banner
 14/10/2019 11:20:41 AM

Hội Nông dân tỉnh Quảng Ngãi - Những mốc son lịch sử

Nông dân, nông nghiệp và nông thôn từ trước đến nay là một trong những vấn đề chiến lược của cách mạng nước ta. Trong sự nghiệp đấu tranh giành độc lập và bảo vệ Tổ quốc, giai cấp nông dân là lực lượng đông đảo nhất trong nhân dân, là đội quân Cách mạng to lớn của dân tộc. Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, giai cấp nông dân được tập hợp trong tổ chức chính trị xã hội của mình là Hội Nông dân Việt Nam, cùng với giai cấp công nhân giữ vai trò đội quân chủ lực góp phần quyết định hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ giải phóng dân tộc
Ban Chấp hành Hội Nông dân tỉnh khóa XVI, nhiệm kỳ 2018 - 2023

Ngày nay trong sự nghiệp bảo vệ vững chắc nền hoà bình độc lập và xây dựng Tổ quốc Việt Nam XHCN, giai cấp nông dân và tổ chức Hội Nông dân Việt Nam ngày càng lớn mạnh về mọi mặt xứng đáng là lực lượng đồng minh tin cậy trong khối liên minh công nông – trí thức, đảm bảo thực hiện thắng lợi sự nghiệp CNH – HĐH nông nghiệp, nông thôn và phát triển đất nước.

Sự ra đời của Nông Hội đỏ, tiền thân của Hội Nông dân Việt Nam ngày nay 

Vào đầu năm 1920, sau khi dập tắt các cuộc khởi nghĩa của nông dân, thực dân Pháp tiến hành cướp đoạt gần 1 triệu ha ruộng đất của nông dân, địa chủ phong kiến chỉ với 2% dân số cả nước nhưng chiếm 51% ruộng đất canh tác. Nông dân chiếm trên 90% dân số nhưng chỉ có 36% ruộng đất, trong đó gần 60% số hộ không có ruộng đất. Phong trào đấu tranh chống cướp đoạt ruộng đất, sưu thuế tô tức nặng nề của nông dân còn mang tính tự phát và bước đầu có sự lãnh đạo của các tổ chức tiền thân của Đảng Cộng sản Việt Nam hoặc Việt Nam Quốc dân Đảng. Trong đấu tranh, giai cấp nông dân được tôi luyện trưởng thành và xuất hiện những người con ưu tú, hình thành nhiều tổ chức như: Phường lợp nhà, Phường hiếu hỉ, Phường tương tế...để bảo vệ quyền lợi của nông dân.

Cuối thập kỷ 20 của thế kỷ XX, Nông hội đã xuất hiện một số địa phương. Đầu năm 1930, Hội nghị thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam được tổ chức tại Cửu Long (Hương Cảng - Trung Quốc), trong Sách lược vắn tắt của Đảng do đồng chí Nguyễn Ái Quốc dự thảo đã nhấn mạnh: "Nông dân là lực lượng to lớn của cách mạng", “Đảng phải thu phục cho được đại đa số dân cày nghèo làm cách mạng thổ địa đánh đổ bọn đại địa chủ và phong kiến''''.

Để kịp thời lãnh đạo phong trào cách mạng của nông dân, tháng 10-1930 Hội nghị lần thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương đã ra Nghị quyết về nông dân, đề ra nhiệm vụ khẩn trương thành lập Tổng Nông hội Đông Dương. Ngày 14-10-1930 Nông hội Đỏ được thành lập, tiền thân của Hội Nông dân Việt Nam ngày nay. Tổ chức Nông hội được thành lập, từ Tổng Tổng Nông hội, huyện Tổng Nông hội, tỉnh Tổng Nông hội, xứ Tổng Nông hội, Đông Dương Tổng Nông hội; cơ sở của Nông hội là làng.

Mục đích của Nông hội làng là đoàn kết hết thảy bần và trung nông trong làng, liên hiệp với nông dân và công nhân các nơi trong nước để đấu tranh chống áp bức, bóc lột, bênh vực quyền lợi của nông dân và thực hiện cách mạng ruộng đất.

