tập quán cũ. Do đó để khắc phục một phần lớn khó khăn trong sản xuất, giúp giảm chi phí sản xuất, tăng lợi nhuận; đồng thời góp phần bảo vệ môi trường sinh thái đồng ruộng và sức khoẻ con người, chúng tôi đề nghị cán bộ Hội các cấp nhất là cấp cơ sở cùng bà con nông dân hãy cùng nhau tuyên truyền và ứng dụng Kỹ thuật canh tác lúa: “3 giảm, 3 tăng” trong sản xuất lúa.

3 giảm có nghĩa là: Giảm lượng giống gieo, giảm lượng phân bón, giảm thuốc trừ sâu.

3 tăng nghĩa là: Tăng năng suất, tăng chất lượng và tăng hiệu quả.

1. Lợi ích của “3 giảm":

Yếu tố thứ nhất là giảm lượng giống gieo sạ: Hiện nay, theo tập quán sản xuất của bà con nông dân tỉnh nhà thì lượng giống gieo sạ vẫn còn quá cao, với lượng giống cao khoảng 150 kg/ha. Với lượng giống gieo sạ cao sẽ dẫn đến thứ nhất là làm tăng chi phí tiền giống; thứ hai làm tăng mật độ số cây lúa trên ruộng, việc tăng mật độ này kéo theo hậu quả là dễ phát sinh sâu bệnh trên ruộng lúa sẽ dẫn đến tăng số lượng thuốc BVTV. Đồng thời phải bón thêm phân do trên ruộng nhiều cây lúa. Do đó cần phải giảm lượng giống gieo sạ/ đơn vị diện tích để tránh những tác hại trên.

Yếu tố thứ 2 là giảm lượng phân đạm (N). Phân đạm là các loại phân như Urê, SA... bà con nông dân rất ưa chuộng. Vì phân đạm nhanh làm cho lá lúa chuyển màu xanh. Nhưng nếu bà con bón lượng phân đạm quá nhiều so với nhu cầu của cây lúa thì làm cho cây lúa mất cân đối về dinh dưỡng dễ bị sâu, bệnh tấn công, dẫn đến giảm năng suất. Mặt khác lãng phí thêm tiền mua phân, lượng đạm dư thừa làm ô nhiễm môi trường và là một trong những nguyên nhân gây ung thư (Do dư thừa chất NO3- --> NO2 trong nước và nông sản). Như vậy, muốn bón đúng liều lượng để hạn chế tác hại trên, bà con nên sử dụng phân NPK chuyên dùng cho lúa. Bón đạm (N) cần sử dụng dụng cụ bảng so màu lá lúa sẽ đáp ứng đúng và đủ nhu cầu N của lúa Yếu tố giảm thứ 3 là lượng thuốc bảo vệ thực vật (thuốc hóa học). Thuốc BVTV đa số đều là những độc chất, việc sử dụng nhiều lượng, nhiều lần sẽ đem lại nguy cơ có hại cho con người, cho động vật và cho môi trường nước và đất. Nếu bà con áp dụng tốt kiến thức về Phòng trừ dịch hại tổng hợp (IPM), gieo sạ đúng liều lượng hạt giống chất lượng tốt, bón phân cân đối - hợp lý, sử dụng những loại phân bón chuyên dùng cho lúa có bổ sung các nguyên tố dinh dưỡng trung vi lượng (TE) thì việc hạn chế sâu bệnh sẽ tốt hơn. Khi áp dụng 3 giảm thì năng suất không giảm mà có chiều hướng tăng và điều chủ yếu là tăng lợi nhuận cho người nông dân trồng lúa.

2. Những công việc đạt “3 tăng”:

- Thứ nhất, tăng năng suất: Cần áp dụng đúng quy trình kỹ thuật trồng lúa, áp dụng 3 giảm.

- Thứ hai, tăng chất lượng lúa gạo: Cần sử dụng đúng giống lúa, bón phân cân đối hợp lý, chú ý các khâu kỹ thuật sau thu hoạch.

- Thứ ba, tăng hiệu quả kinh tế: Áp dụng tốt yếu tố 3 giảm và 2 yếu tố tăng kể trên thì việc tăng hiệu quả kinh tế cho người trồng lúa rất dễ dàng đạt được ./.

KS Phạm Đăng Trương
Video
Thống kê truy cập
Đang online
102
Hôm nay
692
Tháng này
207,747
Tổng truy cập
2,536,155