banner
 10/07/2017 10:09:41 AM

Đề xuất quy định về hỗ trợ bảo vệ rừng

Những quy định về hỗ trợ bảo vệ rừng phòng hộ và rừng sản xuất là rừng tự nhiên, khoanh nuôi tái sinh rừng được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề xuất tại dự thảo hướng dẫn một số nội dung thực hiện Quyết định số 886/QĐ-TTg ngày 16/6/2017 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu phát triển Lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2016-2020.

Theo dự thảo, về hỗ trợ bảo vệ rừng phòng hộ và rừng sản xuất là rừng tự nhiên, đối tượng được hỗ trợ: Diện tích rừng phòng hộ và rừng sản xuất là rừng tự nhiên được nhà nước giao cho hộ gia đình đồng bào dân tộc thiểu số, hộ gia đình người Kinh nghèo, cộng đồng dân cư thôn đang sinh sống ổn định tại các xã có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn (khu vực II và III) thuộc vùng dân tộc và miền núi theo tiêu chí Thủ tướng Chính phủ quy định.
 

Điều kiện, phương thức hỗ trợ sẽ thực hiện theo quy định tại Thông tư liên tịch số 93/2016/TTLT-BTC-BNNPTNT ngày 27/6/2016 của Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn chế độ quản lý, sử dụng kinh phí sự nghiệp thực hiện Nghị định số 75/2015/NĐ-CP ngày 9/9/2015 của Chính phủ về cơ chế, chính sách bảo vệ và phát triển rừng, gắn với chính sách giảm nghèo nhanh, bền vững và hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2015-2020.

Khoanh nuôi tái sinh rừng

Về khoanh nuôi tái sinh tự nhiên, dự thảo nêu rõ, đối tượng rừng là đất quy hoạch cho phát triển rừng phòng hộ, rừng đặc dụng và rừng sản xuất thuộc đối tượng khoanh nuôi xúc tiến tái sinh tự nhiên. Đối tượng được hỗ trợ: Tổ chức, cá nhân, hộ gia đình thực hiện khoanh nuôi tái sinh rừng trên diện tích đất rừng phòng hộ, rừng đặc dụng và rừng sản xuất là rừng tự nhiên được giao.
 

Điều kiện được hỗ trợ: Thuộc đối tượng trên; có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc quyết định giao đất của cấp có thẩm quyền; thực hiện khoanh nuôi tái sinh tự nhiên theo đúng thiết kế, được nghiệm thu kết quả.
 

Mức hỗ trợ: Áp dụng quy định tại Điểm a Khoản 4 Điều 6 Quyết định số 38/2016/QĐ-TTg.
 

Phương thức hỗ trợ: Thực hiện dựa trên kết quả khoanh nuôi tái sinh rừng của đối tượng được hỗ trợ.
 

Với khoanh nuôi tái sinh có trồng bổ sung cây lâm nghiệp, theo dự thảo, đối tượng rừng: Diện tích đất quy hoạch cho phát triển rừng phòng hộ và rừng sản xuất thuộc đối tượng khoanh nuôi xúc tiến tái sinh đáp ứng các tiêu chí theo Quy phạm kỹ thuật QPN 21-98 ban hành kèm theo Quyết định số 1998/QĐ-BNN-KHCN ngày 04/11/1998 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
 

Đối tượng được hỗ trợ là tổ chức, cá nhân, hộ gia đình thực hiện khoanh nuôi tái sinh có trồng rừng bổ sung trên diện tích đất rừng phòng hộ và rừng sản xuất là rừng tự nhiên được giao.
 

Điều kiện được hỗ trợ được đề xuất như sau: Thuộc đối tượng theo quy định trên; có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc quyết định giao đất của cấp có thẩm quyền; thực hiện khoanh nuôi tái sinh có trồng rừng bổ sung theo đúng thiết kế, dự toán được duyệt (Cơ quan phê duyệt thiết kế, dự toán ở địa phương do Chủ tịch UBND cấp tỉnh quy định); được cấp thẩm quyền nghiệm thu kết quả.
 

Mức hỗ trợ: Áp dụng quy định tại Điểm b Khoản 4 Điều 6 Quyết định số 38/2016/QĐ-TTg. Phương thức hỗ trợ: Thực hiện dựa trên kết quả khoanh nuôi tái sinh có trồng rừng bổ sung của đối tượng được hỗ trợ.
 

Dự thảo nêu rõ, riêng đối với hoạt động hỗ trợ khoanh nuôi tái sinh có trồng bổ sung cây lâm nghiệp trên đất lâm nghiệp được nhà nước giao cho hộ gia đình đồng bào dân tộc thiểu số, hộ gia đình người Kinh nghèo đang sinh sống ổn định tại các xã có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn (khu vực II và III) thuộc vùng dân tộc và miền núi theo tiêu chí Thủ tướng Chính phủ quy định thực hiện theo quy định tại Thông tư liên tịch số 93/2016/TTLT-BTC-BNNPTNT.

nguồn: Chinhphu.vn
Video
Thống kê truy cập
Đang online
10
Hôm nay
595
Tháng này
200,258
Tổng truy cập
2,528,666