Ở Quảng Ngãi, giai cấp nông dân đã sớm nhận rõ vai trò của mình, được sự lãnh đạo và chỉ đạo chặt chẽ của Tỉnh uỷ, tổ chức Nông hội đỏ ở tỉnh ta đã sớm được thành lập, từ đầu năm 1930 đã tập hợp được 1.200 hội viên và hoạt động rất mạnh mẽ ở các huyện, xã thực hiện khẩu hiệu: “Độc lập dân tộc và người cày có ruộng”.

Từ đó tổ chức Hội Nông dân tỉnh ta ngày càng lớn mạnh, đến tháng 05/1945, số hội viên tăng lên 11.000HV; tháng 6/1945 là 70.000 HV; và đến tháng 7/1945 đã tăng lên 110.000 HV. Đại hội đại biểu HND cứu quốc tỉnh Quảng Ngãi tháng 6/1946 đã bầu Đ/c Huỳnh Viết làm bí thư Nông hội; Đại hội đại biểu nông dân cứu quốc lần thứ II được tiến hành từ ngày 18 đến ngày 20/8/1950 đã bầu Đ/c Phạm Thanh Biền (bí danh Lam Sơn) làm bí thư, sau đó Đ/c Cao Ký làm bí thư “Hội nông dân cứu quốc” tỉnh....

Phát huy truyền thống yêu nước của dân tộc ta, Dưới sự lãnh đạo của ĐCSVN, giai cấp nông dân Quảng Ngãi đã anh dũng đấu tranh bảo vệ nền hoà bình độc lập, quyết “một tất không đi, một li không rời”, bám đất, bám làng, vừa lo sản xuất nuôi quân, vừa là lực lượng chủ yếu tham gia hoả tuyến chiến đấu và phục vụ chiến đấu để làm nên những chiến công oanh liệt mà đỉnh cao là cuộc khởi nghĩa Ba Tơ ngày 11/3/1945 đã đi vào lịch sử nước nhà, góp phần cùng cả nước lập nên chiến thắng Điện Biên Phủ lẫy lừng 1954.

Nông dân Quảng Ngãi trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước

Trong 21 năm kháng chiến chống Đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai bán nước (1954 – 1975), nông dân Quảng Ngãi đã một lòng theo Đảng và quyết tâm bảo vệ thành quả của cuộc kháng chiến chống Pháp, tiếp tục phát động nhiều cuộc khởi nghĩa góp phần đánh bại “chiến tranh đặc biệt” của đế quốc Mỹ (1960 – 1965). 

Thời kỳ này, địch biết Quảng Ngãi là một tỉnh tự do trong 9 năm kháng chiến chống Pháp (1945 – 1954), một tỉnh có lực lượng cách mạng hùng hậu, nhân dân có tinh thần yêu nước cao, nên chúng đã dùng mọi âm mưu thủ đoạn nham hiểm, thâm độc nhất để đánh phá. Địch đã gấp rút tập hợp bọn phản động dựng lên chính quyền từ tỉnh đến các làng xã. Đồng thời địch sử dụng bọn “Chí xêng” (quân phiến loạn Sơn Hà 1950) và đưa bọn lính Nùng từ miền Bắc vào để đánh phá phong trào cách mạng, trấn áp nhân dân, chúng còn lập ra đảng phản động như “Cần lao nhân vị” bọn phản động lưu vong “Quốc dân đảng” và bọn đội lốt tôn giáo làm chỗ dựa chính trị cho Mỹ, ngụy.

Địch rắp tâm phá bỏ mọi thành tựu cách mạng và tước đoạt mọi quyền lợi của nhân dân do Đảng ta mang lại trong chín năm kháng chiến. Chúng đổi huyện thành quận, đổi tên các xã, cướp lại ruộng đất mà cách mạng đã chia cho nông dân, xoá bỏ việc giảm tô, giảm tuất, ngăn cấm việc tự do đi lại làm ăn, hạn chế việc học hành, cấm các bài hát cách mạng...

Người nông dân sống trong cảnh đời bị o ép ngột ngạt, nhiều gia đình cách mạng sống trong tình cảnh đau thương tan nát. Địch còn tiến hành những vụ lùng ráp bắt bớ, giam cầm và tra tấn nhục hình, cướp phá qui mô; một tên thôn trưởng cũng có quyền bắt người giết tại chỗ. Chúng đã dùng những thủ đoạn tra tấn man rợ của thời trung cổ: chôn sống, phơi thây, mổ bụng, moi gan, bêu đầu, lấy người để thay trâu đâm trong các buổi ăn thề...

