banner
 21/11/2017 10:57:59 AM

Đừng "đẩy" doanh nghiệp xa nông dân

Năm 2017, Quảng Ngãi xây dựng 105 cánh đồng lớn với quy mô trên 2.100ha. Nhiều cánh đồng lớn được DN hỗ trợ 100% giống lúa và một phần phân bón, vật tư, đồng thời đảm nhận việc thu hoạch và bao tiêu toàn bộ sản phẩm với giá cao gấp 1,5 lần thị trường.

 Hào hứng xuống giống


Nhiều năm qua, thông qua HTX NN Đức Tân (Mộ Đức), nông dân xã Đức Tân hợp tác với Công ty TNHH Nông lâm nghiệp TBT (Công ty TBT) để sản xuất các loại giống lúa. Theo hợp đồng liên kết, Công ty TBT sẽ cho nông dân mượn giống chất lượng; hỗ trợ một phần chi phí phân bón, vật tư; đồng thời bao tiêu toàn bộ sản phẩm với giá cao gấp 1,5 lần thị trường. Ngoài ra, Công ty TBT cũng đảm nhận khâu thu hoạch để đảm bảo độ thuần của giống. Về phía nông dân, phải tuân thủ quy trình sản xuất của Công ty TBT, từ khâu giống đến sử dụng phân bón, chăm sóc.

Thu mua lúa tại ruộng ngay khi thu hoạch xong.
Thu mua lúa tại ruộng ngay khi thu hoạch xong.


Nhận thấy hiệu quả của việc liên kết nên từ 40ha tại thôn 2, nông dân xã Đức Tân đã đề nghị chính quyền địa phương hỗ trợ, tạo điều kiện kết nối và hợp tác sản xuất với các DN.

Còn tại xã Phổ Văn (Đức Phổ), hàng chục năm nay, nông dân cũng trở thành đối tác sản xuất lúa với Trung tâm Giống Quảng Ngãi. Điều khiến nông dân hào hứng khi hợp tác với Trung tâm Giống Quảng Ngãi là ngay khi thu hoạch, DN này sẽ thu mua 50% lúa tươi theo giá thóc khô. Số còn lại được người dân dùng để trao đổi, sử dụng trong các vụ tiếp theo. Vì vậy, nông dân phấn khởi vì vừa có thu nhập, lại có giống chất lượng để sử dụng gieo sạ vụ sau.

Còn nhiều lỗ hổng  

 Tuy hiệu quả, nhưng việc liên kết, hợp tác giữa DN và nông dân, qua cầu nối là HTX NN vẫn bộc lộ nhiều bất cập. “Bất cập nhất là, nông dân không tuân thủ nội dung hợp đồng đã ký kết, khiến DN rơi vào cảnh dở khóc dở cười, thậm chí thiệt hại, mất uy tín với các đối tác”, Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH Nông lâm nghiệp TBT Phạm Văn Thi cho biết.

Dù hợp đồng ghi rõ: Để đảm bảo chất lượng giống lúa, nông dân phải tuân thủ thời gian thu hoạch. Đồng thời, khi xảy ra thiệt hại do thiên tai, bão lụt (tùy thuộc vào giai đoạn phát triển của lúa), DN sẽ có trách nhiệm chia sẻ, hỗ trợ với nông dân. Còn nếu nông dân tự ý thu hoạch lúa sớm, ảnh hưởng đến chất lượng giống thì DN có quyền hủy hợp đồng, không thu mua sản phẩm. Tuy nhiên, với phương châm “xanh nhà hơn già đồng” nên khi trời mưa, một số nông dân tự ý thu hoạch khi tỷ lệ lúa chín chỉ đạt 70 - 75%.

“DN cam kết hỗ trợ phần năng suất bị hao hụt, nhưng nông dân vẫn thu hoạch lúa xanh. Vì vậy, chúng tôi không đồng ý bao tiêu đầu ra đối với những hộ này. Bởi, lúa giống mà không đảm bảo chất lượng sẽ ảnh hưởng đến uy tín của DN”, ông Thi bày tỏ.

Xảy ra tình trạng này, các DN cho rằng, lỗi một phần do các HTX chưa tuyên truyền, phổ biến đầy đủ nội dung hợp đồng với nông dân. Có trường hợp HTX không tổ chức họp dân, để thông qua nội dung hợp đồng liên kết với DN, thậm chí phổ biến không đúng chính sách hỗ trợ của DN. Vì vậy, mới có chuyện nông dân thu hoạch lúa còn xanh, vì lo DN làm ăn không sòng phẳng.

Tuy nhiên, cũng có trường hợp DN “bỏ của chạy lấy người” khi xảy ra rủi ro thiệt hại. Thậm chí, dù hỗ trợ một phần phân bón, vật tư và kỹ thuật, nhưng DN lại tìm cách ép nông dân khi thu mua sản phẩm, hoặc không bảo hành năng suất.

DN không thể làm việc với từng hộ nông dân, mà phải thông qua cầu nối là các HTX NN. “Vì vậy, để mối liên kết giữa DN với nông dân được chặt chẽ, các HTX cũng phải lựa chọn DN có năng lực, nhất là việc thực thi các chính sách hỗ trợ, bảo hiểm năng suất, chia sẻ rủi ro... đồng thời giám sát nông dân tuân thủ nội dung hợp đồng đã ký kết, nhằm đảm bảo hài hòa lợi ích cho DN và nông dân”, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Lê Văn Việt đề xuất.

 
Nguồn: Báo điện tử Quảng Ngãi
Video
Thống kê truy cập
Đang online
383
Hôm nay
1,603
Tháng này
221,713
Tổng truy cập
2,500,420