banner
 12/10/2018 08:01:42 AM

Hội Nông dân tỉnh Quảng Ngãi và những dấu ấn lịch sử

Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, giai cấp nông dân và tổ chức Hội Nông dânViệt Nam đã không ngừng lớn mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức, tập hợp đông đảo nông dân tích cực đóng góp sức người, sức của vào sự nghiệp cách mạng Việt Nam, góp phần tích cực đưa cách mạng Việt Nam đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác.
Thường trực Tỉnh ủy trao bức trướng tại Đại hội Đại biểu Hội Nông dân tỉnh lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2018 - 2023

Trải qua các thời kỳ cách mạng, Hội Nông dân Việt Nam đã có nhiều tên gọi khác nhau để phù hợp với nhiệm vụ chính trị, xã hội của từng giai đoạn lịch sử:

• Nông Hội đỏ (1930 – 1931)

• Hội Nông dân tương tế ái hữu (1932 – 1936)

• Hội Nông dân phản đế (1936 – 1941)

• Hội Nông dân cứu quốc (1941 – 1954)

• Hội Nông dân Giải phóng Miền Nam (1960 – 1975)

• Hội Nông dân tập thể Miền Bắc (1960 – 1979)

• Hội Liên hiệp Nông dân tập thể Việt Nam (1979 – 1988)

• Từ tháng 3/1988 đến nay mang tên gọi là Hội Nông dân Việt Nam.

Dù tên gọi khác nhau nhưng bản chất của tổ chức Hội vẫn là thực hiện nhiệm vụ chính trị - xã hội do Đảng và nhân dân giao phó. Giai cấp nông dân và Hội Nông dân Việt Nam không ngừng lớn mạnh về tổ chức, thống nhất về hành động, góp phần to lớn trong sự nghiệp giải phóng dân tộc và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam Xã hội Chủ nghĩa. Biết bao cán bộ, hội viên nông dân đã ngã xuống hy sinh vì nền độc lập hòa bình của dân tộc.

Trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Nông dân Quảng Ngãi đã có nhiều đóng góp làm nên những chiến công lẫy lừng trong sử sách còn ghi, như: Cuộc khởi nghĩa Ba Tơ (11/3/1945); Trà Bồng quật khởi (28/8/1959); Chiến thắng Ba Gia (31/5/1965); Vạn Tường (18/8/1965) và cuộc nổi dậy Mậu Thân 1968,… Những chiến công này, đã mãi mãi đi vào lịch sử, góp phần cùng nhân dân cả nước làm nên chiến thắng lịch sử mùa Xuân năm 1975, khẳng định truyền thống đấu tranh anh dũng kiên cường của quê hương Quảng Ngãi.

Ngày nay, trong thời kỳ đổi mới và hội nhập, các cấp Hội trong tỉnh không ngừng củng cố kiện toàn bộ máy tổ chức, nâng cao chất lượng và đổi mới nội dung phương thức hoạt động Hội. Đến nay, toàn tỉnh đã có 165.568 hội viên nông dân sinh hoạt ở 183 cơ sở , 1.126 chi, 3.259 tổ Hội. Tỷ lệ hội viên tham gia sinh hoạt định kỳ thường xuyên dần tăng lên, đạt hơn 75% ở đồng bằng, trên 50% ở miền núi và hải đảo.

Trong sinh hoạt, Hội luôn lấy nội dung phát triển kinh tế - xã hội làm trọng tâm, kết hợp chặt chẽ với giáo dục chính trị, tư tưởng; phát động 3 phong trào thi đua lớn của Hội và nhất là Phong trào nông dân thi đua SXKD giỏi, đoàn kết giúp nhau giảm nghèo và làm giàu bền vững được đông đảo nông dân hưởng ứng thi đua. Đến nay trong toàn tỉnh có 82.042 hộ đạt danh hiệu Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi các cấp, trong đó: Cấp cơ sở có 58.646 hộ, cấp huyện, thành phố có 21.897 hộ, cấp tỉnh có 1.441 hộ, cấp Trung ương có 58 hộ.

Điều đáng ghi nhận của phong trào là số nông dân SXKD giỏi trong những năm qua tăng nhanh cả về số lượng, chất lượng với qui mô sản xuất ngày càng lớn, phong phú và đa dạng. Nhiều nông dân biết ứng dụng tiến bộ kỹ thuật và khoa học công nghệ mới vào sản xuất, đem lại hiệu quả kinh tế cao, trong số đó có nhiều nông dân là đồng bào dân tộc thiểu số biết đầu tư trồng rừng nguyên liệu kết hợp chăn nuôi hằng năm cho thu nhập hàng trăm triệu đồng. Không chỉ bản thân gia đình họ làm giàu mà còn giúp đỡ nhiều hộ lân cận có vốn làm ăn, vươn lên thoát nghèo bền vững.