Ở Quảng Ngãi nhà tù mọc lên như nấm, xã nào cũng có nhà giam, nhà lao Quảng Ngãi chật ních người. Năm 1961, Mỹ - Diệm lấy khu V làm trọng điểm cho việc thực hiện kế hoạch này. Quảng Ngãi là một trong những nơi bị đánh phá khốc liệt nhất. Bọn địch tăng cường đóng thêm nhiều cụm chốt lớn ở vùng giáp ranh để chia cắt giữa miền núi với trung du, ra sức xây dựng lực lượng bảo an, dân vệ, biệt kích, thanh niên cộng hoà, thanh niên chiến đấu và thực hiện quân sự hoá nữ nông dân.

Từ giữa năm 1961 bọn địch đã lập ấp chiến lược ở hầu khắp những vùng nông thôn, 64% nông dân trong tỉnh bị chúng gom vào “ấp chiến lược”. Đây là thời kỳ nông dân ta phải sống một cuộc đời tù tội, nghiệt ngã đầy thử thách. Thực hiện Chỉ thị của TW Đảng, Đảng bộ tỉnh Quảng Ngãi đã phát động toàn dân hưởng ứng, nông dân Quảng Ngãi đã hăng hái động viên con em mình tình nguyện lên căn cứ để xây dựng lực lượng vũ trang cách mạng. Hầu hết các xã miền núi đều thành lập đội du kích, còn ở đồng bằng thì thành lập các đội vũ trang công tác, hỗ trợ cho quần chúng đấu tranh.

Cán bộ nông dân, chiến sĩ, đảng viên tuyên truyền giáo dục vận động nông dân đóng góp sức người, sức của để đảm bảo nhu cầu tại chỗ cho lực lượng vũ trang tiếp tục hoạt động. Kết hợp tiến công địch từ bên ngoài và nổi dậy từ bên trong. Nông dân các huyện từ Bình Sơn đến Đức Phổ nổi lên phá “ấp chiến lược”.

Chỉ trong một thời gian ngắn hầu hết nông dân tỉnh ta; trong đó có nông dân khu vực Tây Bắc huyện bình Sơn đã được giải phóng. Còn các đội công tác tại Phổ Phong (Đức Phổ), Đức Minh (Mộ Đức), Tịnh Thọ, Tịnh Hiệp (Sơn Tịnh), Hành Tín (Nghĩa Hành)… đang ra sức bám sát và phát động quần chúng. Nông dân Phổ Phong chặt cây lấp đường, vót chông, đào công sự bố phòng từ Vực Liêm đến Trung Sơn, tổ chức biểu tình phản đối địch bắt người cướp của giết trâu, bò…

Phong trào bắn máy bay của du kích cũng diễn ra ở nhiều nơi, đặc biệt ở huyện Ba Tơ bắn được 4 máy bay của địch. Cuộc tiến công nổi dậy của nông dân ở đồng bằng Quảng Ngãi lần thứ hai kéo dài đến hết năm 1964, quân dân Quảng Ngãi đã đánh hơn 594 trận loại khỏi vòng chiến đấu hơn 6.162 tên địch, thu 761 súng các loại, phá huỷ 60 xe quân sự và 232 ấp chiến lược, giải phóng cho hơn 334.000 nông dân khỏi ách kìm kẹp của Mỹ - ngụy.

Ngày 27/4/1965 Quân uỷ Trung ương ra Chỉ thị mở đợt hoạt động hè mang tên “chiến dịch Lê Độ” (từ 15/5 đến 30/8/1965) nhằm tiếp tục tiêu diệt một bộ phận lớn quân ngụy tăng cường phá ấp chiến lược, giải phóng phần lớn nông thôn, đồng bằng được mở rộng vùng giải phóng Nam - Bắc Tây Nguyên đồng thời tập trung sức đánh một số trận phủ đầu quân Mỹ.

