banner
 19/07/2021 05:06:18 PM

Để người nông dân “sống khỏe” với nghề trồng rau sạch

Về xã Nghĩa Hà (TPQN) vào những ngày hè nóng bức khi nhiệt độ đỉnh điểm có hôm lên đến 39 – 40oc nhưng khắp các cánh đồng hoa màu lại bạt ngàn một màu xanh non mơn mởn mát cả mắt. Anh Nguyễn Nhanh, Chủ tịch Hội Nông dân xã Nghĩa Hà dẫn chúng tôi đến tham quan mô hình trồng rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGap của HTX Nông nghiệp và Dịch vụ Nghĩa Hà mới thấy nỗi nhọc nhằn xen lẫn sự hồ hởi, phấn khởi của bà con nông dân nơi đây…
Vườn bí đao xanh của gia đình anh Đặng Văn Minh chi chít quả

Nghĩa Hà là một xã thuần nông với tổng diện tích là 1.383,8 ha; có 3.907 hộ với 15.418 nhân khẩu. Địa hình bằng phẳng, đất đai tương đối màu mỡ nên các loại rau và hoa màu rất phù hợp với thổ nhưỡng nơi đây. Vì vậy mà chủ trương của chính quyền địa phương này luôn quan tâm, tạo điều kiện và hỗ trợ cho nông dân đầu tư mô hình trồng rau, hoa màu để nâng cao thu nhập.

Tuy nhiên, những năm gần đây do nhu cầu phát triển của xã hội nên vấn đề về an toàn thực phẩm luôn đặt lên hàng đầu, trong đó người tiêu dùng luôn hướng đến việc chọn rau xanh theo tiêu chuẩn “sạch, an toàn” để đảm bảo chất lượng dinh dưỡng và an toàn sức khỏe cho gia đình. Vì vậy mà chính quyền địa phương nơi đây đã chủ động lên phương án, kế hoạch và định hướng phát triển vùng rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGap với quy mô lớn nhằm nâng cao chất lượng và giá trị nông sản trên cùng đơn vị diện tích.

Ban đầu mô hình được thí điểm tại xứ đồng thôn Hổ Tiếu trên diện tích 1ha vào năm 2015 do Công ty Nông nghiệp công nghệ cao Qnasefe hợp tác với 18 hộ dân ở địa phương thực hiện dưới sự hỗ trợ kinh phí và tư vấn theo chương trình mục tiêu quốc gia vệ sinh an toàn thực phẩm, giai đoạn 2012-2015.

Khác với sản xuất rau theo truyền thống như trước đây thì mô hình trồng rau theo tiêu chuẩn VietGap đòi hỏi nông dân phải tuân thủ nghiêm ngặt đúng theo quy trình, tiêu chí đặt ra như: chuẩn về kỹ thuật sản xuất; an toàn thực phẩm, đảm bảo không có hóa chất, nhiễm khuẩn hoặc ô nhiễm vật lý khi thu hoạch; ngăn chặn việc lạm dụng thuốc BVTV. Tiêu chuẩn này cho phép ngành chức năng xác định được từ khâu sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm thông qua mã vạch, bao bì của sản phẩm. Kết quả mô hình đã cho ra sản phẩm rau an toàn đạt tiêu chuẩn (VietGap) và được bán ở nhiều cửa hàng, siêu thị trong thành phố Quảng Ngãi (sản phẩm có mã vạch, bao bì riêng mang thương hiệu sản phẩm rau VietGap của Công ty Qnasafe).

Thông qua thí điểm mô hình, từng bước tạo cho người dân trong xã quen dần với quy trình sản xuất mới và thay đổi thói quen trồng rau truyền thống như trước đây. Tuy nhiên, với số lượng rau an toàn ít ỏi chỉ ở một mô hình so với nhu cầu sử dụng rau của người dân cả tỉnh là chưa đủ. Vì vậy mà đến năm 2018, chính quyền địa phương đã xây dựng kế hoạch đầu tư và mở rộng diện tích vùng chuyên canh sản xuất rau an toàn trên trên cánh đồng Vườn Dài lên đến 4 ha. Theo đó, mô hình này được xây dựng theo hình thức hoạt động của Hợp tác xã nhằm liên kết các tổ, hộ nông dân có kinh nghiệm nhiều năm trong trồng rau ở địa phương.

