banner
 18/02/2019 09:21:46 AM

Dịch tả lợn châu Phi sát sườn, ứng phó ra sao?

Hiện nay, trên thế giới dịch tả lợn châu Phi đã xuất hiện tại 20 nước. Nguy cơ bệnh dịch tả lợn châu Phi từ nước ngoài xâm nhiễm vào Việt Nam rất cao.

 Trước tình hình trên, Cục Thú y (Bộ NN&PTNT) đã xây dựng Dự thảo kịch bản thông tin và ứng phó với dịch tả lợn châu Phi.

Cụ thể, theo đơn vị này, với các ổ dịch nhỏ lẻ sẽ lấy mấu kịp thời xét nghiệp để có biện pháp xử lý; gửi mẫu xét nghiệp đến Tổ chức Thú y Thế giới (OIE) để khẳng định chính xác do dịch tả bệnh châu Phi.

Trong lúc chờ kết quả xét nghiệm, Cục Thú y thành lập 8 đội phản ứng nhanh đến ngay địa phương nơi gửi mẫu để điều tra, nắm tình hình và hướng dẫn các biện pháp xử lý, phòng, chống dịch bệnh lây lan; phòng chống bán chạy. Khi có kết quả xét nghiệm dương tính với bệnh dịch tả lợn châu Phi, cấm điều trị lợn bệnh, lợn nghi mắc bệnh và lập tức thực hiện công tác tiêu hủy lợn bệnh.

Cục Thú y nêu rõ, trường hợp 1 ổ dịch là hộ chăn nuôi, gia trại, cơ sở chăn nuôi nhỏ lẻ không có dãy chuồng riêng biệt hoặc chợ, điểm buôn bán lợn, sản phẩm lợn, cơ sở giết mổ lợn: Tiêu hủy toàn đàn trong vòng 24 giờ kể từ khi có kết quả xét nghiệm khẳng định dương tính với bệnh dịch tả lợn châu Phi. Việc tiêu hủy cũng được áp dụng đối với các đàn lợn liền kề với đàn lợn dương tính nhưng chưa được lấy mẫu xét nghiệm.

Tại vùng dịch, vùng bị dịch uy hiếp, trong vòng 48 giờ việc tiêu hủy được áp dụng với đàn lợn bị bệnh có triệu chứng lâm sàng của dịch tả lợn châu Phi mà không nhất thiết phải chờ có kết quả xét nghiệm nhằm ngăn chặn dịch bệnh phát tán, lây lan diện rộng.

Đối với chăn nuôi trang trại số lượng lớn có nhiều dãy chuồng riêng biệt thì tiêu hủy toàn bộ lợn trong chuồng, dãy chuồng có lợn bệnh. Các dãy chuồng còn lại áp dụng các biện pháp an toàn sinh học và lấy mẫu giám sát định kỳ. Nếu phát hiện dương tính hoặc xét thấy có nguy cơ lây nhiễm cao thì tiêu hủy toàn trang trại…

Đối với tình huống dịch bệnh được phát hiện trên phạm vi rộng, khi có kết quả xét nghiệm dương tính với hộ bị dịch trong cùng một đơn vị cấp xã, đàn lợn các hộ chăn nuôi, trang trại còn lại trong cùng xã, nhóm xã, nhóm huyện và toàn tỉnh, nếu có biểu hiện hiện triệu chứng điển hình của dịch tả lợn châu Phi có thể tiến hành các biện pháp tiêu hủy ngay không cần xét nghiệm…

Về vấn đề tiến hành khoanh vùng, xử lý ổ dịch, theo Cục Thú y, đối với vùng dịch là xã, phường, thị trấn nơi có ổ dịch thực hiện việc tổng vệ sinh, khử trùng tiêu độc liên tục 1 lần/ngày trong vòng 1 tuần đầu tiên; 3 lần/tuần trong 2-3 tuần tiếp theo.

Đối với vùng bị dịch uy hiếp trong phạm vi 3 km xung quanh ổ dịch, thực hiện việc tổng vệ sinh, khử trùng tiêu độc liên tục 1 lần/ngày trong vòng 1 tuần đầu tiên; 3 lần/tuần trong 2-3 tuần tiếp theo. Đối với cùng đệm trong phạm vi 10 km xung quanh ổ dịch, thực hiện việc tổng vệ sinh, khử trùng tiêu độc với tần suất 1 lần/tuần liên tục trong vòng 1 tháng kể từ khi có ổ dịch…

Theo thông tin từ OIE, tính từ năm 2017 đến ngày 14/02/2019, đã có 20 quốc gia báo cáo bệnh dịch tả lợn châu Phi. Tổng cộng đã có hơn 1,08 triệu con lợn buộc phải tiêu hủy.

Tại Trung Quốc, theo thông tin từ OIE và Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc (FAO), từ ngày 3/8/2018 đến ngày 14/2/2019, Trung Quốc thông báo tổng cộng có 105 ổ dịch xuất hiện tại 25 tỉnh. Tổng cộng đã có hơn 950 nghìn con lợn các loại buộc phải tiêu hủy.

Đại diện Cục Thú y nhận định, hiện nay, trên thế giới dịch tả lợn châu Phi đã xuất hiện tại 20 nước, trong đó dịch bệnh đã được xác định lây lan rất nhanh từ các nước như Liên bang Nga sang Trung Quốc, Đài Loan và Mông Cổ, nên nguy cơ dịch bệnh lây lan sang Việt Nam và các nước khác là rất cao.

Bên cạnh đó, cư dân biên giới giữa Việt Nam và các nước có nhiều hoạt động giao thương, qua lại giữa Việt Nam và các nước (đặc biệt tại một số địa phương như Quảng Ninh, có ngày có trên 10.000 lượt người qua lại ở biên giới hai nước); lượng xe cộ, phương tiện vận chuyển cũng được người dân Việt Nam và các nước sử dụng nhiều nên rất có thể mang theo mầm bệnh dịch tả lợn châu Phi vào Việt Nam.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến đánh giá: Mặc dù diễn biến của các loại dịch bệnh đang phức tạp nhưng nhiều nơi chính quyền địa phương chưa vào cuộc, do vậy thời gian tới phải rà soát lại cách làm.

Nguồn: Langmoi.vn
Video
Thống kê truy cập
Đang online
22
Hôm nay
79
Tháng này
208,421
Tổng truy cập
2,536,829