Đêm 28 rạng ngày 29/5/1965, với sự phục vụ của đông đảo nông dân huyện Sơn Tịnh, Tư Nghĩa, bộ đội chủ lực của quân khu V và bộ đội địa phương tiến công vào hai trung đội dân vệ ở ấp chiến lược thôn Diên Niên, Phước Bình và một trung đội cộng hoà đóng ở Núi Chợ, Lộc Thọ xã Tịnh Sơn. Sau 10 phút chiến đấu quân địch bị tiêu diệt sạch. Ta còn tiến đánh địch từ Ba Gia kéo xuống Núi Tròn, Núi Khỉ để tiếp viện, tiêu diệt hoàn toàn một tiểu đoàn cộng hoà ngụy, tên tiểu đoàn trưởng bị ta bắt sống, hai cố vấn Mỹ chết tại trận. Nông dân các xã Tịnh Sơn, Tịnh Minh, Tịnh Bắc cùng lúc nổi dậy, dùng gậy gộc, dao rựa… cùng bộ đội truy bắt 217 tù binh, thu toàn bộ vũ khí. Chiến thắng vang dội ở Ba Gia trong hai ngày 30 và 31 tháng 5 năm 1965 là bài ca hùng tráng của bộ đội chủ lực và nông dân Quảng Ngãi.

Sự phối hợp của quân dân cách mạng Quảng Ngãi làm nên chiến thắng Ba Gia lịch sử đã giữ vững và phát huy mạnh mẽ quyền chủ động trên chiến trường, góp phần cùng quân dân toàn miền đánh bại chiến lược “chiến tranh đặc biệt” của đế quốc Mỹ, làm thất bại âm mưu “dùng người Việt đánh người Việt” của đế quốc Mỹ . Phát huy tinh thần đoàn kết và lòng yêu nước nồng nàn của toàn dân tộc, tổ chức Hội Nông dân tỉnh ta ngày càng phát triển và lớn mạnh.

 

Đ/c chí Phạm Thanh Biền (bên phải) - Nguyên Bí thư Nông hội đầu tiên của tỉnh Quảng Ngãi 

Đến năm 1965, toàn tỉnh có 45.365 hội viên. Năm 1966 ở 6 huyện đồng bằng đã có 67 xã được giải phóng, trong đó có 59 xã có Ban Chấp hành nông hội xã. Sự củng cố và phát triển của Hội Nông dân giải phóng là điều kiện để nông dân có tổ chức đoàn kết đấu tranh vì sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc. Phong trào đấu tranh chính trị, binh vận, phá ấp chiến lược giành quyền làm chủ của nông dân Quảng Ngãi ngày càng phát triển. Sau thất bại của chiến lược “chiến tranh đặc biệt” đế quốc Mỹ chuyển sang “chiến tranh cục bộ” ở miền Nam Việt Nam, đồng thời tiến hành cuộc chiến tranh phá hoại cực kỳ độc ác đối với miền Bắc nước ta.

Đáp lời kêu gọi vang dậy núi sông của Chủ Tịch Hồ Chí Minh “không có gì quý hơn độc lập tự do”, phong trào thi đua sôi nổi “tìm Mỹ mà đánh, tìm ngụy mà diệt” đã được phát động mạnh mẽ trong lực lượng vũ trang giải phóng và đông đảo nông dân ở khắp cả 3 vùng, nông thôn đồng bằng, ven biển, miền núi.

Thực hiện chủ trương của Tỉnh uỷ chỉ đạo, trong một thời gian ngắn, hầu hết các thôn xã trong tỉnh đã hoàn thành bước chuẩn bị sẵn sàng đánh Mỹ cứu nước. Nông dân cùng du kích ngày đêm xây dựng công sự, đào địa đạo, giao thông hào, biến nông thôn thành trận địa phản kích và tiến công địch bằng lực lượng tại chỗ, dựa vào làng chiếm đấu, kết hợp đấu tranh vũ trang với đấu tranh chính trị.