Vườn rau sạch của anh Đặng Văn Minh mùa hè này có nhiều khách đến tham quan, học hỏi kinh nghiệm 

Ông Đặng Văn Minh, tổ trưởng Tổ sản xuất rau an toàn của Hợp Tác xã Nông nghiệp và dịch vụ Nghĩa Hà cho biết: Từ tháng 6/2018, ông tham gia vào Tổ Hợp tác nông dân trồng rau sạch, được tập huấn kiến thức trồng và thâm canh các loại rau theo quy trình kỹ thuật mới với công nghệ hiện đại. Từ đó ông mạnh dạn cải tạo vườn, xây dựng nhà lưới, hệ thống tưới phun tự động cho toàn bộ diện tích vườn với kinh phí đầu tư gần 200 triệu đồng.

Hiện tại, vườn của ông Minh trồng đa dạng các loại rau ăn lá và ăn quả như dưa leo, khổ qua rừng, bầu, bí đao, mướp, rau rừng, các loại cải, mồng tơi, hoa thiên lý, diếp cá,… luôn có quanh năm theo phương thức “trồng xen canh, gối vụ”. Ông Minh chia sẻ: Áp dụng theo kỹ thuật trồng rau an toàn, chỉ sử dụng phân chuồng đã qua xử lý và bánh dầu đã ngâm để bón cho cây, tuyệt đối không dùng thuốc diệt cỏ và các loại thuốc trừ sâu có hại. Cách xử lý an toàn khi rau nhiễm bệnh là xay gừng, tỏi, ớt sau đó ngâm với rượu khoảng 15 ngày, rồi phun lên rau, trị được tất cả các loại sâu bệnh của rau, đồng thời việc áp dụng quy trình hệ thống tưới phun đã góp phần rửa sạch bụi bẩn bám trên lá, quả của cây rau sẽ hạn chế sự đu bám của các sinh vật gây hại. Mỗi ngày vườn của gia đình ông Minh cung cấp ra thị trường từ 30 – 50 kg rau các loại, giá dao động từ 10.000 – 30.000 đồng/kg, doanh thu cao hơn so với cách trồng rau thông thường. Sau khi trừ chi phí, gia đình ông cho thu nhập từ 13 - 15 triệu đồng/tháng, tháng cao điểm có khi thu về gần 20 triệu đồng/tháng.

Tuy nhiên để đầu tư cho một vườn nhà lưới, trụ bê tông làm giàn cho các loại rau dây leo như gia đình ông Minh thì chi phí cũng khá cao mà sản phẩm rau an toàn theo đúng chuẩn sạch, đạt chất lượng thì sản lượng thu về thấp hơn so với sản xuất đại trà. Vì thế mà nhiều hộ tham gia vào thành viên của Tổ hợp tác trồng rau sạch ở xã Nghĩa Hà luôn trăn trở về đầu ra của sản phẩm cần được bao tiêu với giá ổn định hơn. Vì có thời điểm như vào những tháng Giêng, Hai âm lịch hàng năm thời tiết thuận lợi nên nhà nhà đều trồng rau, dẫn đến việc giá rau xuống thấp, chưa kể người tiêu dùng có thói quen chọn rau xanh mướt, giá rẻ chứ chưa phân biệt được sản phẩm sản xuất theo quy trình sạch, an toàn hữu cơ. Vì thế mà nếu đánh đồng giá của sản phẩm rau sạch với rau trồng đại trà thì mô hình trồng rau sạch không có lợi, thậm chí là lỗ vốn.

Để mô hình sản xuất rau an toàn ở xã Nghĩa Hà có hướng đi bền vững, tạo thu nhập cao, ổn định cho người trồng rau, anh Nguyễn Nhanh, Chủ tịch Hội Nông dân xã cho biết: Ban Chấp hành Hội Nông dân xã đã tham mưu với Đảng ủy, UBND xã về các thủ tục hồ sơ để gửi đến cơ quan có thẩm quyền xem xét, kiểm tra, thẩm định và cấp giấy chứng nhận sản phẩm rau an toàn của xã và sẽ có nhãn hiệu, bao bì trên từng loại sản phẩm để người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh nhận biết, tin tưởng và ngày càng ưa chuộng, tin dùng nhiều hơn.

Có như vậy người trồng rau ở xã Nghĩa Hà mới mạnh dạn mở rộng diện tích và đầu tư áp dụng quy trình kỹ thuật công nghệ hiện đại cho mô hình trồng rau an toàn ở địa phương để họ “sống khỏe” với nghề theo định hướng phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ an toàn, bền vững theo chủ trương Nghị quyết Đại hội Đại biểu Hội Nông dân tỉnh lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2018 – 2023 đề ra./.

Đồng Xuân
Video
Thống kê truy cập
Đang online
186
Hôm nay
127
Tháng này
205,763
Tổng truy cập
2,534,171