Hoạt động dạy nghề và dịch vụ hỗ trợ nông dân luôn được Hội chú trọng; hằng năm, các cấp Hội đã tổ chức và phối hợp đào tạo nghề cho hơn 1.200 hội viên nông dân với các ngành nghề: trồng trọt, chăn nuôi - thú y, điện dân dụng, sửa chữa và vận hành máy nông nghiệp, kỹ thuật thâm canh các cây, con giống mới, các quy trình sản xuất nông nghiệp hữu cơ,… để hội viên nông dân áp dụng vào thực tiễn mang lại hiệu quả cao, tăng thu nhập và làm giàu chính đáng. Đồng thời, các cấp Hội luôn chú trọng đến công tác xây dựng nguồn tài chính Hội để hỗ trợ cho nông dân có vốn đầu tư sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế hộ gia đình. Bằng nhiều nguồn huy động, đến nay tổng nguồn quỹ Hỗ trợ nông dân trong toàn tỉnh đã lên đến lên 31,3 tỷ đồng (tăng 11,38 tỷ đồng so với nhiệm kỳ trước); nguồn vốn này được quay vòng, hỗ trợ cho hàng ngàn lượt hộ nông dân vay phát triển sản xuất đã đem lại hiệu quả, nhiều hộ đã thoát nghèo và vươn lên từ nguồn vốn này.

Bên cạnh đó, các cấp Hội còn nhận ủy thác của Ngân hàng Chính sách xã hội để cho hội viên nông dân vay với tổng số tiền dư nợ là 1.387 tỷ đồng, tổng dư nợ ước đạt đến 31/12/2017 là 968,1 tỷ đồng, tăng 198,5 tỷ đồng so với đầu nhiệm kỳ; phối hợp với Ngân hàng nông nghiệp & PTNT tín chấp để cho nông dân vay 1.356 tỷ đồng, tăng 793 tỷ đồng so với cuối năm 2013.

Để hoạt động Hội và phong trào nông dân trong thời gian tới đạt kết quả cao hơn, đòi hỏi mỗi cán bộ, hội viên, nông dân cần đoàn kết phấn đấu và nổ lực hơn nữa, tập trung củng cố xây dựng tổ chức Hội vững mạnh trên các mặt: tư tưởng, tổ chức và hành động; các cấp Hội cần phát huy những thành tựu để khẳng định bước đi đúng đắn của Ban Chấp hành Hội Nông dân các cấp, nhiệm kỳ 2018 - 2023.

Nhiệm vụ đặt ra trong thời gian tới là hết sức nặng nề: Các cấp Hội cần đề ra các biện pháp thiết thực hơn nữa trong vai trò lãnh đạo, chỉ đạo hội viên nông dân đoàn kết, nhất trí cao để thực hiện đạt và vượt các chỉ tiêu thi đua mà Nghị quyết Hội Nông dân các cấp đã đề ra; Tăng cường sự phối hợp với các ban, ngành liên quan và đẩy mạnh mối liên kết 4 nhà; hướng dẫn, giúp đỡ nông dân hình thành các nhóm sản xuất, các tổ hợp tác, hợp tác xã... để nâng cao sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. Các cấp Hội phải thường xuyên chăm lo củng cố, xây dựng tổ chức Hội vững về chính trị, mạnh về tổ chức, thống nhất về hành động, xây dựng đội ngũ cán bộ Hội có bản lĩnh chính trị, có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, có tâm huyết với nông nghiệp, nông dân, nông thôn, chăm lo và bảo vệ quyền lợi chính đáng cho nông dân. Hội phải nắm bắt tâm tư, nguyện vọng chính đáng của nông dân để đề xuất những giải pháp tích cực với cấp uỷ Đảng và các cấp chính quyền,... Có như vậy, hoạt động Hội và phong trào nông dân tỉnh ta luôn đi đúng hướng "Dân chủ - Đoàn kết - Đổi mới - Hội nhập -Phát triển" để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc./.

Đồng Xuân
Video
Thống kê truy cập
Đang online
573
Hôm nay
763
Tháng này
205,232
Tổng truy cập
2,533,640