Trận đánh Vạn Tường là cuộc đọ sức lớn đầu tiên giữa quân chủ lực viễn chinh Mỹ. Sau hai ngày giáp chiến ác liệt, một trung đoàn quân giải phóng và du kích Vạn Tường được nông dân che chở và giúp đỡ tận tình trong việc vận chuyển vũ khí, tiếp tế lương thực, cứu chữa thương binh... đã đánh bại cuộc hành quân quy mô lớn của quân Mỹ, tiêu diệt 919 tên Mỹ có 4 đại đội bị diệt gọn, bắn rơi 13 máy bay, phá huỷ 15 xe tăng và xe bọc thép. Sau chiến thắng ở Vạn Tường, hàng loạt trận đánh Mỹ xuất hiện ở một số xã trong tỉnh.

Đầu năm 1966 bọn địch tập trung củng cố và mở rộng vành đai, ra sức càn quét đánh phá liên tục vào các xã vùng căn cứ. chúng thực hiện hai gọng kìm “tìm diệt” lực lượng chủ lực của ta. Trước thế trận đó, nông dân Quảng Ngãi tiếp tục chống càn bảo vệ vùng giải phóng.

Từ ngày 1/1/1966 đến ngày 20/6/1966 đã đánh 857 trận lớn nhỏ, trong đó 607 trận là do lực lượng du kích và nông dân các xã tiến hành đánh bại. Đây là thời kỳ đánh Mỹ lập công lớn nhất của nông dân tỉnh ta. Những thắng lợi của quân dân Quảng Ngãi mà tuyệt đại đa số là nông dân đã góp phần cùng quân dân toàn miền đánh bại hai cuộc phản công chiến lược mùa khô của đế quốc Mỹ, tạo điều kiện thuận lợi để chuẩn bị bước vào cuộc tổng tiến công nổi dậy đồng loạt vào mùa xuân Mậu Thân 1968.

Năm 1969 Ban Chấp hành Hội Nông dân giải phóng tỉnh Quảng Ngãi đã được tăng cường đồng chí Hoàng Hồng Thất làm bí thư, đồng chí Châu Thị Đoàn, phó Bí thư và Thường vụ Hội có đồng chí Nguyễn Long, Phạm Hùng Long…Số lượng hội viên, nông dân cũng ngày càng phát triển. Năm 1968 – 1969 toàn tỉnh có 37.625 hội viên.

Và những thành tựu trong phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới

Ngày nay, trong thời kỳ đổi mới và hội nhập, các cấp Hội trong tỉnh không ngừng củng cố, kiện toàn bộ máy tổ chức, nâng cao chất lượng hội viên và đội ngũ cán bộ Hội ở các cấp. Hoạt động Hội không ngừng được đổi mới về nội dung và phương thức hoạt động, giữ vững vai trò trung tâm và nòng cốt trong các phong trào nông dân; là cầu nối vững chắc giữa nông dân với Đảng, Nhà nước.

Thông qua công tác tuyên truyền, vận động các cấp Hội đã đưa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với nông dân, góp phần đưa Nghị quyết vào cuộc sống nhằm củng cố niềm tin của hội viên nông dân đối với Đảng. Đến nay, toàn tỉnh đã có 165.568 hội viên nông dân sinh hoạt ở 183 cơ sở, 1.126 chi, 3.128 tổ Hội. Tỷ lệ hội viên tham gia sinh hoạt định kỳ thường xuyên dần tăng lên, đạt hơn 75% ở đồng bằng, trên 50% ở miền núi và hải đảo.

Trong sinh hoạt, các cấp Hội luôn lấy nội dung phát triển kinh tế - xã hội làm trọng tâm, kết hợp chặt chẽ với giáo dục chính trị, tư tưởng; phát động 3 phong trào thi đua lớn của Hội và nhất là Phong trào nông dân thi đua SXKD giỏi, đoàn kết giúp nhau giảm nghèo và làm giàu bền vững được đông đảo nông dân hưởng ứng thi đua. Đến cuối năm 2018, toàn tỉnh có 82.042 hộ đạt danh hiệu Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi các cấp, trong đó: Cấp cơ sở có 58.646 hộ, cấp huyện, thành phố có 21.897 hộ, cấp tỉnh có 1.441 hộ, cấp Trung ương có 58 hộ, góp phần vào công tác giảm tỷ lệ hộ nghèo của toàn tỉnh đến cuối năm 2018 còn 9,39%.

Phong trào xây dựng nông thôn mới cũng được phát động sâu rộng và tạo sức lan tỏa trong nông dân. Từ năm 2015 đến nay, các cấp Hội đã vận động nông dân trong tỉnh đóng góp được 531.781 ngày công để tham gia tu sửa, nạo vét kênh mương nội đồng, hiến hơn hơn 13ha đất để mở rộng đường giao thông nông thôn và xây dựng các công trình công cộng; hàng nghìn hecta đất sản xuất được cải tạo theo hình thức dồn điền đổi thửa, đóng góp hơn 200 tỷ đồng để xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn;... góp phần đưa 59 xã và 01 huyện của tỉnh Quảng Ngãi cán đích nông thôn mới vào cuối năm 2018.

Hoạt động dạy nghề và dịch vụ hỗ trợ nông dân luôn được Hội chú trọng, trong những năm qua, các cấp Hội đã tổ chức và phối hợp đào tạo nghề cho hàng ngàn hội viên nông dân với các ngành nghề: trồng trọt, chăn nuôi - thú y, chuyển giao kỹ thuật thâm canh các cây, con giống mới, các quy trình sản xuất nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ,… để hội viên nông dân áp dụng vào thực tiễn mang lại hiệu quả cao, tăng thu nhập và làm giàu chính đáng.

Công tác xây dựng nguồn tài chính Hội cũng tiếp tục được phát huy hiệu quả để hỗ trợ cho nông dân có vốn đầu tư sản xuất kinh doanh. Bằng nhiều nguồn huy động, đến nay tổng nguồn quỹ Hỗ trợ nông dân trong toàn tỉnh đã lên đến lên 37,7 tỷ đồng, hỗ trợ cho hàng ngàn lượt hộ nông dân vay phát triển sản xuất. Bên cạnh đó, các cấp Hội còn nhận ủy thác của Ngân hàng Chính sách xã hội để cho hội viên nông dân vay với tổng dư nợ đến 31/7/2019 là 1.092 tỷ đồng; phối hợp với Ngân hàng nông nghiệp & PTNT tín chấp để cho nông dân vay 1.394,5 tỷ đồng. Từ các nguồn vốn này đã hỗ trợ cho hàng ngàn lượt hộ nông dân vay phát triển sản xuất đã đem lại hiệu quả, nhiều hộ đã thoát nghèo và vươn lên làm giàu bền vững tại quê hương mình.

Trung ương Hội Nông dân Việt Nam khen thưởng cho các cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác Hội và phong trào nông dân tỉnh Quảng Ngãi, nhiệm kỳ 2013 - 2018 

Công tác củng cố và xây dựng bộ máy tổ chức Hội ở các cấp luôn được chú trọng theo phương châm: Tổ chức Hội phải “Vững về chính trị, Mạnh về tổ chức, Thống nhất về hành động”. Vì vậy mà qua các kỳ đại hội, đội ngũ cán bộ Hội Nông dân từ tỉnh đến cơ sở luôn được chuẩn hóa, có tính kế thừa, có trình độ chuyên môn, bản lĩnh chính trị vững vàng, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ công tác Hội trong tình hình mới; luôn đề cao vai trò, nhiệm vụ của tổ chức Hội trong việc chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của hội viên nông dân, góp phần đảm bảo an ninh quôc phòng và trật tự an toàn xã hội ở các địa phương trong tỉnh.

Nhìn lại 89 năm xây dựng, trưởng thành và phát triển, vị thế của Hội Nông dân tỉnh Quảng Ngãi đã được Đảng, Nhà nước đánh giá cao và khẳng định rõ vai trò, vị trí của các cấp Hội trong sự nghiệp CNH – HĐH nông nghiệp nông thôn. Kết quả đó đã thể hiện qua những phần thưởng cao quý đã được tặng đó là: Chủ tịch Nước CHXHCN Việt Nam tặng Huân Chương Lao Động hạng Ba (năm 2005); Huân chương Lao động hạng Nhì (năm 2013); Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen và cờ thi đua xuất sắc nhiều năm liền; Trung ương Hội NDVN tặng hàng trăm huy chương, kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp giai cấp nông dân Việt Nam”, nhiều cờ thi đua xuất sắc; UBND tỉnh tặng nhiều bằng khen cho hàng chục Chiến sỹ thi đua và nhiều bằng khen cho các tập thể và cá nhân có thành tích đóng góp trong phong trào nông dân và công cuộc xây dựng nông thôn mới…

Nguyên lãnh đạo và cán bộ Nông hội khu V tham quan và chụp hình lưu niệm tại Nhà tưởng niệm Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng xã Đức Lân, huyện Mộ Đức (năm 2019)

Phát huy truyền thống, tiếp tục phấn đấu đi lên

Phát huy truyền thống lịch sử của tổ chức Hội Nông dân và giai cấp nông dân Việt Nam, cán bộ, hội viên nông dân trong tỉnh cần phải phấn đấu nỗ lực hơn nữa để góp phần cùng với Đảng, Nhà nước thực hiện thắng lợi các chương trình, mục tiêu phát triển nông nghiệp nông thôn trong thời gian tới, chúng ta cần tập trung thực hiện các nhiệm vụ chủ yếu sau:

Một là: Quán triệt sâu sắc và ra sức thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX; Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc Hội Nông dân Việt Nam lần thứ VII và Nghị quyết Đại hội đại biểu Hội Nông dân tỉnh Quảng Ngãi lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2018 – 2023; Tích cực tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền trong sạch, vững mạnh

Hai là: Thực hiện tốt các chương trình mục tiêu và 16 chỉ tiêu thi đua của Ban Chấp hành Hội Nông dân tỉnh khóa XVI, nhiệm kỳ 2018 – 2023 đã đề ra. Tập trung xây dựng Hội vững mạnh, phát triển hội viên, xây dựng tài chính Hội, xây dựng quỹ hỗ trợ nông dân, phát huy vai trò trung tâm, nòng cốt của Hội trong các phong trào phát triển kinh tế - xã hội xây dựng nông thôn mới. Đặc biệt đẩy mạnh và thực hiện có hiệu quả 3 phong trào thi đua lớn của Hội.

Ba là: Nâng cao hiệu quả thực hiện các chương trình phối hợp với các ban, ngành và đơn vị liên quan để đẩy mạnh các hoạt động đào tạo nghề, giới thiệu việc làm, chuyển giao các tiến bộ KHKT và tăng cường các dịch vụ hỗ trợ trợ nông dân phát triển sản xuất, kinh doanh; Hướng dẫn nông dân thành lập các CLB, Tổ Hợp tác, Hợp tác xã để giúp nông dân liên kết sản xuất nâng cao giá trị và chất lượng hàng hóa theo chuỗi giá trị, gia tăng trên cùng đơn vị diện tích.

Bốn là: Phối hợp chặt chẽ với Bộ chỉ huy quân sự, Bộ đội biên phòng và công an nhân dân để xây dựng và tăng cường tiềm lực quốc phòng an ninh; tăng cường công tác phối hợp trong phòng chống các loại tội phạm và ngăn ngừa các tệ nạn xã hội ở địa bàn nông thôn, miền núi, góp phần tích cực vào việc phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo an ninh quốc phòng.

Năm là, mỗi cán bộ Hội phải làm tốt công tác tuyên truyền, vận động và tập hợp nông dân; tham gia sinh hoạt cùng hội viên nông dân để nắm bắt tâm tư nguyện vọng và dư luận xã hội trong nông dân để kịp thời phản ánh và đề xuất những giải pháp thiết thực với các cấp uỷ Đảng, chính quyền để lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời trong việc phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn, tập hợp nông dân, xây dựng tổ chức Hội Nông dân ngày càng vững mạnh đáp ứng được xu thế Hội nhập kinh tế Thế giới.

Thực hiện tốt các nhiệm vụ trên nhằm đưa các hoạt động của Hội và phong trào nông dân ngày càng phát triển bền vững, tạo vị thế và lực mới, để xây dựng và phát huy vai trò Hội Nông dân, giai cấp nông dân tỉnh ta thực sự là lực lượng nòng cốt trong công cuộc CNH – HĐH nông nghiệp, nông thôn.

Đồng Xuân (Tổng hợp theo tài liệu "Nông dân Quảng Ngãi qua các chặng đường lịch sử")
Video
Thống kê truy cập
Đang online
595
Hôm nay
1,815
Tháng này
221,925
Tổng truy cập
2,500,632